Mùi hạt tiêu của mẹ những ngày giáp Tết
Vì cuộc sống và theo đuổi đam mê, tôi đã lập nghiệp trên thành phố, mùi hạt tiêu rang cay nồng mỗi tối chỉ còn trong ký ức vì tôi về quê đón Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của mẹ, tức 29 Tết âm lịch.
Những ngày tháng Chạp, Hà Nội lạnh lắm! Cái lạnh làm người ta co rúm lại nhưng cũng thật vội vã, nhộn nhịp bởi sự bận rộn của những ngày giáp Tết. Trên đường về nhà đã tối muộn, thoáng thấy ánh lửa bập bùng cuối phố, thì ra là một vài người nhóm lửa để sưởi ấm cùng nhau. Lửa củi rực hồng bỗng làm tôi thấy nhớ quê nhà, nhớ Tết năm xưa, nhớ mùi khói bếp, hơn cả là mùi hạt tiêu mẹ rang thơm nồng.
Những chiếc xe đạp chở đầy hoa tươi rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: IT.
Hạt tiêu, thứ gia vị cay nồng trong góc bếp hẳn ai trong chúng ta cũng từng biết. Ở vùng quê tôi, mọi người chỉ dùng hạt tiêu vào dịp cỗ bàn, lễ, Tết. Bởi món ăn hàng ngày thường mộc mạc, giản dị, không có thói quen nêm tiêu. Mâm cơm ngày Tết miền Bắc không thể không có đĩa bánh chưng xanh, lát giò xào, đĩa nem rán vàng ròn rụm và điểm nhấn giữa mâm là bát nước chấm pha chua ngọt thơm mùi tiêu và ớt. Những món ngon ngày Tết đó sẽ không thể trọn vị, ấm nồng nếu thiếu đi thứ gia vị “nhỏ mà có võ”: hạt tiêu.
Với tôi, đó không chỉ là một loại gia vị, hơn cả là một ký ức của sự háo hức đón Tết, của việc mưu sinh cho bữa cơm đầu xuân đong đầy, là sự nhắc nhở về thời gian vì bận rộn tôi đã quên: Tết sắp đến rồi!
Vào những ngày tháng 12 Âm lịch, mẹ tôi lại mua hạt tiêu sống về rang chín và xay bán. Bà con lối xóm mỗi nhà đều mua lấy năm, mười nghìn hạt tiêu xay để gói bánh chưng, gói giò xào, nêm nếm ăn Tết. Tôi không nhớ mẹ bán tiêu từ bao giờ, tôi chỉ nhớ từ khi tôi còn bé lắm, thời mà còn đi chân đất chạy quanh xóm làng, mẹ tôi đã bán hạt tiêu rồi. Cho đến bây giờ, áp Tết năm nào cũng vậy, mẹ vẫn duy trì bán thứ gia vị cay nồng này vào mỗi dịp cuối năm.
Hạt tiêu mẹ tôi mua của người quen trong Tây Nguyên. Bà rất có kinh nghiệm trong việc lựa tiêu thế nào là ngon, là chuẩn. Sau khi mua hạt tiêu sống về, mẹ tôi trải nó ra một chiếc mẹt tre, nhặt sạch vụn cành, lá khô còn sót, sàng sảy cho bay hết tạp bụi một cách cẩn thận. Chúng tôi xúm lại giúp mẹ, mấy đứa lấy tay xoa xoa hạt tiêu đầy thích thú. Tiêu đã nhặt sạch, trên bếp củi vừa nấu cơm tối xong, mẹ tôi đặt một chiếc chảo lên, gạt bỏ bớt củi, chỉ để lại những viên than rực hồng, mẹ bắt đầu rang hạt tiêu. Mẹ tôi không cho quá nhiều, cũng không cho quá ít một mẻ rang. Bà bảo, cho ít thì không bõ công mà lại nhanh cháy, cho nhiều thì không chín đều, mà tiêu cháy thì khét, tiêu sống thì không thơm đủ độ, nên cho vừa phải để tiêu được chín đều và mùi thơm nồng nhất.
Video đang HOT
Người dân Hà Nội tấp nập mua đào về chơi Tết. Ảnh: IT.
Ba chị em tôi chăm chú nhìn mẹ tôi rang hạt tiêu và vui đùa bên nhau. Tiếng đảo hạt tiêu qua lại nghe rất vui tai trong gian bếp nhỏ. Tiêu sống vốn đã thơm, nhưng khi rang lên, mùi thơm bắt đầu mạnh và xộc lên. Mùi hạt tiêu cay xè, bện cùng mùi khói bếp làm mẹ và chị em chúng tôi chảy cả nước mắt. Chúng tôi nghịch ngợm trong bếp, nhưng mẹ vẫn tập trung đảo tiêu thật đều tay, vì chỉ lơ là chút thôi sẽ hỏng cả mẻ. Đảo tay liên tục, chắc mẹ tôi cũng mỏi tay rồi, thế rồi bà nói to lên: “Xong rồi, chín thơm đủ độ rồi”, nói rồi bà nhanh tay bắc chảo xuống đợi hạt tiêu nguội.
