Muôn ngón nghề lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Công an Hà Nội cho rằng do ý thức chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nhiều người đã mắc mưu tội phạm lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quái do chúng giăng ra song lại xấu hổ khi tố giác với cơ quan công an.
Ảnh minh họa
Tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản luôn lợi dụng những sơ hở phát sinh trong nền kinh tế thị trường và trong cuộc sống xã hội hàng ngày để phạm tội.
Thông qua việc mua bán nhà đất, các nghi can lừa đảo lập ra những công ty, văn phòng “mua bán nhà – đất”, thuê địa điểm đặt trụ sở giao dịch để gây dựng lòng tin với “đối tác”. Sau đó, bọn chúng thu thập thông tin mua, bán, chuyển nhượng các căn hộ chung cư, đất liền kề, nhà – đất, các mẫu con dấu, phiếu thu tiền, hồ sơ bán căn hộ và nhiều thông tin khác mang đi photocoppy, scan màu để làm giả và rao bán với giá thấp hơn thị trường.
Sau khi nhận được số tiền đặt cọc, chúng chiếm đoạt bằng cách thay đổi số điện thoại, địa chỉ văn phòng công ty để chấm dứt các cuộc giao dịch tiếp theo với khách. Một phụ nữ ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), suýt nữa trở thành nạn nhân của loại tội phạm nêu trên.
Video đang HOT
Do có nhu cầu mua nhà chung cư, bà đăng thông tin và số điện thoại lên mạng Internet để giao dịch. Ngay sau đó, bà nhận được điện thoại của “đối tác”, đang cần bán căn hộ chung cư giá rẻ tại khu đô thị ở huyện Thanh Trì. Sau khi thỏa thuận số tiền đặt cọc là 50 triệu đồng, bà và phía “đối tác” hẹn nhau ngày, giờ và địa điểm giao dịch tiền và các thủ tục, giấy tờ liên quan ở khu vực đường Giải Phóng, quận Đống Đa.
Trong quá trình giao dịch, bà nhận được đề nghị của phía đối tác phải chi thêm hơn 100 triệu đồng nên đã sinh nghi, báo công an tổ chức điều tra, lập kế hoạch bắt giữ ổ nhóm lừa đảo. Quá trình đấu tranh, cơ quan công an phát hiện bọn tội phạm đã giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, làm giả các mẫu phiếu thu tiền của một công ty có chức năng xây dựng các công trình dân sinh để lừa đảo.
Ngoài thủ đoạn tinh vi nêu trên, tội phạm lừa đảo còn hoạt động phạm tội dưới dạng vay tiền của người dân bằng cách mượn “sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng. Chúng lợi dụng trình độ hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế, đã ép người vay tiền phải làm thủ tục bán nhà, đất hoặc yêu cầu cho mượn “sổ đỏ” làm giấy ủy quyền, rồi làm thủ tục sang tên nhà, đất để chiếm đoạt của người vay tiền. Mặt khác, bọn tội phạm lợi dụng việc người dân cần vay với số lượng tiền không lớn, đã yêu cầu giao “sổ đỏ”, ủy quyền cho chúng làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Trong những trường hợp giao dịch kiểu này, tội phạm lừa đảo đã làm thủ tục để vay ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền người cần vay rồi bỏ trốn, dẫn đến người vay tiền không có khả năng thanh toán, bị ngân hàng thu hồi nhà, đất… “Đây là thủ đoạn tội phạm lừa đảo thường áp dụng, gây phức tạp đến tình hình an ninh trật tự hiện nay, bởi sức “ nóng” của hậu quả do nó gây ra đối với xã hội”, thiếu tá Mai Văn Thuần (Đội phó Đội chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội) cho biết.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, dẫn đến những diễn biến phức tạp trong thị trường tuyển dụng lao động và đây là yếu tố để tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động. Thông qua việc đưa người đi xuất khẩu lao động, những kẻ lừa đảo lập ra các công ty và nhiều hệ thống môi giới với các loại giấy tờ, văn bản liên quan đến hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động. Do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong nước khá ít ỏi, người lao động tìm mọi cách để được xuất ngoại làm ăn.
Nắm bắt được nhu cầu “khát việc làm” của người lao động, tội phạm lừa đảo tổ chức các cuộc hội thảo tại nhiều địa phương, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin và đưa ra nhiều chương trình cũng như lợi ích của người lao động được hưởng, nhằm gây dựng lòng tin của họ. Bước tiếp theo, những kẻ lừa đảo thu gom hồ sơ, đưa người lao động đi học tiếng nước ngoài, khám sức khỏe để tiếp tục tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của họ. Sau khi cầm tiền trong tay, tội phạm lừa đảo cắt đứt liên lạc với người lao động bằng cách bỏ trụ sở, số điện thoại liên lạc, đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, vì trót vay một số tiền lớn để lo cho người thân xuất ngoại với hy vọng đổi đời.
