Mulan: Thông điệp đậm đà, tích cực nhưng tình tiết quá nhạt nhoà!
Được kỳ vọng sẽ tiếp nối sự thành công của các phim live-action khác do “Nhà Chuột” sản xuất, Mulan phiên bản 2020 lại là một bộ phim vừa đủ, có giá trị về thông điệp nhưng chưa thành công về mặt tình tiết.
Khi vừa ra mắt phiên bản hoạt hình năm 1998, Mulan đã trở thành một hiện tượng trong văn hóa đại chúng. Hình ảnh nữ tướng cầm gươm, cưỡi ngựa xông pha trận mạc đã mang về cho Disney vô vàn lời khen ngợi về tính tiên phong. Phiên bản 2020 vì vậy mà khó thoát khỏi cái bóng quá lớn đó.
Trải qua gần 20 năm, câu chuyện Hoa Mộc Lan được tái hiện lại trên màn ảnh hoành tráng hơn, với dàn diễn viên 100% gốc Á, các đại cảnh hùng vĩ, những cảnh hành động võ thuật được đầu tư. Song, Mulan của năm 2020 lại khiến nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả châu Á không hài lòng. Dù được giới phê bình phương Tây hết lời khen ngợi về thông điệp xã hội sâu sắc, Mulan nhạt nhòa về những tình tiết đắt giá để nâng tầm bộ phim theo đúng con đường mà Disney đã định hướng từ đầu.
Màu sắc võ hiệp chưa đủ mãn nhãn, quá “nhàm” với khán giả châu Á
Quyết định thoát khỏi cái bóng của phiên bản hoạt hình năm 1998, Disney biến Mulan bản 2020 thành một phim hành động, võ thuật, huyền ảo thuần túy, không còn yếu tố nhạc kịch. Nhắc đến Mulan, trong ký ức nhiều khán giả sẽ là bộ phim hoạt hình với kha khá những bài hát được yêu thích như Honor to Us All, I’ll Make a Man Out of You hay bản ballad bất hủ Reflection. Đó là những ca khúc được vang lên trong phim, trở thành tình tiết nổi bật tâm lý của nhân vật và thông điệp của phim, cũng là một nét đặc trưng của phim hoạt hình Disney.
Mulan bản cũ ghi điểm với những ca khúc nhạc phim bất hủ
Tính đến nay, các phim live action được làm lại của hãng đều bám sát thể loại nhạc kịch này, thậm chí còn “bồi bổ” khán giả bằng những ca khúc mới bên cạnh các ca khúc kinh điển (như trong Aladdin live action năm ngoái, ca khúc Speechless đã trở thành hit ngay lập tức sau khi phim công chiếu). Mulan là trường hợp ngoại lệ. Không chỉ cắt bỏ yếu tố nhạc kịch, những yếu tố hài hước như chú rồng Mushu và chú dế đồng hành cùng nhân vật lược đi hoàn toàn, nhường chỗ cho một bộ phim trưởng thành hơn, nghiêm túc hơn và có vẻ chân thực hơn.
Khách quan đánh giá, đây là một bước đi liều lĩnh của Disney. Với việc hướng đến một Mulan trưởng thành hơn và sát với văn hóa Trung Hoa hơn, Disney đã chọn theo thể loại hành động, kỳ ảo và có yếu tố sử thi hoành tráng. Chưa kể, “nhà chuột” còn đan cài yếu tố kiếm hiệp (wuxia) vào phim để màu sắc cổ trang Trung Quốc càng thêm đậm. Mọi nỗ lực này được khán giả Mỹ và các nhà phê bình khen ngợi, nhưng với khán giả châu Á, thay đổi này không thấm thía vào đâu.
Yếu tố wuxia (kiếm hiệp) của Mulan chưa đủ để hớp hồn khán giả châu Á
Lớn lên với văn hóa Á Đông, phim cổ trang Trung Quốc có lẽ là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của chúng ta. Phim cung đấu, phim võ thuật đến phim kiếm hiệp đều ở trong tiềm thức của rất nhiều người Việt. Chưa kể, những bom tấn hành động cũng mang màu lịch sử do các đạo diễn lừng danh cầm trịch đã đi sâu vào lòng chúng ta: Trương Nghệ Mưu, Ngô Vũ Sâm, Trần Khải Ca,… Vì lẽ này, yếu tố hành động võ hiệp trong Mulan không khác gì… trò con nít với những màn khinh công, đi trên tường thành, phi ngựa bắn tên hay dàn binh đánh trận.
