Mùng 5 mới đưa vợ quê chúc Tết ngoại, con rể “tỉnh người” vì màn chào đón không tưởng
Còn Đông, nhìn những gì nhà vợ đối xử với mình và những gì nhà mình đối đãi với vợ anh thấy lòng nặng trĩu.
Đúng là các cụ nói chẳng sai, những ngày lễ Tết thế này Xuân mới thấy thấm thía nỗi khổ của việc lấy chồng xa . Thực ra nhà ngoại cô cũng chỉ cách nhà chồng chưa đến 50 km nhưng năm nào cũng vậy cứ phải hóa vàng xong xuôi nhà nội Xuân mới được về quê chúc Tết bố mẹ. Mà đã gọi là hóa vàng thì đã hết Tết, cô thấy có về chúc Tết bố mẹ đẻ thế này cũng chả còn ý nghĩa gì nữa.
Năm nay cũng không khác gì mọi năm, Xuân vẫn phải tất bật với dọn dẹp, bếp núc. Nhà chồng cô có thêm ông bà nội sống cùng nên mọi thứ càng phức tạp hơn. Tết không phải là những ngày nghỉ ngơi nữa mà là chuỗi thời gian khiến Xuân kiệt sức nhất.
Sau khi hóa vàng xong, Xuân dọn dẹp cũng đã gần 2 giờ chiều. Cũng may mà Đông – chồng Xuân không ham hố nhậu nhẹt nên cô cũng được an ủi phần nào mấy dịp lễ Tết phải ăn uống nhiều thế này. Vợ chồng Xuân tranh thủ về ngoại không lại tối.
Ảnh minh họa
Vừa về đến cổng làng mà Xuân đã trực trào nước mắt. Mẹ cô tươi cười rạng rỡ ra tận đầu ngõ đón con gái. Bố Xuân chạy vội ra bế cháu, hỏi han con rể đi đường có mệt không. Đúng là về đến nhà mình – nơi thân thuộc, Xuân mới thấy không khí thật khác.
Video đang HOT
“Các con đi rửa mặt mũi chân tay rồi vào ăn cơm, mẹ hâm nóng thức ăn cả rồi”, mẹ Xuân nói với Đông. Anh nhanh nhẹn ra bê mâm từ dưới bếp lên thì bị anh vợ ngăn lại: “Cô chú đi đường xa mệt rồi, cứ để anh chị làm cho”. Mấy đứa trẻ lâu ngày mới được gặp nhau chạy ríu rít nô nghịch quanh sân.
Mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình. Cho tới tận đến sát giờ đi ngủ, câu chuyện của những người đi xa mới về vẫn còn chưa dứt. Đột nhiên, Đông thấy lòng nặng trĩu, chính bản thân anh cũng cảm nhận được sự khác biệt giữa cái Tết ở hai nơi.
Có lẽ lạ nhà mà Đông khó ngủ. Cũng phải thôi, cả năm anh mới cho vợ con về thăm ngoại được vài lần ít ỏi. Đông nghĩ lại từng khoảnh khắc, từ khi mới bước chân vào làm rể nhà Xuân cho đến bây giờ, anh vẫn chưa phải làm gì to tát. Như hôm nay, ngay cả đến cái mâm cơm mọi người cũng không để cho Đông bê. Mà không riêng gì anh, Xuân cũng được “đối đãi” như vậy. Nhớ lại cái lúc chị dâu nhất quyết gạt tay Xuân ra rồi phăng phăng bê bát đi rửa, miệng vẫn còn liên hồi dặn các con: “Cẩn thận không ngã em” rồi nở nụ cười hiền hòa là Đông biết mọi người dành tình cảm thế nào cho gia đình anh.
