Muốn “cảm” sâu, phải đọc sách in
Sách in trên giấy đang bị sách điện tử (ebook) cạnh tranh, đó là câu chuyện mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam mấy năm qua, nhiều công ty sách điện tử đã ra đời, kéo theo đó, đã có một bộ phận độc giả ngả theo ebook vì sự gọn gàng, có thể đọc ở bất cứ nơi đâu. ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty sách Trí Việt – First New).
- PV: Gần đây có thống kê chỉ ra rằng người Việt rất “lười” đọc sách, trung bình đọc không quá 1 cuốn sách/ năm. Ông có nghĩ rằng đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam lại “lười” đọc sách đến thế?
- Ông Nguyễn Văn Phước: Tôi nghĩ rằng không ai có thể thống kê được một cách chính xác vấn đề này. Không thể lấy xác suất trên một ngàn người để nói cho cả nước được. Trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn nào của cuộc sống thì con người vẫn cần sách; vấn đề là cuốn sách đó phải như thế nào mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, văn hóa đọc vẫn còn đó. Nếu như chúng ta có những cuốn sách thực sự sâu sắc, khác biệt thì văn hóa đọc vẫn là hàng đầu. Vấn đề là chúng ta chưa tìm được cách để đưa văn hóa đọc lên thành một thói quen hàng ngày và chỉ ra rằng sự “trưởng thành nhờ những cuốn sách” cũng không kém gì đến trường.
- Nhưng độc giả ngày nay đã khác xưa rất nhiều, tức là giờ đây người ta không nhất thiết phải cầm cuốn sách mới là đọc, mà việc đọc có thể thông qua các thiết bị điện tử?
- Tôi nghĩ, rõ ràng giữa sách in và sách điện tử có giá trị và độ cảm nhận, thẩm thấu khác nhau. Và những ai yêu văn hóa đọc mới hiểu được cảm giác đó. Việc đọc sách in, nó sâu sắc hơn nhiều so với tác phẩm trên ebook. Chúng ta tặng nhau một cuốn sách nhân sinh nhật, nhân ngày tốt nghiệp, chứ không ai tặng nhau một ebook cả. Thông tin mà ebook hay các trang mạng đăng tải độ sâu sắc về cảm nhận chỉ bằng 1/5 so với khi đọc một cuốn sách truyền thống. Người ta thường lướt web để tìm thông tin chứ không phải để thẩm thấu một giá trị. Theo tôi, nên có sự phân chia theo dòng sách, những sách dùng cho ebook hay các thiết bị chỉ nên để nắm thông tin. Còn đọc để cảm nhận thực sự về ý nghĩa của cuốn sách thì không có gì có thể thay thế được sách in cả.
- Ở góc độ một người đọc sách bình thường, ông có thấy mình bị thay đổi thói quen kể từ khi có quá nhiều hình thức giải trí xuất hiện?
- Tôi nghĩ rằng khi có nhiều hình thức giải trí như hiện nay thì người đọc có bị chi phối, nhưng không đáng kể, vì thời gian của mình do mình quyết định. Dĩ nhiên mình có thể say mê trong một khoảnh khắc nhưng rất nhanh sau đó mình cũng phải tìm về với những giá trị thật của nó.
- Ông có đề xuất hay ý tưởng gì để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
- Tôi nghĩ rằng nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ. Hiện tại những đầu sách hay ở Việt Nam đa số đều do những nhà xuất bản, cá nhân tự bỏ tiền ra làm. Nên có những chính sách khuyến khích văn hóa đọc và định hướng văn hóa đọc để những vùng sâu vùng xa, những vùng nghèo cũng có sách đọc. Và nên chọn sách hay và có giá trị, không nên mua những sách kém chất lượng nhưng được giảm giá nhiều để tránh tình trạng “người đọc không mua mà người mua không đọc”. Có lần, sang Thái Lan, khi vào một hiệu sách tôi rất bất ngờ khi thấy một quyển sách có dòng chữ của Thủ tướng Thái Lan, đại ý: “Tôi đã tìm ra cuốn sách này có giá trị – và tôi khuyến khích mọi người cùng đọc”. Còn ở Hàn Quốc, cuốn “Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách” (mà chúng tôi đã mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam) cũng được Tổng thống kêu gọi toàn dân Hàn Quốc đọc. Bên cạnh đó, họ cũng có những chủ trương định hướng đọc cho người dân với những cuộc thi về chính chủ đề của cuốn sách để không chỉ phát triển dân trí, văn hóa mà còn cả tinh thần cộng đồng. Chúng ta đã dành quá nhiều cho các lĩnh vực thời trang, phim ảnh, ca nhạc nhưng lại ít, nếu không muốn nói là không có các chính sách thực sự dành cho văn hóa đọc, để các công ty xuất bản tự xoay xở chật vật… Có lẽ mọi người chưa nhận ra “Không thầy đố mày làm nên và không sách đố bạn trưởng thành”.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo ANTD
Hà Mạnh chia sẻ về "Cô gái U80" của mình
Cần những gì để gọi một người - viết - văn là "Nhà văn"? Bản thân cuộc trao đổi này với Hà Mạnh không nằm trong mục đích điểm mặt, chỉ tên một cái danh cụ thể, một vị thế xã hội nào cho Hà Mạnh - tác giả cuốn sách "Cô gái U80" sắp ra mắt.
