Muôn kiểu thất bại của VĐV Việt Nam ở Olympic
Có rất nhiều lý do dẫn đến những thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic lần này.
Võ sĩ Văn Ngọc Tú lĩnh ấn tiên phong cho đoàn thể thao Việt Nam mang theo kỳ vọng “mở hàng” may mắn hơn là làm được điều gì đó. Đơn giản bởi, để đi tới trận tranh huy chương, Tú sẽ phải đối đầu với rất nhiều võ sĩ hàng đầu thế giới. Thậm chí ngay từ vòng đầu tiên, Tú “dừa” đã đụng võ sĩ số một người Brazil, người sau đó đã vào tới trận chung kết. Ít người dám kỳ vọng lớn vào Tú bởi cô chỉ “bắt nạt” được các đối thủ trong khu vực, chứ ra tầm quốc tế và đặc biệt là sân chơi Olympic, chỉ có điều thần kỳ mới giúp Tú có huy chương. Xác định tâm lý “chơi đến đâu, hay đến đó”, việc Văn Ngọc Tú bị loại ngay trận ra quân không làm nhiều người bị sốc, hay tỏ thái độ tiếc nuối. Thất bại của Tú đã chỉ ra một thực tế, tầm của các VĐV Việt Nam tại sân chơi Thế vận hội, vẫn còn quá nhỏ bé.
Tiếp đến, Ánh Viên cũng được dự đoán sẽ về nước sớm và điều đó đã xảy ra. Mục tiêu duy nhất của Ánh Viên tại Thế vận hội lần này là vượt lên chính mình. Bởi vậy, có thể hiểu cảm giác vui sướng của ban huấn luyện đội tuyển bơi lội ngày hôm qua như thế nào, khi Ánh Viên xác lập kỷ lục mới của bản thân ở nội dung sở trường 200m ngửa. Phấn đấu đạt thành tích cao nhất, nhưng rõ ràng để có thể cạnh tranh một tấm huy chương ở sân chơi Olympic, Ánh Viên sẽ phải cố gắng thêm ít nhất… hai kỳ Olympic nữa. Đó không phải là một nhận định quá khắt khe bởi thành tích hiện tại của Ánh Viên, kém thành tích của VĐV đứng đầu vòng loại tới 6 giây. Trong bơi lội, nâng được phần trăm của giây đã khó, chứ kém tới 6 giây thì cũng là cả vấn đề lớn.
Hoàng Xuân Vinh một lần nữa được nhắc tới như xạ thủ kém duyên ở những đấu trường lớn. Giành được thành tích 583 điểm, một điểm số rất cao trong điều kiện thi đấu căng thẳng như Olympic. Thế nhưng, nếu Xuân Vinh cố thêm một điểm nữa, anh đã có thể lọt vào tới vòng chung kết. Với tâm lý thoải mái, chẳng ai nói trước được điều gì nếu xạ thủ này lọt vào vòng tranh huy chương. Đứng thứ 9 trên tổng số hơn 40 xạ thủ là một thành tích đáng khen ngợi của Xuân Vinh, nhưng anh vẫn thiếu một chút may mắn để có thể làm nên điều thần kỳ. Còn nhớ tại Asiad Quảng Châu, Xuân Vinh bắn trượt viên đạn cuối cùng, mất tấm HC vàng trong sự tiếc nuối vô bờ. Lần này, có lẽ cảm giác của các thành viên đội tuyển bắn súng cũng tương tự.
Trần Lê Quốc Toàn thi đấu tốt ở Olympic London. Ảnh: ĐH.
Nếu như thất bại của Xuân Vinh đã nguôi ngoai phần nào thì thất bại của Trần Lê Quốc Toàn, sẽ được nhiều người nhắc tới. Có người nói Toàn kém may mắn, người nói Toàn đã chủ quan, không có chiến thuật tốt hay đơn giản là vì đối thủ mạnh hơn. Dù thế nào thì Toàn cũng đã không có huy chương và thất bại của Quốc Toàn nên xem là một bài học với môn cử tạ và chính anh.
Video đang HOT
Hà Thanh chính là VĐV đáng thương nhất tại Olympic năm nay. Thương bởi cô đã không có một hành trang vững vàng để có thể tự tin cạnh tranh một tấm HC đồng, như từng làm được tại giải vô địch thế giới. Kể từ khi có vé, Hà Thanh chủ yếu tập chay. HLV người Trung Quốc về nước, Thanh phải tập ké các thầy nội. HC đồng thế giới năm 2011 là một thành tích đáng tự hào, nhưng những người làm công tác thể dục dụng cụ thừa hiểu, để có huy chương Olympic, Hà Thanh phải được đầu tư nhiều hơn nữa. Không đủ tự tin, cú tiếp đất của Hà Thanh trông thật tội nghiệp. Cô đã chia tay sân chơi Olympic với hình ảnh đáng thương như thế.
Lần thứ hai, Tiến Minh bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Nếu như 4 năm trước, thất bại của Tiến Minh là điều dễ hiểu bởi anh còn quá ít kinh nghiệm, còn lần này, lại là nỗi thất vọng vô bờ. Người trong cuộc lý giải, Tiến Minh đã có tuổi, Tiến Minh bị đối phương bắt bài… nhưng ai cũng thấy lý do lớn nhất, là Tiến Minh vẫn không vượt qua điểm yếu tâm lý.
