Muối ế trắng đồng, kho dự trữ hoang phế
Trong đợt nắng hạn vừa qua, diêm dân tỉnh Bạc Liêu trúng mùa muối nhưng giá rớt thê thảm, chưa đến 400 đồng/kg. Trong khi muối ế chất đầy ruộng, diêm dân phải che đậy tạm bằng vải bạt rách nát thì kho dự trữ muối của nhà nước lại xây dựng dở dang…
Niên vụ 2015-2016, tỉnh Bạc Liêu có 2.385 ha sản xuất muối, tồn đọng khoảng 155.000 tấn.
Tại thủ phủ muối Bạc Liêu (xã Điền Hải, huyện Đông Hải), cả diêm dân và người mua muối dự trữ để bán kiếm lời đều “khóc ròng” vì muối ế và rớt giá thảm hại. Ông Võ Văn Kiệt (ngụ ấp Diêm Điền, xã Điền Hải) cho biết sau khi mua muối của bà con xung quanh, hiện ông còn hơn 10.000 tấn chưa bán được do giá xuống quá thấp. “Với giá như hiện nay, mỗi giạ muối sản xuất trên đất nhà, diêm dân chỉ lời 2.000 đồng. Nếu thuê đất, thuê nhân công thì trắng tay” – ông Kiệt nói.
Kho dự trữ muối quốc gia ở Bạc Liêu chậm hoàn thành nên diêm dân phải để muối tồn đọng ngoài ruộng
Theo ông Võ Trường Giang, giám sát viên HTX Diêm Điền (xã Điền Hải), vụ trước, sau 5 tháng đội nắng, quần quật trên 70 ha ruộng đất thuê của xã Điền Hải, mỗi xã viên được chia khoảng 21 triệu đồng. “Vụ muối này chưa chắc có tiền chia cho xã viên vì muối rẻ như cho, lại khó bán” – ông Giang than thở.
Trước tình hình muối liên tục rớt giá và tồn đọng nhiều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo diêm dân không tăng diện tích sản xuất.
Trong khi muối của diêm dân chất đầy ruộng, không biết chứa ở đâu thì công trình “Kho dự trữ muối quốc gia” tại ấp Doanh Điền, xã Điền Hải đang trong tình trạng dở dang, hoang phế.
Kho dự trữ muối này được động thổ vào cuối năm 2012, quy mô gồm 9 kho, tích lượng 1.000 tấn/kho, vốn đầu tư 38,367 tỉ đồng. Do thi công ì ạch, đến tháng 4-2013 mới hoàn thành san lấp mặt bằng, xây nền móng 6 kho với vốn giải ngân 12,7 tỉ đồng rồi để hoang phế đến nay.
Ông Lê Trường Hận, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, cho biết Quyết định 162/QĐ-TTg ngày 15.1.2013 về việc chuyển dự trữ quốc gia mặt hàng muối ăn từ Bộ NN-PTNT sang Bộ Tài chính nên công trình bị gián đoạn. “Mong công trình sớm đưa vào sử dụng để giảm bớt khó khăn cho diêm dân. Tháng 9-2015, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Tây Nam Bộ đã thống nhất tiếp tục hoàn thiện công trình kho dự trữ muối quốc gia nhưng không nói bao giờ thực hiện” – ông Hận ngán ngẩm.
Theo Duy Nhân (Lao Động)
Video đang HOT
Ý tưởng 'hoang đường' đẻ ra tiền tỷ của 'bà trùm' nông dân
Gặp "bà trùm muối" Trần Thị Tân (SN 1955, ngụ thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) ngoài đời, có lẽ không nhiều người nhận ra bà. Dù đang sở hữu trong tay tiền tỷ nhưng cách ăn mặc giản dị, mộc mạc của bà chẳng khác nào một người dân quê bình thường.
Bà Tân là một trong những gương mặt tiêu biểu được trao tặng bằng khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 2010 - 2014.
Cơ ngơi nơi chân núi
Chúng tôi tìm về vùng ven biển Ninh Hải trong một buổi chiều mưa hiếm thấy ở xứ cát trắng Ninh Thuận. Mặc dù trời đang trong cơn mưa tầm tã, nhưng dọc hai bên đường, các diêm dân vẫn không ngừng tay cào, tay hốt muối cho vào bao tải. Gần đó, một số xe tải đang chờ sẵn để chở muối vào khu làm sạch của một công ty.
Cánh đồng muối chân núi Quýt
Anh Hoàng Văn Long, một diêm dân lâu năm cho biết, những năm gần đây giá muối "dậm chân tại chỗ" thậm chí còn giảm nên diêm dân cũng khá điêu đứng. Tuy nhiên đối với những hộ kinh doanh sản xuất muối lớn như của bà Tân thì vẫn đáp ứng lượng muối cho xuất khẩu và giá cả vẫn nhích hơn so với phần chung ở đây.