Mùa đông miền Bắc lạnh lắm, nên chảo hạt tiêu chỉ ba mươi phút đã nguội rồi. Mẹ tôi lấy chiếc cối xay hạt tiêu thủ công có tuổi chắc cũng gần bằng tuổi tôi ra. Bà bọc kín từ năm trước để tránh bụi bẩn, sau vài lớp túi, cối xay vẫn sạch sẽ và lưu hương hạt tiêu từ năm trước. Mỗi lần xay chỉ được hơn một nắm tay hạt tiêu và dùng một chiếc cần trên cối quay theo chiều kim đồng hồ, quay lâu rất mỏi tay và ra một thứ bột mảnh gọi là tiêu xay. Mùi tiêu khi xay thật thơm và ấm, có gì đó cay xé đọng lại trong khoang mũi. Mùi hương ấm nóng trong cái tiết trời lạnh cắt da cắt thịt làm mặt mẹ và ba chị em tôi đỏ bừng lên. Ánh mắt sáng lên rạng rỡ, mẹ tôi tiếp tục xay tiêu để chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai. Tiếng xay hạt tiêu đều đều, tiếng lửa bập bùng, tiếng rắc rắc của những thớ gỗ đang cháy lẫn cùng những tiếng gió rít đêm đông.
Tuổi thơ và thời niên thiếu tôi quen mùi hạt tiêu mẹ rang mỗi tối vào những ngày cuối năm, đó cũng là thứ mùi báo hiệu cho tôi biết Tết thật gần. Giờ đây, vì cuộc sống và theo đuổi đam mê, tôi đã lập nghiệp trên thành phố, mùi hạt tiêu rang cay nồng mỗi tối chỉ còn trong ký ức vì tôi về quê đón Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của mẹ, tức 29 Tết âm lịch.
Cuộc sống hiện đại, hạt tiêu xay sẵn trong những chiếc lọ nhỏ giờ phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa quê tôi, nhưng mẹ tôi vẫn bán hạt tiêu dịp Tết và người mua vẫn nhiều như nhắc nhau một nỗi nhớ, một thói quen đón Tết vậy.
MINH TÂM
Theo thegioitiepthi.vn
Mùi người lẫn với hương chanh
Thế là những ngày tháng Chạp rét mướt đã dần qua rồi. Trong hơi lạnh sáng nay đã thôi không còn hanh khô nữa, có một tí ẩm ướt của những cơn mưa đầu xuân đang giăng mắc đâu đây.
Cành cây khô xù xì đã vội nẩy cành nứt ra những nụ non bé tí. Lúc đầu bằng hạt gạo, chỉ ít ngày sau sẽ lớn dần lớn dần thành những búp tươi non. Xung quanh có những sự đổi thay là lạ, nhẹ nhàng rất dễ nhận ra. Bắt đầu từ những đứa trẻ con chơi đồ hàng. Bàn tay bé xinh vừa xếp những vỏ sò vừa hát "Tết sắp đến rồi cả nhà rất vui".
Lúc ấy mọi người, không ai nói ra nhưng cứ thấy chộn rộn, nao nao trong lòng một cảm giác phấp phỏng chờ đợi. Bố vội cho người quét vôi mới lại ngôi nhà, sửa sang lại vườn cây cảnh, mẹ chuẩn bị đón tết từ lâu lắm rồi với cơ man nào là thứ, giờ lo phơi lại mấy cái chăn mùa đông cũ trong nắng xuân nhàn nhạt. Tôi một mình ngồi bên cửa sổ, hai bàn tay đan vào nhau trước ngực. Trong không gian thoang thoảng hương trầm này chợt nhớ về những cái tết rất xa rồi ở quê.
Ảnh: Hà Huy.
Đã lâu lắm rồi mới có dịp về quê, tôi phấn chấn rảo bộ trên con đường làng hun hút gió và cánh đồng trồng toàn hoa màu đang chờ thu hoạch. Giá lạnh mùa đông nơi đây vẫn còn hiện hữu. Những cây bắp cải to tròn, trắng nõn nằm sát bên nhau, lá và lá quấn vào nhau thành một cục chắc nịch như thu mình lại tránh cái rét hồi đêm đọng lại trên những lá xanh thành những hạt nước sóng sánh. Tôi thích thú đi trên bờ ruộng su hào củ tròn xanh bóng nằm đều tăm tắp, những chiếc lá rung rung theo gió sớm mai se se.
Quê tôi miền Trung, cái rét sớm mai còn vươn trên những ruộng ngô trổ bông muộn, chiếc xe trâu vắt vẻo chở những đống củ cải trắng muốt như tuyết nằm lúc lỉu đi qua chỗ đoạn đường gồ ghề vừa mới đắp.
Tôi theo thói quen vào nhà bằng lối cửa sau, chỗ mấy cây xoan đâu đang gần nở hoa và đứng lặng sau đống rơm chỗ gốc dừa nhìn vào sân nhà. Ông tôi đang ngồi chuốt lá dong giữa sân nhà, bàn tay gầy vuốt từng lá một nhẹ như trở một tờ giấy mỏng. Những chiếc lá xanh óng ánh nước được đặt vào chiếc rổ tre to cho ráo. Dây buộc được chẻ từ ống giang xanh, vót mỏng cho đến khi dẻo và mịn buộc bánh mới đẹp và chắc được.
