Mùi quê hương trong chiếc bánh tổ
Mười tám năm xa quê, thiếu thốn đủ thứ nhưng chưa tết nào, má tôi quên làm bánh tổ. Ở quê, bà ngoại luôn để dành những bát đường ép từ mía, hễ có ai vào Nam là gửi ngay cho má.
Dì Tám gọi điện, báo tin ngoại té ruộng, trật chân không đi được, cả nhà quáng quàng. Má cầm điện thoại nghe, tay run run. Thằng út giục má mở loa cho cả nhà cùng nghe, đứa nào cũng sốt ruột. Vậy mà, đầu dây bên kia, giọng ngoại tỉnh rụi: “Hắn nói quá lên rứa chớ có chi mô. Mai mốt tao gửi đường vô làm bánh tổ ăn tết chơi hỉ”. Má bật khóc. Có lẽ nỗi nhớ quê lại cồn cào trong lòng má khi nghe cái tên “bánh tổ”. Mười tám năm rồi, ngoại vẫn vậy, cứ mỗi độ tết đến, bà lại nhắc chuyện làm bánh tổ.
Chị em tôi sinh ra tại một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Chỉ sống ở quê khoảng mười năm đầu đời, nhưng ký ức về những ngày tết quê đơn sơ mà ấm áp trong chúng tôi vẫn nguyên vẹn. Ngày ấy, quê còn nghèo, tết không rình rang như ở phố. Đường đất, mưa xuống là ngập ngụa sình lầy, diện đồ mới đi chơi tết mà phải xách giày, lội chân đất, đứa nào mặc quần dài thì xắn tới gối. Dù vậy, lũ trẻ con chúng tôi đều mong đến tết để được lẽo đẽo theo má đi rọc lá chuối, rang mè làm bánh tổ và để được lì xì, lấy tiền mua bong bóng bay.
Năm nào cũng vậy, mấy ngày giáp tết, tối tối, má phải chuẩn bị một thau than thật to để cả nhà ngồi quây quần cho ấm. Mãi sau này, khi đã vào Nam sinh sống, tôi mới nhận ra, cái không khí se lạnh với thau than đỏ ấy là một điều kỳ diệu của tết quê mà những người con xa xứ luôn muốm tìm về.
Là con gái gốc Quảng, ngay từ khi còn bé, má đã được bà ngoại dạy làm mì Quảng và nhiều loại bánh, mứt đặc sản của quê nghèo. Cứ chừng 23, 24 tháng Chạp hằng năm, má đã lo mua nếp, đậu xanh, gừng, mè để đến ngày 28 gói bánh tét, bánh tổ. Má nói, bánh tổ là bánh của dân Quảng mình, trước là cúng ông bà, sau để thưởng thức.
Trong những ngày ngồi bó gối nhìn má làm bánh tổ, tôi hỏi bánh có từ bao giờ, má lắc đầu. Không ai biết chính xác bánh này có từ khi nào và vì sao lại có tên như vậy. Truyền thuyết kể rằng, bánh vốn do Tổ mẫu Âu Cơ làm ra để phát cho các con trong ngày chia tay, người lên rừng, kẻ xuống biển để làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có thuyết khác nói rằng, loại bánh này làm ra cốt để cúng ông bà nên mới có tên gọi “bánh tổ”.
Mười tám năm xa quê, thiếu thốn đủ thứ nhưng chưa tết nào, má tôi quên làm bánh tổ. Ở quê, bà ngoại luôn để dành những bát đường ép từ mía, hễ có ai vào Nam là gửi ngay cho má. Đường này má giữ cẩn thận lắm, tết mới mang ra làm bánh. Chị em tôi thường phụ má nhóm bếp, rọc lá chuối, phụ ba làm khuôn bánh. Bánh tổ không quá khó làm, nhưng phải thật tỉ mỉ. Nếp vo sạch, ngâm nước 5-6 giờ rồi mang xay nhuyễn, ép bỏ nước, còn lại phần bột nhão. Chúng tôi làm khuôn bánh bằng lá chuối, vài lá xếp chồng lên nhau, dùng tăm ghim 4 góc thành hình vuông, hình tròn. Do là đường bát, không phải loại đường cát trắng như thường thấy nên phải nấu hơi lâu một chút, cùng với gừng. Đường nguội, má cho bột nếp vô khuấy đều, tới chừng múc lên, thấy chảy thành dòng đặc mới thôi. Hỗn hợp này cho vô khuôn, xếp trong nồi hấp, thích thì rắc thêm mè.