"Anh cứ đi đến cuối chân núi kia, gặp một căn biệt thự mới xây có màu ngói còn đỏ tươi, nằm biệt lập với khu dân cư đó chính là nhà của "tỉ phú muối" đấy. Còn khu làm muối của bà Tân thì nằm quanh chân núi Quýt, có diện tích đến gần chục héc ta", anh Long vui vẻ chỉ đường.
Ngôi nhà tiền tỉ của bà Tân
Bà Tân chỉ cho chúng tôi xem một số phòng bên trong căn biệt thự. Ở căn phòng dùng để tiếp khách, người phụ nữ này tự hào khi nói về những bằng khen được tặng trong thời gian là thanh niên xung phong thuở còn đôi mươi ở đơn vị N40 - P18 thuộc tỉnh đoàn Hà Tĩnh quản lí.
Những ngày tháng này đối với bà vừa là kỉ niệm cũng là những tháng năm tôi rèn cho bà tính cách cần cù, chịu khó chịu khổ để có được thành công ngày hôm nay. "Ngày đó, anh chị em chúng tôi hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng tham gia mở đường, san bằng hố bom", bà Tân kể.
Cũng chính nhờ quá trình đào đất đã cho bà những kinh nghiệm quý báu. "Tôi thấy đất sét thì khó thấm nước và hạn chế được sự thoát nước xuống phía dưới, trong khi đó đất cát thì nhanh thấm cũng như nhanh thoát nước. Từ quá trình đập đá vá đường thời thanh niên xung phong, kết hợp cùng với kiến thức học được ở trường trung cấp kĩ thuật muối đã giúp tôi có được những kinh nghiệm quý báu để khởi nghiệp thành công như ngày hôm nay", bà Tân kể lại chặng đường khởi nghiệp của mình.
Chia sẻ với chúng tôi về thành quả đạt được, bà Tân vẫn chưa thể tin được vào những gì mình đã làm được."Mình là nông dân làm thuê làm mướn chân chất mấy chục năm nay nên giờ được ở trong ngôi nhà khang trang như thế này thật không thể nào tin đó là sự thật", bà Tân nói trong xúc động.
Trong bộ đồng phục làm muối đã ngả màu, bà "tỉ phú muối" khiến cho những người tiếp chuyện phải thán phục về vẻ bình dị. Với diện tích đất sản xuất muối lên đến gần chục héc ta, chỉ tính riêng năm 2014, tổ hợp muối sạch mang thương hiệu Hiệp Phát do bà Tân khởi nguyên ý tưởng đã đạt doanh thu gần 2 tỉ đồng và được cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu.
"Đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu đòi hỏi về chất lượng muối ngày càng cao. Ở vùng Ninh Hải này hầu hết đều là diêm dân sản xuất muối, nhưng mô hình còn theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ từng hộ. Chính vì vậy tôi đã kêu gọi nhiều người liên kết sản xuất theo mô hình muối sạch. Mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, hạt muối trắng sạch phù hợp cho quá trình xuất khẩu muối ra thị trường ngoại", bà Tân chia sẻ.
Thành công từ ý tưởng khác người
Trở lại câu chuyện khởi nghiệp của bà Tân, nhiều người không khỏi khâm phục trước một người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Muối Đồ Sơn, bà Tân được cử làm quản lí kĩ thuật cho xí nghiệp Muối Phương Cựu Thuận Hải rồi được điều về khu xí nghiệp Muối ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Nhưng vì gia đình chồng ở Ninh Hải (Ninh Thuận), bà Tân xin ở lại cùng chồng làm thuê cho xí nghiệp muối để tiện bề chăm sóc gia đình.
Một lần đi làm về ngang qua một khu sản xuất muối của một diêm dân, bà Tân chứng kiến một hộ gia đình "dùng bùn kê trên cát" để xây dựng mô hình sản xuất muối. "Đối với tôi, từ khi bắt gặp được ý tưởng này như vớ... được vàng. Kể từ đó, sau mỗi buổi làm ở xí nghiệp trở về, mỗi đêm tôi đều đặt tay lên trán để suy nghĩ về phương pháp hay này", bà Tân kể.
Cùng với quá trình suy ngẫm lý thuyết, bà Tân dành một khoảnh đất phía sau nhà để thử nghiệm. Lúc đầu, bà cho một lớp bùn lên trên cát rồi cho nước muối mặn ở gần đó vào để thử độ kết tinh muối. Quả nhiên một thời gian sau đó đã thu được kết quả. Tuy nhiên lúc này, lượng muối kết tinh chưa đạt chuẩn như mong muốn.
