“Muốn ăn bông súng mắm kho, thì về Đồng Tháp ăn no đã thèm”
Ai đã dừng chân ở xứ sở sen hồng, xin đừng bỏ lỡ một lần thưởng thức món bông súng mắm kho, đặc sản mùa nước nổi miền Tây.
Mùa nước về bông súng lên nhanh trắng đồng, thanh khiết và tinh khôi khiến người ta nhẹ nhàng thư thái.
Bông súng thiên nhiên ưu đãi cho con người sống nơi ngọn cỏ nội đồng, nơi nào có nước là có bông súng. Mùa nước về bông súng lên nhanh trắng đồng. Tuy không hương sắc nhưng màu trắng thanh khiết, tinh khôi cũng làm dịu mát ánh nắng trưa hè, khiến ta có cảm giác nhẹ nhàng thư thái.
Bông súng là loại sáng nở chiều tàn, chỉ cần bơi xuồng ra các kênh rạch, vùng đầm hay vùng ngập nước, trên các cánh đồng bưng nhổ về, rửa sạch, bẻ thành các đoạn ngắn cho vừa ăn. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết bông súng nở quay về hướng mặt trời nên cọng bông súng có tính ấm và ôn.
Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, bông, thân, lá non chẳng kén miệng người Đồng Tháp. Người ta nói rằng, dân Đồng Tháp không ai không biết món bông súng chấm mắm kho. Đây là món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà không phải nơi nào cũng có.
Cá linh non, sản vật mùa nước nổi miền Tây.
Mắm kho thì có thể dùng các loại như mắm lóc, mắm sặc… Nhưng đặc sản mùa nước nổi vẫn là mắm cá linh. Bắt đầu từ cuối tháng Tám dương lịch hàng năm, cũng là lúc cá linh xuất hiện, khi lũ đầu mùa, cá từ Biển Hồ trôi về hạ lưu. Món ngon trời ban có hạn, thời gian người dân có thể thưởng thức món cá này chỉ chừng 3 tháng, nhưng đúng ra ngon nhứt chỉ trong khoảng hai tháng đầu. Có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng. Cá không thờ sao gọi cá linh”
Món ăn rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai đến vùng Đồng Tháp Mười được nếm thử nó phải xuýt xoa, trầm trồ.
Bông súng trắng của vùng Đồng Tháp ăn mới mềm, ngọt, đúng điệu.
Để chế biến món này cũng khá công phu. Muốn kho mắm ngon phải kho bằng nước dừa tươi. Trước tiên, cho mắm vào nồi, rồi nước dừa vào xâm xấp, bắc lên bếp nấu tới khi mắm rã nhừ thì nhắc xuống lọc kỹ, bỏ xương, lấy nước. Nấu sôi nước mắm mới lọc, sau đó nêm gia vị, để thịt ba rọi xắt mỏng vào, nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn, mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo.
Ngoài ra chúng ta còn có thể làm phong phú thêm nồi mắm với những món khác như là cá rô đồng, cá lóc hay tép đất càng ngon cuối cùng cho sả, ớt vào. Ngoài ra, nguyên liệu không thể thiếu của món này là bông súng, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng của vùng Đồng Tháp ăn mới mềm, ngọt, đúng điệu.
Mắm kho ăn nóng, đơn sơ, dân dã, vừa bổ vừa ngon, đậm đà hương đồng gió nội.
Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon, mùi thơm đặc trưng của mắm hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, béo béo của thịt ba rọi, vị ngọt của tép đồng, giòn của bông súng và mùi thơm của các loại rau sống tạo nên hương vị tuyệt vời, đậm chất đồng quê làm cho chúng ta không khỏi nuốt nước miếng mỗi khi nhắc đến.
Món mắm kho bông súng đã từng làm nức lòng bao du khách, thực khách khó tính khi một lần dừng chân ở xứ sở sen hồng. Món ăn tuy đơn sơ, dân dã, ít tốn kém, ai nấu cũng được, vừa bổ vừa ngon và đậm đà hương đồng gió nội nhưng đó cũng chính là cái hồn của người dân Đồng Tháp Mười thật thà, phóng khoáng, chân tình.
Mùi mắm kho 'thông minh' như thế nào?
Mùi mắm kho thông minh lắm, sẽ tìm tới khứu giác, vị giác và đánh thức tất cả các giác quan khi bạn vừa nhai vừa cảm nhận sự phối trộn tự nhiên giữa cá, thịt, rau và vị cay cay của ớt hiểm.
