Muốn ngon phải lụy hóa chất?
Báo chí Sài Gòn đưa tin một miếng chả chục thứ phụ gia. Chưa hết, có tờ còn giật tít lớn Đưa hóa chất vào thực phẩm là tội ác… Người tiêu dùng đọc thấy hãi, còn nhà sản xuất chắc là nghe thấy rét.
Nhưng hóa chất là gì? Tự điển Merriam Webster (Mỹ) định nghĩa: “Hóa chất là chất do quá trình hóa học tạo thành”. Để chắc ăn hơn, tự điển này còn thêm “hoặc (là chất) tham gia vào phản ứng hóa học”.
Dù hiểu theo nghĩa hẹp hay rộng thì rờ đâu cũng thấy hóa chất. Này nhé: thịt thà, cơm gạo, dầu mỡ chui tới ruột là thành axít amin, glucose và axít béo. Nước mắm, nem chua, yogurt, nước tương – xì dầu (lên men hay không lên men) đều là hỗn hợp hóa chất tuốt. Bia rượu là hóa chất “sáng giá” nhất (ethanol), vì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia!
Báo chí châu Âu cũng chẳng vừa, nhưng họ chơi “trí tuệ” hơn. Trong thập niên 1980, họ xúm nhau đánh hội đồng trong cái chiến dịch gọi là “anti-E number” (chống E number). E number là mã số định danh hóa chất được phép dùng trong thực phẩm của khối EU. Chơi kiểu này thì báo chí châu Âu chỉ đánh vào “diện” (bạ đâu đánh nấy), chứ còn rớ tới “điểm” (chỉ đích danh chất nào gây hại) thì trớt quớt. Chiến dịch làm người tiêu dùng phát sốt một thời gian, rồi nguội dần.
Các nhà khoa học tuy nhỏ miệng hơn (báo chí), nhưng đủ uy tín để trấn an người dùng. Đâu còn có đó. Bộ tưởng một hóa chất được cấp mã số E dễ lắm sao? Có cả một hội đồng khoa học xem xét các chứng cớ, thử trên nhiều loại động vật khác nhau, thử dài hạn, trung hạn, thử cấp tính, thử cho tới chết, thử quái thai, di truyền.
Nếu được, thì họ còn đòi đưa ra thống kê dịch tễ học cho chắc ăn. Đó là chưa kể buồn buồn, mấy ông hội đồng lại lôi các E ra đánh giá lại, lạng quạng là rút mã số. Các loại phẩm màu là những E number được “săn sóc” kỹ nhất.
Bộ Y tế Việt Nam có ban hành danh mục phụ gia thực phẩm được phép dùng trong thực phẩm, kèm liều lượng tối đa cho phép cho từng loại thực phẩm.
Danh mục này giống hầu hết với tiêu chuẩn Codex quốc tế. Codex là Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm do Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng sáng lập vào năm 1963. Đôi khi Codex có những quy định còn gắt hơn ở Mỹ và châu Âu, chẳng hạn liều lượng sử dụng nitrate trong chế biến thịt…
Mã số định danh phụ gia (để các nhà chế biến khỏi “giả vờ” nhầm lẫn) giống như ở châu Âu, nhưng bỏ chữ E phía trước, chẳng hạn 211 là sodium benzoate (chất bảo quản), 621 (bột ngọt)… Tên phụ gia hoặc mã số phải ghi trên bao bì thực phẩm theo luật định. Người tiêu dùng nên lưu ý để tránh những phụ gia có thể gây dị ứng cho cơ thể. Ăn ngon thì ai chẳng khoái. Ngon đâu phải chỉ có vị, còn phải nhai cho sướng miệng (cấu trúc), phải hít hà cho đã (hương), rồi phải nhìn cho bắt mắt nữa (màu)…
Video đang HOT
Màu của xôi gấc phải xài tới bao nhiêu quả gấc cho đủ, mà cũng chỉ cho ra được màu hồng nhạt tai tái, nhìn phát chán. Chừng nào con người còn khoái ăn ngon là còn xài tới hóa chất. Vấn đề là chất nào được phép xài, xài thế nào, xài bao nhiêu. Thôi thì, hóa chất nào được phép dùng trong thực phẩm thì nên gọi là “phụ gia thực phẩm” (food additives) cho… êm tai một chút. Hù dọa nhau làm gì!
Theo Vũ Thế Thành
Một thế giới/TGTT
"Quan tiến sĩ" giúp gì cho việc trị nước?
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Trong đó chỉ có hơn 9.000 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường.
