Muôn kiểu trốn đám cưới thời thiếu tiền
‘Chống chỉ định’ với những đám cưới được tổ chức ở nhà hàng, khách sạn bởi phong bì mừng khá ‘chát’, nhiều người chọn cách gửi quà.
Kinh tế khó khăn, nhà nhà lo lắng cắt giảm chi tiêu nên khoản tiền mừng đám cưới cũng khiến nhiều gia đình trở nên lao đao, chóng mặt.
Lập hội… gửi phong bì
Mới đầu tuần, cầm 4 cái thiếp trong tay, Hoàng Anh, 30 tuổi, nhân viên thiết kế công ty cổ phần xây dựng SHD (Lê Văn Lương, Hà Nội) ngao ngán: “Phải gửi thôi chị ạ chứ làm gì có thời gian mà chạy sô. Hôm qua, bà xã tôi đã nhận được 3 cái thiếp”. Thật ra không phải Hoàng Anh không sắp xếp được thời gian đi dự lễ cưới mà “bí” thực sự ở khâu tiền mừng.
Hoàng Anh tâm sự: “Vợ chồng tôi vừa cưới hồi đầu năm, các bạn đều ngang tuổi nhau nên thi nhau lập gia đình. Với tần suất thiếp mời nhiều như thế này, đám nào cũng mừng nhiệt tình thì lương 2 tháng cũng bay hết cho 2 tuần đi cưới”.
Còn Tuấn Minh, 35 tuổi, cán bộ công chức một sở tại Hà Nội thì cười mà rằng: “Đám cưới trùng ngày giờ nhau chan chát thế này thì đi mừng kiểu gì? Tôi đành chọn một đám thân nhất với mình để đi, còn lại thì gửi phong bì chúc mừng. Thế là quốc sách, vừa đỡ tốn mà cũng chẳng mang tiếng, chẳng thất thố với ai”.
Gửi là thượng sách (ảnh minh họa)
“Nhiều thiếp mời, mới ngó qua địa điểm in trên thiếp, toàn là “địa chỉ vàng” ở Hà Nội, tôi đã toát mồ hôi. Nếu đi dự thì phong bì chắc chắn không dưới 500.000 đồng, nên giải pháp tối ưu là gửi quà mừng”, Minh nói và cho biết thêm, chỉ riêng tiền gửi quà mừng cưới trung bình 1 tháng đã “ngốn” của anh gần 2 triệu đồng. Những tháng thuộc về mùa cưới, tiền phong bì khó mà biết trước được là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không thể dưới 4 triệu đồng.
Video đang HOT
Đối với bạn trẻ, là sinh viên mới ra trường, thu nhập chưa ổn định, mùa cưới là “mùa họa”. Học theo giải pháp của các cụ hưu trí gần nhà, không ít người trẻ chọn cách “lờ triệt để”, bởi ngay cả “gửi” cũng không xuể. Theo bác Thụ (khu tập thể đường sắt Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) thì: “Chắc người ta cũng thông cảm cho hai ông bà già. Giờ người già chỉ trông vào đồng lương hưu nên mời tôi không đi, chắc chả ai nỡ trách, mà trách thì cũng đành chịu”.
Trong khi đó, nhiều người lại chọn giải pháp gửi phong bì theo kiểu tập thể. “Hình thức này được các bạn trẻ mới ra trường áp dụng triệt để, bởi tâm lý đánh đồng ai cũng như ai khiến người mừng cũng đỡ áy náy. Mình cứ tính sao để số tiền bỏ phong bì được tròn trịa, rồi chia đầu người ra cùng góp. Lẽ ra, nếu đi cá nhân thì gửi 300.000 đồng nhưng phong bì tập thể thế này, có khi chỉ 150.000 – 200.000 đồng mà vẫn trang trọng. Như vậy, tất cả sẽ tiết kiệm được một khoản tiền”, Tuấn Minh nói.
Với những trường hợp gia đình nhận được quá nhiều thiệp cưới, nhiều người được mời, cách trốn hay nhất là cử đại diện đi dự. Chị Minh Hạnh (ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) trần tình: “Nhà có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, bao nhiêu thứ phải chi tiêu mà người mời cưới toàn khách sạn xịn. Ai mời cũng nhiệt tình, dặn là mang cả anh xã với các cháu cùng tham dự cho vui. Nghĩ đến chuyện ăn cơm bụi giá cao, tốn cả triệu bạc cho hai người là tôi đã sợ xanh cả mặt”.
