Mười hai năm, một nụ hôn và một cái ôm khờ dại
Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn ai cũng một lần trải qua thời áo trắng, dù đã đi hết con đường hay chỉ là một quãng rất ngắn thôi nhưng có lẽ, những buồn vui về thuở cắp sách sẽ không thể nhạt phai.
Trong rất nhiều những ký ức được coi là kỷ niệm đó, tôi cất giữ riêng cho mình một điều đặc biêt nhất về cậu bạn từ hồi cấp 1 mà tôi cực kỳ ghét, chính điều đó đã khiến cho tôi phải thầm cảm ơn cuộc sống đã mang kỷ niệm đó đến cho tôi, để bây giờ tôi biết trân trọng, biết nâng niu và biết cả tiếc nuối về tất cả những gì gọi là kỷ niệm…
Khi lên 5 tuổi, tôi được bố mẹ đưa đi mẫu giáo. Tất cả mọi người đều nói tôi là một cô bé hiếu động và lẽ ra tôi phải là con trai thì mới đúng. Thật vậy, tôi quậy phá tưng bừng trong giờ học, khi bị cô giáo phạt phải đứng trong vòng tròn, tôi đã nghĩ ra đủ kế để được xóa tội, tôi cũng đánh nhau với vài thằng con trai trong xóm vì chúng dám trêu tôi. Nhưng điều mà tôi ghét nhất là các cô, bác trong xóm cứ gán ghép tôi với một thằng con trai mà tôi cực kỳ ghét. Và tất nhiên, cậu ấy cũng rất tức khi bị trêu với tôi, trẻ con mà.
Đến khi vào cấp 1, hai đứa dù học cùng một trường, chung một xóm nhưng chẳng bao giờ chúng tôi nói chuyện, cứ như thể hai đứa là kẻ thù của nhau vậy. Tôi cũng không thể hiểu động lực nào khiến mọi người thích thú khi gán ghép hai chúng tôi như vậy. Ngày nào cũng thế, cứ bắt gặp tôi là họ lại “à, sau này lớn lên về làm vợ bạn M hử?” khiến tôi tức đến phát cáu.
Có lần, bác hàng xóm sang nhà chơi, lại bắt đầu điệp khúc đó và đã bị tôi “tương” hẳn một vốc bùn vào lưng. Sau lần đó, tôi bị mẹ mắng vì tội hỗn với người lớn. Biết chuyện các anh, chị trong xóm càng trêu nhiều hơn. Không hiểu vì sợ bị mắng hay vì đã “chai lì” cảm xúc mà mỗi lần bị trêu tôi không thèm cãi lại mà vênh mặt lên như thể “ta không chấp…trẻ con”!
Video đang HOT
Đến một hôm, đó là sáng mùng 1 tết. Như thường lệ, tôi lại ra đầu ngõ chơi. Vừa tới nơi đã thấy hắn và một tốp các anh, chị trong xóm đứng đó. Mặc kệ, đường tôi tôi đi, thế là tôi lại vênh mặt lên. Bỗng hắn lừ lừ tiến đến, hai tay ôm chầm lấy tôi và thơm chụt vào má kèm theo một nụ cười… hết sức quyến rũ trong sự reo hò sung sướng của mọi người. Và tất nhiên tôi rất xấu hổ, chạy biến về nhà.
Sau hôm đó là cả một giai thoại được mọi người thi nhau truyền tụng. Còn tôi và hắn, sau lần đó lại lạnh lùng như trước. Cho đến khi chúng tôi vào cấp 3 và học chung một lớp, hai đứa mới bắt đầu nói chuyện như hai người bạn, thỉnh thoảng các bác trong xóm vui miệng vẫn gán ghép hai đứa với nhau.
Giờ cậu ấy đã thành một chàng trai tuấn tú và đã có bạn gái, hai đứa không còn ngượng khi chạm mặt, và dù không bao giờ nhắc lại chuyện xưa. Nhưng có lẽ, cả với tôi và cậu ấy, thì điều đó là một kỷ niệm đẹp, để lại sự ấn tượng đến tận bây giờ. Mười hai năm học trò đã qua, tất cả đã thành quá khứ, những mỗi lần nhớ lại, sao vẫn thấy bồi hồi.
Thời gian vẫn cứ trôi, kỷ niệm càng dày thêm mà mình không hề biết, đối với tôi, cái ôm đó, nụ hôn đó dù không xuất phát từ sự rung động và rất trẻ con, nhưng lại để lại cho tôi một câu chuyện để mỗi khi cùng bạn bè nhắc lại thời đi học, tôi lại có dịp kể lại một cách hào hứng nhất. Với tôi, quá khứ chính là kỷ niệm, tuổi học trò hồn nhiên để lại thật nhiều ấn tượng, và tất cả đều rất đáng trân trọng, để mỗi lần nhớ đến, lại ùa về, tràn đầy và mãnh liệt hơn bao giờ hết…
Theo người lao động
Thương em phận má hồng
Nơi đó, lần đầu tiên trái tim tôi đã biết rung động trước một người con gái. Tình yêu tuổi học trò lớn lên thật đẹp.
Tôi còn nhớ như in, ngày tôi học lớp 12 trường THPT Nguyễn Du, Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Tôi là một học sinh cá biệt, nên được cô giáo chủ nhiệm xếp ngồi lên bàn học đầu tiên. Trong 3 năm học cuối cấp, tôi không nhớ mình bị thầy cô nhắc nhở biết bao nhiêu lần, thậm chí có thầy cô còn không cho tôi vào học tiết của họ vì cái tội quấy phá.
