Muối dưa đèo tuy “nghèo” mà “sang”
Sáng nay tôi đi chợ sớm, thấy người ta bày bán dưa đèo, mừng như… bắt được vàng. Từng trái dưa nhỏ xíu, cong queo đủ mọi hình dạng nằm ngoan ngoãn như những chú gà con lúc nhúc trong chiếc mủng tre đặt trên hàng. Bà bán hàng xuýt xoa: “Vừa lấy được số dưa đèo của mấy chị ở quê ra, hàng hiếm đó, lâu lâu mới có”.
Dưa đèo được coi là “hàng hiếm”, không phải vì nó là thứ sản vật quý báu gì, mà vì đây là loại dưa người nông dân không muốn trông thấy nhất, đơn giản nếu đến mùa trồng dưa gang mà chỉ thu được dưa đèo thì năm đó coi như thất bại nặng. Những trái dưa không chịu phát triển mà queo quắt, to cỡ hai ba ngón tay, trong khi trái phát triển bình thường nặng chừng 400-700 gr. Có thể hình dung dưa đèo qua mấy câu thơ chân chất không rõ của nhà thơ nào, nhưng thỉnh thoảng ăn dưa đèo tôi lại nhớ đến:
“Dây dưa yếu ớt lại cong queo
Nhỏ nhắn thon thon, phận bọt bèo
Đèo đẹt, xanh xao, dòn tí tẹo
Mảnh mai, gầy guộc, ngọt tèo teo…“
Dưa đèo muối. Ảnh: Diệu Hiền
Video đang HOT
Nhưng với người ưa thích thì trái dưa đèo quê mùa, kém phát triển đó lại là thứ dưa ngon ngọt nhất. Dường như dưa đèo dồn hết tất cả tinh túy của một trái dưa gang to vào trong một thân mình bé xíu ấy, nên đặc biệt ngon hơn dưa gang loại lớn.
Dưa đèo ngon nhất là rửa sạch, cắt ra ăn tươi, chấm mắm ruốc có giã ớt. Trái dưa tươi giòn tan, rất thơm ngon quyện với mắm ruốc mằn mặn cay nồng. Nhưng để giữ dưa đèo ăn lâu ngày trong nhà, thì mua thật nhiều về đem muối. Muối dưa đèo đơn giản, chỉ cần rửa sạch, để ráo, sau đó xếp một lớp dưa, một lớp muối mỏng cho đến hết rồi dằn lại, đậy kín hai ba ngày là có thể mang ra ăn từ từ.
Cách ăn dưa đèo muối cũng rất giản dị, chỉ cần cắt mỏng, trộn với tỏi, ớt, nước mắm, đường, ít dầu phụng phi và đậu phụng giã là đã có món ăn cơm ngon lành. Thuở nhỏ, mỗi khi về quê ngoại, ông ngoại làm món này rất ngon nên lũ cháu chúng tôi đều bị “nghiện” dưa đèo. Má tôi lại có cách ăn đậm đà hơn một chút, đó là cắt dưa thành từng khúc dày nửa lóng tay, trộn với mắm nêm có xác cá cơm, đã pha ớt, tỏi, bột ngọt, đường… Trời se lạnh ăn món này với cơm trắng thì… ngon vô cùng tận. Ngày thường, má lại mang dưa ra kho với thịt ba chỉ, hoặc um cá đối, cá hố. Lâu dần thành quen, đến mùa dưa là tôi lại chăm chăm tìm dưa đèo trong chợ, muối để dành. Nhưng không phải lúc nào cũng có…
Theo ihay
Món ngon dân dã từ dưa gang
Trời chưa sáng hẳn, tôi giật mình tỉnh giấc bởi bước chân mẹ lục đục chuẩn bị đồ đi thu hoạch đám dưa gang đã đến mùa. Trong ký ức tôi tràn ngập hình ảnh những gánh dưa gang xanh mướt, căng tròn kĩu kịt trên vai, theo chân mẹ về nhà.
