Mục tiêu đáng kinh ngạc của một quận Hà Nội
100% các tuyến đường không có hiện tượng lấn chiếm vỉa hè; Tỷ lệ công trình xây dựng có phép đạt 100%; đảm bảo “không nhìn thấy rác trên đường phố”… là mục tiêu đáng kinh ngạc đối với mọi người của quận Long Biên, Hà Nội trong năm 2014, khi mà những vấn đề này đang là điểm nóng của Hà Nội…
Một tuyến phố thông thoáng tại quận Long Biên
Trong khi Hà Nội bị coi là Thành phố còn nhiều hình ảnh chưa sạch đẹp thì Quận Long Biên, một quận mới được thàn lập ở ngoại thành đã đưa ra những mục tiêu mà nếu đạt được thì đây sẽ là một điển hình đáng ghi nhận, thậm chí “đáng nể” của một địa bàn thuộc Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch quận Long Biên Lê Anh Quân, năm 2013, công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường của Quận đã dần đi vào nề nếp. Ý thức của người dân về nếp sống văn minh đô thị đã được nâng lên. Cùng với đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, đường thông, hè thoáng, trên địa bàn không có điểm bị ùn tắc trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, môi trường của Quận cũng đã giảm dần ô nhiễm khí bụi phát sinh từ các công trường xây dựng nhờ công tác vận chuyển thu gom rác và tỷ lệ cây xanh trên địa bàn được tăng lên.
Tự tin trước những kết quả đạt được, quận Long Biên đã mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu cho năm 2014 – năm trật tự văn minh đô thị là: 100% các tuyến đường trên địa bàn Quận không còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, mái che mái, bục bệ, các vi phạm trật tự đô thị mang tính cố định còn xảy ra; 100% các hộ dân tuân thủ các quy định về trật tự đô thị; 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, tỷ lệ công trình xây dựng có phép đạt 100% và đảm bảo “không nhìn thấy rác trên đường phố”.
Đây là những chỉ tiêu “đáng nể” bởi trên thực tế, việc giữ cho các tuyến phố không bị lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh là điều mà nhiều năm nay, các địa bàn khác trong Thành phố đã không làm được, thậm chí nhiều nơi tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn diễn ra tràn lan để kinh doanh, sản xuất hoặc trông giữ xe… gần như không kiểm soát được như tuyến phố Đê La Thành, phố Chùa Bộc, Trần Nhật Duật…
Đặc biệt, việc đặt ra chỉ tiêu gần như “không tưởng” nếu là ở một quận nội thành, đó là đảm bảo “không nhìn thấy rác trên đường phố” cũng là một thách thức rất lớn đối với quận Long Biên.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch quận Long Biên Lê Anh Quân – ảnh: Xuân Hưng
Trả lời câu hỏi của TS về cách mà địa phương này đã áp dụng thành công bước đầu cũng như sẽ triển khai trong năm 2014 đối với công tác quản lý đô thị, Phó Chủ tịch Quận Long Biên Lê Anh Quân nói: “Long Biên tự hào có hệ thống chính trị cơ sở rất mạnh. Mỗi tổ dân phố chúng tôi có đủ cả chi bộ, ban công tác Mặt trận và Tổ trưởng tổ dân phố, hoạt động đồng bộ so với nhiều quận khác trên địa bàn Thành phố.”
Về con số mục tiêu 100% các công trình xây dựng được kiểm soát và tỷ lệ công trình xây dựng có phép đạt 100%, ông Lê Anh Quân cho biết, thông qua HĐND, Quận đã xây dựng đề án Lực lượng bảo vệ dân phố giữ gìn trật tự đô thị.
Thứ nhất, chúng tôi cơ cấu lại lực lượng bảo vệ trật tự đô thị mà trước đây hoạt động manh mún. Tùy theo mức độ đô thị hóa trên địa bàn từng phường, chúng tôi sẽ phân bổ lực lượng này. Một bộ phận làm công tác giám sát, xử lý những vụ việc có tính chất phức tạp thuộc Công an Quận và do Công an Quận trực tiếp điều hành, với số lượng là 15-20 người.” – ông Quân cho biết.