Anh Huy Hoàng (phố Huế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên cử một người đi ăn cơm bụi giá cao. Sở dĩ phải làm như vậy, vì đi dự cưới 2 người thì phải mừng nhiều tiền hơn, trong khi mối quan hệ chỉ là biết sơ sơ”.
Nhà hàng ế ẩm, nấu cỗ tại gia lên ngôi
Theo anh Trần Tường – phòng Kinh doanh, khách sạn Phụ nữ (Thụy Khuê, Hà Nội), hầu hết giá mâm cỗ cưới năm nay đều tăng 15% – 20%. Một mâm cỗ 6 người hiện nay giá trung bình từ 1,8 đến trên 2 triệu đồng. Đặc biệt, ngày càng nhiều gia đình không chọn đặt mâm 10 (10 người một mâm) do khi so sánh chi phí, giá mỗi suất vẫn không hề giảm, xếp khách ngồi mâm khó hơn.
Lễ cưới nên đầm ấm, thân mật là tốt nhất (ảnh minh họa)
Bác Minh (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, với mức giá đặt mâm cỗ trung bình thôi, thì tiền mừng cũng khoảng 400.000 đồng một người mới mong “hòa vốn”. Sau khi tham khảo thực đơn, hầu hết đồ ăn đều là những món trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” của các tiệc cưới như tôm chiên muối ớt, rau cải xào, gà luộc… Còn nếu muốn độc đáo hơn, chi phí không dưới 2,5 triệu đồng mỗi mâm, chưa kể đồ uống.
Nếu xài rượu “xịn” ngoại, giá còn “chát” hơn nữa. Lo ngại về nguy cơ bị lỗ khi tổ chức đám cưới ở nhà hàng, khách sạn lớn, bác Minh quyết định về nhà dựng rạp và thuê người nấu cỗ, tổ chức cưới cho con trai.
Là đầu bếp trưởng của một nhà hàng lớn trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), anh Nguyễn Hồng Tĩnh cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng khách đến đặt tiệc cưới tại các nhà hàng, khách sạn lớn ngày càng giảm. Trong khi đó, xu hướng thuê người nấu cỗ tại nhà ngày càng nhiều. Hiện tại anh Tĩnh duy trì công việc tại nhà hàng chính ở mức cầm chừng. Thời gian rảnh, anh thường nhận tiệc khách đặt, đến tận gia đình nấu cỗ theo yêu cầu.
Qua khảo sát của phóng viên, mùa cưới năm nay, nhà hàng, khách sạn lâm vào tình thế hiu hắt, rất ít khách đặt tiệc cưới. Nhiều nhà hàng, khách sạn chuyển hướng kinh doanh theo hình thức nhận tiệc tại nhà. Tham khảo tại nhà hàng Cơm mẹ nấu (Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội), vị quản lý chia sẻ: “Mặc dù lãi thu về từ dịch vụ này không cao nhưng cũng là một hình thức tận dụng nhân công nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập cho nhân viên”.
Theo anh Đức Thọ, đầu bếp của nhà hàng này, thì việc tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn hay ở nhà, về ý nghĩa, chẳng có gì khác nhau. Nhiều gia đình vì không có địa điểm nên phải tổ chức cưới ở nhà hàng với các chi phí đắt đỏ. Nếu tổ chức cưới ở nhà, nhiều “hạng mục” người quen, bạn bè, người thân có thể tự tay trang trí hoặc đi thuê được giá gốc để làm, sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm với đầu bếp Đức Thọ, bác Minh cho biết: “Tổ chức tiệc cưới tại nhà, gia đình sẽ chủ động về nguồn nguyên liệu; đảm bảo được nguyên liệu tươi, ngon”. Với mức giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng một mâm thì mâm cỗ tại gia sẽ đầy đặn, ngon, nhiều món hơn đặt ở nhà hàng, khách sạn rất nhiều.
Vợ chồng trẻ Ngọc Anh – Thanh Tùng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) quyết định mượn sân nhà văn hóa của khu phố để tổ chức tiệc cưới. Cặp đôi này cho biết: “Chúng tôi chọn giải pháp này là thu hẹp độ hoành tráng của đám cưới. Tổ chức ở nhà vừa đầm ấm lại vừa giảm chi phí, khách mời cũng đỡ ngại, họ đến chung vui được nhiều hơn. Đó là điều vợ chồng tôi thấy vui nhất. Gia đình tôi thuê người phục vụ, người nấu bếp nhưng thành tiền mâm cỗ chỉ hơn 1,2 triệu đồng cả đồ uống. Chúng tôi thấy rất vui khi tổ chức một lễ cưới đầm ấm, vui mà vẫn trang trọng”.