Đông quay sang vuốt tóc vợ, cô vẫn ngủ say. Hình như lâu lắm rồi Đông mới thấy Xuân ngủ ngon mà nét mặt không chút ưu phiền như thế. Anh bắt đầu nhớ lại hình ảnh lúc nào cũng tất bật của cô ở nhà mình, nó khác nhau một trời, một vực. Ở nhà Đông thì gần như Xuân phải đảm nhận 1 loạt những trọng trách: làm vợ, làm mẹ, làm con dâu, thậm chí là làm ô sin, nhưng ở đây thì cô được làm một người con, người em đúng nghĩa. Còn Đông, nhìn những gì nhà vợ đối xử với mình và những gì nhà mình đối đãi với vợ anh thấy lòng nặng trĩu. Hình như suốt thời gian qua Đông cũng có chút vô tâm, không để ý đến tâm tư tình cảm của vợ.
Mới 7 giờ sáng, Xuân lại hớt hải sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị về. Nhà đẻ chẳng xa xôi gì mà mỗi lần cô về cũng chỉ ở lại chút thời gian ngắn ngủi như thế đấy.
“Ở lại đi em, chiều tối mai nhà mình về cũng chưa muộn mà”, Đông nắm lấy tay Xuân đang kéo khóa chiếc ba lô. Cô ngạc nhiên nhìn chồng, anh lại khẳng định với vợ lần nữa: “Anh gọi điện cho bố mẹ rồi, em đừng lo. Lâu lâu mới về chơi mà em”.
Xuân quay đi, khóe mắt rưng rưng, đúng là cuộc đời người phụ nữ có khó khăn, vất vả mấy cũng chịu được, chỉ cần có được một người chồng hiểu và biết chia sẻ, thế là đủ rồi.
Theo giadinh.net.vn
Mong Tết qua nhanh vì không còn ba má bên cạnh sum vầy
Tôi chỉ có thể tự nhủ, cố gắng sống tốt cuộc đời phía trước, coi như cách thiết thực nhất làm ba má nơi xa yên lòng.
Khi tôi 17 tuổi thì má lâm bạo bệnh và qua đời. Gia đình vốn neo người, giờ càng hiu quạnh. Hai ba con gắng gượng vượt qua nỗi đau mất đi người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời. Một năm sau, tôi thi đỗ cao đẳng và lên thành phố, chính thức bước vào cuộc sống của người trưởng thành và tự lập. Vậy là gia cảnh giờ chỉ còn người cha già sớm tối hiu hắt ra vào.
Trong thâm tâm tôi không mong những ngày lễ Tết để được về cùng ba. Hai ba con vốn khắc khẩu. Thời má còn, bà luôn là người đứng giữa chế ngự mỗi khi cảm thấy xung đột giữa tôi và ba sắp bùng nổ. Vì thương má nên tôi và ba biết điểm dừng, kìm chế cái tôi cá nhân để bầu không khí gia đình không lâm vào tình thế quá căng thẳng. Sau khi má đi rồi, tính nói nhiều và gia trưởng của ba càng như được cơ hội phát tác vì không có người cầm cương.
Khi lên thành phố trọ học, tôi như người được "cởi dây trói" và thở phào nhẹ nhõm. Trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, tôi lấy cớ ở lại ôn thi, đi làm thêm, thực chất nán lại phòng trọ vất vưởng vì ngại về quê đối đầu với ba. Bên cạnh đó, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, tôi nghĩ mình nhất định sẽ tìm cách khẳng định sự tồn tại của bản thân theo cách "hiển hách" nhất có thể, những mong ba nhìn nhận lại năng lực của đứa con trai duy nhất.
Sau khi tốt nghiệp, tôi lang bạt nhiều nơi, rồi chuyển sang học nghề khác. Thấm thoát tôi đã 25, vẫn chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa cuộc đời. Mải mê tìm cách khẳng định bản thân khiến tôi quên mất lưng ba ngày càng còng thêm, tóc điểm nhiều sợi bạc vì mong ngóng con trai về thăm mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, tính ba không quen bộc lộ tình cảm, lại có đôi chút ngạo mạn nên không muốn con biết sự mềm yếu trong trái tim mình. Phần tôi, do thiếu thiện cảm với sự gia trưởng của ba từ lâu nên sống co cụm và giữ khoảng cách với ông. Trong hoàn cảnh má mất sớm, hai người đàn ông một già một trẻ cần dựa vào nhau để thêm động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thì người trong cuộc lại không làm được. Ngược lại, vì cả hai cái tôi cá nhân quá lớn nên đẩy tình cảm ba con ngày càng xa cách.
