Muôn nẻo mưu sinh của lái tuk-tuk Việt tại Campuchia
Giữa muôn nẻo mưu sinh có nhiều giọt mồ hôi nhưng lấp lánh đâu đó là tình người với những câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Đơn giản và không khác nhiều so với những chiếc xe lam, xe chở hàng gắn máy ở Việt Nam, những chiếc xe tuk-tuk tạo nên hình ảnh gần gũi đối với các du khách Việt trong những chuyến đi len lỏi khắp các đền đài, miếu mạo của đất nước chùa tháp Campuchia.
Tuk-tuk ngày mưa
Video đang HOT
Hành trình để trở thành một lái xe tuk -tuk
Buổi chiều Xiêm- Riệp đang mùa mưa giống như Sài Gòn, ẩm ướt và lành lạnh. Cả thành phố chìm trong nỗi buồn không tên, anh lái tuk-tuk tên Đăng đến đón tôi ở khách sạn. Vốn quen với hình ảnh những chiếc xe máy kéo với khoang ngồi cho khách ở sau khá thoáng và rộng, tôi ngạc nhiên nhìn thấy chiếc tuk-tuk của anh được bao bọc kĩ lưỡng bốn bên bằng mảnh áo mưa. Tôi bước lên xe khi bên trong khoang ấm áp và khô ráo, bên ngoài trời vẫn mưa rí rách. Chạy một vòng quanh thành phố, về tới một quán ăn nhỏ người Nhật gần khu vực Chợ Cũ là nơi tập trung đông bà con người Việt sinh sống, tôi mới có dịp trò chuyện cùng anh. Dăm câu chuyện phiếm về thành phố, về con người, loanh quanh cuối cùng vẫn trở về với cuộc sống của bà con người Việt ở bên này và nỗi nhớ của người xa xứ hướng về quê hương.
Sáng hôm sau, Đăng đến đón tôi để đi Ăng-co. Ở Xiêm Riệp lẫn Phnôm pênh, số lượng người Việt tương đối nhiều. Hỏi quanh co một hồi thế nào cũng tìm ra một vài người đồng hương Việt. Đăng tâm sự, anh là người Tây Ninh, sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 18 tuổi, anh và người anh trai cùng đỗ vào đại học nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn nên Đăng nhường cho anh đi học. Rồi Đăng sang Campuchia làm việc.
Đăng cho biết, muốn trở thành một lái xe tuk -tuk phải thông qua một cơ quan quản lý thuộc chính quyền địa phương. Họ phải trải qua một vòng sát hạch về sức khỏe, lý lịch, thi lấy bằng lái xe rồi mới được hành nghề. Mỗi người sẽ được phát một chiếc áo đồng phục, có mã số riêng để chính quyền có thể quản lý lái xe. Nếu lái xe nào vi phạm quy định về giá cả sẽ bị tước giấy phép hành nghề. Ngoài tiếng Campuchia thông thạo, phần lớn người lái tuk -tuker đều phải tự trang bị thêm cho mình vốn tiếng Anh đủ để giao tiếp với khách nước ngoài. Có thể không biết nhiều về lịch sử, văn hóa nhưng nếu thông thạo tiếng Anh có thể kiếm được thêm nhiều tiền. Mỗi ngày lái xe như anh có thể kiếm được 15 USD trở lên. Trừ đi những ngày vắng khách, ốm đau phải nghỉ, mỗi tháng anh cũng kiếm được số tiền tương đương 6-7 triệu tiền Việt.
Năm nay mới 25 tuổi nhưng Đăng vào nghề đã được ba năm. Ở Campuchia, vào các tháng 4, 5, 6, 7 là tháng vắng khách, các lái tuk-tuk phải xoay thêm làm các công việc khác để kiếm sống. Đã có thời gian Đăng theo các anh em lái xe đi buôn thuốc đánh răng ở các tỉnh. Kiếm sống ở Campuchia không quá vất vả vì sự cạnh tranh và phân biệt người Việt, người Miên gần như không còn. Giữa các lái xe cũng không có sự tranh giành khách của nhau. Nạn trộm cướp trên đường hầu như không có.
