Mùng 7 Tết, cô gái than vãn vì vẫn không được về nhà mẹ đẻ và những nỗi sợ của các nàng dâu trẻ
Gọi là nghỉ Tết nhưng đối với một số nàng dâu thì có lẽ không ai được nghỉ ngơi thực sự. Đã sang đến mùng 7, mùng 8 Tết thế nhưng câu chuyện những cô gái vẫn không được nhà chồng cho về nhà mẹ đẻ tiếp tục xôn xao…
Mùng 7 Tết nàng dâu vẫn không được mẹ chồng cho về nhà mẹ đẻ
Mới đây có một nàng dâu “đăng đàn” lên Facebook “kể tội” mẹ chồng không cho mình về nhà ngoại dù đã là ngày mùng 7 Tết khiến nhiều chị em xôn xao. Chuyện là năm ngoái nàng dâu này được về nhà cùng bố mẹ đẻ từ mùng 4 Tết, thế nhưng năm nay vì nhà chồng có giỗ nên đành ở lại đến ngày mùng 7 “cho hết trách nhiệm”.
Mùng 7, cô nàng hí hửng xin phép mẹ chồng được bế con về ngoại thế nhưng lại không được đồng ý, lý do mẹ chồng đưa ra đó là do bé con đang bị ho, đi đường sợ gió. Nàng dâu ấm ức kể lể với chồng thì lại được chồng cho phép về ngoại. Thế là ngay sáng hôm sau, cô nàng này bế con, xách vali rồi chào bố mẹ chồng đi thẳng ra xe ô tô, bất chấp có bị can ngăn, mắng chửi.
Câu chuyện của nàng dâu này được đăng tải lên mạng xã hội ngay lập tức đã thu hút rất đông sự quan tâm của hội chị em. Nhiều người cho rằng hành xử của cô nàng với mẹ chồng như thế là không nên, sau lần này chắc chắn nàng dâu sẽ bị “mất điểm”.
Chị H.N bình luận: “Bà nội cũng chỉ xót cháu thôi chứ cũng không ngăn cấm gì, nếu muốn về ngoại, bạn nên giải thích cho bà hiểu, đừng tự ý về như thế bà không vui là đúng rồi”.
Bên cạnh đó nhiều người lại đồng tình với nàng dâu trong câu chuyện trên, cho rằng là con gái đi lấy chồng ngày Tết ai mà chẳng muốn được về nhà cùng bố mẹ đẻ, cô nàng kia sốt sắng về nhà là điều dễ hiểu.
“Phải ở trong hoàn cảnh của người ta thì mới biết, mùng 7 rồi chưa được về nhà mẹ đẻ thì ai chả sốt ruột. Với lại bé bị ốm thì cũng đi ô tô mà, sao mà gió được. Những lúc thế này mẹ chồng nên tâm lý một chút thì hay hơn” – chị B.A nêu ý kiến.
Vừa sắm Tết cho nhà chồng vừa khóc vì… nhớ nhà
Năm nay có vẻ như là năm câu chuyện ăn Tết nhà ngoại lên ngôi khi mà khắp các diễn đàn lớn nhỏ trên mạng xã hội, chị em đều xôn xao bàn tán.
Chị đồng nghiệp của tôi tên Trang, lấy chồng đã 3 năm và hiện tại đang là bà mẹ của 1 bé trai 2 tuổi kháu khỉnh. Kể với tôi về chuyện Tết nội, Tết ngoại, chị Trang nói chị may mắn lắm vì gia đình 2 bên gần nhau, đi lại thuận tiện nên Tết nhất vợ chồng chị cứ chạy qua chạy lại thôi. Nhưng dù thế thì chị vẫn bận rộn việc nhà chồng hơn, giao thừa hoàn toàn lo toan cùng gia đình nội chứ nhà ngoại đành nhờ lại cho mẹ đẻ và chị dâu.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như chị Trang, nhiều chị em đi lấy chồng nhưng lại xa bố mẹ quá, Tết muốn đi về thăm cũng phải đi trước Tết hoặc ra Tết tranh thủ nhà chồng xong cỗ bàn, cúng kiếng mới chạy về.