Hôm ấy, cô giáo giảng bài "Mảnh trăng cuối rừng" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trên bục giảng, cô đang giảng bài say sưa, thì ở dưới lớp, Hương, cô gái ngồi đầu bàn với tôi bị chảy máu cam. Cả lớp bắt đầu nhốn nháo, cô giáo không giảng bài nữa, cô hốt hoảng lên tiếng: "Ai trong lớp ta đưa bạn vào trạm y tế giúp cô".
Cô giáo vừa nói xong, tôi đã bắt đầu nôn nóng, nghĩ vui trong bụng đây là cơ hội để mình chuộc lỗi với lớp, tôi lên tiếng: "Dạ thưa cô! Nhà em gần trạm y tế, để em đưa Hương đi cũng được".Cô giáo gật đầu đồng ý. Trong khi đó cả lớp không thể tin tôi lại có thể làm được một điều có ý nghĩa như thế. Thậm chí, có bạn còn bảo đừng "giao trứng cho ác". Hôm đó, trời bỗng đổ mưa to. Tôi lấy vội áo mưa rồi chở Hương trên chiếc xe đạp cà tàng đến trạm y tế. Hương ngồi sau ngỡ ngàng.
- Thường ngày anh chỉ biết nghịch phá trong lớp, sao hôm nay trời đất xui khiến anh đưa em đi vậy?
Tôi ấp úng:
- Cũng phải thôi! Anh là một thằng học sinh hay gây rối trật tự trong lớp. Nhưng dù sao anh cũng là con người, chứ đâu phải là loài vật đâu mà không biết suy nghĩ. Nói thật nhé từ lúc cô giáo cho anh lên ngồi bàn đầu, anh thấy học lực của mình ngày càng tiến bộ. Bây giờ anh có thể làm lại từ đầu được mà.
Sau buổi học xảy ra sự cố ấy, mọi người trong lớp không thấy tôi quậy phá như trước. Tôi chăm chỉ học bài đến nỗi thầy cô cũng phải kinh ngạc. Nhất là Hương, em không thể tin trước mắt mình khi biết tôi đã thay đổi tính nết đến chóng mặt. Mỗi lúc giờ giải lao, trong khi cả lớp vội vã bước ra lớp để nói chuyện rôm rả, thì tôi và Hương lại lấy giấy ra viết thư cho nhau. Có buổi học, chúng tôi viết cho nhau gần cả trăm bức thư. Chúng tôi ngồi gần nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện. Hình như đang có chuyện "gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách biệt" mặc dù "tình trong như đã mặt ngoài còn e" chăng? Có lần tôi viết lá thư nhờ thằng Linh bàn bên cạnh gửi cho Hương.
- Hương à! Ứớc gì có nhiều buổi học như "Mảnh trăng cuối rừng" thì hay biết bao nhỉ? Hay chúng mình làm bạn nhau đi, anh rất quý em.
Hương giở ra đọc, rồi hồi âm lại.
-Trời ơi! Đây là lần đầu tiên em thấy anh nói điều đó. Thật sự em chưa biết yêu, xin anh hãy chăm chú vào việc học đi.
Thời gian cứ thế trôi qua, lớp tôi tổ chức liên hoan để thi tốt nghiệp. Đêm ấy, tôi cố can đảm, mong gặp Hương để nói thật tấm lòng của mình. Tôi biết, chỉ ít hôm nữa thôi là đời học sinh sẽ khép lại, và đồng nghĩa tôi không còn gặp Hương nữa. Cô bé đó sẽ chuyển nhà vào Sài Gòn để ở với bố mẹ. Lần này, tôi không viết thư. Sau khi tiệc tan, tôi đã cố gắng thuyết phục Hương để nói lời cuối cùng.
Hương bảo: "Bố mẹ bảo Hương phải vào Sài Gòn để học. Sau khi tốt nghiệp sẽ lấy chồng ở đấy. Mà người chồng tương lai, Hương cũng chưa bao giờ gặp mặt. Chỉ biết rằng anh ta nhiều hơn Hương đến 20 tuổi, rất giàu có, đang làm ở một công ty nước ngoài. Nói thật, bố mẹ Hương vào đó đã vay nợ của anh ấy rất nhiều tiền và hứa sẽ cho anh cưới Hương". Nghe Hương nói xong, tôi hụt hẫng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi lại lân la đi tìm Hương. Tôi như chết lặng khi lần đầu tiên sau 8 năm trời xa cách, Hương lại thay đổi đến sợ. Mái tóc nhuộm vàng cháy, mặt mũi son phấn lòe loẹt, ăn mặc sành điệu. Ngồi tâm sự với Hương, tôi mới biết, Hương đã trải qua một cuộc tình "ba chìm bảy nổi". Chồng giàu có, nhưng lại đối xử với Hương rất tệ bạc. Nhiều hôm say rượu còn đánh đập, la mắng. Đến nỗi, khi đã có với nhau 2 mặt con, anh chồng phụ bạc vẫn đuổi cô ra khỏi nhà. Quá chán nản, Hương đã buông xuôi cuộc đời...
Chia tay Hương, lòng tôi nặng trĩu. Chợt chạnh lòng nghĩ về những năm tháng học trò tươi đẹp.
Theo người lao động
Thầy giáo thư sinh Hơn ba mươi năm chưa có dịp về thăm lại Trường cấp ba Đức Thọ, Hà Tĩnh - nơi đã để lại tôi bao kỷ niệm vui buồn của thời áo trắng. Hơn bốn mươi năm, bọn học sinh chúng tôi đã mang hình bóng thầy giáo Quốc Anh đi khắp mọi miền đất nước, kể cả trong những tháng năm chiến đấu...