Mục tiêu cuối cùng nào của Trung Quốc ở Biển Đông?
Nếu hành xử của Bắc Kinh khiến láng giềng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington thì điều đó chỉ gây rắc rối cho TQ khi tự họ đẩy mình vào thế cô lập trong khu vực và đối đầu trực tiếp với Mỹ
Trong vài tháng qua, TQ đã có nhiều tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông khi tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh để khẳng định yêu sách chủ quyền với các đảo, bãi cạn và bãi ngầm trong khu vực mà những nước khác có chủ quyền.
Quan chức ngoại giao, quốc phòng cấp cao Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc TQ gây bất ổn trong khu vực và đe dọa láng giềng. Cam kết nhiều lần lặp lại của TQ về “phát triển hòa bình”, về “hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện” với Đông Nam Á trở nên xáo mòn. Thêm vào đó là sự mơ hồ về những mục tiêu của Bắc Kinh.
Mùa bão đã bắt đầu ở Biển Đông. Nhưng nguy hiểm hơn những trận cuồng phong phá hủy nhà cửa, cây cối là một cơn bão chính trị đang đe dọa hòa bình tại một trong những điểm nóng nhất thế giới.
Thậm chí ngay ở chính Bắc Kinh cũng có sự mơ hồ về những động thái của họ, giữa phe ôn hòa và phe chủ trương dùng sức mạnh. Theo giới phân tích, nếu hành xử của Bắc Kinh khiến láng giềng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington thì điều đó chỉ gây rắc rối cho TQ khi tự họ đẩy mình vào thế cô lập trong khu vực và đối đầu trực tiếp với Mỹ.
“Một số người trong hệ thống đang tự hỏi, liệu việc này có gây phản ứng ngược”, Christopher Johnson, một nhà phân tích TQ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói.
Cố thay đổi thực tế thực địa
Mục tiêu mơ hồ nhưng những gì trong thực tế mà TQ đang làm ở Biển Đông lại trở nên rõ ràng.
Ngày 1/1, họ áp đặt quy định yêu cầu bất kỳ ai đánh bắt ở vùng biển mà họ yêu sách chủ quyền (lên tới 90%) ở Biển Đông, phải có sự cấp phép từ nhà chức trách TQ. Tháng 3, tàu phòng vệ bờ biển TQ đã ngăn chặn binh lính Philippines tiếp cận tàu tiếp tệ ở bãi Thomas II.
Video đang HOT
Trong vài tháng qua, tàu nạo vét TQ đã được điều động để làm đảo nhân tạo ở Johnson South Reef (tức đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và thậm chí dự định xây đường băng ở đây. Tháng 5, công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ đã đưa giàn khoan trái phép tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. TQ đã điều động đội tàu hộ tống hùng hậu đi theo giàn khoan này…
Mọi động thái trên đều vi phạm thỏa thuận DOC mà TQ đã ký với ASEAN 12 năm trước khi các bên cam kết “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hành động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”.
“TQ rất tranh thủ cơ hội, thúc đẩy và tăng tốc những gì họ có thể, chiếm giữ nhiều nhất những gì họ có thể”, David Arase, giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins nói.
Bằng việc tiến hành từng bước nhỏ để tránh khiêu khích Washington hành động nhằm hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, TQ đang cố gắng “làm nản lòng” các đối thủ tuyên bố chủ quyền và “khiến họ phải từ bỏ quyền lợi của mình”, ông nói.
TQ luôn khẳng định hành động của họ là hợp pháp, rằng họ có “chủ quyền không tranh cãi” với toàn bộ các đảo ở Biển Đông cùng vùng nước lân cận bất chấp những khu vực này cách đất liền bao xa hay gần với đường bờ biển của các nước khác thế nào.
Bắc Kinh đưa ra bản đồ 9 đoạn khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bản thân họ chưa từng giải thích rõ ràng về tấm bản đồ này. Nhưng đang cố gắng bảo vệ tấm bản đồ ấy bằng cách thay đổi sự thực trên thực địa.
Không thể bao biện
Cái giá mà TQ phải trả cho sự áp chế láng giềng cũng không nhỏ. Hành xử của TQ gần đây đã khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, khiến khu vực thêm lo ngại và bất an. Một cuộc thăm dò tháng 7 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, đa số người dân ở 8/10 quốc gia láng giềng TQ lo ngại các tham vọng lãnh thổ của TQ có thể dẫn đến xung đột quân sự.
