Muốn phá thai phải chứng minh hiếp dâm: Liệu có tàn nhẫn?
Việc bắt người bị hiếp dâm, bị loạn luân phải chứng minh với một ai đó rằng họ đã bị tổn thương như thế liệu có “tàn nhẫn” với họ quá không?
Mới đây dự thảo Luật dân số được đưa ra lấy ý kiến, trong đó đáng chú ý là đề xuất cho phép phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ được phá thai do loạn luân, do bị hiếp dâm nếu tuổi thai từ 12 tuần trở lên.
Lý giải cho đề xuất này, một đại diện Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng hai trường hợp do bị hiếp dâm hay loạn luân nếu không được phá sẽ gây những hậu quả về mặt xã hội và con người, vì vậy luật đã để những đối tượng này được phá thai.
Rõ ràng đề xuất này cho thấy người bị hiếp dâm, bị loạn luân phải chứng minh được rằng mình bị tổn thương thì mới thuộc trường hợp ngoại lệ cho phép phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên.
Những người bị hiếp dâm, loạn luân thường bất ổn về mặt tâm lý (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, dường như đây là một đề xuất có phần đánh đố và kèm theo nó là những khó khăn hệ lụy khó lường.
Cần phải lưu ý rằng người bị hiếp dâm hay bị mang thai do loạn luân là người luôn mang những bất ổn về mặt tâm lý, thậm chí là những di chứng về mặt tâm thần. Việc bắt người đó phải chứng minh với một ai đó rằng mình bị hiếp dâm, bị loan luân có “tàn nhẫn” với họ quá không?
Video đang HOT
Giả sử một người mang thai ngoài ý muốn do bị hiếp dâm, người này thậm chí còn không muốn tố cáo người hiếp dâm họ tới cơ quan pháp luật vì sự yên ổn, danh dự của chính cá nhân người đó. Nhưng lại phải chứng minh mình bị hiếp dâm trước một cơ quan khác khi đi phá thai thì có lẽ đòi hỏi này trở nên rất vô lý.
Mặt khác, việc chứng mình bị hiếp dâm, loạn luân là không hề đơn giản. Bản thân những người làm công tác điều tra, phá án cũng “toàt mồ hôi” khi phải chứng minh một hành vi phạm tội. Nếu giao trách nhiệm cho người đi phá thai phải chứng mình điều đó thì chẳng khác nào đánh đố họ.
Người bị hiếp dâm, bị loạn luân thuộc nhóm người dễ bị tổn thương (Ảnh minh họa).
Mục đích của dự thảo luật Dân số và đề xuất cho phép phá thai 12 tuần tuổi trở lên nếu bị hiếp dâm, loạn luân là rất rõ ràng. Ai cũng hiểu đó là vì muốn hạn chế tình trạng nạo phá thai bừa bãi. Thế nhưng, quyền được phá thai cũng là một trong những quyền con người quan trọng của một công dân nhằm giảm áp lực về tinh thần, kinh tế khi mang thai ngoài ý muốn.
Nếu đặt điều kiện quá khắt khe, quá đánh đố với người phá thai khiến họ không dám hoặc không thể đáp ứng các điều kiện đó thì vô hình chung chúng ta đang cấm người đó thực hiện một quyền chính đáng của mình.
Những người bị hiếp dâm, bị loạn luân được xã hội và cộng đồng quốc tế xếp vào nhóm “người dễ bị tổn thương”. Không những bản thân họ cần được sự giúp đỡ, hỗ trợ để sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống mà họ còn cần được “đặc cách” (nếu có) từ các dịch vụ chung.
Thiết nghĩ, cơ quan soạn thảo pháp luật cần cân nhắc thật kỹ đề xuất này để vừa đảm bảo được hiểu quả trong công tác dân số vừa thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo trong từng văn bản ban hành.
Luật gia Giang Quyết
Theo_Người Đưa Tin
Coi trọng nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong tố tụng hình sự
Cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội.
Suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại trong việc bảo vệ quyền con người và được quy định trong Hiến pháp.
Vì vậy, khi cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, cần quy định rõ về nguyên tắc suy đoán vô tội, vấn đề bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can... để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.
Cử tri cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để đẩy mạnh cải cách tư pháp, tranh oan sai. Cử tri cũng mong muốn, Quốc hội tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện khăc phục những hạn chế bất cập trong công tác tư pháp, bảo vệ quyền con người, tránh oan sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
Ông Nguyễn Thanh Chấn - một trong những "nạn nhân" của án oan sai (Ảnh: Việt Đức)
Từ thực tế áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong thời gian qua, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm, nhất là cơ quan điều tra phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện song song hai công tác này mới có thể không để lặp lại lỗi thường được cơ quan điều tra mắc phải là không chú ý đến các tình tiết gỡ tội, chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc bị can phải chịu tội, chịu trách nhiệm cho một vụ việc, nên có thể dẫn đến oan sai mà vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là ví dụ điển hình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cho rằng, chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mạng của con người. Do đó, nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng thiếu căn cứ, nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.
Ông Ksor Phước đề nghị: "Giai đoạn điều tra ban đầu của cơ quan điều tra hay dẫn đến sai sót. Các cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phải coi trọng nghiên cứu suy xét kỹ lưỡng. Kiên quyết không cho phép lặp lại sai phạm trong quá trình truy tố, xét xử".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, Dự luật chưa toát lên được "xuất phát của nguyên tắc suy đoán vô tội". Khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ, xem có tình tiết nào vô tội và chú ý tình tiết bị can nói không phạm tội chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ.
"Khi xét hỏi thì ai hỏi trước, hỏi sau rất quan trọng bởi nó liên quan đến đổi mới xét hỏi hay không. Ví dụ kiểm sát viên đọc cáo trạng rất dài sau đó lại đi hỏi. Nếu hỏi phải là người khác hỏi vì kiểm sát viên vừa đọc cáo trạng xong. Vậy bị cáo có được quyền hỏi lại không? Cho nên cần nghiên cứu để xem xét lại thì mới khách quan", ông Phan Trung Lý đề nghị.
Nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm này và cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội là phải coi họ không có tội trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực, để tránh việc không chú ý đến tình tiết gỡ tội cho bị can, bị cáo mà chỉ chứng minh phạm tội để buộc tội. Thực tế nhiều khi lỡ bắt rồi nên vẫn cố chứng minh để xử 1 tội cho tương xứng, điều đó khiến người ta bị treo lơ lửng bởi tội danh trong khi thực tế họ không mắc phải. Như vậy là vi phạm quyền con người.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. "Nguyên tắc suy đoán vô tội là phải nghĩ đến việc tìm chứng cứ gỡ tội cho người ta. Pháp luật các nước quy định cơ quan điều tra ngoài việc đưa ra chứng cứ buộc tội thì cũng phải đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho bị cáo", ông Đinh Xuân Thảo bày tỏ.
Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, minh bạch trong quá trình hỏi cung, các ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết, để vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Trong điều kiện hiện nay, việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi. Vì vậy, Dự thảo đã được chỉnh lý, quy định cụ thể vấn đề này./.
Thùy Trang
Theo_VOV
Sắp cưới, bị ăn 3 cái tát mới biết mình giật chồng người Khi viết lên những dòng tâm sự đầy cay đắng này tôi thực sự vẫn chưa hết bàng hoàng. Nỗi đau nấc nghẹn trong lòng vì những gì mà tôi đã trải qua. Tôi năm nay 26 tuổi, là một cô gái xinh xắn có học thức và công việc ổn định. Tôi không thiếu gì người theo đuổi, nhưng tôi vẫn không...