Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ – Kỳ 13: Đi lên từ nước đá
33 tuổi, có trong tay tiền tỉ, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động là điều mà Trần Minh Quang (xã Quang Phú, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) không dám nghĩ đến khi mới khởi nghiệp.
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất nước đá, nước tinh khiết của Công ty TNHH TM-SX-XDTS Tiến Dũng tầm xế trưa nhưng nhà máy vẫn chạy đều đặn, công nhân vận hành, bốc hàng lên xe không ngừng nghỉ. Gặp khách, vị giám đốc trẻ Trần Minh Quang hồ hởi bắt tay, tiếp chuyện. Anh cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300 bình nước tinh khiết 10 lít hiệu Khe Su và 2 tấn đá lạnh sạch. Tính ra doanh thu mỗi năm khoảng 2,5 tỉ đồng và lãi gần 1 tỉ đồng.
Anh Quang đang gia cố lại các bình nước tinh khiết – Ảnh: T.Q.N
Ít ai biết đó là cơ sở sản xuất nước đá sạch đầu tiên ở Đồng Hới. Ý tưởng khởi nghiệp bằng nghề này đến với Quang từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Mặc dù theo học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản nhưng Quang lại đam mê nghề sản xuất nước đá. Những lần đi đây đó anh quan sát và nhận thấy nhu cầu sử dụng nước đá rất lớn, nhất là trong những ngày hè trong khi ở quê anh vẫn chưa ai làm nước đá sạch dạng từng viên tròn.
Năm 2007, tốt nghiệp đại học, anh bàn với bố mẹ hùn vốn cùng bà con mở cơ sở sản xuất. Anh tìm mua máy làm đá ở TP.HCM, tìm mua máy sản xuất nước tinh khiết ở Hà Nội, sắm xe vận chuyển hết khoảng 1,5 tỉ đồng. Mua về, lắp đặt, được chuyển giao công nghệ nhưng để làm thành thạo và có kinh nghiệm, Quang phải tiếp tục lặn lội, âm thầm theo học nghề ở các cơ sở tại những thành phố lớn.
Video đang HOT
Đúng như Quang nhận định, đá sạch sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Thậm chí, vào mùa hè cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng, các nhà hàng, khách sạn thường phải đến chờ đợi. Thấy làm ăn được, nhiều người trong thành phố học nghề làm theo, giờ cơ sở nào cũng ổn định. Quang chia sẻ, do sản xuất nước đá cùng với hệ thống làm nước tinh khiết nên có phần thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn.
Được đà trong hướng kinh doanh, phục vụ, Quang nhận lại một nhà hàng hải sản bên bờ biển Quang Phú rồi thuê người cải tạo, bày bố lại. Với tiêu chí đáp ứng, làm hài lòng khách đến, nhà hàng của Quang luôn đông đúc. Đá sạch sản xuất ra, có một phần không nhỏ cung cấp cho chính nhà hàng của Quang. Bây giờ, tổng số người làm cho 2 cơ sở của Quang luôn khoảng 20 người, lúc cao điểm có thể hơn, lương tháng 3 triệu đồng/người.
Thành công trong kinh doanh nước đá sạch, nước tinh khiết nhưng Quang không quên ngành đã học là nuôi trồng thủy sản. Anh vẫn luôn ấp ủ hướng nuôi các loại đặc sản để từ đó cung cấp cho nhà hàng, tạo thành một vòng sản xuất, tiêu thụ khép kín.
Theo TNO
Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 6: Làm đồ ăn chay
Khởi nghiệp với số vốn 20 triệu đồng, giờ cơ sở sản xuất phù chúc (tàu hũ ky - một loại đồ ăn chay) của anh Đoàn Hồng Khuyên (31 tuổi, trú tại thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã giúp anh bỏ túi 250 triệu đồng mỗi năm.
Người ta nói, "quá tam" nhưng anh Khuyên phải tới lần thứ 4 mới thành công và sống được với nghề đến hôm nay. "Kinh doanh đồ ăn chay là một bài toán khó. Giải được bài toán này, nghiệm số chính là: làm nhỏ ăn chắc... ", anh Khuyên tâm sự.
