Mứt quất Hội An
Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa cuối đông vừa dứt, người dân phố Hội lại rộn ràng vào nghề làm mứt quất. Bắt đầu từ phiên chợ hay ngay trong vườn quất, các bà, các chị tay thúng, tay nón hối hả chọn những quả quất căng mọng để kịp làm những mẻ mứt biếu ông bà, đãi khách hay tặng bạn bè phương xa.
Ảnh: Thanh Ly
Để có lọ mứt quất vừa ngon lại đẹp mắt đòi hỏi sự kỳ công ngay từ khâu chọn quả. Quất khi hái hay mua ở chợ thường chọn những quả tròn đều, không quá chín vàng. Cần mẫn ngồi gọt thật mỏng lớp vỏ bên ngoài, khéo léo sao cho không phạm sâu vào phần phía trong sẽ làm quả bị dập, mất đẹp. Sau đó cho toàn bộ quất đã gọt vỏ ngâm với nước vôi chừng vài tiếng đồng hồ cho quả cứng lại. Vớt quất ra rửa sạch nước vôi rồi luộc chín khoảng 8-10 phút. Công đoạn tiếp đến là dùng kim châm nhiều lỗ vào tất cả các múi quất, ép cho nước chua và hạt ra hết. Rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch để ráo rồi mới ướp quất với lượng đường vừa phải. Thường phải ướp vài tiếng đồng hồ cho đường tan, nước đường ngấm vào quất. Đặt nồi lên bếp đun nhỏ lửa.
Nấu mứt chính là công đoạn quyết định chất lượng, nếu lửa quá già hay quá non có thể làm cho cả mẻ mứt bị hỏng. Điều đặc biệt, với món mứt quất, trong quá trình đun lửa người làm mứt không nên đảo mứt qua lại mạnh tay, nếu không mứt sẽ bị nát. Rim cho đến khi thấy nước đường keo lại, bám vào quả quất thì tắt lửa gắp ra thau để cho nguội. Nước đường bám vào trái quất trong suốt, màu quất vàng giống với màu tự nhiên như vậy là đã thành công. Ngậm miếng mứt quất vào miệng, cái vị ngòn ngọt, the the tan ra ngay từ khi chạm vào đầu lưỡi như tạo một cảm giác ấm nồng giữa tiết trời xuân se lạnh. Không chỉ thế, mứt quất còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ngon miệng, chữa ho, giúp giải rượu bia sau những giây phút quá chén với bạn bè trong mấy ngày vui xuân.
Để bảo quản cũng như sử dụng trong thời gian lâu hơn, người chế biến rắc thêm ít đường trắng lên trên quả cho mau khô, khi nguội quả mứt sẽ có một lớp đường bọc ngoài.
Từ lâu mứt quất đã trở thành đặc sản của người dân phố cổ Hội An, được nhiều người ưa chuộng. Chính vì vậy người dân nơi đây vẫn giữ truyền thống tự làm mứt quất không chỉ để tiếp khách, biếu bạn bè, người thân nơi phương xa mà còn như muốn giữ gìn, trân trọng món quà truyền thống để được giới thiệu cùng du khách thập phương…
Theo TNO
Video đang HOT
Mứt quất dẻo
Mứt quất dẻo, màu ánh vàng trong suốt, độ ngọt vừa phải, ăn mứt quất vừa ngon miệng vừa rất tốt cho sức khỏe, giúp thanh giọng, ngừa viêm họng trong mùa lạnh này.
Nguyên liệu:
1 kg quất chín
600gr đường
Chút muối
Nước
Cách làm:
Quất rửa sạch, ngâm nước có pha muối chừng 1 - 2 giờ.
Đổ nước đi để quất thật ráo, dùng giấy thấm sạch nước.
Dùng dao sắc khía dọc xung quanh quả quất.
Lấy ngón tay ấn nhẹ cho quất bẹp xuống, hạt bên trong sẽ chui ra ngoài.
Cho quất vào âu to, một lớp quất, một lớp đường, trên cùng rắc 1 lớp đường nữa rồi dùng nilon bọc kín lại. Để ít nhất 4 giờ hoặc để qua đêm, đường sẽ tan chảy thành nước và ngấm vào trong quả.
Sau đó cho quất vào nồi, thêm nước xâm xấp đặt lên bếp đun.
Nấu sôi nhỏ lửa cho đến khi quả quất trong suốt. Đường dần dần keo lại. Nhấc xuống để nguội.
Quất nguội, cho vào lọ thủy tinh, đậy kín.
Ngày xuân, nhâm nhi miếng quất dẻo với tách trà thơm thật ấm áp.
Theo PLXH
Nên ăn mứt tết để chữa nhiều bệnh Ngày nay, món mứt không được ưa chuộng nhiều nữa. Bởi người ta lo ngại về độ ngọt của nó. Nhưng cũng không thể phủ nhận những tác dụng chữa bệnh hiệu quả của các loại mứt tết này. Mứt được coi là món cổ truyền trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Trước đây, thiếu món mứt là không khí tết cũng...