"Sau đó, vợ chồng tôi quyết định thuê 2,4 héc-ta đất của xí nghiệp Muối Đầm Vua để tiến hành thực hiện ý tưởng của mình. Quả thật, những kinh nghiệm quý báu từ thời làm thanh niên xung phong và hơn 30 năm lặn lội khắp các cánh đồng muối đã đưa đến cho tôi thành công bước đầu", bà Tân chia sẻ quá trình khởi nghiệp của mình.
Chỉ sau 3 tháng thử nghiệm mô hình "kê bùn trên cát để sản xuất muối" đã có được kết quả ban đầu với sản lượng muối kết tinh cao, chất lượng muối trắng sạch. Sau thành công của mô hình thử nghiệm này, các hộ diêm dân vùng ven biển đã nhanh chóng nhân rộng mô hình ra khắp nơi. Sau 3 năm, bà Tân cũng đã thu được một số vốn khá lớn.
Từ thành công này, bà Tân nhanh chóng nghĩ đến việc thuê đất để chuyển ra làm riêng, nhưng ngặt nỗi lúc này diện tích đất thuận lợi cho làm muối đã trở nên khan hiếm. Không chịu đầu hàng trước khó khăn này, bà Tân liền lên một ý tưởng khá ... điên rồ là làm muối ở chân núi Quýt. Nghĩ là làm, bà Tân liền thuê người đầu tư một ống nước khoảng hơn 5km từ biển dẫn vào chân núi.
"Lúc tôi mới tiến hành chuẩn bị ống nước, nhiều người dân trong vùng chê cười và cho rằng tôi "điên rồ" và không thể nào làm muối được ở chân núi. Tôi không nghe lời đàm tiếu của họ, bởi theo như suy ngẫm của tôi thì những người làm cà phê tận trên đồi cao nhưng vẫn dẫn nước ngược lên tận đỉnh đồi để tưới tiêu thì tại sao mình không dẫn nước được lên chân núi để làm muối", bà Tân kể.
Sau nhiều lần thất bại, nước không chạy được lên chân núi như dự định, thế nhưng bà Tân vẫn không nản chí mà tiếp tục thực hiện ý tưởng. Lần đầu tiên nước tuôn ra từ ống dẫn, bà Tân đã vui đến mức đứng nhìn nước chảy mà phát khóc. Nước mặn đã lên núi, muối được sản xuất thành công trên núi, đó là một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của vợ chồng bà và một số người đã giúp đỡ.
"Thành công của tôi ngày hôm nay cũng là một thử thách quá lớn đối với bản thân, đúng như người quanh thường nói, đó là một ý tưởng... điên rồ", bà Tân cười nói.
"Bà trùm muối" Trần Thị Tân
Trước đây, các diêm dân ở Ninh Hải thường sản xuất muối theo phương thức cổ truyền không hình thành dây chuyền sản xuất để đảm bảo quyền lợi chung. Đầu năm 2007, khi bắt tay vào làm muối sạch để hướng ra các thị trường nước ngoài, bà Tân đã lên ý tưởng liên kết những hộ nông dân nhỏ lẻ bên cạnh để hình thành mô hình sản xuất muối bán công nghiệp.
Với sản lượng muối lớn, hạt muối trắng đẹp, thị trường muối của bà Tân ngày càng mở rộng, không chỉ cung cấp muối ở những đầu mối lớn trong nước như ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà đang mở rộng ra các nước lân cận. Hiện nay dây chuyền liên doanh sản xuất muối sạch đạt thương hiệu của "bà trùm muối" đã có đến 6 hộ gia đình bao gồm gần chục thành viên với diện tích sản xuất muối hơn chục héc ta đạt chất lượng tốt. Bà Tân cũng là người tiên phong cho mô hình "Kết tinh muối trên nền bạt nhựa" và thu được thành công.
Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công, bà Trần Thị Tân cho biết, điều tiên quyết dẫn đến thành công của bà chính là nắm bắt được thời cơ và mạnh dạn thực hiện ý tưởng mà mình đã hình thành trong đầu. Đồng thời với đó là quá trình không ngừng suy nghĩ tìm ra phương thức sản xuất tối ưu nhất để thu được lợi nhuận cao nhất.
Theo P.V (Pháp Luật Việt Nam)
Diêm dân lại "lao đao" vì muối được mùa mất giá Ngoài khó khăn trong tiêu thụ muối vì giá xuống thấp, nay diêm dân còn phải lo tiền bảo quản lượng muối tồn đọng vì thiếu kho dự trữ. Năm 2016 nắng nóng kéo dài nên diêm dân ở Bạc Liêu sản xuất muối trúng mùa. Tuy nhiên, do giá muối ngày một sụt giảm nên người dân nơi đây gặp nhiều khó...