Video đang HOT
Câu chuyện "Cô gái U80" lấy điểm xuất phát ý tưởng từ một câu chuyện có thật về một cô gái 26 tuổi bỗng mang ngoại hình của một bà lão và câu chuyện tình yêu cao đẹp của chị. Hà Mạnh đi từ sự ngưỡng mộ của mình để tạo nên câu chuyện.
Từ những trang sách đầu tiên, độc giả có thể cảm nhận một lối viết khoáng đạt, trẻ trung và rất khéo léo. Sẽ đôi lần, Hà Mạnh chuyển vai ngôi kể tinh tế để truyền tải những chuyển biến và khắc họa tâm lý nhân vật rất sống động trong khung hình. Nên nếu vô tình biết Hà Mạnh đang không tự tin, trăn trở "sẽ ít người đọc sách của một người mới 22 tuổi, chưa va chạm nhiều lắm" thì có lẽ phải để chính những trang sách của Mạnh Hà sẽ thuyết phục độc giả.
Cuốn sách "Cô gái U80" sẽ chính thức phát hành từ ngày 7.4.2013
* Câu chuyện "Cô gái U80" của Hà Mạnh được hoàn thành trong hơn một năm, được viết khá liên tục và đều đặn được đăng tải trên blog dành riêng cho câu chuyện này. Làm thế nào để Hà Mạnh có thể giữ được tốc độ và nhịp độ sáng tác của mình như vậy?
- Một trong những đặc tính của Văn học mạng ở một số quốc gia trên thế giới, yếu tố thời gian trong câu chuyện song hành cùng thực tại. Ví dụ: Hôm nay là ngày lễ Giáng sinh, thì bối cảnh câu chuyện được post lên cũng diễn ra vào ngày 24/12. Điều này tạo nên tính hấp dẫn khi độc giả và câu chuyện có sự tương tác mật thiết, cũng là điểm làm nên sự khác biệt giữa văn học mạng với văn học nói chung.
Để giữ được nhịp độ sáng tác, tôi phải viết mỗi tập truyện trước vài ngày để có thể đăng tải trên mạng đúng thời hạn, đó cũng là cách để giữ chân độc giả. Tuy nhiên, càng về sau, tôi càng bị trễ hẹn bởi cuộc sống bị chi phối nhiều thứ khác.
* Viết đều và nhanh như vậy, phải chăng Hà Mạnh đã có sự chuẩn bị và rèn rũa kĩ năng viết từ trước đó?
- Hiện tại, tôi đang là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được đào tạo khá chuyên sâu về kỹ năng viết. Trước đó, tôi có 7 năm theo học chuyên Văn nên cũng cảm thấy tự tin về khả năng sử dụng ngôn từ của bản thân.
* Thông thường, khi những người trẻ viết văn, họ thường xuất phát với những truyện ngắn để tiếp cận độc giả. Hà Mạnh có đi theo cách thức đó trước khi đến với truyện dài "Cô gái U80"?
- Không! Tôi từng nhận được một số giải thưởng về truyện ngắn nhưng không nhiều người biết. Truyện "Cô gái U80" không những là một bộ truyện dài mà còn rất rất dài, dài đến nỗi phiên bản phát hành sách đã lược bớt 1/3 so với bản trên mạng mà vẫn dày đến 520 trang sách cỡ lớn.
Hà Mạnh trân trọng cuốn sách - thành quả lao động của mình
* Hà Mạnh bắt đầu viết câu chuyện từ khi nào?
- Đó là vào mùa đông năm 2011, khi tôi bị thất tình. Ai đó nói với tôi: "Cách nhanh nhất để Hà Mạnh quên đi nỗi buồn trong tình yêu là viết ra một câu chuyện khác". Và tôi mất 1,5 năm để quên được chuyện tình đó.