Còn trên địa bàn 14 phường, Quận gắn trách nhiệm điều hành của UBND phường chứ không “khoán trắng” cho công an.
“Hàng ngày khi lực lượng này đi làm nhiệm vụ về, đồng chí Phó Chủ tịch phường phụ trách kinh tế đô thị phải giao ban, xem xét tình hình. Hàng tuần, đồng chí Chủ tịch UBND phường phải tiến hành giao ban với lực lượng này, gồm cả đồng chí Phó Chủ tịch phường, đồng chí Phó Công an phường để xem có vấn đề gì tồn tại hay không, thường xuyên yêu cầu cập nhật những bất cập trên địa bàn. Ngoài ra, vào ngày thứ 6 hàng tuần, giữa cán bộ quản lý đô thị của Quận kết hợp với Công an Quận sẽ đi rà soát từng địa bàn để xem các báo cáo về vấn đề đô thị có gì còn vướng mà các địa phương không xử lý được hoặc phát sinh thêm… để có hướng xử lý kịp thời.” – Phó Chủ tịch quận Lê Anh Quân nói.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo ông Quân, có một nội dung hết sức quan trọng khác, đó là việc tuyên truyền. Quận Long Biên đã tổ chức ký cam kết với tất cả các hộ kinh doanh buôn bán trên địa bàn, đồng thời gắn chỉ tiêu gia đình văn hóa mà trọng tâm là trật tự đô thị.
“Trong Hội nghị nhân dân vừa qua, chúng tôi đã xuống dự, định hướng và đưa ra các cam kết. Đặc biệt, các cam kết này không phải chung chung mà là các nội dung cụ thể, gần như vào mỗi một hộ dân. Các phường đều quay một đoạn băng video ngay tại từng ngõ, từng nhà người dân sinh sống. Tại Hội nghị, người dân cũng thảo luận những điều mà UBND quận gợi ý, qua đó nâng cao ý thức về trật tự đô thị.” – ông Lê Anh Quân “bật mí” kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị của Quận Long Biên.
Về thu gom rác, ông Lê Anh Quân cho biết tới đây đổi mới, thùng rác sẽ không được đặt cố định 24/24 giờ mà chỉ đặt trong các khu dân cư đổ rác theo giờ tùy theo đặc điểm từng khu vực. Các tuyến đường có thể đưa xe cơ giới vào thì sẽ sử dụng xe cơ giới thu gom rác.. “Nói triệt để 100% thì rất khó và luôn có phát sinh, nhưng cơ bản là chúng tôi không ngại khổ không ngại khó, dần dần chắc chắn sẽ tốt hơn. ” – Phó Chủ tịch quận Lê Anh Quân quả quyết nói.
Những mục tiêu mà quận Long Biên đề ra để phấn đấu là rất đáng hoan nghênh, và những gì mà Quận này đang làm cũng phần nào khiến người dân tin tưởng. Hy vọng rằng những mục tiêu tốt đẹp đó sẽ được lãnh đạo và nhân dân quận Long Biên đạt được trong năm 2014 và đây sẽ là điểm sáng của Thủ đô Hà Nội trong năm “trật tự văn minh đô thị” này.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Vụ Đà Nẵng có thể kiện Bộ Tài nguyên môi trường: Quy trình có vì dân?
Đà Nẵng cho biết sẽ kiên quyết kiện nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không sửa Dự thảo, còn Bộ thì nói rằng đã xây dựng quy trình đúng pháp luật. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là: khi xây dựng quy trình, Bộ có đặt lợi ích của người dân lên trước
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TN&MT lẫn Thủy điện Đắk Mi 4 nếu không thay đổi dự thảo quy trình vận hành hồ chứa gây thiếu nước cho vùng hạ du
Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin, Đà Nẵng có thể khởi kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vì cho rằng, quy định xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ do Bộ này soạn thảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ du.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, sở dĩ Đà Nẵng muốn kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường là do Dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Trị số 2,53m là giá trị trung bình của mực nước trung bình tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm trong tài liệu từ năm 1976 đến nay.
