Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ – Kỳ 12: Làm giàu từ chồn nhung đen
Với con chồn nhung đen, cùng một số vật nuôi có nguồn gốc hoang dã, một nông dân ở phố núi có thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm.
Ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nhiều người quen thuộc với trang trại Hồng Tiến chuyên nuôi động vật hoang dã nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Văn Cừ, P.Tân Lập. Gọi là trang trại nhưng diện tích khá khiêm tốn, gói gọn trong khu vườn nhỏ rộng chừng 300 m2, với nhiều chuồng thú san sát nhau. Khách vào lúc nào cũng nghe rộn ràng tiếng kêu của đủ loại vật nuôi: nhím, kỳ đà, dúi, chồn hương, chim trĩ, bồ câu Pháp, và nhiều nhất là chồn nhung có lông mượt, màu đen tuyền. Anh Nguyễn Bá Hồng, chủ trang trại, cho biết ngoài cơ sở này anh còn có hai điểm chăn nuôi khác ở P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột và ở xã Ea Phê, H.Krông Pắk.
Trang trại Hồng Tiến chuyên cung cấp giống và thương phẩm chồn nhung đen, ở 470/4 Nguyễn Văn Cừ , TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk điện thoại: 0906522020
Cách đây chừng 5 năm, gia đình anh còn chật vật với nghề trồng cà phê và buôn bán nhỏ. Một lần, xem ti vi thấy nhiều mô hình nuôi nhím đem lại thu nhập cao, anh quyết định vay mượn vài chục triệu đồng mua vài cặp nhím giống về nuôi thử. Chỉ một năm sau, đàn nhím sinh sôi, phát triển lên hàng trăm con. Gặp thời điểm cơn sốt nuôi nhím bùng phát, giá nhím giống lên tới 10-15 triệu đồng/cặp, anh Hồng bán được khá nhiều nhím giống thu lợi lớn. Thế nhưng, không bằng lòng với thành công đó, anh Hồng tiếp tục tìm hiểu để thử sức với nhiều vật nuôi khác.
Năm 2010, cũng từ sách báo, truyền hình, anh Hồng biết được về loài chồn nhung đen nguồn gốc từ Nam Mỹ, có thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Anh liền một mình cất công ra tận miền Bắc, tìm mua 7 cặp chồn ở Viện Nghiên cứu chăn nuôi và tiếp nhận hướng dẫn kỹ thuật nuôi của viện này. Số giống ban đầu này trong 3 năm đã phát triển lên hàng ngàn con, trừ số bán đi hiện anh Hồng còn trong tay hơn 600 con.
Video đang HOT
Chồn nhung được chăm sóc kỹ lưỡng trong những căn phòng hơi tối, nhưng thoáng và sạch. Anh Hồng giải thích: “Loài chồn này khá nhát với ánh sáng, cũng không ưa ẩm thấp nên chuồng phải kê cao hơn nửa mét so với mặt đất, được cọ rửa, làm sạch chất thải thường xuyên. Nhờ làm tốt khâu vệ sinh mà hầu như chồn không hề mắc bệnh, tỷ lệ sống rất cao”.
Anh Nguyễn Bá Hồng và các con chồn nhung đen – Ảnh: Trung Chuyên
Theo anh Hồng, không gì rẻ như chi phí thức ăn cho chồn nhung. Mỗi ngày vài trăm con chỉ cần khoảng vài kg cỏ voi, hoặc có thể cho ăn các loại lá ngô, lá mía. Chồn nhung cũng thích củ, quả như cà rốt, khoai, vỏ dưa hấu, khi chồn còn nhỏ hoặc cần bồi dưỡng thì cho ăn thêm lúa mạch, cám gạo… Anh Hồng cho biết, chồn nhung 1 tháng tuổi có thể bán làm giống với giá 800.000 đồng/cặp, còn nuôi thương phẩm sau 5 tháng thì chồn có thể nặng từ 1,2 – 1,5 kg/con, giá bán 350.000 – 400.000 đồng/kg. Mỗi năm, riêng nuôi chồn nhung đã cho gia đình anh Hồng thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở nuôi của anh Hồng còn có 150 con dúi, gần 200 con nhím, 100 con chim trĩ, 70 con kỳ đà đưa tổng thu nhập mỗi năm lên ngót nửa tỉ đồng.