Má tôi nói, bánh tổ là quà để dành ra Giêng. Thật vậy, không ai ăn bánh khi vừa hấp chín. Bánh được đặt lên bàn thờ ông bà cúng mấy ngày tết, phải cả tuần, thậm chí cả tháng sau, mọi người mới thưởng thức. Bánh có thể ăn sống nhưng chiên thì ngon hơn. Qua những ngày tết rộn ràng với đủ loại bánh trái, má tôi cẩn thận cắt bánh tổ thành từng miếng hình chữ nhật thả vào chảo dầu đang sôi. Miếng bánh tổ chiên béo ngậy, thơm mùi nếp, mùi đường, quyện với hương gừng thành một mùi đặc trưng mà má tôi hay gọi là “ mùi quê hương”.
Cuộc mưu sinh ở đất phương Nam đã không dễ dàng như chúng tôi nghĩ. Mười tám năm chưa về, mười tám cái tết cồn cào nhớ. Hôm nay, nghe ngoại nhắc chuyện bánh mứt, thấy lòng nao nao. Tết này, chắc cả nhà lại ngồi tần ngần bên cửa sổ, phóng tầm mắt ra con đường lớn, nơi có những chiếc xe tuyến Sài Gòn – Quảng Nam đưa hàng ngàn người con xa xứ về quê đoàn viên. Rồi thì, khóe mắt sẽ cay cay…
Video đang HOT
Thảo Nguyên
Theo phunuonline.com.vn
"Tết nầy bây có dìa hôn?" - câu hỏi của mẹ khiến người con xa xứ cảm thấy chạnh lòng!
"Tết nầy bây có dìa hôn? Tao không cần tiền bây gởi dìa quê để tao ăn tết. Tao cần thấy mặt tụi bây với sắp nhỏ là tao đủ vui rồi...". Từng lời của mẹ khiến tôi lặng người đi, ai mà chẳng muốn về quê thế nhưng.....
Làm cả năm, Tết có 3 ngày, ai ai cũng tranh thủ sắp xếp công việc để về quê thăm gia đình, ông bà, cha mẹ đủ hiểu ý nghĩa của Tết quan trọng như thế nào trong tâm trí của người Việt Nam. Mặc dù ít nhiều không "bày vẽ" như Tết xưa, thế nhưng mọi thứ vẫn vẹn nguyên trong kí ức của mỗi người. Những ngày giáp Tết, có lẽ ở nhà mọi thứ cũng đã chuẩn bị gần xong. Cành mai trước nhà chắc cũng đã rung rinh cánh mỏng. Bánh mứt cũng đã đủ đầy. Nhưng vẫn thiếu người con xa xứ chưa trở về, phải chăng vì họ không nhớ nhà, họ chẳng quyến luyến không khí sum vầy hay dòng đời xuôi ngược khiến họ chấp nhận đánh đổi?
Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của một người đàn ông đã có vợ, ít khi về quê ăn Tết, mặc dù quê nhà chẳng xa xôi gì mấy. Đọc những dòng chia sẻ của anh, hẳn nhiều người phải suy ngẫm:
"Sau cuộc gọi của mẹ, lòng tôi trăn trở mãi, biết mẹ nói vậy là giận, là lẫy...
Tôi rành tánh mẹ, vẫn vậy. Giận thì giận mà thương thì vẫn cứ thương!
Tôi xa quê Bến Tre đã lâu, mỗi năm chỉ về đúng một lần vào ngày giỗ ba tôi, còn ngày Tết thì luôn vắng mặt với nhiều lý do... Bến Tre cách Sài Gòn không xa, cũng không phải chen lấn đặt vé máy bay, tàu xe hay tốn vài chục triệu để về quê như những người dân xa xứ ở miền Bắc. Bến Tre cứ thích là về, muốn thì chạy xe máy cũng vèo là tới nhà, thế nhưng... Tết đến, mọi thứ ngổn ngang, vợ con thích đi du lịch, ở lại ăn Tết thành phố, chúc Tết sếp, nhậu nhẹt bạn bè, và hơn hết, làm tết thì lương nhân gấp 3, gấp 5... Đồng tiền làm mờ con mắt, thêm vào đó là ở quê, bà con, anh em cũng đông, nên tôi nghĩ "thiếu mợ thì chợ vẫn đông" nên cứ lần lữa mãi...
