Mưu sinh trước đầu xe
Len lỏi giữa dòng xe cộ nườm nượp để chào mời; leo lên ca bin để đưa hàng, nghề mưu sinh cực kỳ nguy hiểm này đang diễn ra sôi động tại cửa ngõ TP HCM trong những ngày cận Tết.
Giáp Tết, đường phố nườm nượp xe khách đưa những người con đi làm ăn xa xứ trở về sum họp gia đình. Đây cũng là “ mùa làm ăn” của các “chợ” bán hàng rong bám theo xe đường dài. Điểm hoạt động sôi nổi nhất trên Quốc lộ 1A là đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu vượt Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP. HCM).
Chào mời ngay trước đầu xe container
Đây là cửa ngõ lớn vào trung tâm thành phố. Hàng ngày lượng xe tải, xe container, xe khách… qua lại đông như mắc cửi nên cảnh kẹt xe cũng diễn ra như cơm bữa. Khi hàng trăm hành khách méo mặt vì kẹt xe kéo dài trên quốc lộ thì những người bán rong lại … “vui như mở hội”.
Có mặt tại cung đường trên, PV không khỏi “lạnh người” khi chứng kiến cách buôn bán vô cùng mạo hiểm của những người bán hàng rong nơi đây. Dưới cầu vượt Gò Dưa, đội quân bán hàng rong có khoảng hơn 10 người. Khi xe dừng đèn đỏ hay bị ùn tắc là họ chớp thời cơ, lao nhanh như sóc ra bám vào cabin để chào mời.
Video đang HOT
Liều lĩnh hơn, có người còn đứng giữa đường, chặn trước đầu xe. Có người nhảy tót lên ca bin bán hàng rồi nhảy xuống, nhẹ nhàng như diễn xiếc.
Bám theo xe tải bán vé số
Các mặt hàng ở “chợ di động” này chủ yếu là thuốc lá, nước giải khát, kẹo ngậm, thức ăn nhẹ, sách báo và đồ trang trí trên xe…. Có người dùng một thanh sắt có móc nhọn 2 đầu để treo các bịch nước, bịch mía, cóc, ổi, xoài,… để bán cho nhanh. Quầy “tạp hóa di động” còn có thêm một chồng báo, xấp vé số… để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.
“Phải nhảy, luồn lách qua các dòng xe để bán chứ đứng một chỗ thì làm gì có xe nào dừng lại giữa đường hay tấp vào lề để mua. Nghề này cần phải lanh tay lẹ mắt. Biết là nguy hiểm nhưng mình không tiếp cận cabin thì làm sao bán được. Kẹt xe thì bán mới được nhiều và an toàn hơn thôi” – anh Thọ, một “cảm tử” trong đội quân bán hàng rong tâm sự.
Tình trạng “thoắt ẩn, thoắt hiện” của những người bán hàng rong làm tài xế nhiều phen hú vía. Bác tài container tên Sơn lắc đầu ngao ngán: “Xe tôi đang chạy qua cầu vượt Bình Phước thì một người bán báo chạy ra chặn đầu xe. Bất ngờ, tôi đạp thắng gấp. May mà xe phía sau chạy cũng chậm chứ không thì húc vào đuôi xe tôi, không nát đầu cũng bể kính rồi”.
Riêng anh Chính, chủ xe khách chạy tuyến TPHCM – Đà Nẵng thì: “Nhiều lúc phát bực vì sự liều mạng của họ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng phải cảm ơn họ vì lắm khi khát nước, muốn tấp vào lề đường mua đâu phải dễ”.
Liều lĩnh ra giữa đường, chặn đầu xe
“Cũng vì kiếp mưu sinh”
Đa phần người bán hàng rong đều là dân ngoại tỉnh, đủ mọi lứa tuổi. Những thanh niên trẻ, khỏe, “gan lì” thường đứng giữa đường bám, chặn đầu xe. Người yếu hơn thì buôn bán dọc lề đường, tại các cây xăng, trạm đỗ của xe khách đường dài… Có người dùng xe đạp chở hàng bán dọc theo quốc lộ…
Một cụ ông cầm xấp vé số chạy cà nhắc theo hết xe này đến xe kia. Hiếm khi thấy có người mua. Ngước lên, thấy phóng viên đang đưa ống kính về mình, ông kéo chiếc khẩu trang lên bịt mặt, chiếc mũ tai bèo sụp xuống…
Ông buồn buồn: “Đời đi bán dạo, lên báo làm chi. Con cháu ở quê thấy được càng thêm lo. Cũng tủi phận khi ngần này tuổi rồi vẫn phải chạy đôn chạy đáo. Nhưng biết làm sao giờ…”.
Còn Thịnh “sắt”, biệt danh mà “đồng nghiệp” đặt cho vì sự lanh lẹ, gan lì thì “thẳng tuột”: “ Học hành không có. Nghề nghiệp cũng không. Phải đi bán dạo kiếm sống qua ngày. Biết là nguy hiểm nhưng phải làm thôi”.
Dáng người nhỏ thó, đội trên đầu cả một “gian hàng tạp hóa”, chị Thảo đang cố luồn lách qua dòng xe cộ để vào lề đường khi đèn tín hiệu sắp chuyển sang màu xanh. Giọng Huế trọ trẹ, chị cho biết do mấy lần bị “đo đường” nên giờ sức khỏe yếu. Ở Huế, cuộc sống khó khăn, 2 vợ chồng chị dắt díu nhau vào Sài Gòn để mưu sinh. 11 năm qua, chị mới về thăm quê được có một lần.
Ban đầu, vợ chồng và 2 con nhỏ trọ ở Thủ Đức. Giá thuê đắt đỏ nên chuyển xuống ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai). Hàng ngày, chồng chị đi phụ hồ. Còn chị, do không chen nổi với “đội quân” ở Dầu Giây nên ngày ngày, từ 6h sáng, lại quẩy thúng hàng quá giang các xe lên Thủ Đức bán dạo, chiều lại quá giang về.
Chị kể: “Sức khỏe giờ yếu rồi. Đứng trước đầu xe chóng mặt lắm. Có lần tui xỉu giữa đường. May mà không bị gì. Giờ chỉ dám bán ở mấy cây xăng thôi. Mỗi ngày kiếm 40.000 đồng là được rồi. Tui chỉ cầu trời cho được khỏe mạnh để làm kiếm tiền nuôi 2 đứa con đang học lớp 1 và lớp 6. Mong sao chúng được học hành đến nơi đến chốn để không phải khổ”.
Những người gia nhập đoàn quân bán rong tại khu vực này đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng có chung một xuất phát điểm: nghèo! Họ mặc cho số phận, chỉ mong có chút thu nhập để nuôi thân qua ngày và tằn tiện chút ít gửi về quê lo cho gia đình khi năm hết, Tết đến.
Ngày cuối năm, từng dòng xe hối hả đưa những người con xa quê về sum họp với gia đình. Chợ hàng rong trên quốc lộ này cũng rộn ràng lời rao! Đi kèm là tâm trạng xốn xang của những người con tha hương, chưa dám nghĩ đến ngày về thăm quê!
Theo Dân Trí