Một rào cản lớn nhất của bản live action lần này là khai thác đề tài chiến tranh, có yếu tố kiếm hiệp nhưng cuối cùng đây vẫn là một sản phẩm của Walt Disney Company, một thương hiệu luôn hướng tới trẻ em và gia đình. Những màn đánh nhau trở nên quá giả trong mắt các khán giả trưởng thành khi không có một giọt máu nào rơi xuống đất. Cũng vì điểm này, Mulan dù đi theo hướng nghiêm túc nhưng vẫn nghiêm túc chưa tới, trưởng thành như lại bị trưởng thành lưng chừng, khiến người xem cảm thấy mắc kẹt ở giữa, vô cùng khó chịu với những tình tiết dễ dãi và không có kịch tính như cách những phim thuần kiếm hiệp luôn khiến chúng ta say mê.
Câu chuyện châu Á, nhưng cuối cùng vẫn là sản phẩm của Mỹ
Xét về tính văn hóa đại chúng, Mulan là một bước đi mạnh mẽ để đưa hình ảnh người châu Á đến gần với thế giới hơn. Dàn cast 100% châu Á trong phim với những gương mặt quen thuộc của điện ảnh Hoa ngữ như Lưu Diệc Phi, Củng Lợi, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt đánh dấu lần đầu tiên Disney làm một bộ phim live action đậm tính châu Á như vậy. Khác với nguyên tác với nhiều rập khuôn sai lệch về người châu Á, phiên bản 2020 dường như không có một giây phút nào khiến chúng ta cảm thấy rằng người châu Á đang bị khắc họa phiến diện, trở thành tâm điểm của đỉnh kiến trong mắt khán giả Mỹ. Việc đưa Mulan trở thành một “công chúa Disney mạnh mẽ nhất” ở cả hai phiên bản 1988 và 2020 tiếp tục củng cố vị thế của người châu Á trong cục diện truyền thông đại chúng quốc tế.
Mulan là “công chúa Disney mạnh mẽ nhất”
Nhưng rồi, Mulan cuối cùng vẫn là một sản phẩm của Hollywood, được đạo diễn bởi Niki Caro, một người Mỹ. Vì vậy, dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa, tính Mỹ trong phim vẫn chiến thắng tính Trung Quốc, tính Á Đông. Phục trang, cảnh trí, diễn viên, làn điệu âm nhạc và màu sắc kiếm hiệp có thể khiến chúng ta nhìn nhận Mulan là một phim châu Á ở bề nổi, nhưng khi bàn về cấu trúc phim, hành trình nhân vật và hệ tư tưởng mà phim gửi gắm, nó vẫn rất phương Tây và khiến khán giả châu Á khó đồng cảm ở nhiều phương diện.
Mulan cũng như bao phim khác của Disney, đi theo cấu trúc ba hồi chặt chẽ. Đó là một công thức chuẩn của phim Hollywood, mà trong đó nhân vật chính sẽ có một hành trình rõ ràng từ một người bình thường, trải qua biến cố, thay đổi và trở thành một người hùng. Xuyên suốt Mulan, các điểm chốt chặng của phim khớp hoàn toàn với công thức câu trúc ba hồi, như giới thiệu hoàn cảnh, bắt đầu ra đi, mâu thuẫn nội tâm, sự giác ngộ, cao trào và hóa giải. Phim châu Á vẫn có thể theo câu trúc ba hồi, nhưng không nặng về công thức và có tính cá nhân rất cao. Đặc biệt, phim châu Á không có quá nhiều âm nhạc bắt tai, dễ nghe và đậm màu sử thi kỳ ảo, cũng không có những khung hình nhiều màu sắc đến vui mắt như thẩm mỹ nghe nhìn của Mulan.
Nếu mọi thứ này áp dụng cho một sản phẩm hoạt hình như phiên bản 1988, có lẽ mọi chuyện đã dễ dàng chấp nhận hơn. Tiếc thay, Mulan quá chân thực để chấp nhận sự “lưng chừng” này của Đông và Tây. Chưa nói đến một vài tình tiết trong phim lại mang đậm phong cách phim Mỹ, ví dụ cảnh tất cả mọi người trong binh đoàn đều đứng về phía Mulan. Ở cảnh phim này, lần lượt từng người nói câu “ I believe in Hua Mulan” (tôi tin Hoa Mộc Lan). Đây là một quyết định nghệ thuật chỉ hợp với khán giả Mỹ, còn với khán giả châu Á, cảnh phim này sẽ bị đánh giá là sến và không thực tế trong bối cảnh doanh trại quân đôi. Thậm chí, việc cài cắm thông điệp nữ quyền khá lộ liễu này còn làm khán giả liên tưởng đến phân đoạn “ It’s my vagina” trong series Sex Education.