Lấp lánh chuyện cổ tích
Địa vị của một lái xe tuk -tuk trong mắt người bản xứ lại không được đánh giá cao. Trong khi đó, với những khách nước ngoài thì đây lại là một nghề khá thú vị. Mỗi ngày gặp thêm những vị khách mới, những lái xe như Đăng lại có thêm cơ hội để được lắng nghe những câu chuyện bốn phương. Đăng cười hóm hỉnh: “Tuy em chỉ loanh quanh ở vùng này thôi nhưng những phong tục ở nhiều nơi cũng biết”. Câu chuyện trở nên rôm rả hơn, khoảng cách giữa chúng tôi dần thu hẹp lại, lúc bấy giờ anh mới tâm sự.
Sau một thời gian làm nghề, một số lái xe tuk-tuk, ngoại ngữ tốt có thể thi lấy bằng làm hướng dẫn viên du lịch. Chỉ mất chừng 200 đô la làm lệ phí, trải qua một hai vòng sát hạch là có thể nhận đoàn. Làm hướng dẫn viên thì mỗi ngày có thể kiếm chừng 25 đến 35 đô la. Ước mơ là vậy nhưng Đăng vẫn chưa thực hiện được vì còn một yêu cầu khác là phải có bằng tốt nghiệp lớp 12 bên Campuchia. Cũng có đường dây để lo giấy tờ đầy đủ nhưng sẽ mất thêm mấy trăm đô la nữa nên anh vẫn đang phải tính toán sao cho hợp lý. Bởi hiện tại, mỗi tháng Đăng vẫn phải gửi tiền về quê để phụ giúp ba mẹ nuôi các em.
Làm lái xe tuk -tuk nhiều khi gặp những câu chuyện như trong cổ tích. Cách đây một năm, Đăng có một người bạn tên Sơn, cũng người gốc Trà Vinh sang đây làm lái xe tuk-tuk. Một hôm Sơn thông báo với mọi người sẽ đi Châu Âu. Hỏi ra mới biết, có một vị khách quen lâu ngày đã bảo lãnh cho Sơn sang bên ấy. Vị khách già không có con cái, mỗi lần sang Xiêm – Riệp đều gọi cho anh đưa đi khắp nơi. Đần dần thành cảm mến, đến khi về nước thì quyết định nhận anh làm con nuôi và di chúc cho toàn bộ tài sản của mình.
Đăng cũng tiết lộ, các khách đến từ Việt Nam, Thái Lan, và châu Âu tương đối dễ mến. Ngại nhất là gặp khách đoàn người Trung Quốc. Bởi vậy, khi có khách giới thiệu đoàn Trung Quốc, các lái xe tuk-tuk hay kiếm cớ bận để từ chối.
Tôi vô tình để ý tới bàn tay đeo nhẫn của Đăng, ngạc nhiên thấy anh bạn đã có gia đình. Biết ý, anh xua tay phân bua: “Không phải đâu chị ạ, em đeo như thế là để tránh phiền phức thôi”. Hóa ra anh chàng sợ phải “dính” những mối quan hệ yêu đương với các cô gái bên này. Anh vẫn mong khi dành dụm được một khoản tiền sẽ về nước, tìm một người con gái ở quê nhà.
Đường từ Ăng-co trở về thành phố, hai bên là những hàng cây dài thẳng tắp như một khu rừng cổ thụ. Mưa nhè nhẹ, chúng tôi kéo mấy tấm bạt xung quanh xe lên để đón gió. Những câu chuyện về Tuk-tuk Việt tại đất nước chùa tháp cứ nối dài mãi, mỗi con người mỗi hoàn cảnh với muôn nẻo đường mưu sinh.
Theo NDT