Mùi nhựa hàn dép, mùi Tết của tôi
Mưa phùn nhẹ, tiết trời se se lạnh, sắc hoa vạn thọ, mai vàng ngập tràn trước ngõ… đã là Tết chưa?
Với tôi, được nghe mùi bánh thuẫn, mùi thịt heo rọng mắm, mùi bánh tráng nướng, mùi thịt gà thưng do chính tay má làm hay chỉ là mùi của rau é quế, hành ngò, rau muống, xà lách trộn chung trong rổ cũng đủ để lòng rộn ràng Tết.
Mà thôi, tạm quên chuyện mùi liên quan đến cái bao tử, thử một lần đến phiên chợ quê nghèo nơi tôi sinh ra và lớn lên để nghe lại mùi nhựa từ hàng hàn thau, dép hiếm hoi còn sót lại… Thành là tên chợ – người xưa lấy từ Thành An Thổ, nơi sinh cố Tổng bí thư Trần Phú (thôn An Thổ xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Lúc bấy giờ, chợ họp 5 ngày một phiên vào các mùng 4, 9, 14, 19… Âm lịch. Riêng những ngày cận Tết chợ họp liên tục, tuy nhiên vào ngày phiên chính thì mua bán nhộn nhịp hơn, chợ tan cũng muộn hơn. Chợ nhỏ nhưng sản vật phong phú lắm, đủ các loại cây trái từ các xã miền núi đưa xuống, tôm cá từ biển lên hay gà vịt ở xuôi.
Thợ hàn dép đứt, thau bể tại chợ Thành (Ảnh chụp năm 2018 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Trần Trọng Tri.
Nằm cuối nhà lồng chợ là một gian hàng nhỏ chuyên nghề hàn thau, dép, xoong chảo… có mặt ở chợ này cũng ngót hơn 40 năm. Đấy là theo tôi biết, chứ nghe đâu trước đó đời cha đã gắn bó với nghề này và chỉ một trong số hơn chục người con nối nghiệp. Làm nghề lâu, lại là người duy nhất làm công việc này nên khách hàng đông không kể hết. Hàng nhiều, có khi tan buổi chợ còn phải chở lỉnh kỉnh về nhà làm tiếp để phiên chợ sau trả khách.
Video đang HOT
Gần Tết, nhà người ta dắt con ra chợ thử dép để mua. Riêng chị em nhà tôi lấy dép cũ ra chà rửa thật sạch, hong khô để mang ra chợ cho thợ hàn những chỗ đứt. Mấy đôi dép nhựa đứt ngang dọc, nhiều vết hàn chồng chéo nhau không theo trật tự nào. Nhà tôi là “khách hàng thân thuộc”, quen đến độ ông thợ hàn nhìn là biết dép của nhà nào, còn nói chính xác cả tên họ của phụ huynh.
Ngày 24 Tết năm nào không nhớ nỗi, chỉ nhớ đó là một buổi sớm mưa phùn, người đi chợ đông nối hàng dài theo cầu tre, tôi cỡi xe đạp ra chợ, trên ghi đông là giỏ nhựa đựng mấy đôi dép. Một người lớn tuổi ở khác thôn thấy tôi xách mớ dép đứt tới thì bảo: “Dép thế này thì hàn chi nữa, quăng đi là vừa”. Ở tuổi lên 10 nhưng tôi hiểu thế nào là vừa với gia cảnh của mình. Cha mẹ ai không muốn sắm sửa cho con mình đôi dép, bộ quần áo mới; nhất là ngày Tết. Đằng này, cái ăn còn không có thì lấy đâu ra mua dép mới. Ông thợ hàn thì vui vẻ, hàn hai đôi chỉ lấy tiền một đôi, lắm lúc chẳng lấy đồng nào vì… Tết mà.
Ra chợ, ôi thôi đủ thứ mùi quyện vào nhau nhưng mùi nhựa hàn là “mạnh” nhất, như kéo người ta về với ngày cũ. Từ đầu chợ, nghe mùi nhựa cháy ngai ngái thoảng trong gió là biết ngay ông thợ vừa vùi que sắt vào lò lửa than nóng rồi quệt lên mẫu nhựa. Lần đi chợ phiên hàn dép, tôi thường ngồi bệt bên chậu than đang cháy đỏ, thích thú nhìn ông thợ vùi cây sắt vào tro, cẩn thận cắt từng miếng nhựa rồi áp vào chỗ dép đứt, tay lướt nhẹ để tạo “nét thẩm mỹ”.