Thông điệp tổng thể là điểm nhấn duy nhất
Dẫu tạo nên cảm giác chông chênh, lưng chừng giữa đối tượng khán giả trẻ tuổi và khán giả trưởng thành, Mulan cũng để lại được một dấu ấn tổng thể và một lần nữa khẳng định “trái tim” của Disney luôn hướng về trẻ em. Có thể trong nhãn quan của một người trưởng thành, Mulan đầy sạn và không đủ thỏa mãn trải nghiệm điện ảnh, nhưng với một đứa trẻ, phim là một hạt mầm mạnh mẽ để gieo vào đầu chúng khái niệm về bình đẳng giới, về giá trị của gia đình và cả những phẩm chất tốt đẹp của bản thân mình.
Dù được đánh giá rất cao và được xem là sự tiên phong lúc bấy giờ, bản phim hoạt hình năm 1988 vẫn là một sản phẩm đầy sự rập khuôn về giới. Bắt đầu từ hai bài hát Honor to Us All và I’ll Make a Man Out of You, chúng ta có thể thấ hệ tư tưởng nam quyền trong xã hội phong kiến được bỏ vào trong các giai điệu bắt tai đến mức không bàn tính đúng sai, nhiều người trong chúng ta và nhiều trẻ em đã truyền miệng nhau bài hát đó qua nhiều thế hệ. Có lẽ vì điều này, Disney đã cắt bỏ hẳn yếu tố nhạc kịch ra khỏi phim. Dù rất nhiều khán giả tiếc nuối, Disney đưa ra một lời khẳng định chắc nịch: Mulan của năm 2020 sẽ sửa hết những sai lầm mà bản 1998 đã mắc phải trong việc khắc họa về nữ giới.
Disney mang lại nhiều giá trị tích cực gửi đến khán giả nhí thông qua Mulan
Trong cả hai bản phim, Mulan liều mình đi nhập ngũ thế chỗ cha già. Đây là tình huống quan trọng để đẩy nhân vật lao vào hành trình của chính mình và dẫn đến quyết định giả thành nam nhi. Nếu bí mật này bị lộ ra, đồng nghĩa với việc mất đi danh dự và có khi là nhận lấy cái chết. Tuy nhiên, mỗi bản phim có sự khác biệt rõ rệt về cách nhân vật chính ứng xử trong hoàn cảnh này, Ở bản gốc, Mulan luôn sống trong sợ hãi. Cô sợ bí mật sẽ bị bại lộ và luôn tìm cách che giấu nó, và cuối cùng bị chính đồng đội mình phát hiện ra.
Motif này khá quen thuộc với những phim có yếu tố “giả danh”, khi trước sau gì nhân vật “giả danh” cũng sẽ bị một ai đó bóc trần, tiết lộ danh tính và đẩy đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, ở phiên bản 2020, Mulan tự đưa ra lựa chọn tiết lộ con người thật của mình. Điều này xuất phát từ tình tiết “tam đức”, ba phẩm hạnh được nêu rõ từ đầu phim khiến Mulan luôn băn khoăn về con đường của mình. “Trung” (loyal), “dung” (brave) và “chân” (true) là ba chữ ám ảnh Mulan xuyên suốt phim, đặc biệt là chữ “chân” luôn khiến cô đắn đo về việc tiết lộ cho cả thế giới biết mình là ai, hay nói cách khác, là sống thật với lòng mình. Chính vì điều này, hành trình chinh phục chữ “chân” của Mulan có sức nặng hơn và thuyết phục hơn khi cô quyết định không ai có quyền “phát hiện” ra sự thật, chỉ có chính cô mới cho họ thấy sự thật mình là ai.
Và cuối cùng, Mulan của bản 2020 tuyệt vời hơn Mulan bản 1998 ở điểm cô không cần cố gắng để chứng minh rằng mình có thể làm những gì đàn ông làm được. Mulan bản cũ dù có làm gì đi nữa vẫn không thoát khỏi cái bóng của một người đàn ông và chưa bao giờ được là chính mình, chưa bao giờ có sự lựa chọn để thật sự làm chủ mọi thứ và được giải phóng hoàn toàn như một người phụ nữ. Mulan bản mới thì không như vậy. Disney khéo léo để nhân vật ôm ấp hoàn toàn tính nữ của mình, chấp nhận mình là ai. Xúc động nhất có lẽ là kết phim, khi cô nhận ra được giá trị thật của mình nằm ở phẩm hạnh thứ tư: “hiếu” (devotion to family).
