Muốn thoát Nga, châu Âu đem trứng đặt vào giỏ Iran?
Sau tuyên bố của Iran sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu, EU đang trông đợi nhập khẩu khí đốt từ Iran để chấm dứt sự lệ thuộc vào Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đang đặt cược vào các đường ống mang tên Hành lang phía Nam để cung cấp khí đốt cho miền nam châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ từ các mỏ dầu tại Azerbaijan và các quốc gia lân cận, bao gồm Iran và coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Sẽ được triển khai vào năm 2019, dự án này được coi là bước khởi đầu để cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt/năm cho Bulgaria và Hy Lạp. Và “có thể tăng lên đến 40 tỷ m3 khí đốt/năm” nếu một lệnh dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran được ký kết, một quan chức châu Âu hôm 17/4 cho hay.
Giới chuyên gia nhận định châu Âu và Iran sẽ đạt được lợi ích chung nếu Iran đạt được thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc còn lại về chương trình hạt nhân của nước này để đối lại một lệnh dỡ bỏ trừng phạt.
Video đang HOT
Iran đã sẵn sàng thay thế Nga làm nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu?
Về phía Iran, với tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 13/4 rằng Tehran sẵn sàng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu dù Iran hoàn toàn không có ý định thay thế hoặc thách thức Nga, có vẻ như họ đã có một bước tiến rõ rệt, ít nhất là trong những tuyên bố về vấn đề này.
Còn nhớ năm ngoái, Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn tuyên bố sẽ chỉ tạm nghĩ tới thị trường nội địa vì công nghệ sản xuất vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của châu Âu, thậm chí Iran còn luôn phải đối mặt với những vấn đề khí đốt trong mùa đông.
“Chúng tôi có rất nhiều khách hàng xung quanh mình, các nước láng giềng có nhiều nhu cầu, nhưng Iran không thể đáp ứng nổi. Mọi người đều nghĩ rằng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thì Iran có thể thay thế, tuy nhiên tình hình thực tế thì không phải vậy”, ông Rouhani cho biết.
Khi ấy, Tổng thống Iran cũng đề cập đến việc muốn hợp tác với Nga, thay vì cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.
“Chúng tôi đã tăng cường nỗ lực trong những năm gần đây nhằm xuất khẩu khí đốt ra những nước mình có thể hợp tác. Canh tranh không nên trở thành một vấn đề. Nó nên lành mạnh và không nên chỉ mang lợi cho người mua trong, khi lại làm thiệt hại cho nhà xuất khẩu”, ông Rouhani nói thêm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran có thể được xoá bỏ, quan hệ Nga-EU, Nga-Ukraine đang căng thẳng. Đặc biệt khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak tuyên bố rằng, hợp đồng với Ukraine về vận chuyển quá cảnh khí đốt từ Nga sẽ không được gia hạn sau năm 2019, có lẽ Tehran đã thay đổi quan điểm.
Tuy nhiên, để hợp tác khí đốt giữa Iran và EU thành hiện thực cần có thời gian. Thực tế, dù việc xây dựng các cơ sở hạ tầng để cung cấp khí đốt từ Azerbaijan đến Thổ Nhĩ Kỳ đã được khởi công vào tháng 3 vừa qua, nhưng những giai đoạn tiếp theo của việc đặt đường ống kéo dài đến Hy Lạp và Albania để đến Italy vẫn chưa được bàn đến cho đến sớm nhất là đầu năm sau. Không những thế, một quan chức châu Âu khẳng định, chi phí đầu tư cho dự án này “không hề nhỏ” chút nào.
VOV dẫn lời bà Judy Dempsey, một nhà phân tích của Trung tâm Carnegie châu Âu nhận định trên báo chí quốc tế: “Iran đang rất cần tiền đầu tư và rất muốn hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của mình trong khi châu Âu rất muốn tham gia cùng với Iran”.
“Đây rõ ràng là một sự đầu tư mang tính dự phòng nhưng EU cần phải rất thận trọng để tránh việc “đặt toàn bộ số trứng của mình” vào giỏ Iran”.
Cùng chung quan điểm này, ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cảnh sát châu Âu cho rằng “sẽ phải mất rất nhiều thời gian để Iran thực sự trở thành sự thay thế cho Gazprom. Như vậy Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp khí đốt rẻ nhất cho Iran trong thời gian tới”.
Iran hiện có trữ lượng khí đốt được phát hiện nhiều thứ 2 sau Nga, khoảng 29,6 nghìn tỉ tấn và chiếm 15.8% trữ lượng của toàn thế giới, theo thông tin từ Bộ Năng lượng Iran. Còn Nga đang cung cấp tới 1/3 lượng khí đốt cho toàn EU. EU đã phải mua tới 125 tỷ m3 khí từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và một nửa trong số này được chuyển qua các đường ống của Ukraine và tiền vận chuyển số khí đốt này cũng là một trong những nguồn thu chính của Ukraine.
Theo Đất Việt