Rồi tôi gặp Hương, người yêu của tôi bây giờ. Những lần về thăm tư gia người yêu khiến tôi cảm nhận được tình cảm gia đình sum vầy rốt cuộc vẫn là đích đến của mỗi thành viên. Sau một ngày vật lộn ngoài kia, cánh cửa gia đình vẫn chờ sẵn để mỗi người trở về. Nơi đó có ba má vẫn yêu thương ta vô điều kiện, nhẫn nại chờ cơm ta và hỏi đi hỏi lại câu hỏi thân thuộc nhưng thấm đẫm vị yêu thương: "Hôm nay con có gặp gì bất trắc ngoài kia không? Thôi đi tắm đi rồi nghỉ ngơi ăn uống cho khỏe".
Thấy cách mỗi thành viên gia đình Hương yêu thương quan tâm đến nhau, tôi thảng thốt giật mình. Hóa ra mình vẫn còn ba, còn nơi yêu thương để về. Vậy mà bấy lâu nay tôi để sự vô tâm và hiếu thắng tuổi trẻ lấn át. Trong tâm trạng cuống quýt vì tuổi già và sức khỏe của ba ngày một đi xuống, tôi năng về với ông hơn. Trước đây, những dịp nghỉ lễ dài ngày, tôi lấy lý do nọ kia để trốn lại thành phố. Giờ đây, tôi chỉ mong kéo dài ngày nghỉ để nấn ná ở lại với ông lâu hơn.
Nhưng tình cảm ba con vừa khăng khít trở lại thì những cơn ho của ông tìm đến thường xuyên và có nhiều biểu hiện sức khỏe đáng ngờ. Sau khi đi chụp chiếu, tôi suy sụp khi bác sĩ báo tin ông bị ung thư phổi. Bệnh tình của ông đã chuyển sang thể di căn.
Trước tết hơn một tháng, ba ra đi vào một ngày trời trở lạnh. Mặc dù đã được xác định tư tưởng nhưng tôi vẫn như quỵ ngã khi đối diện sự thật quá đỗi khắc nghiệt xảy đến với mình.
Tết này tôi chỉ có một mình. Vậy là khi sự nghiệp khởi sắc và chuẩn bị làm tròn chữ hiếu, xây dựng hạnh phúc gia đình để ba yên lòng thì cũng là lúc tôi chỉ còn lại một mình. Muốn có ba bên cạnh để xoa lưng bóp chân cho ông, niềm mong mỏi nhỏ bé đó cũng không còn cơ hội thực hiện. Tôi chỉ có thể tự nhủ, cố gắng sống tốt cuộc đời phía trước, coi như cách thiết thực nhất làm ba má nơi xa yên lòng.
Những ngày này, nhìn từng gia đình đoàn viên bên nhau, tôi cảm thấy nuối tiếc hơn bao giờ hết. Tôi mong Tết nhanh qua, bản thân có thể quay về nhịp sống đời thường cho khuây khỏa nỗi cô quạnh vì không còn những người thân yêu nhất bên cạnh. Cá nhân chỉ muốn nhắn nhủ điều tưởng như cũ kỹ nhưng chưa bao giờ muộn, rằng những ai đang còn ba má, hãy trân trọng niềm hạnh phúc vô biên ấy. Xin hãy tận hưởng từng giây phút quý giá ở bên những người thân yêu nhất của mình. Cuộc đời là bất định, đừng để khi mọi thứ vuột qua tay và ngồi tiếc nuối "giá như...".
Phan Dũng
Theo phunuonline.com.vn
Hợp đồng ân oán (Phần 15) Nguyệt cắn răng, những lời nói dối tuôn ra trôi chảy như thể là một kịch bản được dựng sẵn, thật chi tiết, còn cô là diễn viên tài ba sắm vai nhân vật phản diện khốn khiếp. Nguyệt muốn chất vấn Đức ngay lúc này, nhưng cô nghĩ mình cần thu thập thêm bằng chứng. Một vết xước ở xe chẳng thể...