Bộ phim kết thúc bằng một câu trả lời bỏ ngỏ khi Mulan được mời vào cấm vệ quân của hoàng đế. Chúng ta hiển nhiên không cần biết câu trả lời, chỉ cần biết ở khoảnh khắc đó, Mulan là biểu tượng của một phụ nữ có tiếng nói, có bản lĩnh, có khí chất và trên hết là có sự lựa chọn cuộc đời của chính mình. Đó chính là thông điệp nữ quyền thế hệ mới mà Disney muốn gửi gắm đến khán giả.
Vậy nên, Mulan phiên bản 2020 là một sản phẩm ở mức chấp nhận được. Nếu xét ở khía cạnh một phim hành động, kiếm hiệp và một phim châu Á, thì có thể nói đây là một sản phẩm chưa tới, chưa có sự đắt giá về mặt chi tiết để khán giả châu Á phải há hốc mồm chiêm ngưỡng, chưa kể đến những lựa chọn về mặt thẩm mỹ nghe nhìn vẫn liên tục khẳng định về phong cách và hệ tư tưởng phương Tây. Những nếu rộng lượng xét phim ở góc độ một sản phẩm văn hóa đại chúng dành cho trẻ em, gia đình và nắm bắt rõ đường hướng của Disney nhiều năm qua, đây là một bộ phim có thông điệp tích cực, có thể nói là mang màu “feel-good” để các bé gái khắp nơi hân hoan tìm ra những phẩm hạnh và cả khí chất bên trong mình.
Trailer chính thức của Mulan
Mulan đã chính thức lên sóng nền tảng Disney từ ngày 4/9/2020.
Mulan chính thức "tiến đánh" rạp Trung với poster cũ mèm như "năm 1900 hồi đó"
Mulan sẽ được chiếu tại Trung Quốc sau 1 tuần kể từ khi lên sóng chính thức trên nền tảng Disney .
Vừa qua, phía Disney đã chính thức công bố siêu phẩm Mulan sẽ được chiếu tại thị trường Trung Quốc. Thông tin này đang khiến các fan tại đại lục vô cùng vui mừng.
Phần lớn khán giả Trung Quốc đều tự hào và tỏ lòng nghênh đón "nữ chiến binh" Hoa Mộc Lan (Lưu Diệc Phi) về nhà. Cụ thể, phim sẽ bắt đầu ra rạp vào ngày 11/9, tức sau 1 tuần kể từ thời điểm lên sóng Disney tại Mỹ.
Mulan sẽ có cả thuyết minh tiếng Trung dành cho fan đại lục
Poster của Mulan tại Trung Quốc
Mặt khác, các fan Việt lại có phản ứng vô cùng dữ dội. Đặc biệt, nhiều khán giả đã thẳng thắn chê bai cách thiết kế poster Mulan từ phía Trung Quốc, cho rằng nó lỗi thời và trông như những phim cổ trang kiếm hiệp của 10, 20 năm trước.
Poster Trung Quốc của Mulan trông như "Tam Quốc từ chục năm trước", theo một fan chia sẻ
Ngoài ra, một số fan còn lo ngại sự lên ngôi của các bản phim lậu một khi Mulan được chiếu ở rạp. Nếu vẫn được giữ độc quyền trên Disney thì phía nhà Chuột chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong khâu kiểm duyệt bản quyền của mình.
Đây thực chất là một nước đi thông minh của Disney ở thời điểm cả ngành điện ảnh đang uể oải vì dịch COVID-19. Những tựa phim "đón đầu" như TENET hay The New Mutants đang phải cố gắng toàn lực có thể để "gom tiền" nhiều nhất có thể. Trong khi ấy, Mulan vốn được hưởng lợi từ nền tảng Disney (vừa đạt mốc 100 triệu lượt đăng ký vào ngày 4/8 vừa qua) và thị trường tỉ dân là quê nhà Trung Quốc.
Trailer chính thức của Mulan
Mulan sẽ chính thức công chiếu tại Trung Quốc vào ngày 11/9/2020.
Một lần nữa, Mulan lại phải dời lịch chiếu vì Covid-19 Theo thông báo mới nhất từ Disney, Mulan sẽ dời lịch đến ngày 21.08 vì dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát. Sau khi bộ phim Tenet của đạo diễn đình đám Christopher - Nolan thông báo dời lịch công chiếu đến ngày 12.08 thì tiếp nối theo đó là Mulan phiên bảnlive-action của Disney cũng quyết định "tiếp bước" trì hoãn phát...