Mưu sinh với nghề hái me trên vỉa hè Sài Gòn
Chỉ với cây gậy tự chế dài khoảng 15 m, mỗi ngày ông Tiếp đi đến những con đường có trồng me để hái trái bán lấy tiền nuôi cả gia đình.
Hàng ngày, ông Phan Hòa Tiếp (40 tuổi, quê Trà Vinh) đi đến những con đường trong TP HCM, tìm những nơi có trồng nhiều cây me để hái quả.
“Tôi làm nghề này được ba năm rồi. Trước đó, tôi đi chở hàng nhưng không may bị tai nạn ở chân nên phải bỏ việc. Thấy nhiều cửa hàng muốn mua me để làm thực phẩm nên tôi mới đi hái”, ông kể.
Phụ ông hái me còn có 2 – 3 người. Mỗi ngày nhóm của ông đi hái từ 10h cho đến chiều. “Đường nào xe cộ đông, vỉa hè hẹp thì chúng tôi không hái vì sẽ ảnh hưởng đến giao thông”, ông nói.
Dụng cụ hái me là 3 cây tầm vông nối lại dài khoảng 15 m. Khi xong việc, ông lại tháo rời từng đoạn để dễ di chuyển.
Trên đầu cây sào gắn lưỡi dao, lò xo, dây kéo để có thể dễ dàng rung cành cho quả me rớt xuống đất. “Tôi tự thiết kế gậy hái me này nhưng phải đem cho thợ làm hết 300.000 đồng mới hoàn thiện”, ông cho hay.
“Việc hái me nhìn thì đơn giản nhưng mất nhiều sức lắm. Riêng cây gậy đã khoảng 20 ký, đưa lên ngọn cây đã mệt còn phải cầm thật chắc để không ngã xuống lòng đường. Khi giật phải dùng hết sức thì quả me mới rụng nhiều”, người đàn ông 40 tuổi cho hay.
Video đang HOT
Để không gây ảnh hưởng giao thông, khi quả me rơi xuống, những người phụ cho ông dùng chổi quét gọn lại cho dễ nhặt.
“Gặp cây nào quả xum quê thì ngày ấy chỉ cần hái 4 cây là đủ chỉ tiêu. Ngày nào không may mắn, có khi đi vòng vèo mấy tuyến đường cũng chẳng thu hoạch được nhiều”, ông Nguyễn Văn Tám, người phụ cho ông tiếp, cho biết.
Theo ông Tiếp, giống me trồng vỉa hè Sài Gòn là me giáng, quả nhỏ, chua, ít bột chỉ thích hợp làm phụ gia thực phẩm.
“Me này khi hái xong, chúng tôi mang về nhà lột sạch vỏ mới đem bán với giá từ trung bình 17.000 đồng một ký”, ông nói. Ở nhà, cả vợ con ông đều tham gia lặt vỏ me từ chiều đến tối trước khi bán cho thương lái ở chợ Bình Điền.
Khá nhiều người đi đường khi thấy nhóm ông Tiếp hái me đã dừng lại mua một ít. “Tuy nhiên cũng có người tự nhiên đến lấy. Nhiều lần chúng tôi còn bị chửi vì hái me trước cửa nhà họ”, ông nói.
Hàng ngày, nhóm của ông Tiếp hái được trung bình 60 ký. “Nhưng sau khi lột vỏ cũng chỉ còn khoảng 50 ký, thu được khoảng 700 nghìn đồng. Do phải chia cho người khác nên chỉ vừa đủ sống nếu tiết kiệm thôi”, ông Tiếp chia sẻ.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Cụ bà 20 năm đập tivi trên vỉa hè Sài Gòn nuôi chồng con
Hàng chục năm nay, bà Thủy (76 tuổi) vẫn ngồi vỉa hè Sài Gòn đập tivi cũ lấy linh kiện bán để nuôi con trai bị tâm thần, mua thuốc cho chồng bị bệnh.
Góc đường Vĩnh Viễn - Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM) 20 năm nay là nơi bà Cao Thị Thủy (76 tuổi, quê Tiền Giang) kiếm sống với việc rã linh kiện những tivi hỏng, phân loại để bán.