Dưa gang dễ trồng, thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, cát pha nên được trồng nhiều. Theo kinh nghiệm dân gian, dưa gang tính mát, tác dụng giải khát, giải nhiệt và thông khí, lợi tiểu... Trong những ngày hè nóng bức ăn dưa gang có thể phòng ngừa được cảm nắng, chống say nắng, trị táo bón và mất ngủ rất tốt. Vì vậy, từ lâu dưa gang đã gắn liền với người dân nông dân, hầu như gia đình nào ở quê tôi cũng đều trồng. Cứ độ mùa dưa gang, ngoài chợ đã bắt đầu xuất hiện những sọt dưa đầy ngồn ngộn. Đây là thời điểm các bà, các chị không bỏ lỡ cơ hội để được đãi cả nhà những món bổ dưỡng lại rẻ tiền từ dưa gang.
Những luống dưa gang với quả căng tròn. Ảnh: Thanh Ly.
Dưa hái về, chọn những quả dưa già vừa chín, to tròn, cầm nặng tay có mùi thơm thoang thoảng, gọt bỏ lớp vỏ ngoài chỉ lấy phần bên trong; rửa sạch, rồi xẻ dọc thành từng sợi nhỏ; tiếp tục băm nhỏ dầm cùng đường tán hoặc đường cát, vậy là đã có món giải khát hấp dẫn. Ngày nay, món dưa "sinh tố" được "gia vị" thêm sữa đặc hay mật ong, cuối cùng cho đá bào, nhìn muốn thưởng thức ngay. Đấy là chưa kể những hôm nóng nực, chỉ cần lấy một quả dưa gang đem ra cắt lát, chấm chút muối mọi mệt mỏi dường như tan biến.
Một món ăn thông dụng và đơn giản nhất là dưa muối. Cứ một lớp dưa một lớp muối, trên cùng phủ một lớp muối mỏng. Sau đó, đổ nước sôi để nguội ngập kín rồi đậy chặt chum lại. Dưa muối khoảng một tuần đến mười ngày là ngả sang màu vàng, mở nắp hũ đã dậy mùi chua là được. Khi ăn, chỉ cần rửa sạch dưa, cắt lát, khử ít dầu cho dưa vào xào, nêm gia vị vào ăn là được. Đặc biệt ngon là cá kho dưa muối. Khác với cá kho măng, cá kho chuối, cá kho dưa muối có vị bùi, ngọt, nấu càng kỹ vị chua của dưa sẽ mất dần, thịt cá không tanh, mềm mà không nát.
Dưa gang trộn. Ảnh: Thanh Ly.
Khoái khẩu nhất với nhiều người vẫn là món dưa gang trộn. Dưa gang mới hái về còn tươi nguyên, cắt đôi bỏ hạt rửa sạch để cho ráo. Sau đó thái mỏng đem ngâm với muối chừng năm phút cho lát dưa mềm, đem xả sơ qua với nước lạnh rồi vắt ráo nước. Phần nhân có thể thay đổi linh hoạt, phù hợp với khẩu vị, sở thích của từng người, từng nơi. Nguyên liệu chính trong phần nhân có thể là thịt bò khô hoặc tôm. Nếu dùng tôm phải luộc chín, để nguội sau đó thái lát mỏng. Nếu là thịt bò khô chỉ cần tách sợi dài, nhỏ. Dưa gang trộn ngon hay không một phần nhờ chén nước mắm. Nước mắm pha thế nào cho thật khéo, thật đậm đà, đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, tuyệt đối không pha loãng. Chuẩn bị xong xuôi, lần lượt cho nhân trộn với dưa gang đã xắt mỏng với tôm, nước mắm, nêm thêm các loại gia vị như bột ngọt, tiêu,...và cho hành ngò, rau thơm thái nhỏ vào trộn đều, đợi một lúc cho thấm gia vị, không quên rắc thêm vài hạt đậu phộng chín đã đập nhỏ. Dưa gang trộn ngon nhất là ăn liền và xúc cùng với bánh tráng nướng...
Dù chỉ là những món ăn đơn giản ấy vậy mà dưa gang trộn, dưa gang muối ....lại không thể thiếu trong những bữa cơm của nhiều gia đình.
Bài và ảnh Phan Thị Thanh Ly
Theo VNE
[Chế biến] - Gỏi bò măng chua Nguyên liệu: - 200gr thịt bò mềm - 300gr măng chua - Nhánh gừng nhỏ - Vài cọng hành lá - Ớt hiểm, rau răm, chanh - Lòng trắng 1 quả trứng gà - Nước mắm ngon, muối, đường, mắm ruốc Cách làm: Măng chua cắt sợi, xả nước lạnh, bóp cho ráo nước rồi xóc với một chút đường. Thịt bò mềm...