Video đang HOT
Con cá làm ra con mắm
Vợ chồng nghèo thương lắm mình ơi
Món kho thuộc về tuyệt chiêu của người Việt. Ở nơi xa xôi như Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) hay Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), thì mắm kho là tuyệt kỹ.
Nói vậy có hơi quá không? Cô Lê Thị Bé Bảy, dân Long Mỹ thử kho mắm vị chua xứ mình với cá vồ đem cho dân Cần Thơ thưởng thức, hóa ra điều bất ngờ là ngay cả những tín đồ mắm ở đồng bằng, lần đầu mới biết mắm vị chua.
Kho là cái từ dễ nhớ, khó quên. Người ta nói ngày xưa ở một làng nọ có ông phú hộ thuê bạn (thợ) làm kho lúa (Lẫm lúa), một năm mới xong.
Bà Phú hộ thường kho mắm có thịt ba rọi, bông súng, nhưng suốt một năm rồi mà lần nào ăn mắm cũng chỉ toàn đầu cá chứ không thấy mình. Mắm nhà phú hộ kho ngon lắm nên dù thế nào thì bạn cũng ăn hết.
Hôm hoàn công, bà phú hộ lo bữa ăn. Giận trong bụng, nhóm bạn để ông thợ cả ém lá bùa trên đòn dông rồi xuống bộ ngựa ngồi ăn như mọi khi. Cơm nước xong xuôi, chủ - bạn tiễn biệt nhau.
Bông điên điển
Nhóm bạn bước xuống ghe thì trố mắt nhìn cả chục hũ da lươn xếp thành hàng dọc. Bà Phú hộ vừa bõm bẽm nhai trầu vừa nói: "Mấy chú về cho tui gởi cho mấy thím mắm nhà làm. Hồi nào giờ chỉ ăn đầu cá, mình làm mắm để phần ngon đem về nhà".
Ai nấy ngớ ra, biết mình phạm sai lầm nghiêm trọng, nhưng phải lẳng lặng lui ghe.
Bà phú hộ chưa kịp vô tới nhà thì nhóm bạn chống xuồng trở lại nói bỏ quên cái búa trên cây đòn dông nên mượn thang, đích thân thợ cả leo lên ém bùa "tát vô" thay vì "tát ra" do trước đây hiểu lầm nhà phú hộ.
Nhiều người ở Hồng Dân, Bạc Liêu hay kể chuyện này khi nói về món mắm kho ăn với bồn bồn, năn bộp. Người ở Long Mỹ, chỉ cách nhau một con sông, cưới vợ gả chồng, qua lại đã học được cách làm món mắm kho vị chua.
Khác với thế giới mắm ở vùng hạ lưu Mekong, vị chua thanh của mắm xứ này khó ai bì kịp. Dân xứ khác kho mắm, cũng đơm rau vô chén, múc mắm kho chan vô, vắt tí chanh cho mắm có vị chua nhưng không thể ra hương vị mắm kho lên men chua tự nhiên.
Thực khách thưởng thức mắm kho vị chua ở Cồn Sơn, Cần Thơ
Mắm kho chấm với dưa bồng
Nồi cơm vét sạch mẹ chồng khen ngon.
Ngày xưa, mắm cá linh nổi tiếng vì... rẻ, ngang ngửa cá mề gà. Loại cá nhiều tới mức ủ làm phân bón. Dân vùng thượng nguồn thích ủ cá linh thành mắm, nước mắm. Nhiều gia đình cả trăm năm nay không cần mua nước mắm chợ, chỉ dùng nước mắm nhà làm trong mùa nước nổi.
Tương truyền, cá linh đã từng đổi màu nước, đảo chiều báo cho chúa Nguyễn Ánh biết đoạn sông có quân Tây Sơn mai phục nên Chúa nhờ đó mà thoát chết bèn đặt tên loài cá cứu mạng này là cá linh.
Mùa nước nổi, cá linh ánh vảy bạc khi cá linh non kéo thành đàn giữa dòng nước ngẩu đỏ phù sa mùa nước nổi. Một loài cá di cư, thích ngao du hay đó là món quà của có chủ đích của sông mẹ Mekong. Nói sao cũng đúng.
Cá linh nay trở thành đặc sản, làm nên vị ngon tuyệt kỹ của mắm kho
Ngày nay, sông Mekong bị cắt khúc, bất an vì hàng loạt đập thủy điện cạnh tranh nguồn nước. Nhiều loài cá đã biến mất. Cá linh non đầu mùa giá 120.000-150.000 đồng/1 kg là vì nguồn thực phẩm hào sảng một thời đang mai một dần.