Ở quê tôi, bánh chưng được gói bằng khuôn lá dừa. Việc chọn lá dừa cũng rất công phu. Ngay từ mấy ngày hôm trước cậu tôi đã phải đi khắp vườn nhà chọn lấy một tàu dừa vừa to, không già, không sâu, từng lá phải rộng bản róc chúng ra lau sạch và gấp theo sống lá thành khuôn đúc bánh. Mỗi bánh một khuôn.
Năm nay, ông tôi dự định làm nhiều bánh cho các con mang theo làm quà khi hết tết, nên khắp sân nhà, những khuôn bánh nằm chen chúc nhau trong ba chiếc thúng to sạch sẽ.
Tôi đứng im nhìn một lượt khắp vườn nhà. Mấy cây mía lộc chuẩn bị chặt thờ được ông chọn riêng bó lại đánh dấu bằng một dây cột màu đỏ. Đàn gà đang lúi húi mổ thóc bên gốc sung già chốc chốc nhảy thót lên khi bóng nắng vàng dọi qua kẽ lá rung rinh. Ông đang làm, chốc chốc nhìn lên mắt lim dim cười rồi đến bên chái nhà đem mấy con chim mồi ra phơi nắng. Những con chim nhồi rơm đậu im trông như thật. Con cò lông trắng, con chim ngói lông vàng... vừa mới tháng trước đứng nhẩn nhơ lừa lũ chim trời giữa cánh đồng vàng rực, giờ đậu lại bên hiên nhà phía tây chờ buổi giêng hai.
Tôi cứ đứng thế thật lâu, hít căng lồng ngực mùi hương thoang thoảng cứ nhớ nhớ trong lòng như gặp người bạn cũ. Quen đấy, thân thiết lắm mà hai bàn tay cứ gõ gõ vào đầu nghĩ mãi không gọi tên được, rồi cười trừ để suốt cả ngày hôm đấy làm cái gì cũng chỉ chực vu vơ nghĩ đến nó. Hương thơm ấy cứ quẩn quanh tôi mãi cho đến khi ông nhìn thấy tôi, chòm râu trắng như cước của ông tôi rung rung, ánh mắt cười ngấn nước, bàn tay ôm chầm lấy tôi tôi mới vỡ òa nhận ra.
Đó là mùi mồ hôi trên ngực ông, mùi hoa chanh đang nở trắng trong vườn nhà, mùi bánh cốm của bà làm từ những hạt cao lương đem thổi phổng lên rồi đúc thành bánh cùng với mật mía đun sôi, mùi bùn, mùi đất ẩm, mùi phân trâu, mùi rơm, mùi lúa mới, mùi tiềm thức, mùi nỗi nhớ... trộn lẫn vào nhau mà thành cái mùi thương nhớ không thể nào quên nổi.
Ảnh: Hà Huy.
Ông tôi, người giữ lửa - ngọn lửa tuổi thơ của tôi những năm tháng tươi vui giờ đã xa rồi. Mộ người nằm giữa cánh đồng, chỗ những đám cỏ may khô vàng, chỗ những con cào cào trú đông ngủ vùi trong lùm dứa dại... Từ đấy, tôi không về quê. Công việc cuốn biệt tôi đi bằng tốc độ của ô tô, của cơm hộp, của internet... Tết cũng trở nên nhẹ nhàng đến đỗi bình thường. Bánh chưng đặt nhà hàng cũng đẹp, cũng ngon dẫu không còn cái cảm giác chộn rộn, đợi chờ như trước khi ngồi chờ bánh sôi trong đêm xuân lành lạnh.
Những tưởng rằng tôi sẽ không bao giờ còn nhớ về quê hương, về những cái tết xa xăm ngày ấy nữa. Nhưng không, khi ngồi bên khung cửa sổ này, khi chắp tay trước ngực nhìn mẹ phơi chăn giữa nắng xuân phây phây này, tâm hồn tôi cũng thoáng chốc được lật tung lên, giũ thật mạnh. Và nỗi nhớ rơi ra... ông tôi ngồi giữa khoảng sân đầy màu xanh của lá dong, những cây mía đã được cột dây nơ màu đỏ, lũ chim mồi ngẩn ngơ hứng nắng và tôi - đứa bé con đi vào vườn cổ tích nhẹ nhàng từ lối cửa sau đang ngủ ngon bên đống rơm thơm mùi lúa mới.
LÂM LÂM
Theo thegioitiepthi.vn
Ký ức...ngủ yên nhé! Viết tặng bé Nhân - Đậu phụ thối của chị!!! *** "Chị ơi! Trường mất rồi..." Nhi không tin vào tai mình nữa, chắc là cô đang nghe nhầm.. Nhi cố gọi lại để chắc chắn những gì mình nghe chỉ là sự nhầm lẫn, một sự nhầm lẫn đáng ghét. Nhưng đáp lại Nhi chỉ có tiếng nức nở đến nghẹn ngào..Nhi...