Theo thượng tá Hà Hùng (Phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội), 6 tháng đầu năm 2013, toàn địa bàn thành phố xảy ra 156 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
“Do ý thức chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nhiều người đã mắc mưu tội phạm lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quái do chúng giăng ra”, thượng tá Hà Hùng nhận xét và cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lừa đảo là nhiều người dân vẫn tỏ ra xấu hổ khi mắc bẫy bọn lừa đảo và không tố giác với cơ quan công an. Một số người có tâm lý cho rằng vì mình mà nhiều người khác bị liên lụy trong các vụ lừa đảo cũng không dám đến cơ quan công an tố giác tội phạm.
Theo VNE
Đóng giả người nhà quê lên xe buýt... móc túi
Với bộ dạng "ngây thơ" người nhà quê không biết đường, các nữ quái dàn cảnh đánh lạc hướng cho đồng bọn phía sau móc túi người trên xe buýt.
Ngày 7/6, đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an TP.HCM cho biết, sau hơn 2 tháng thực hiện chỉ đạo phòng chống tội phạm lừa đảo trộm cắp trên các tuyến xe buýt, siêu thị, nơi công cộng, đã xóa sổ được 11 băng nhóm, bắt giữ 28 người liên quan tới hành vi trộm cắp tài sản, móc túi.
Sau các lần đóng giả nhiều vai khác nhau, các trinh sát đã mật phục trên nhiều tuyến xe buýt Suối Tiên - bến xe An Sương (tuyến số 33), bến xe Miền Đông - Nhơn Trạch (tuyến số 603), bến xe Biên Hòa - Miền Tây (tuyến số 601), Bến Thành - KCX Linh Trung (tuyến số 19), ĐH Quốc Gia - Chợ Lớn (tuyến số 8), Chợ Lớn - Củ Chi (tuyến số 13)... Đây là các tuyến bị hoành hành bởi nạn móc túi.
Băng nhóm móc túi trên xe buýt bị công an bắt quả tang.
Các băng móc túi thường đi từng nhóm từ 3 - 5 người, ngồi tụ ở các trạm xe buýt. Vào những giờ cao điểm, đông khách, nhóm này lên xe chen lấn xô đẩy hoặc giả vờ là người ở quê mới lên thành phố nên không biết đường đi. Một người giả vờ hỏi thăm đường để đánh lạc hướng "con mồi", lợi dụng lúc mọi người không để ý, đồng bọn ra tay móc điện thoại di động hoặc bóp tiền của hành khách.
Sau nhiều ngày theo dõi, vào sáng 17/5, tại ngã tư Thủ Đức các trinh sát phát hiện nhóm gồm Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Kim Hà và Trần Ngọc Đoan đang "chôm" tài sản nên ập vào bắt quả tang. Khi bị khóa tay, những người này truy hô là bị hành hung, nhưng ngay sau đó các trinh sát vạch trần thủ đoạn trộm cắp, thì 3 người hết đường chối cãi.
Sau đó, vào sáng 19/5, trên tuyến xe buýt số 19 Bến Thành - KCX Linh Trung, có 2 người mang bộ dạng nhà quê. Thấy lớn tuổi, nên một trong 2 phụ nữ được hành khách nhường ghế, nhưng không chịu ngồi. Sau đó một phụ nữ giả vờ hỏi thăm hành khách này đường vào trung tâm thành phố. Lợi dụng lúc mất tập trung, phụ nữ thứ 2 thò tay móc chiếc điện thoại di động của nạn nhân. Khi vừa thu được "chiến lợi phẩm" bước xuống xe, các trinh sát nhanh tay tóm gọn 2 người rồi đưa về Công an P.Linh Trung. Tại cơ quan công an 2 người khai là Huỳnh Thị Mỹ Thuận (41 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hà (58 tuổi). Cũng trong chiều cùng ngày, tổ trinh sát cũng tóm gọn cặp nam nữ với tang vật là chiếc điện thoại di động vừa móc được của hành khách trên xe.
Theo vietbao
Nữ doanh nhân bất động sản lĩnh án 18 năm tù Sáng 13/5, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Lê Thị Thúy Oanh (SN 1975, trú thôn Thái Thông, Vĩnh Thái, hiện ở 115 nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang) 18 năm tù. Bị cáo Lê Thị Thúy Oanh trước vành móng ngựa. Trước đó, tháng 11/2011, Tòa này đã tuyên phạt bị cáo Oanh 20 năm tù nhưng sau đó bản án bị...