Ngoài những phiên chợ, sau thời gian “chạy chợ” trước Tết, thợ còn đi hàn dạo ở khắp làng. Chỉ vài tiếng rao ban đầu “hàn dép, thau nhựa, nồi xoang… bể… hông?”, xe thợ dừng lại ở một điểm nào đó là có hàng làm cả buổi. Người qua lại thấy báo với người này người kia ở xa, gần chỉ cần nghe mùi nhựa hàn là biết mà mang đồ ra, không phải đợi đến ngày ra chợ.
Chỉ non hai tháng trước, tôi về quê trùng với phiên chợ và hẳn nhiên dành cả buổi sáng đi dạo. Ở góc chợ quen thuộc, ông thợ hàn vẫn còn đó, cần mẫn với nghề đã gắn bó mấy mươi năm nhưng khách đã thưa rồi. Hỏi chuyện thu nhập, mặt ông thợ buồn rười rượi: Đồ nhựa bây giờ rẻ quá, đôi dép chỉ hơn 20 ngàn đồng, xài đứt thì bỏ, thi thoảng hàn cái thau nhựa, xoong nhôm cho đỡ nhớ nghề chứ làm không đủ ăn. Nói xong, ông thợ chỉ vào đôi giầy mọi tôi đang mang: “Đấy! ai cũng mang giầy như chú thì tôi hàn cho ai?”
Bàn cà phê sáng nay đều là những người tha phương. Người nhắc quãng tuổi thơ cùng mẹ đi chợ Tết; hay bảo được về nhà là thấy Tết. Người khác nói được đi chợ Tết hẳn có Tết. Ai cũng có lý. Với tôi, đi chợ quê Tết không khó, khó là không phải quê mình. Đi chợ Tết quê mà không được nghe Mùi nhựa hàn dép thì chẳng ra mùi Tết.
TRẦN TUY AN
Theo thegioitiepthi.vn
Tôi trở thành tên trộm vì... thèm bánh thuẫn
Quê nghèo, xóm nghèo nhưng giàu mùi Tết.Thơm ngọt rim gừng, rim dừa, rim bí. Thơm lừng những chiếc bánh tráng trắng ngà nóng hổi mới vớt khỏi lò. Thơm nhức mũi những mẻ nếp phồng to làm cốm. Ôi, ra rồi, thơm phức mùi chiếc khuôn bánh thuẫn vừa được mở nắp.
Mùi thơm đặc trưng không thể lẫn. "Bây ơi, tới rồi, Tết tới rồi!". Tôi sẽ bằng tốc độ ánh sáng đi "lan tỏa" cái mùi ngất ngây ấy cho chúng bạn ngay sau khi hương thơm của mẻ bánh đầu tiên chảy tràn xuống lồng ngực.
Bánh thuẫn, đấy là thứ bánh ngon nhất mà tôi từng được ăn (hồi đó tôi nghĩ vậy). Còn bây giờ, ý nghĩ ấy vẫn chưa thay đổi mà tôi còn kết luận, bánh thuẫn - thứ bánh nhà quê ám ảnh người dân quê.
Trẻ nhỏ quây quần xem bà làm bánh thuẫn. Ảnh: IT.
Ám ảnh lắm. Quê tôi hồi đó, dấu hiệu rõ ràng nhất của Tết là mùi bánh thuẫn. Tôi gọi bánh thuẫn là bánh nhà quê. Bột khoai hạ nhà làm, trứng vịt ngoài chuồng, chỉ cần mua đường cát, hũ va ni (hoặc củ gừng giã lấy nước) thì sẽ có những mẻ bánh thơm... mênh mang bất tận. Trời ơi, tôi đang thấy như mình đang ngồi chứng kiến những chiếc bánh được quyện từ hỗn hợp trứng, bột, đường vun tròn, xòe bốn tai hoa trong lửa. "Đợi một chút nữa" - mẹ "hét" lên khi tôi hồi hộp đòi mở nắp. Sau mấy giây nín thở rồi cũng tới giờ khắc chiếc nắp đồng được mở, những chiếc bánh nở tai hoa dậy mùi được vớt ra sắp ngay ngắn. Vàng ruộm, thơm nức, ngọt vừa đủ - tôi luôn được mẹ cho "khai vị" chiếc bánh đầu tiên. Sướng mê tơi! Vừa ăn vừa thán phục - đó quả là thứ bánh đơn sơ mà "nhức nhối".