Như vậy 15.000 tiến sĩ còn lại không ít người đang làm quan chức. Vấn đề đặt ra ở đây là tấm bằng tiến sĩ giúp gì cho việc lãnh đạo, quản lý đất nước hay nó chỉ làm tăng thêm nạn "tiến sĩ giấy"? Các chuyên gia, nhà phê bình am tường về lĩnh vực nghiên cứu cũng như hành chính công để cùng bàn thảo.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tán thành tách rời học vị với địa vị
Tôi cho rằng cái việc đề ra mục tiêu phấn đấu có 20.000 tiến sĩ trong thời gian từ nay đến năm 2020 cũng là xuất phát từ cách hiểu sai quan niệm đào tạo tiến sĩ. Nguy hơn nữa là đòi hỏi "tiến sĩ hóa" đội ngũ công chức của bộ máy nhà nước.
Tiến sĩ là phải nghiên cứu khoa học. Tìm ra được một đề tài, đối tượng có tính khoa học để nghiên cứu không phải là việc dễ dàng, đơn giản. Cho nên tiến sĩ thường gắn với các trường đại học, các viện nghiên cứu - là những nơi có chức năng chính là làm khoa học để giảng dạy và công bố. Việc đòi "tiến sĩ hóa" công chức lại có nguồn gốc từ một quan niệm sai khác nữa: Coi bằng cấp là một căn cứ quan trọng, có tính quyết định trong việc bổ nhiệm quan chức. Người Việt Nam háo danh, càng có chức quyền càng háo danh và ở thời loạn bằng cấp như hiện nay, khi các loại bằng cấp từ thấp đến cao đều có thể kiếm được và mua được thì các quan chức càng thích trưng tên họ, chức vụ mình kèm theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư.
Tôi tán thành ý kiến của GS Trần Văn Thọ về việc cần phải kiên quyết tách rời học vị và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà bổ nhiệm. Tại sao có những nước trên thế giới bộ trưởng quốc phòng lại không phải là một nhà binh, cũng như bộ trưởng giáo dục lại không phải là một người có bằng cấp cao? Tại vì những người đứng đầu các bộ đó là lo về quản lý nhà nước lĩnh vực đó, còn các vấn đề chuyên môn đã có các hội đồng chuyên gia. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó bệnh "loạn tiến sĩ" còn có nguy cơ gia tăng và thêm trầm trọng.
GS Nguyễn Đăng Hưng: Quái trạng của nền hành chính
Việc các quan chức đua nhau làm bằng tiến sĩ là tình trạng quái dị của nền hành chính Việt Nam. Bằng tiến sĩ thực sự đòi hỏi trình độ thâm sâu, khả năng nghiên cứu khoa học thiên bẩm, được hướng dẫn bởi các nhà khoa học thực thụ. Người có bằng tiến sĩ đúng nghĩa phải can qua thời gian dài tôi luyện, quá trình động não liên tục và bền bỉ. Các quan chức làm gì có điều kiện và trình độ như vậy. Họ kiếm bằng tiến sĩ bằng các thủ thuật xấu hổ dựa trên một nền giáo dục đã băng hoại và tha hóa. Và dĩ nhiên là họ chỉ có được bằng dỏm hay nếu bằng thật thì trình độ chỉ có thể là dỏm. Tôi cho đây là một trò đùa xấu hổ và dĩ nhiên là nó chẳng đem lại gì cho xã hội mà ngược lại là một sự phí phạm vô lối, phí phạm thì giờ và ngân sách.
Việc đặt ra tiêu chí bằng cấp một cách chung chung để xác định lương tiền là một sai lầm khó hiểu. Lẽ ra tiêu chí phải chính xác hơn: trình độ nào cho công việc ấy. Và muốn chọn người chính xác phải qua xét tuyển độc lập và thời gian thử nghiệm. Các cơ quan quản lý sẽ không cần trình độ tiến sĩ mà chỉ cần người có trình độ tối thiểu cần thiết và khả năng làm việc hiệu quả.
Chẳng hạn tại Bỉ, các cơ quan nhà nước hay các công ty tư nhân không có chỉ số lương cho bậc tiến sĩ. Chỉ có chỉ số lương cho các bậc thấp hơn: tốt nghiệp cao đẳng, cử nhân, kỹ sư.
Tại các nước tiên tiến, phải có trình độ và kinh nghiệm mới được thu nhận và lương bổng tùy thuộc vào các giá trị cụ thể ấy. Việc tuyển chọn phải công khai, mở ra cho mọi thành phần. Còn Việt Nam ta thì không giống ai: Được bổ nhiệm theo lý lịch thành phần, tín nhiệm theo thân hữu gia tộc rồi mới đi học, học tại chức, học chuyên tu. Trên thực tế là học cho lấy có, đáp ứng yêu cầu hình thức, chẳng thu thập được gì gọi là chuyên môn...
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng Liên trường ĐH vùng Đông Bắc bang Massaschusetts: Học vị không làm tăng năng suất, giá trị thì vô bổ!
Tôi từng làm việc cho một cơ quan cấp bộ của một bang ở Mỹ, có khoảng 4.500 nhân sự các cấp. Trong đó khoảng 15% có bằng thạc sĩ, luật sư và bác sĩ, 60% có bằng cử nhân, 25% dưới bậc cử nhân. Có khoảng 10 nhân viên có bằng tiến sĩ nhưng nhu cầu công việc không đòi hỏi bậc tiến sĩ nên chỉ có hai người làm công tác quản lý, còn lại là nhân viên thường thôi.
