Mường So mùa lúa chín
Mường So – một trong những xã biên giới xa xôi nhất của huyện Phong Thổ – Lai Châu, được mệnh danh là “nồi cơm” của bà con các dân tộc ở miền biên giới thâm sơn cùng cốc này. Tháng 10, mùa lúa chín rực khoác cho Mường So một màu vàng no ấm.
Người nông dân Mường So thường có nước da đen bóng trên những cánh đồng thấm đẫm mồ hôi
Dân “ phượt” hầu hết đều muốn một lần chinh phục Mường So nhưng không phải dễ dàng đến với vùng biên viễn này. Với cung đường trơn trượt hoang sơ cheo leo hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng xuyên núi qua những dãy núi tai mèo xám ngoét đến vùng lúa chín.
Cái đặc biệt ở Mường So là khí hậu. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, nhưng ban đêm lạnh thấu thịt. Vì nằm trong lòng chảo giữa những dãy núi cao nên Mường So phân ra hai mùa rõ rệt. Có lẽ vì thế mà đặc sản Mường So không có gì khác ngoài thời tiết khắc nghiệt là những bát cơm trắng ngần ngấm vị mồ hôi. Mường So từ xa xưa đã có một điều kỳ bí mà chẳng ai lý giải cho rành. Bí mật ấy chính là những cánh đồng lúa màu mỡ. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng trông như một vườn hoa cúc quỳ vàng rực, nhưng lại gần, những bông lúa trĩu hạt hiện ra đầy mê hoặc, thần kỳ.
Truyền thuyết kể rằng, Mường So là “nồi cơm chung” của các tộc người Tây Bắc. Dù có trồng bất cứ loại lúa gì, cách thức chăm sóc ra sao thì cứ đến hẹn lại lên, những cánh đồng trổ bông nặng hạt luôn đem đến mùa màng bội thu. Cánh đồng ấy, người ta không cần tỉ mỉ chăm bón, chỉ vãi mạ khắp nơi để chúng tự mọc. Ấy vậy mà gạo Mường So ngon thơm lạ thường. Khác với cơm các nơi khác, cơm Mường So luôn có vị mằn mặn nồng thơm. Bạn có thể dùng cơm trắng mà không cần đến thức ăn bởi cơm đã đủ mặn. Người ta lý giải, cơm Mường So mặn mà vì mồ hôi người dân đổ xuống, thấm vào đất, lúa hút mồ hôi nên cơm có vị mặn.
Quả thật, khi chúng tôi lang thang trong những thung lũng lúa vàng thì bắt gặp những người nông dân đang thăm đồng. Ông Mà A Xin, người dân tộc Nùng có nước da đen bóng, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười tươi roi rói vì lúa được mùa. Ông bảo, năm nay ai cũng vui vì được Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 356 cho giống lúa mới. Vậy là ai cũng no cái bụng, lại có thóc lúa đầy nhà để bán cho các chợ phiên trên huyện.
Mường So mùa lúa chín không đẹp như những ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải hay Xín Mần. Chỉ giản đơn là vẻ đẹp của những nụ cười, vẻ đẹp của những làn da đen bóng vì nắng gió biên thuỳ, và vẻ đẹp của những tấm lòng chân thật. Bạn sẽ ấm lòng hơn khi ăn cơm có vị mặn ở Mường So – người ta gọi đó là vị mặn của tình người.
Nam Trần
Theo ANTD
Mùa thu trên những "thửa ruộng trời"
Trung tuần tháng 9, khi những cơn gió mang không khí mát mẻ của mùa thu xua đi cái nóng bức khó chịu ngày hè, khi những vạt nắng cuối ngày đổ nghiêng một màu vàng thẫm lung linh lên vạn vật, ấy là thời điểm tuyệt vời để những người ham mê du lịch hướng về Mù Cang Chải, về với "cung đường mùa thu" để khám phá sắc vàng rực rỡ của những "thửa ruộng trời" ăn nắng đang độ vào mùa.
Huyện Mù Cang Chải, huyện vùng cao phía Tây nằm phía chóp trên cùng của tỉnh Yên Bái. Huyện nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Mông, Dao, Thái và cả người Kinh với sự đa dạng của những sắc màu văn hóa. Các thửa ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình và dọc theo hai bên con đường huyết mạch - Quốc lộ 32, từng được dân "phượt" gọi với cái tên "những thửa ruộng trời" và đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia.
Cách Hà Nội ngót 300km với một cung đường mềm mại, Quốc lộ 32 đưa du khách đi xuyên qua những cánh đồng đẹp nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc. Mường Lò, Tú Lệ, Đèo Cao Phạ... những địa danh nổi tiếng với những cánh đồng lúa mênh mông trải từ thung lũng lên giữa lưng trời. Nếu du khách đi trên con đường tuyệt đẹp ấy, sẽ không khỏi có những lúc ngỡ ngàng, vỡ òa cảm xúc trước thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Những cánh đồng ruộng bậc thang nối tiếp nhau từ thấp lên cao trên cung đường gần 100km, từ Mường Lò lên đến tận Mù Cang Chải nhuộm một sắc vàng rực rỡ. Thỉnh thoảng lại có những thửa chín thẫm đỏ đang chờ gặt, đan xen những thửa ruộng đã gặt xong còn trơ gốc rạ khô trên mặt đất nâu đen... Tất cả các thửa ruộng như những mảng màu lớn uốn lượn trên bức tranh hùng vĩ được giới hạn bởi trời và đất. Ở giữa trời đất ấy, những người dân tộc Mông, Dao, Thái, Khơ Mú.... trong sắc màu truyền thống, vui tươi, tay liềm tay hái thu về những sản vật của thiên nhiên, của đất trời, của những giọt mồ hôi lao động đã biến thành hạt gạo. Hình ảnh của một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tươi sáng hiện rõ trên từng gương mặt rạng ngời, trên ánh vàng rực rỡ giữa trời và đất.
Những bữa tiệc mừng cơm mới, rượu mới tràn trề dưới mỗi nếp nhà. Vào những ngày này, nếu du khách may mắn đến thăm một gia đình đang mở hội mừng cơm mới, hãy đừng ngần ngại vào nhà vui bên chén rượu vẫn còn hơi ấm cùng gia chủ. Khách lạ đến nhà vào ngày mừng gạo mới sẽ như lời chúc mừng cho gia chủ một mùa sau thóc lúa thêm đầy.
Theo ANTD
Đi qua 12 tầng dốc Sì Lờ Lầu, xã ở nơi cao nhất, xa nhất của huyện vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhìn trên bản đồ chỉ là một mỏm nhọn trên đường biên giới. Đường đến Sì Lờ Lầu nếu tính từ thành phố Lai Châu sẽ phải qua cả thảy 12 con dốc. Và đúng như con số ấy, cái tên Sì Lờ Lầu...