Tôi đã nghĩ mình là đứa trẻ duy nhất của thế gian này thèm bánh thuẫn. Vì thèm nên ám ảnh. Với tôi, ngày nhà làm bánh thuẫn sẽ là một ngày trọng đại. Nếu là ngày tới trường thì tôi xem là ngày xui xẻo. Xin lỗi cô thầy vì ngày hôm đó học trò khó lòng dung nạp kiến thức khi trong đầu cứ chất chứa mùi bánh thuẫn. Và như thế, tan học, tôi sẽ ba chân bốn cẳng phóng về nhà. May quá, tôi luôn về nhà trước mẻ bánh cuối cùng. Không kịp thay đồ, tôi sà lại chực mẻ bánh vét xoong - còn một ít nguyên liệu mẹ sẽ rót thêm nước ấm đánh đều và rót vào các khuôn, mỗi khuôn một ít. Tôi sẽ hí hửng xin mẹ được tự tay vớt những chiếc bánh mềm èo, xốp xịch đó. Bánh vét xoong là mẻ bánh ngon nhất trần đời. Những chiếc bánh mềm mềm, nong nóng dậy mùi, vừa thổi vừa ăn, ngon ơi ngon... Ăn bánh thuẫn đừng vội - mẹ dặn. Tôi sẽ cẩn thận cầm, hít no nê đã đời rồi từ từ nhẩn nha chiếc bánh đặc biệt ấy.
Tết đến, mẹ sẽ chọn những chiếc bánh thuẫn đẹp nhất cúng tổ tiên và mời khách. Một đĩa bánh thuẫn nở đều nở đẹp, sự giòn thơm phô tràn ra bên ngoài. Khách đến nhà chúc Tết, đầu tiên sẽ là lời khen "bánh thuẫn năm nay đẹp quá..." - mẹ sẽ cười mãn nguyện, lời khen ấy có giá trị hơn bất cứ một câu chúc Tết mĩ miều nào.
Còn tôi, niềm vui những mùa xuân tuổi nhỏ đơn giản lắm. Chỉ cần cầm cái bánh thuẫn giòn rụm, cắn vào một miếng, vị ngọt của bánh tan ra trên đầu lưỡi, ngây ngất nghe mùi thơm lan tỏa xung quanh là tôi đã thấy như thu cả mùa xuân.
Nói tới bánh thuẫn lại nhớ đến lần đầu phạm tội. Năm đó mùa màng thất bát, các con đổ bệnh, túng bấn nên mẹ phán "Tết này khỏi bánh khỏi trái". Tôi thiếu điều muốn được nằm luôn trên giường bệnh mà không thiết chuyện Tết nhứt vì không được ngồi bên âu lửa ngắm những chiếc bánh xòe tai hoa. Nhà có sẵn bột, mua thêm ký đường là được mà. Mày đẻ được trứng thì mẹ làm...
Không đẻ được thì lấy trộm. Tôi đã khóc òa khi bọc trứng vừa được mang ra khỏi cửa chuồng thì gặp bác Sáu, chủ trại vịt bên sông. Cháu xin lỗi. Tại... tại... cháu thèm bánh thuẫn mà mẹ không... Chiều hôm đó, tôi mếu máo, nín thở nép bên cửa khi thấy bác Sáu từ ngoài cửa bước vào kêu to: "chị Hai ơi, chị Hai ơi". Chết rồi, bác đi mắng vốn. Nhưng khi mẹ chạy ra thì tôi thấy bác dúi túi trứng vào tay bảo làm bánh thuẫn cho sắp nhỏ: "Tết không được ăn bánh thuẫn buồn lắm, hồi nhỏ tui cũng vậy"...
Bây giờ tuổi đã ngấp nghé tứ tuần, xa quê chừng ấy năm, nghĩ về Tết, trong đầu tôi, trong tim tôi, không có thứ gì khác ngoài mùi bánh thuẫn.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Theo thegioitiepthi.vn
Bên hiên nhà thơm hương giấy hẩm Giữa bao công việc chất chồng ngày cận Tết, chỉ cần trời hanh nắng là tôi lại đem sách ra hong. Tôi thích cái cảm giác nâng niu từng trang giấy cũ thơm mùi nắng cùng lũ trẻ quê bên hiên nhà trong những ngày hanh hao cuối Chạp. Không biết tự khi nào và đã bao nhiêu năm gia đình tôi làm...