Taekwondo, vật, điền kinh là những môn sẽ tranh tài tới đây. Trong số này, nếu như điền kinh với hai gương mặt Việt Anh (nhảy cao), Thanh Phúc (đi bộ) tham dự theo kiểu “học hỏi là chính” hay lại “vượt lên chính mình” thì Nguyễn Thị Lụa (vật), Diệu Linh – Huỳnh Châu (taekwondo) có cửa tranh huy chương. Chỉ có điều, hy vọng huy chương lại phải kèm theo điều kiện là bốc thăm may mắn, tức là rơi và nhánh thi đấu gặp toàn đối thủ nhẹ ký.
Theo Bưu Điện Việt Nam
VĐV Việt Nam nhận bao nhiêu tiền tiêu tại Olympic?
Lên đường trong sự hào nhoáng, được "treo" những khoản thưởng tiền tỷ, song dường như tất cả đều có gì đó thật xa với thực tế của đoàn quân sang Anh tranh tài. Không khỏi chạnh lòng khi điều gần nhất với họ, kinh phí được cấp cho nhu cầu chi dùng riêng hàng ngày chỉ đúng 15 USD/ngày, tương ứng vỏn vẹn 300.000 đồng.
Của riêng chỉ có... chút này
Dự tranh Olympic, các thành viên của đoàn TTVN được bao cấp toàn bộ, từ ăn ở đi lại, bảo hiểm thuốc men, cho đến trang phục, rồi thiết bị dụng cụ. Đây là điều đương nhiên, vì họ đang thực hiện nhiệm vụ QG.
Mỗi tuyển thủ Việt Nam được nhận 15 USD tiền tiêu vặt hàng ngày
Các khoản cơ bản đã được bao cấp, thế nhưng rõ ràng, thầy trò các đội tuyển còn có những nhu cầu chi dùng khác, đơn giản nhất như ăn thêm, uống nước sau mỗi buổi tập, ngày đấu, rồi thông tin liên lạc, chưa kể những phát sinh khó lường khác. Để đáp ứng các nhu cầu có tên và cả không tên thường gặp hàng ngày ấy, họ phải trông cả vào phần "của riêng" được cấp, vỏn vẹn 15 USD/ngày, tương đương khoảng hơn 300.000 đồng.
Chẳng hiểu, các thành viên đoàn TTVN có thể làm gì giữa London đắt đỏ với khoản tiền tiêu vặt 15 USD ấy. Quá khó, bởi có lẽ nó chỉ đủ tiền uống nước giải khát thêm một cách hạn chế nhất có thể. Còn nếu để tiêu pha đảm bảo, dù vẫn chỉ là phục vụ cho việc tập luyện thi đấu, hay lỡ có gì đó phát sinh, chắc chắn, họ sẽ chỉ còn cách... bỏ tiền túi.
Với "của riêng một chút" 15 USD, có thể đoan chắc, phần lớn các HLV, VĐV sẽ chẳng dám tiêu pha gì cả. Họ sẽ trông đợi cả vào các điều kiện sẵn có tại Làng VĐV, địa điểm thi đấu, tập luyện, cho dù có phải chịu khó, chịu khổ thêm phần nào.
Thực sự không chỉ đến Olympic 2012 mà các tuyển thủ VN đã quá quen với cảnh này mỗi khi xuất ngoại thi đấu. Khoản tiền tiêu vặt ít ỏi gần như chỉ có thể giúp họ tiết kiệm lại thành một khoản tương đối để "dắt lưng" hay mua ít quà về nhà.
Chẳng nhẽ không thể khác...
Lý giải cho khoản tiêu vặt 15 USD này, ngành thể thao cũng thừa nhận rằng nó rất bất cập, song thực sự không thể làm khác vì đó là quy định chung của nhà nước.
Viện dẫn quy định chung thì đúng rồi, dầu vậy chẳng nhẽ không thể khác khi các đoàn TTVN dự tranh các giải quốc tế, nhất là các sự kiện tầm cỡ như Olympic, ASIAD, hay SEA Games đều có đặc thù và đòi hỏi riêng rõ rệt?.
Niềm động viên từ quê nhà là một phần sức mạnh dành cho các VĐV
Có lẽ suốt nhiều năm qua, ngành thể thao dù nhìn nhận rõ thực tế nhưng chưa bao giờ đặt ra vấn đề phải đề xuất, thậm chí đấu tranh để có sự điều chỉnh hợp lý cho khoản "tiền tiêu vặt" tưởng nhỏ mà rất quan trọng và thiết thực.
Càng đáng nói hơn, vì cũng chưa thấy ngành thể thao từng tìm cách tháo gỡ để có được khoản hỗ trợ từ các nguồn khác giúp cho thành viên các đoàn TTVN, đặc biệt các tuyển thủ, có được một khoản "tiêu vặt" tương xứng mỗi khi xuất ngoại làm nhiệm QG. Cơ quan quản lý nhà nước có thể bị "bó" bởi quy định, nhưng Ủy ban Olympic VN hay các LĐ- HH của các môn có đại diện hoàn toàn có thể vào cuộc, rồi thêm nguồn vận động tài trợ nữa.
Thật chạnh lòng, phần nào đó tủi thân trước thực tế buồn 18 tuyển thủ đã nỗ lực phấn đấu hết tâm sức để đến được đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất tại London, mà chỉ nhận khoản tiêu vặt chỉ đúng 15 USD/ngày.
Theo Bưu Điện Việt Nam
VĐV Việt Nam làm quen với giao thông London Tay vợt Tiến Minh giờ có thể chia sẻ trải nghiệm di chuyển tại London của tay chạy rào Mỹ Kerron Clement sau khi mất hàng giờ di chuyển và bị lạc đường. Các VĐV Việt Nam ở London. Ảnh: Thu Nga. 6 ngày trước, các đoàn VĐV đầu tiên của Mỹ và Australia đặt chân đến London đã gặp phải những sự...