Phù chúc do anh Khuyên sản xuất ra bao nhiêu khách hàng đặt mua hết bấy nhiêu
- Ảnh: Hoàng Sơn
Quán triệt tư tưởng đó, anh đầu tư 20 triệu đồng để mua thiết bị gồm nồi nấu, máy xay đậu nành, máy phát điện... xây thêm nhà xưởng nhỏ. Sẵn tính cần mẫn và kiên trì nên chỉ một năm sau khi mở cơ sở, tiền lãi anh thu về cả trăm triệu đồng. Anh dùng số lãi mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công để mở rộng cơ sở. Sau hai năm hoạt động, hiện tại tổng số vốn của anh khoảng 200 triệu đồng. Mỗi năm, anh thu về gần 250 triệu đồng tiền lãi, giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Anh Khuyên cho biết: "Nghề làm phù chúc không đòi hỏi vốn nhiều và cũng tương đối dễ làm. Bỏ ra 200 triệu đồng tiền vốn, tôi thu về 250 triệu đồng tiền lãi, tính ra tỷ lệ là 1 ăn 1. Làm nhỏ ăn chắc là vì thế".
Chất lượng là yếu tố duy nhất
Qua mô tả của anh Khuyên thì nghề làm phù chúc đơn giản là vớt váng bột đậu nành sau đó sấy khô đem bán. Nhưng để sản phẩm đứng vững trên thị trường, yếu tố duy nhất là chất lượng. Anh nói: "Do sản xuất từ hạt đậu nành nên người làm phù chúc rất dễ pha chế thêm nhiều loại bột theo các tỷ lệ để kiếm lời. Nhưng làm như thế thì chỉ được vài lần bởi người tiêu dùng sẽ nhận ra, người bán đã tự đào thải mình. Chất lượng phù chúc tự khách hàng có thể thẩm định, đánh giá nên nếu làm dối, cơ sở đó sẽ khó tồn tại. Ngược lại, làm ăn uy tín, họ sẽ tự tìm đến mình".
Hiện mỗi ngày, cơ sở anh xuất ra thị trường khoảng 40 kg phù chúc (85.000 đồng/kg) nhưng vẫn không đủ cung. Chưa có ngày nào hàng của anh làm ra bị tồn đọng. Anh cũng nhiều lần từ chối các đơn đặt hàng của khách bởi hiện vẫn chưa đủ sức sản xuất lớn hơn. Anh trải lòng: "Một khi đã khẳng định mình thì người ta sẽ tự tìm đến tận xưởng để mua hàng. Có nhiều khách hàng mỗi năm tôi chỉ gặp một lần, còn lại đều trao đổi qua điện thoại bởi tôi được họ tin tưởng. Làm ăn lâu dài cũng cần phải sàng lọc khách hàng để có những mối làm ăn thân tín, sòng phẳng và tin cậy lẫn nhau".
Nói về những dự định kinh doanh trong tương lai, ngoài các thị trường quen thuộc như Đà Nẵng và các huyện, thành phố tỉnh Quảng Nam, anh Khuyên tính sẽ mở rộng ra Huế - một thị trường tiềm năng trong tiêu thụ đồ ăn chay. Nhưng với anh, tiêu chí "làm nhỏ ăn chắc cũng đồng nghĩa với việc phát triển đến đâu, quản lý tốt đến đó", anh Khuyên nói.
Anh Khuyên phân tích: "Cách đây 5 năm, người Quảng Nam còn ít biết đến phù chúc. Nhưng đến hiện tại, số người ăn chay đang tăng nhanh vì món chay bổ dưỡng một phần, phần nữa là thực phẩm tốt cho sức khỏe, ít hóa chất xử lý như các loại thực phẩm khác. Thị trường phù chúc do đó sẽ không chững lại mà phát triển ổn định trong thời gian tới".
Đoàn Hồng Khuyên
Địa chỉ: thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, H.Tiên Phước, Quảng Nam
ĐT: 0972205777
Theo TNO
Chàng trai Việt sang châu Phi mở quán game Thích đi du lịch, muốn tìm cơ hội lập nghiệp, Hoàng một mình sang châu Phi chỉ với ít tiền tích cóp và 200 USD bố cho. Hơn một năm 'bám' lục địa đen, giờ Hoàng là chủ của hai quán game ở Lobito thuộc Benguala, thành phố lớn thứ hai của Angola. Hoàng La Mã (áo trắng) chia sẻ, cậu có nhiều...