Mắm cá linh không còn là món rẻ như bèo vì nguyên liệu không thừa mứa như xưa. Món ăn nhà nghèo trở thành món hạng sang.
Ở Trà Sư, tỉnh An Giang, thương lái các nơi tụ lại riết thành ngôi làng, săn đón cá linh đầu mùa và cá tự nhiên trong mùa nước nổi.
Lại nói về món kho, mắm làm từ cá lóc, cá trê, cá linh, cá chốt, thậm chí cá tra đều là món ngon hiếm có vì mắm ngon phải làm từ nguồn cá tự nhiên. Cá nuôi công nghiệp không làm nên hương vị độc đáo khi ủ chượp.
Nguồn cá tự nhiên khan hiếm, làm nên món mắm đã khó nên người nấu chắt chiu, tận tụy hơn.
Cần Thơ từng nổi tiếng với mắm kho ở quán Ngọc Mai, Dạ Lý ở đường 3-2. Nhưng nay, Ngọc Mai đã đóng cửa và Dạ Lý thành ngôi sao với món mắm kho vị ngọt.
Giá 1 lẩu mắm 500-600 ngàn đồng cho 4 người ăn nên người sành ăn tìm kiếm món mắm kho vị... mộc.
Và, món mắm vị chua được cô Bé Bảy chào khách ở Cồn Sơn hay Cantho Farm có sức lôi cuốn người dùng.
"Mắm kho nhiều nơi làm rất ngon nên mắm vị chua chỉ hướng tới những người không thích vị ngọt từ đường. Còn vị ngọt tự nhiên ở đây là từ thịt và cá quá lứa. Loại cá nuôi 5-7 năm, làm cá tra phồng không được, xuất khẩu không ai mua, nhưng kho với mắm thì da giòn, dai, vị ngọt "từ đầu tới chân", cô Bé Bảy, từng đạt giải ba với món cá tra hấp ngũ vị cuộc thi Mekong Chef năm 2016, nói.
Mắm kho ngon hay không là nghệ thuật phối hợp giữa nguồn thực phẩm từ động vật với nhiều loại gốc thực vật.
Là món kho nhưng lại là món canh, tự tay bẻ bông súng, đậu rồng, bông điên điển múc mắm kho nóng hổi vào chén rồi nhúng cá linh non vừa bén hơi nóng.
Tất cả đều nóng hổi. Mùi mắm kho thông minh lắm, sẽ tìm tới khứu giác, vị giác và đánh thức tất cả các giác quan khi bạn vừa nhai vừa cảm nhận sự phối trộn tự nhiên giữa cá, thịt, rau và vị cay cay của ớt hiểm.
Đừng xắt, hãy cắn, và từ từ nhai miếng ớt hiểm để thấy món mắm và sự phân công nhuần nhuyền của vị cay, hương thơm, vị ngọt... tự nhiên.
Mắm kho phải có cà tím, đậu rồng... nói vậy chưa chắc có người đồng ý vì dân Bạc Liêu thích hẹ đồng, năn bộp, bồn bồn, người An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang thích bông súng, dân Bến Tre khoái dừa rám khi ăn mắm, còn người Trà Vinh dùng mắm kho làm bún nước lèo khi mắm nhử thành nước.
Tiệm quán hay kho mắm, vớt xương cá rồi chia thành nước cốt và nước dùng, một cách tinh tế khi có người không thích mùi nồng. Cô Bé Bảy, chỉ dùng một loại nước cốt, nêm nếm vừa khẩu vị rồi dùng rau điều vị.
Chị Lê Thị Bé Bảy với món mắm vị chua độc đáo trên Cồn Sơn, Cần Thơ
Một người làm bánh nói trong nghề bếp núc, bánh là món khó nhứt vì sai lầm không bao giờ sửa được.
Ngược lại, mắm kho là món bao dung, cho phép sửa chữa sai lầm trong nêm nếm, điều vị từ rau, cá...
Dù vậy, gắt gao của món mắm là ngay từ đầu ủ chượp, lên men phải chuẩn. Đặc biệt với mắm vị chua càng chặt chẽ hơn vì nếu trật bài thì không nhận được vị chua "Trời cho".
KHÁNH AN
Bông súng mắm kho Bông súng mắm kho - Đặc sản Đồng Tháp dân dã, một sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Món ăn tuy đơn sơ, bình dị nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai đến vùng Đồng Tháp Mười được nếm thử nó...