Anh đã tự mình soạn tài liệu kỹ thuật nuôi chi tiết, truyền nghề cho tất cả khách hàng có nhu cầu.
Theo TNO
Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 13: Đi lên từ nước đá
33 tuổi, có trong tay tiền tỉ, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động là điều mà Trần Minh Quang (xã Quang Phú, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) không dám nghĩ đến khi mới khởi nghiệp.
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất nước đá, nước tinh khiết của Công ty TNHH TM-SX-XDTS Tiến Dũng tầm xế trưa nhưng nhà máy vẫn chạy đều đặn, công nhân vận hành, bốc hàng lên xe không ngừng nghỉ. Gặp khách, vị giám đốc trẻ Trần Minh Quang hồ hởi bắt tay, tiếp chuyện. Anh cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300 bình nước tinh khiết 10 lít hiệu Khe Su và 2 tấn đá lạnh sạch. Tính ra doanh thu mỗi năm khoảng 2,5 tỉ đồng và lãi gần 1 tỉ đồng.
Anh Quang đang gia cố lại các bình nước tinh khiết - Ảnh: T.Q.N
Ít ai biết đó là cơ sở sản xuất nước đá sạch đầu tiên ở Đồng Hới. Ý tưởng khởi nghiệp bằng nghề này đến với Quang từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Mặc dù theo học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản nhưng Quang lại đam mê nghề sản xuất nước đá. Những lần đi đây đó anh quan sát và nhận thấy nhu cầu sử dụng nước đá rất lớn, nhất là trong những ngày hè trong khi ở quê anh vẫn chưa ai làm nước đá sạch dạng từng viên tròn.
Năm 2007, tốt nghiệp đại học, anh bàn với bố mẹ hùn vốn cùng bà con mở cơ sở sản xuất. Anh tìm mua máy làm đá ở TP.HCM, tìm mua máy sản xuất nước tinh khiết ở Hà Nội, sắm xe vận chuyển hết khoảng 1,5 tỉ đồng. Mua về, lắp đặt, được chuyển giao công nghệ nhưng để làm thành thạo và có kinh nghiệm, Quang phải tiếp tục lặn lội, âm thầm theo học nghề ở các cơ sở tại những thành phố lớn.
Đúng như Quang nhận định, đá sạch sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Thậm chí, vào mùa hè cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng, các nhà hàng, khách sạn thường phải đến chờ đợi. Thấy làm ăn được, nhiều người trong thành phố học nghề làm theo, giờ cơ sở nào cũng ổn định. Quang chia sẻ, do sản xuất nước đá cùng với hệ thống làm nước tinh khiết nên có phần thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn.
Được đà trong hướng kinh doanh, phục vụ, Quang nhận lại một nhà hàng hải sản bên bờ biển Quang Phú rồi thuê người cải tạo, bày bố lại. Với tiêu chí đáp ứng, làm hài lòng khách đến, nhà hàng của Quang luôn đông đúc. Đá sạch sản xuất ra, có một phần không nhỏ cung cấp cho chính nhà hàng của Quang. Bây giờ, tổng số người làm cho 2 cơ sở của Quang luôn khoảng 20 người, lúc cao điểm có thể hơn, lương tháng 3 triệu đồng/người.
Thành công trong kinh doanh nước đá sạch, nước tinh khiết nhưng Quang không quên ngành đã học là nuôi trồng thủy sản. Anh vẫn luôn ấp ủ hướng nuôi các loại đặc sản để từ đó cung cấp cho nhà hàng, tạo thành một vòng sản xuất, tiêu thụ khép kín.
Theo TNO
Đa cấp "tấn công" cả chăn nuôi Trong khi còn chưa biết giá trị thương phẩm của chồn nhung đen thì hàng nghìn nông dân đã cắn răng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua nuôi với giấc mộng làm giàu. Thậm chí, không ít nông dân còn tham gia vào nuôi cho công ty, tương tự đa cấp. Giàu chưa thấy đâu, một số nhà khoa học đã...