Sáng nay tôi quyết định về quê trước Tết cùng đứa con trai út tuổi lên 7, vợ tôi có việc đột xuất nên sẽ đi chuyến sau. Con tôi kêu: "Sao mình về quê sớm vậy ba? Tết này mình không đi du lịch hả ba". Tôi ậm ờ: "Về sớm để nội trông. Gần tết xe cộ nhiều dễ kẹt xe, kẹt phà lắm". Nói cho có. Thật là tôi vẫn muốn đón tết Tây Đô như những năm trước, tết Sài Gòn buồn lắm, đầy đủ vật chất nhưng thiếu đi tình thân.
Xe xuống phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long). Dòng người và xe chen nhau xuống phà. Ai cũng tươi cười nói năng rộn ràng, họ bàn về chuyện năm nay sắm sửa được gì, mua cái này, cái kia về cho sắp nhỏ dưới quê, có người thì than thưởng ít, thiếu thốn trăm bề. Nhưng dù sao đi chăng nữa, họ vẫn gạt bỏ tất cả, trở về với gia đình, đoàn tụ và sum vầy.
Cuộc hành trình tiếp tục. Hai bên quốc lộ 57 có rất nhiều người bán trái cây đặc sản Bến Tre: chôm chôm, sầu riêng 9 Hóa, 6 Ri, hoa kiểng, mai, bông các loại, xen lẫn với hàng trăm cơ sở kinh doanh cây giống. Dọc các tuyến đường có rất nhiều nhà phơi dưa hành, củ kiệu, có cả bánh tráng phơi trên các vỉ tre, trong cái nắng hầm hập cuối năm. Mọi thứ trở nên thân thương và gần gũi.
Nhiều xe tải đang chuẩn bị xuất bến từ các cơ sở hoa kiểng, nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, mai chậu, hoa treo, kiểng lá. Nhìn số biển kiểm soát 29...; 43...; 92..., 61....93... tôi hiểu rằng hoa kiểng quê tôi sẽ đến Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước...
Ngạc nhiên khi làng quê tôi giờ cũng có hàng chục điểm bán cũng treo bảng "giảm giá", "xả hàng ngày Tết" như ở Sài Gòn. Dọc quốc lộ 57 dài cả chục cây số với các mặt hàng như quần áo đã xài rồi (đồ siđa); quần áo chỉ vài chục ngàn/bộ; rồi xoong chảo, giày dép, dây nịt, bóp da...
Dừng chân tại một quán nước ở xã Vĩnh Thành (còn gọi là Cái Mơn), huyện Chợ Lách, Bến Tre, cô chủ quán khá xinh xắn và rất "Bến Tre" với mái tóc dài và đen, nụ cười tươi rói trên môi: "Anh vào quán em uống ngụm nước rồi lên xe cũng chưa muộn, Tết nhứt đến nơi, vui quá anh hen"...
Xe tiếp tục chạy.... Càng về phía biển, dòng xe và người du lịch dày đặc bởi bãi biển Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) vừa được mở rộng với nhiều thắng cảnh đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mừng vì quê mình đổi mới, sung túc, đủ đầy. Buồn bởi thấy mình có lỗi với quê nhà, người thân bởi cứ mãi lo toan cơm, áo, gạo, tiền mà lơ là quê cha, đất tổ.
Điện thoại rung. Tiếng mẹ tôi vang lên như reo: "Cha con bây dìa tới đâu rồi. Mẹ đang nấu nồi thịt kho dưa giá và mấy đòn bánh lá dừa đãi tụi bây đây. Bà con tới vui lắm, muốn coi mặt cha con bây".
... Đường về quê ăn Tết ngắn dần, ngắn dần trong niềm rạo rực Tết quê..."
Thế đấy, đi Đông đi Tây cả năm trời, năm hết Tết đến, người xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái Tết đầm ấm. Đôi khi ta không về quê ăn Tết vì sợ tốn tiền, lấy lý do đó thì bố mẹ vì thương con cũng sẽ nói : "Ừ thôi, để lúc khác về cũng được". Chính ta buộc bố mẹ chấp nhận tự an ủi bản thân sao? Công lao sinh thành là trời biển, ai có con cũng đủ hiểu là dù sau này con mình có báo hiếu tốt đến mấy cũng không thể bù đắp tình yêu thương và công lao của bố mẹ.