* Khi đó Hà Mạnh có chia sẻ những câu chuyện của mình cho những người xung quanh không? Mọi người có những phản hồi như thế nào về những câu chuyện của Hà Mạnh?
- Tôi không chia sẻ với ai cả, bởi mục đích ban đầu của tôi không phải là để nổi tiếng. Nhưng do tôi có thói quen viết blog từ khi còn rất nhỏ, lại có sẵn một lượng độc giả trung thành trên blog nên không khó để bộ truyện "Cô gái U80" được lan tỏa.
* Trong suốt hơn 500 trang viết của Hà Mạnh, có khá nhiều thắt nút bất ngờ, với một người viết trẻ, Hà Mạnh đã có khi nào cảm thấy bế tắc và muốn bỏ giữa chừng câu chuyện của mình không?
- Hãy hình dung cảm giác của một người chinh phục đỉnh núi cao. Bạn có thể bị đau, có thể mệt, thậm chí lạc đường... Chính những nút thắt bất ngờ đó tạo nên một sức mạnh vô hình mà bạn không nhận ra. Buộc bản thân phải có trách nhiệm với hành trình của chính mình, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi gỡ được một nút thắt.
Ví dụ nhé, tôi gần như bế tắc khi không thể nghĩ làm cách nào để đưa nhân vật mang bầu 33 tuần lên máy bay vì điều này bị cấm. Tôi đắn đo kinh khủng vì nếu cô ấy không đến được điểm hẹn thì câu chuyện giảm đi sự hấp dẫn. Bỗng dưng, tôi tìm ra câu trả lời đơn giản đến không ngờ: cô ấy sẽ đi tàu!
* Với một hành trình dài, rất dài cho tác phẩm này, động lực nào đã giúp Hà Mạnh đi đến những hoàn thiện cuối cùng cho câu chuyện và cuốn sách?
- Chính sự ủng hộ của động giả qua những comment và email là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để tôi đi đến đích của một cuộc hành trình dài bất tận.
Hà Mạnh đang chuẩn bị cho buổi ra mắt cuốn sách "Cô gái U80"
* Theo Hà Mạnh, việc câu chuyện đã có sự quan tâm của độc giả trên internet sẽ có những thuận lợi gì và áp lực gì khi cuốn sách được xuất bản?
- Tôi không thấy có áp lực gì cả. Khi viết truyện, tôi ít khi đọc lại mà gõ gì thì post lên mạng y như thế. Chính vì điều đó nên đôi khi có những câu văn bị trùng, hoặc bị lạm dụng mô tuýp hành văn. Điều này sẽ không gặp phải nếu bạn chọn mua cuốn sách "Cô gái U80" bởi nó đã được biên tập kỹ càng, cô đọng hơn nhiều.
Nhờ có sự quan tâm của độc giả trên internet, "Cô gái U80" mới được lan tỏa mạnh mẽ và đủ sức chinh phục đơn vị xuất bản. Hy vọng những ai từng theo dõi bộ truyện online cũng sẽ tìm đọc cuốn sách để cảm nhận sự khác biệt.
* Hiện Hà Mạnh đang là sinh viên năm cuối của trường báo, và vẫn đang theo đuổi nghề báo. Câu chuyện "Cô gái U80" cũng được xây dựng về một câu chuyện có thật về 1 "cô gái hóa bà già" mà báo chí đã từng gây xôn xao. Vậy "vốn" của một người làm báo có giúp gì hay có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình viết truyện của Hà Mạnh không?
- Tôi phải cám ơn ngành nghề mà mình đã lựa chọn, nó buộc tôi phải dung nạp rất nhiều kiến thức, thông tin mỗi ngày. Với tư cách một sinh viên báo chí và có một chút kinh nghiệm về làm báo, tôi tự tin về vốn kiến thức của mình đối với đời sống xã hội. Cũng phải thông qua báo chí, tôi mới hiểu thêm nhiều vấn đề khác nhau như: bệnh tế bào vón, bệnh ung thư hạch, độ nguy hại của việc hở khí gas, các món ăn của nước ngoài... và đưa chúng vào câu chuyện của mình.
* Hà Mạnh có tham gia mạng xã hội văn học truyennganhay, mạng xã hội này có giúp đỡ Hà Mạnh nhiều cho công việc sáng tác của mình chứ?
- Đây là nơi góp phần làm nên thành công của một số tác giả trẻ. Khi Hà Mạnh là một kẻ ngoại đạo tìm đến văn chương, mạng xã hội sẽ trân trọng Hà Mạnh trước khi nhà xuất bản để mắt tới một người lạ hoắc. Những tác phẩm có sức sống mạnh mẽ trên mạng xã hội sẽ được nhiều đơn vị phát hành để mắt đến. Có thể nói, mạng xã hội văn học giúp người viết mang đứa con tinh thần của mình dễ dàng đến gần với công chúng hơn.
