Muốn xây thủy điện phải trồng rừng thay thế
Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành thực hiện việc chuyển đổi rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích gần 20.000ha. Tuy nhiên, mới chỉ có 8/29 tỉnh, thành trồng lại rừng sau chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện với diện tích 735ha, chiếm 3,7% tổng diện tích đã chuyển đổi.
Để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang làm thủy điện. Đặc biệt, khi phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt thì kiên quyết không được khởi công dự án.
Theo ANTD
Trồng rừng bồi hoàn ở Quảng Nam: Lấy 10, trồng lại 1!
Mặc dù các dự án thủy điện (TĐ) dày đặc ở Quảng Nam lấy mất cả chục ngàn hécta đất rừng, nhưng việc trồng rừng thay thế thì chẳng thấm vào đâu. Hầu hết các chủ đầu tư TĐ đều lần lữa, không thực hiện trồng rừng thay thế hoặc dây dưa không chịu chi trả kinh phí để các địa phương, đơn vị tổ chức trồng rừng thay thế.
Người dân tái định cư TĐ Sông Tranh 2 trở thành "lâm tặc" để kiếm sống vì không đất sản xuất. Ảnh: T.T.Thư
Mới trồng 300ha rừng thay thế
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích đất rừng dự kiến thu hồi để đầu tư các công trình TĐ là 11.384ha, trong đó diện tích đã thu hồi đến nay là 7.047,68ha. So với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi đã thu hồi để triển khai các dự án kinh tế - xã hội, thì diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện các công trình TĐ chiếm đến 34,6%.
Cụ thể, 10 công trình TĐ theo quy hoạch bậc thang sông Vu Gia-Thu Bồn chiếm 8.717ha, 34 công trình TĐ vừa và nhỏ chiếm 2.666ha. Cạnh đó, hơn 282ha rừng phải nhường chỗ cho hành lang đường điện các dự án TĐ. Thêm nữa, 14 chủ đầu tư các dự án TĐ đang trình UBND tỉnh phê duyệt cấp thêm 2.156,45ha đất rừng sử dụng cho mục đích thủy điện.
Chủ trương chung của tỉnh là yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng lại diện tích rừng tương đương với diện tích rừng và đất rừng mà dự án chiếm dụng. Đến nay, mới chỉ có một số ít các chủ đầu tư TĐ được UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế gồm: A Vương, Sông Côn 2, Sông Bung 4, Tà Vi, Sông Bung 5, Đăk Mi 4, Tr'Hy.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư TĐ cũng chỉ mới trồng và khoanh nuôi tái sinh được tổng cộng gần 300ha rừng. Một con số quá nhỏ nhoi so với diện tích đất rừng bị mất, phải được chủ đầu tư TĐ trồng rừng thay thế. Hầu hết các chủ đầu tư TĐ đều lần lữa, không lập phương án trồng rừng thay thế, hoặc có phương án rồi nhưng không trồng, cũng không chuyển kinh phí cho các địa phương đơn vị tổ chức trồng. Cụ thể, như Cty CP TĐ Geruco Sông Côn 2, mặc dù đã có phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt từ đầu năm 2011, nhưng mãi đến nay vẫn không chịu chi trả kinh phí hơn 3,3 tỉ đồng để BQL rừng phòng hộ Sông Côn thực hiện trồng thay thế 70ha rừng.
Thuỷ điện mở đường cho lâm tặc
Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư TĐ chỉ chăm chăm vào việc xây dựng công trình và thu lợi nhuận, mà vô trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, chưa kể đến những hệ lụy gây ra trong công tác tái định cư, bồi hoàn đất sản xuất cho dân... Chưa nói đến việc, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, khi trồng thông thường chỉ trồng 1 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái, chưa thể là nơi ở lý tưởng cho các loài động vật di cư. Do vậy, dù các chủ đầu tư có trồng rừng thay thế theo kiểu "một đổi một" thì vẫn không thể giữ được giá trị rừng, vẫn không thể nào "thay thế" được.
Trong cuộc họp mới đây của tỉnh để rà soát, loại bỏ TĐ, lãnh đạo các huyện Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang... đều phản ánh tình trạng chủ đầu tư TĐ không cấp đất sản xuất cho dân tái định cư, khiến họ phải phá hàng trăm hécta rừng lấy đất sản xuất, hoặc TĐ thi công mở đường cho lâm tặc phá rừng, khai thác vàng...
Như TĐ Sông Tranh 2 đầy tai tiếng tại huyện Bắc Trà My, chủ đầu tư còn đưa hơn 400 hộ dân tại xã Trà Bui bị ảnh hưởng bởi dự án vào tái định cư ngay trong khu vực rừng nguyên sinh phòng hộ tại thôn 4, xã Trà Bui, mà không cấp đất sản xuất, khiến trong 5 năm qua đã có trên 105 lượt hộ dân ở đây phải chặt phá 70ha rừng già, phòng hộ để làm rẫy, gây tổn thất 400m3 gỗ, phần lớn số hộ trên đều bị xử lý cảnh cáo, buộc trồng lại rừng, có 2 trường hợp bị khởi tố, phạt tù.
Bộ NNPTNT cho biết: Khi chưa có phương án trồng rừng thay thế thì chưa chấp thuận đầu tư dự án TĐ. Các dự án đầu tư TĐ đều phải bố trí vốn để trồng rừng, nếu không tự quản lý được thì ủy thác cho Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh hoặc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam thực hiện. Yêu cầu trồng rừng thay thế diện tích rừng đã mất thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, và phải tuân theo nguyên tắc rừng bị mất bao nhiêu thì phải trồng bù lại bấy nhiêu...
Theo laodong
Cơ quan thuế chỉ phê duyệt số thuế được miễn, giảm Sau khi có một số phản ánh từ các cục thuế địa phương về việc thực hiện thủ tục miễn giảm thuế theo quy trình miễn thuế, giảm thuế, Tổng cục Thuế đã có văn bản trả lời. Theo đó, đối với trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào hồ sơ địa chính kèm...