Giả sử một người bình thường sống thọ đến 75 tuổi, bỏ qua 18 năm đầu sống gần bố mẹ, chúng ta sẽ có ít nhất 4-5 năm xa nhà để đi học, rồi rất nhiều người trong chúng ta đều đi làm xa quê. Giả sử bố mẹ còn sống khỏe thêm 20 năm nữa, và mỗi năm ta về quê được 2 lần, hóa ra chúng ta chỉ được gặp bố mẹ khoảng 40 lần nữa thôi. Nhưng nhiều người, trong đó có tôi, vì mục tiêu tiết kiệm để mua nhà sắm xe, vẫn muốn cắt xén con số đó xuống thành 1 lần mỗi năm.
Tết là dịp đoàn tụ, cái cảm giác đó không gì thay thế được. Dù ta có ở nhà cả năm trời nhưng Tết nhất chẳng thấy mặt mũi đâu thì bố mẹ vẫn buồn, vẫn nhớ, vẫn mong. Huống chi ta chẳng bao giờ ở nhà. Tiền bạc là vật ngoài thân, ít ai chết vì thiếu tiền mà hầu hết chúng ta rồi cũng qua được cả đấy thôi. Nhưng thời gian thì không gì có thể lấy lại được. Chúng ta tốn chục triệu về quê ăn Tết thật ra chính là dùng tiền để mua 72 tiếng của 3 ngày Tết. Quý lắm ai ơi! Liệu bố mẹ có còn đó để đón nhiều cái Tết với chúng ta nữa không?
Việc có về quê đón Tết hay không luôn là niềm trăn trở của những người con xa quê. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" và cũng có rất nhiều ý kiến bình luận về bài viết:
- "Tết là ngày để ta tạm gác lại những bộn bề công việc để sum họp với gia đình. Cùng ngồi gói từng đòn bánh và kể cho ba mẹ nghe đủ chuyện của một năm đã qua"...
- "Cuộc sống bon chen, hối hả ở thành phố lại càng làm cho mình mong cái tết nhiều hơn. Mình luôn muốn đón giao thừa cùng với người thân, ba mẹ. Với mình gia đình là số một".
- "Nhà em nghèo, năm này bố mẹ lại bảo ở quê mất mùa, nên em không về. Sợ về quê rồi, mới đầu năm bố mẹ phải mượn tiền để cho em vào lại thành phố. Em thấy các trang tuyển nhân viên làm thêm ngày tết trả công rất cao nên muốn ở lại làm thêm...".
- "Về thì ai chả muốn về, nhưng trước mắt là đã thấy tốn một mớ nào tiền vé xe, vé tàu, rồi chi phí đi lại, quà cáp, còn chưa kể tiền mừng tuổi bà con họ hàng nữa. Về có mấy ngày có khi cả gia đình tốn mấy chục triệu chứ ít gì"
- "Tết nào mình cũng ăn tết ở nhà nên cũng chán. Tết này mình quyết định làm một chuyến trải nghiệm tết xa nhà và tận hưởng những điều mới lạ ở phía trước".
- "Mình nghĩ mọi người đừng quá khắt khe chuyện không ăn tết cùng gia đình là điều cấm kỵ. Mình nghĩ tuổi trẻ chẳng quay lại lần 2, đi và trải nghiệm nhiều cũng tốt mà. Gia đình luôn là số một nhưng cứ ru rú ở nhà thì biết bao giờ mới biết đó, biết đây. Mình đi vài ngày rồi lại về với ba mẹ. Tụi mình cũng lên kế hoạch hết rồi, mùng 3 sẽ về nhà".
Mỗi người có một quan điểm riêng, về hay không về, nhưng tựu trung: Tết này hãy về nhà. Đó cũng là lý do hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đong đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người, tình thân, về cái Tết truyền thống của quê hương... Thế còn bạn, nếu cũng là một người con xa quê thì ngày Tết bạn sẽ về hay ở lại?
Theo bestie.vn
Nếu ngoài kia khó khăn quá, về với má đi con! Những cuộc điện thoại đường dài dặn dò: 'Nếu ngoài kia khó khăn quá, thì về nhà với má nha con', làm ngậm ngùi bao đứa con lưu lạc. Thời điểm giáp tết, chúng đồng hành cũng nỗi khắc khoải, ngóng trông của không ít bậc sinh thành. Giờ này con vẫn nổi trôi... Vũ nằm dài đã hai ngày ròng, cậu không...