Điều đó đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Theo ông Thắng, với việc đẩy hạ du vào thế khó khăn trên, dự thảo quy trình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3; vi phạm Nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Khoản 1 điều 9; Vi phạm Khoản 1, 2 Điều 54; Khoản 1 Điều 55; Khoản 3 Điều 60; Khoản 1 Điều 61... và vì vậy, nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không sửa Dự thảo theo đề nghị của Đà Nẵng thì TP này sẽ kiên quyết kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường ra tòa.
Trước phản ứng này của Đà Nẵng, hôm 13/2, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn trả lời, giải thích. Theo khẳng định của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì việc xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Theo đó, Cục Tài nguyên nước khẳng định "các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế ... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước." Vì vậy, Cục này kết luận "Đòi hỏi của Đà Nẵng là phi thực tế..."
Cục Tài nguyên nước cũng cho biết, những vấn đề liên quan đến Dự thảo đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ
Công văn ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ hơn từ Đà Nẵng. Trao đổi với báo ANTĐ, ông Huỳnh Vạn Thắng cương quyết nói: "Sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi một lần nữa về vấn đề này. Đà Nẵng kiên quyết đề xuất chọn mực nước khống chế tại Trạm AN bằng 2,8m mới đảm bảo tối thiểu cho sản xuất, sinh hoạt, môi trường, dân sinh ở hạ du. Nếu trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết giữ nguyên quan điểm đó, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy trình vận hành thì chúng tôi - những cơ quan tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng sẽ khởi kiện Bộ về việc lập quy trình vận hành gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh theo điều 60 Luật Tài nguyên nước; kiện yêu cầu thủy điện Đăk Mi4 phải đền bù thiệt hại, tranh chấp nguồn nước theo điều 76 Luật Tài nguyên nước. Chúng tôi khẳng định Đà Nẵng có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định pháp luật."
Như vậy, câu chuyện đến nay vẫn chưa có hồi kết và người dân Đà Nẵng đang "phập phồng" trong nỗi lo thiếu nước như đã từng xảy ra trong năm 2013.
Trở lại câu chuyện về quy trình vận hành thủy điện, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, trong khi các đại biểu bức xúc lên tiếng về những thiệt hại khủng khiếp do thủy điện xả lũ gây ra đối với người dân, thì những nhà quản lý vẫn một mực cho rằng đã "vận hành theo đúng quy trình". Trước cách trả lời này, một đại biểu đã bức xúc nói rằng: Đúng quy trình nhưng hại chết dân thì phải xem lại quy trình đó!
Vào đầu tuần tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có cuộc họp báo để thông tin về các hoạt động của Bộ trong tháng 2/2014. Tại cuộc họp báo này, câu chuyện về việc Đà Nẵng dọa khởi kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chắc chắn sẽ là chủ đề được các phóng viên đặc biệt quan tâm. Và trong rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra, chắc sẽ có câu: "Dù xây dựng quy trình đúng pháp luật hay không, nhưng Bộ Tài nguyên xây dựng quy trình này có thật sự trên quan điểm là vì người dân hay không?"
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Hà Nội rực rỡ mùa Noel Còn 2 tuần nữa mới đến lễ Giáng sinh nhưng nhiều nơi trên đường phố ở thủ đô đã tràn ngập cảnh trang trí đèn màu, cây thông, người tuyết... Đèn màu rực rỡ, ngôi nhà tuyết đang được hoàn thiện tại một trung tâm mua sắm ở Hà Nội. Hình ảnh ông già tuyết, cây thông Noel xuất hiện nhiều trên đường...