Mỹ ấn định thời gian hoàn tất tiêu hủy vũ khí hóa học
Mỹ thông báo đang trên lộ trình để kịp hạn chót hoàn tất tiêu hủy vũ khí hóa học vào năm 2023, chúc mừng Moscow đã hoàn thành công việc.
Vũ khí hóa học của Mỹ tại một cơ sở lưu trữ ở bang Colorado hồi tháng 9/2009. Ảnh: Wikipedia.
“Mỹ vẫn duy trì cam kết hoàn tất tiêu hủy vũ khí hóa học. Chúng tôi đang theo lộ trình để kịp hạn chót tự đặt ra là cuối năm 2023″, AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc nói ngày 29/9.
Theo người phát ngôn, hơn 90% kho vũ khí hóa học của Mỹ đã được tiêu hủy. Hạn chót phải thay đổi trong những năm qua do gặp thách thức “công nghệ”.
Video đang HOT
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga hoàn tất tiêu hủy vũ khí hóa học hôm 27/9 và cáo buộc Washington chậm trễ. Mỹ “không thực hiện nghĩa vụ của họ liên quan đến thời gian tiêu hủy vũ khí hóa học. Họ đã dời hạn chót ba lần”, ông Putin nói.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng “Nga đã thu hút và nhận được nguồn tài trợ rất đáng kể từ các nhà tài trợ quốc tế”, trong đó có Mỹ, cung cấp “hơn 1 tỷ USD về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga”.
“Chúng tôi chúc mừng Nga vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, theo người phát ngôn.
Nga và Mỹ đều sở hữu số lượng lớn vũ khí hóa học trong Chiến tranh Lạnh và đã nhất trí tiêu hủy chúng vào tháng 4/2012, sau khi tham gia công ước 1997. Cả hai bên sau đó đều điều chỉnh lại hạn chót.
Như Tâm
Theo VNE
Nga tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng
Nga tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học để thực hiện nghĩa vụ theo công ước quốc tế.
Một nhân viên đi qua lô vũ khí hóa học chờ tiêu hủy tại Shchuchye, Russia năm 2009. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi đang thực hiện nghĩa vụ theo Công ước Vũ khí Hoá học (CWC), nhằm phá huỷ hoàn toàn kho vũ khí hoá học và chúng tôi đã làm trước tiến độ", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, theo RT.
Nga tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng tại một nhà máy xử lý gần làng Kizner ở Udmurtia vào ngày 27/9.
Nga ký CWC vào năm 1993 và khởi động chương trình tiêu hủy vào năm 1996, điều giúp họ tham gia vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW) - cơ quan giám sát công ước, một năm sau đó.
Vào thời điểm đó, Nga tuyên bố sở hữu khoảng 40.000 tấn vũ khí hóa học và cam kết tiêu hủy trước năm 2020.
Năm 2002, Nga bắt đầu vận hành nhà máy tiêu hủy chuyên dụng đầu tiên và sau đó mở thêm cơ sở vào năm 2007, 2009, 2010 và 2013. Đến năm 2015, khoảng 92% kho chất độc đã bị tiêu hủy. Nga cũng phá hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng những nhà máy từng sản xuất vũ khí hóa học.
Hồi tháng ba, Nga đã tiêu hủy kho khí độc cuối cùng và vào tháng 6, Nga tuyên bố họ không còn sở hữu chất độc thần kinh sarin.
Phương Vũ
Theo VNE
Triều Tiên bị nghi hợp tác với Syria trong lĩnh vực tên lửa Triều Tiên bị nghi có quan hệ hợp tác với Syria trong việc chế tạo vũ khí hóa học cũng như chương trình tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, một ban chuyên gia Liên hợp quốc cho biết. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters) Theo Yonhap, nhóm 8 chuyên gia của Liên hợp...