Video đang HOT
Tôi nhớ cách đây mấy hôm có đọc được tâm sự của 1 chị gái trên mạng xã hội, kể rằng vừa đi sắm Tết cho nhà chồng vừa rưng rưng nước mắt vì… nhớ nhà. Chị gái kể mọi năm đều cùng mẹ đi mua quà bánh, đi mua đỗ xanh, thịt lợn về gói bánh chưng…
Năm nay cũng mua từng ấy thứ nhưng lại là mua về nhà chồng, chị gái thương mẹ năm nay biết có ai chở đi sắm Tết, biết ai xách đồ hộ rồi phụ nấu nướng.
Vừa nghĩ vừa khóc, chị gái đứng ngẩn ngơ ở siêu thị khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn.
Tôi có con bạn thân tên Phương, sau năm đầu tiên xuất giá được mẹ chồng “chiếu cố” thì Tết năm nay nó đã được giao phó công việc sắm sửa Tết nhất trong nhà, mua quà bánh đi biếu họ hàng, chưa kể chuyện bếp núc cỗ bàn cũng 1 tay nó đảm nhận.
Gặp nó ngồi cà phê trong 1 buổi chiều giáp Tết, nó khệ nệ đẩy cửa vào với túi lớn túi nhỏ kẹo bánh trên tay.
“Tao nghĩ chắc 2 vợ chồng tao cần đi siêu thị thêm 1 lần nữa, từng này quà chỉ đủ về biếu họ hàng nhà chồng thôi, chứ bên nhà tao, tao chưa sắm gì cả” – vừa để đống túi đồ xuống ghế, Phương vừa nói vừa thở.
“Ê nè, thế sắm bằng kia đồ hết nhiều tiền không?”.
“Vài triệu. Nhưng đã xong đâu. Đúng là làm cả năm đốt vài ngày Tết mày ạ”.
“Tao cũng thế thôi, Tết nhất đi làm tóc, mua sắm váy áo, mỹ phẩm… rồi tiền cũng hết vèo rồi đó”.
“Nhưng mày là đắp vào thân, hiểu không? Còn tao thì chẳng sắm cho mình được cái gì. Xem này, cái áo khoác mặc từ năm ngoái năm nay có dám đổi cái khác đâu…”.
Ngồi với nhau 3 tiếng thì đủ 3 tiếng tôi nghe Phương kể chuyện gia đình, đặc biệt là chuyện vợ chồng nó phải tốn kém như thế nào trong dịp Tết. Đủ nghìn lẻ một thứ phải chi, từ cái to tát như đồng quà tấm bánh biếu gia đình 2 bên 4 họ cho đến cái nhỏ nhặt như phong bao lì xì mua bao nhiêu cái cho đủ đều được nó ghi ra chi tiết để không bị sót.
Nhớ hồi Phương chưa lấy chồng, dịp lễ Tết nào nó cũng rủ rê tôi đi shopping. 1 buổi chiều nó mua về nhà đủ loại quần áo, túi xách, phụ kiện với lý do cả trăm lần như một: “Tao chẳng có gì để mặc cả, bộ kia hôm nọ mặc rồi không nhẽ mặc lại”. Thế mà bây giờ lại thấy nó thay đổi quá, tôi chợt nghĩ nhiều cô nàng mà nghiện shopping thì giờ đã có phương pháp chữa trị rồi, đó là lấy chồng!
Thật ra câu chuyện của Phương không hề là cá biệt. Tôi biết nhiều cô vợ trẻ khác cũng rơi vào tình trạng lo canh cánh những ngày cận Tết vì những câu chuyện đối nội, đối ngoại. Nhìn mẹ chúng ta là biết, Tết phải sắm sửa, chi tiêu những gì thì một gia đình trẻ cũng phải lo toan y chang vậy.