Theo Eva
Nghèo vì tiền mừng cưới
Thú thực, nghĩ tới đám cưới mà nản quá. Vừa tốn tiền, vừa mất sức.
Cưới nhiều như... sung
"Dạo này người ta hay cưới nhau thế!". Lần nào gặp lũ bạn, tôi cũng bị nghe câu ca thán như thế. Số là, tầm 2 tháng gần đây là mùa cưới, nên người ta cưới nhau nhiều. Trong nhà, thiệp cưới tích lại phải được cả chồng. Mà không cẩn thận là quên ngày cưới, có khi tới ngày mới giật mình nhớ ra là mình quên.
Thế nên, dự liệu từ trước những đám cưới có thể bị &'dính', tôi đã tính tiết kiệm cho mình một khoản ngay từ đầu và hạn chế mọi chi tiêu không cần thiết. Việc tụ tập bạn bè cũng phải dừng lại nhiều, có khi bạn gọi mà chẳng dám đi vì những khoản &'campuchia' trong cuộc hội họp ấy tính ra cũng bằng tiền đi ăn cưới một đám to.
Đầu tháng 3 đám, giữa tháng 2 đám, còn cuối tháng không biết có mấy đám nữa. Nhiều lần nghĩ, mấy đám không thân có nên đi hay không. Nhưng xét lại, người ta đã mời mình tức là còn nhớ tới mình, mình không đi thì không phải phép, thế nên dù có khó khăn, cũng cố mà đi. Vả lại, mình không còn trẻ nữa, tới tuổi cưới xin rồi nên bạn bè cứ lũ lượt kéo nhau đi lấy chồng, lấy vợ hết. Còn lại, trọng trách mừng cười đè lên vai mình. Không đi người ta, sau này mình cưới, chỉ sợ đám cưới chẳng có bạn có bè, lại heo hút, buồn chán mà thôi.
Đầu tháng 3 đám, giữa tháng 2 đám, còn cuối tháng không biết có mấy đám nữa.
(ảnh minh họa)
Đi vay tiền mừng cưới
Nói ra thì đúng là buồn cười, nhưng 2 tháng nay, tôi đã phải đi vay mấy triệu để mừng cưới. Cưới dự tính mừng 5 trăm vì là bạn cũng thân, nhưng rồi nhiều khoản phát sinh trong quá trình đi ăn cưới. Thế nên, mỗi đám phải mất gần triệu. Nghĩ đến thì đúng là sót thật, tiền kiếm được thì cũng không đủ chi tiêu. Còn bao nhiêu thứ nữa, đâu phải chỉ ăn cưới là xong đâu.
Bố mẹ gọi điện trách con mấy tháng nay không cho bố mẹ đồng nào, tiền làm ra tiêu gì hết. Nhưng bố mẹ đâu có hiểu, tiền đi đám cưới của con chồng chất, con còn nợ thêm một khoản kha khá nữa rồi. Không nhờ cậy tới sự giúp đỡ của bố mẹ đã là may mắn và cố gắng, nói gì tới việc cho được tiền. Mấy tháng cuối năm mà tiền tháng nào hết tháng ấy, không có một đồng tiết kiệm, lại còn đi vay, không biết tết nhất tính thế nào. Nhiều khi vừa cười vừa nghĩ, khéo phải đổi số điện thoại để không bị mời mọc nhiều nữa. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ nhất thời, nghĩ cho vui mà thôi.
Thú thực, nghĩ tới đám cưới mà nản quá. Vừa tốn tiền, vừa mất sức, vui thì vui đấy nhưng mệt cũng nhiều hơn. Chỉ mong sao qua thời kì &'khủng hoảng' này để làm lại, để kiếm lại tiền và tiết kiệm cho cái Tết sắp tới vui vẻ, thoải mái hơn.
Theo Eva
Tiền mừng cưới, của ai người nấy giữ Tôi đã thống nhất với vợ như thế ngay từ khi chúng tôi chuẩn bị thủ tục cưới xin. Không phải tôi là kẻ ki bo, nhưng tôi luôn muốn rạch ròi chuyện tiền nong, ngay cả vợ chồng cũng vậy. Để tránh trường hợp, vợ chồng cãi vã nhau sau hôn nhân. Người ta nói, yêu nhau đến mấy nhưng lấy nhau...