Điều đó cho thấy tính ứng dụng của nước Mỹ rất cao, đòi hỏi học vấn phải đi đôi với năng lực và công việc cụ thể. Học vị chỉ có giá trị khi có giá trị cộng thêm trong công việc được giao phó, nếu không thì sẽ không được dùng, bất kể là ai hay ở vị trí nào.
Ở Mỹ, học lấy bằng thạc sĩ thì chỉ 1-2 năm. Riêng chương trình tiến sĩ ở Mỹ phải mất đến 4-5 năm. Nó đòi hỏi người học phải bỏ công sức rất nhiều cho việc học, thi và làm nghiên cứu cho luận án. Thống kê cho thấy chỉ có 57% hoàn tất chương trình tiến sĩ sau thời gian 10 năm, riêng ngành xã hội và nhân văn thì chỉ có 49%. Người học phải thật khá và đam mê theo đuổi nó. Do đó không ai bỏ công sức đi học lấy bằng tiến sĩ chỉ vì mấy bậc lương hay một chút hư danh. Tôi nghĩ ở Việt Nam những người có khả năng và đam mê học thuật cũng vậy thôi.
Hầu hết các nước đào tạo bậc tiến sĩ chỉ cho hai mục đích giảng dạy và nghiên cứu, hai lĩnh vực này có sự tương quan một cách tự nhiên. Do đó số lượng tiến sĩ trong các cơ quan nhà nước rất ít, ngoại trừ một số cơ quan liên quan đến việc nghiên cứu như y tế, năng lượng, quốc phòng...
Nếu yêu cầu học vị không gắn liền với nhu cầu công việc, làm tăng năng suất và giá trị thì học vị cao có ích lợi gì. Theo tôi, hầu hết nhu cầu công việc quản lý trong lĩnh vực công và tư chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ theo mặt bằng của thế giới là tốt lắm rồi. Thậm chí hiệu trưởng các trường đại học và giám đốc bệnh viện cũng chỉ đòi hỏi trình độ thạc sĩ, còn nếu có học vị cao hơn mà có khả năng quản lý thì tốt.
TS Alan Phan: Mỹ: Muốn có tiền và có quyền thì đừng làm nhà nước
Có một nghịch lý giữa Việt Nam và Mỹ là ở Việt Nam muốn vô nhà nước là để kiếm tiền và kiếm quyền. Còn ở Mỹ thì cực chẳng đã mới vào làm trong cơ quan nhà nước. Bởi ở đây quyền chẳng có nhiều mà tiền cũng chẳng có. Muốn có được quyền và nhiều tiền thì phải đi ra ngoài làm việc và thành công.
Trong một nền kinh tế sáng tạo thì bằng cấp không có ý nghĩa gì mà cái chính là năng lực. Tất nhiên khi muốn làm công tố viên của chính phủ thì phải có bằng luật sư... nhưng không nhất thiết phải là tiến sĩ. Việc lương cao hay thấp là do năng lực chứ không dựa trên tiêu chí của bằng cấp đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi cái quan trọng lànếu có bằng tiến sĩ ông ta làm gì với cái bằng đó mới là quan trọng. Còn nếu có bằng tiến sĩ mà ông ấy không làm gì thì cái bằng chẳng có ý nghĩa gì. Nhìn vào Bill Gates, ông ấy có cần bằng tiến sĩ đâu nhưng vẫn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước...
Mặc dù bên Mỹ tuy không có tiêu chuẩn gì cho tất cả bằng đại học nhưng ở sáu bang đều có các cơ quan kiểm định xác nhận chất lượng của trường đó. Thường các viện đại học lớn sẽ có khoa thẩm định để bảo đảm chất lượng giáo dục theo đúng tiêu chuẩn tốt. Các hội đồng thẩm định này không do chính phủ kiểm soát mà do các trường đại học kiểm soát lẫn nhau. Vì thế các hội đồng lại càng làm hăng say hơn, vì nếu để lọt trường dở vào thì giá trị thẩm định của các viện đại học đó bị ảnh hưởng. Nên thành ra có ích lợi rất ích kỷ nhưng rất tốt bởi nó phải nâng cao tiêu chuẩn lên.
Và như vậy trường nào ở bang nào thì phải xin đăng ký do ban kiểm định ở bang đó. Nếu không đăng ký hoặc bị các hội đồng này từ chối vì chất lượng thấp thì... bằng đó cũng không có giá trị.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Về hưu phải trả lại nhà công vụ Một trong năm trường hợp phải trả lại nhà ở công vụ, theo quy định bắt đầu áp dụng từ tháng 3 tới là người được phân, thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê, ở nhà công vụ... Theo thông tư hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ do Bộ Xây dựng ban hành mới đây,...