Có điều khó khăn hơn là những người trẻ thì họ còn ít kinh nghiệm mua sắm thế nào cho hợp lý, dễ rơi vào trường hợp vừa thừa vừa thiếu. Chưa kể thu nhập kinh tế cũng chưa có nhiều khoản dư, thành ra Tết nhất nhiều chị em phải nhịn ăn tiêu cho mình để dành tiền lễ lạt cho người thân, họ hàng.
Chuyện ngày Tết với đống bát đĩa cao quá đầu người, bạn bè không ai rủ rê vì quá nhiều lần từ chối
Chuyện là chị hai tôi lấy chồng được 2 năm. 2 năm là 2 cái Tết chị tôi ở nhà chồng, dù đã được mẹ dạy dỗ, dặn dò kỹ lưỡng nhưng bà chị đỏng đảnh vẫn không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ.
Tôi nhớ Tết năm ngoái ngày 29 Tết, tôi đang ngồi xem tivi thì thấy bà ấy gọi điện về: “Tao khổ lắm rồi, tao trốn về nhà đây, từ hôm 23 đến giờ không ngày nào tao yên thân cả. Ngày nào cũng nấu nướng, mua sắm, dọn dẹp, chồng bát cao quá cái đầu tao… Ông chồng tao thì liên miên tất niên chẳng giúp vợ gì cả, tao vừa đập luôn đống bát đũa ra rồi, kệ ông ý về mà mua đồ mới”.
Chồng chị tôi là độc đinh, gia đình lại là trưởng chi hay trưởng họ gì đó, ông bà cũng thuộc hàng có nhiều ảnh hưởng trong dòng họ nên Tết nhất nhiều con cháu đến thăm nom, chúc Tết lắm. Cứ mỗi người đến thăm thì lại kéo theo 1 bữa cơm “thân mật, ấm cúng”, thế là bà chị gái tôi lại ba đầu sáu tay chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp, rồi lo toan gói quà để khách mang về.
Khách về cũng “lại quả” cho bà chị tôi 1 chồng bát mà bà ấy hay gọi là “cao quá đầu người”. Dù mệt mỏi nhưng bà ấy vẫn xắn tay vào làm cho xong, rồi đi tắm, rồi giặt giũ, rồi chuẩn bị quần áo đi làm cho cả 2 vợ chồng, rồi tranh thủ check mail công việc… 2h sáng là lúc bà chị vốn say giấc từ 9h tối của tôi tắt máy tính đi ngủ.
Bận rộn việc nhà quá, chị hai tôi cũng không còn hay gặp gỡ bạn bè như trước. Chị tôi nhiều bạn bè, lại là lớp trưởng của lớp Đại học nên Tết nào cũng đứng ra tổ chức ăn uống, tụ tập cho cả lớp. Thế mà từ ngày lấy chồng chị tôi đã “bàn giao” lại mọi trách nhiệm cho anh bạn lớp phó, nhiều lần bạn bè gọi điện rủ đi họp lớp đều không đi được vì bận việc nhà.
“Ừ mày ơi tao không đi được đâu, nay nhà tao có khách”, “Chết rồi hẹn sau nhé, nay mẹ chồng tao rủ về quê nè”… nhiều lần từ chối bạn bè nên năm nay chị tôi chẳng được ai í ới nữa. Ngồi lướt Facebook nhìn hội bạn đăng ảnh tụ tập, tôi biết bà chị cũng buồn…
Thục Hạnh
Theo Trí thức trẻ
Đàn ông có được một người phụ nữ tâm lý thì phải biết trân quý
Đàn ông yêu được một người phụ nữ tâm lý thì phải biết trân quý. Tết đến tự cô ấy biết ý sang chúc Tết bố mẹ mình đã là vui. Tự cô ấy tinh ý mua ít phẩm vật đến biếu bố mẹ mình đã là trọn vẹn.