* Trước khi được một NXB ngỏ lời, Hà Mạnh đã từng nghĩ đến việc xuất bản thành sách cho câu chuyện của mình chưa? Thaihabooks có phải 1 trong những NXB đầu tiên tìm đến câu chuyện của Hà Mạnh không?
- Tôi không được NXB nào ngỏ lời cả. Tôi có nhận được một số nơi đề nghị hợp tác, tuy nhiên do không tìm được tiếng nói chung nên không đạt được kết quả như mong đợi. Thaihabooks là một trong những đơn vị phát hành sách hàng đầu hiện nay, họ trân trọng và lắng nghe tiếng nói từ những người vô danh thay vì chạy theo lợi nhuận từ thị hiếu độc giả.
* Có vẻ như, Hà Mạnh là người chủ động tìm đến với Thaihabooks. Hà Mạnh có thể nói về cơ duyên vì đâu Hà Mạnh chọn Thaihabooks là nơi đỡ đầu cho cuốn sách đầu tiên này của mình?
- Tôi ngưỡng mộ tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thaihabooks về rất nhiều mặt. Tôi không có quyền lựa chọn, mà chính Thaihabooks đã chọn tôi.
* Hà Mạnh hãy thử hình dung giữa thời điểm nền kinh tế thế giới tụt xuống đáy, quyết định bỏ tiền đầu tư cho một tác phẩm của tác giả không tên tuổi chẳng phải là hết sức liều lĩnh hay sao?
Ký hợp đồng với thầy Hùng xong, tôi vẫn chưa tin đây là sự thật, tôi là ai và tại sao được làm việc với một người thầy lớn đến thế.
* Ở tuổi 22, có một cuốn sách của riêng mình, có thể gọi đó là 1 thành công khi Hà Mạnh còn rất trẻ, Hà Mạnh cảm thấy thế nào?
- Đối diện nhà tôi có một cậu bé mới 11 tuổi đã có vài cuốn sách được xuất bản, nên tôi nghĩ ở tuổi nào Hà Mạnh cũng có thể làm những điều mình mơ ước. Tôi không coi việc xuất bản một cuốn sách đã là thành công, bởi mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Nhưng có thể một vài năm nữa, ở tuổi 27 chẳng hạn, khi được hỏi câu hỏi này, tôi sẽ tự hào nói mình là một người thành công.
* Truyện "Cô gái U80" đang có những phản hồi khá tốt từ độc giả, Hà Mạnh đã có dự định cho những tác phẩm tiếp theo của mình chưa?
- Tôi đang tìm kiếm nguồn tài trợ và các tác giả cùng chí hướng để xây dựng một cuốn sách dành riêng cho lứa tuổi sinh viên. Sau những gì trải qua trong 4 năm học Đại học, cùng với những câu chuyện của các Hà Mạnh cùng thế hệ mà tôi được biết, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm ghi chép lại những mảng sáng và góc tối của thế hệ tôi. Một thế hệ trẻ của người Việt với nhiều thành công, nhiều ước mơ những cũng không ít vấp ngã trầm trọng. Tôi tin cuốn sách sẽ hấp dẫn không chỉ các bạn sinh viên thế hệ tiếp theo, mà cả những bậc phụ huynh có con em ở lứa tuổi này.
Xin cảm ơn Hà Mạnh và chúc Hà Mạnh thành công với cuốn sách của mình!
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
- Hà Mạnh sinh năm 1991. Hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
- Câu chuyện "Cô gái U80" đã nhận được nhiều sự ủng hộ và quan tâm của nhiều độc giả trên cộng động mạng trong suốt hơn 1 năm qua.
- Ngày 7.4.2013, Hà Mạnh sẽ có buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả lúc 10h - 12h tại Trung tâm thương mại Indochina Plaza (241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) và chính thức phát hành sách trên toàn quốc.
Theo ANTD
Cục Xuất bản: Sẽ xử phạt một bộ lịch của NXB Phương Đông Cục Xuất bản vừa có công văn yêu cầu nộp lưu chiểu, đồng thời tạm dừng phát hành để kiểm tra nội dung một bộ lịch do NXB Phương Đông phát hành. Trong bộ lịch này, tờ lịch đầu tiên, ngày 1-1-2014, giải thích tên gọi hồ Gươm với một dị bản rất lạ kỳ: "Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội gắn liền với...