Trước đây, hai vợ chồng bà rời quê ở Tiền Giang lên thành phố để bán tạp hóa, bán cơm rồi mở tiệm đồ điện tử nhưng đều thua lỗ nặng. Cơ duyên đến với bà khi có người gợi ý mua bán tivi cũ. Hồi ấy đoạn đường Nhật Tảo, Vĩnh Viễn nhiều người làm nghề này nhưng đến nay chỉ còn vài người, trong đó bà Thủy là "gạo cội" nhất.
Bà Thủy chia sẻ, ban đầu bà không hiểu gì về máy móc, được các con chỉ cách kiểm tra, tháo dỡ linh kiện. Nhưng giờ đây bà có thể tự tay tháo lắp thiết bị, đọc hiểu được chức năng của bo mạch, phân loại các đời, hãng tivi...
Ngày nào người phụ nữ 76 tuổi cũng ra vỉa hè từ 10h, ngồi đến chiều để thu mua, tháo dỡ linh kiện tivi.
Hàng ngày, đều có nhiều người đến bán tivi hỏng, đa phần là đời cũ, với giá thu mua cao nhất 150.000 đồng một cái. Trung bình mỗi ngày bà thu mua và rã linh kiện khoảng 15-20 cái.
"Nghề này cũng mang tính ăn may vì mình không biết tivi họ hỏng nhiều hay ít. Người bán không cho mở ra tại chỗ. Phần đáng giá nhất vẫn là bo mạch, cặp loa, dây đồng. Nếu xui mà bo mạch bị cháy thì coi như lỗ gần nửa tiền", bà Thủy chia sẻ.
Mỗi cặp loa bà bán lại giá khoảng 20.000 đồng, bo mạch khoảng 40.000-60.000 đồng, vỏ tivi 4.000 một ký. Trong đó, chỉ có loa với bo mạch là nhiều người mua nhất. "Tính ra mỗi cái tivi khi rã ra chỉ lời được 20 nghìn" bà cho biết.
"Ngày xưa đồng còn được 100 nghìn đồng một cân chứ nay chỉ còn 80 nghìn. Còn bóng đèn tivi trước cũng bán được 1.000 đồng một cái nhưng nay thì chỉ cho mấy cô ve chai về đập lấy sắt vụn", bà khẽ nói.
Phụ bà có cậu con trai út tên Huỳnh Phương Tâm (31 tuổi). Anh Tâm bị bệnh thần kinh dạng nhẹ, đến nay chưa lập gia đình. Không nghề nghiệp ổn định, ngày nào cậu cũng ra phụ mẹ.
Bà Thủy có 9 người con (một gái), lớn nhất cũng gần 60 tuổi. Hiện bà ở với chồng và hai con trai. Trong đó, cậu con kế út Huỳnh Phương Thái (35 tuổi) bị chứng tâm thần phân liệt suốt 15 năm nay, tự tay bà phải lo ăn uống, tắm rửa cho con.
Mỗi ngày, chồng bà lại chở con trai ra để bà bón cơm. Bản thân chồng bà Thủy cũng đã cao tuổi, sau một tai nạn thì bị di chứng ở chân nên không còn đi làm.
Bà cho biết, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng tháng từ nghề "đập tivi", trừ tiền trọ thì phải khéo chi tiêu lắm mới đủ cho cả gia đình bà sinh sống. Điều bà lo lắng nhất là khi công trình cạnh chỗ làm xây xong thì bà buộc phải di dời. "Tôi cũng không biết đi đâu nữa. Hết cách thì về quê bán rau vậy", bà ngậm ngùi.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Dầm mình dưới biển nửa ngày cào nghêu ở Cần Giờ Giữa trưa nắng gắt trên bãi biển Cần Giờ (TP HCM), hàng trăm người dầm mình trong nước khoảng 4-6 giờ để mò, cào nghêu mưu sinh. Những ngày này, mỗi sáng khi nước triều rút, khoảng 200 người chuyên cào nghêu thuê ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP HCM) bắt đầu ra bãi biển mưu sinh. "Thời điểm bắt nghêu...