Chị với người yêu quen nhau được 3 năm. Chính xác là anh chưa hề mở lời có ý định lâu dài, hay sẽ sang dạm ngõ. Vậy mà năm nào đến dịp giỗ hay lễ Tết, chị đều sang nhà phụ mẹ anh nấu nướng. Tàn tiệc rồi, cả gia đình 8 - 9 người kéo nhau hết lên nhà trên, bỏ lại mình chị ngồi bên đống bát đĩa.
Đàn ông yêu được một người phụ nữ tâm lý thì phải biết trân quý.(Ảnh minh họa)
Mỗi lần đầu năm mới, chị đều không quên mua ít quà biếu sang chúc Tết bố mẹ anh, vậy mà năm nào cũng bị anh nói này nói nọ, rồi so đua, rồi bình phẩm. Trong khi đó thằng đàn ông như anh, thì chưa từng một lần mua bất cứ thứ gì sang làm quà cho bố mẹ chị.
Bởi trên đời, không ngại yêu phải đàn ông nghèo, chỉ sợ lấy nhầm người chồng nhỏ mọn, so đo, tính toán và chẳng bao giờ mở lời bênh vực mình trước mặt bố mẹ, thì phụ nữ phải khổ cả đời chứ chả chơi.
Phụ nữ mà chưa được cưới xin dạm ngõ, ra mắt làm lễ đàng hoàng, thì chưa phải là con dâu của ai cả. Nên nếu chỉ là người yêu, thì đừng dắt bạn gái mình về phụ tiệc làm cỗ với họ hàng, rồi bắt cô ấy một mình ngồi đấy dọn rửa mấy tầng chén bát. Chưa đưa xe sang dạm ngõ rồi rước cô ấy về làm vợ, thì đừng năm nào cũng vợ mồm, bắt cô ấy phải quà cáp, mua đồ cho bố mẹ mình.
Đàn ông yêu được một người phụ nữ tâm lý thì phải biết trân quý. Tết đến tự cô ấy biết ý sang chúc Tết bố mẹ mình đã là vui. Tự cô ấy tinh ý mua ít phẩm vật đến biếu bố mẹ mình đã là trọn vẹn.
Nếu bản thân mình không thể mua lễ vật để đáp trả lại cho gia đình cô ấy, thì tốt nhất cũng đừng nói lời ngoa ngoắt hay chê bai. Hơn nữa dù cho đã cưới cô ấy về làm vợ. Thì "vợ" - chính là người phụ nữ mình rước về làm đứa con thứ hai của bố mẹ, để được yêu thương, được đối đãi công bằng, được quan tâm, được lo lắng. Chứ "vợ" chẳng phải osin, cũng không phải con ở, càng không phải đứa để cả gia đình chị em, cô cậu, chú bác, mợ dì hùa vào sai vặt, hiếp đáp.
Đồng ý phụ nữ phải đủ đầy bổn phận của người vợ, người mẹ với nhà chồng. Nhưng ít ra là trong một khuôn khổ vừa vặn, việc nhà được sẻ san, quà cáp được thông hiểu, ốm đau được chăm sóc.
Đừng để phụ nữ phải một thân một mình ở ngôi nhà xa lạ, bố mẹ ruột nuôi họ bao nhiêu năm vẫn chưa thể báo hiếu, giờ lại phải gánh vác mọi chuyện từ lớn đến bé, từ nhiều đến ít, từ đắng cay đến tủi hờn ở nhà chồng.
Đàn ông nếu ngay cả rộng lượng cũng không đủ để bao dung, che chở cho người vợ, người phụ nữ mình thương. Thì cũng không có tư cách mở mồm đòi hỏi bất cứ điều gì ngược lại từ cô ấy.
Theo Afamily
'Này anh, hết tết rồi, cho em xin từ chức vợ!' Hóa ra, khi em lủi thủi trong bếp để làm nghĩa vụ của một người vợ, một nàng dâu, thì anh lại có những phút thăng hoa, ngọt ngào như thế bên ngoài... Gửi chồng của em, Hẳn anh sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư này, bởi lâu nay em lúc nào cũng lặng lẽ làm tròn mọi bổn phận...