Các láng giềng TQ giờ đây không còn tin khẳng định của Bắc Kinh rằng, họ có thể trực tiếp giải quyết bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ. Cũng không có nước nào nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về một hệ thống an ninh mà TQ làm trung tâm thay thế hệ thống cũ mà Mỹ nắm giữ suốt 70 năm qua.
Ông Tập nói trong một hội nghị quốc tế ở Thượng Hải hồi tháng 5 rằng: “Người châu Á cần điều hành các công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề châu Á và duy trì an ninh châu Á”.
Những mục tiêu quan trọng hàng đầu và dài hạn của TQ trong yêu sách chủ quyền hàng hải, theo Rory Medcalf – phụ trách chương trình an ninh quốc tế Viện Lowy, là “đảm bảo rằng không có điều gì xảy ra ở Biển Đông mà không có sự can dự của TQ” và “đảm bảo tự do tối đa cho lực lượng hải quân để trở thành người chơi chiếm ưu thế trong vùng biển này”.
Các cố vấn chính sách cho chính phủ TQ cho rằng, những mục tiêu này có thể dễ dàng đạt được nếu các láng giềng TQ tin tưởng hơn; họ đang thúc giục việc tái lập lại quan hệ ngoại giao của TQ trong khu vực.
“Hải quân TQ có thể đánh bại mọi lực lượng hải quân ASEAN. Vấn đề là có đáng để làm điều đó”, Xue Li, trưởng ban chiến lược quốc tế Viện Khoa học xã hội TQ nói.
“Biển Đông có thể là một chiến trường thực sự và điều đó rất có hại với tương lai TQ”, Zhu Feng thuộc Đại học Nam Kinh, TQ nhận định.
Theo csmonitor
Trung Quốc cấm biển để tập trận?
Các cuộc tập trận rầm rộ của Trung Quốc trên một loạt vùng biển có tranh chấp giữa Bắc Kinh và các láng giềng ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải, diễn ra gần như cùng lúc, là động thái bình thường hay không bình thường?
Tàu khu trục mang tên lửa của Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận trên Biển Đông ngày 26/7/2014
Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc đăng trên website của cơ quan này, từ ngày 29/7/2014, Trung Quốc bắt đầu tiến hành thêm một cuộc tập trận trong 5 ngày ở biển Hoa Đông - nơi nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Động thái này diễn ra vào lúc Trung Quốc đang thực hiện hai cuộc tập trận khác: Một cuộc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ, tuy nằm trong vùng biển Trung Quốc nhưng khá gần đường phân định ranh giới lãnh hải với Việt Nam và một cuộc khác ở Hoàng Hải, eo biển Bột Hải, gần bán đảo Triều Tiên và biển Hoa Đông. Cả hai cuộc tập trận này sẽ kết thúc vào ngày 1/8 tới.
Quy mô của những cuộc tập trận này lớn đến nỗi Cục Hải sự Trung Quốc phải ra thông báo cấm tất cả tàu thuyền ra vào các khu vực trên trong thời gian tập trận diễn ra (đối với khu vực Vịnh Bắc Bộ), từ 4 đến 16 giờ trong thời gian từ 25/7-1/8 (đối với cuộc tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải) và từ 0 đến 16 giờ mỗi ngày trong thời gian 29/7 - 2/8 (đối với khu vực biển Hoa Đông).
Ngay cả hoạt động của các hãng hàng không Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do các "hoạt động đặc biệt này". Các sân bay và chuyến bay đến những thành phố phía đông bờ biển Trung Quốc như Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Tế Nam, Hợp Phì, Vô Tích, Ninh Ba, Thanh Đảo, Trịnh Châu và Liên Vân cảng đều ở trong tình trạng có thể phải hủy hoặc hoãn chuyến do nằm sát với vùng quân sự Nam Kinh và Tế Nam. Đơn cử như China Southern Airlines vào tuần trước đã phải hủy bỏ 25% các chuyến bay ở hơn 10 sân bay, kể cả ở Thượng Hải, do "cường độ tập trận cao". Theo Tân Hoa Xã, các hãng hàng không phải giảm hoặc đình hoãn các chuyến bay sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật trong vòng 3 tháng tại sáu quân khu, bao gồm cả không phận Thượng Hải.
Lưu Giang Bình - một chuyên gia hải quân tại Đại học Beihang (Trung Quốc) đánh giá: "Các cuộc tập trận năm nay có nhiều đặc điểm mới. Chúng kéo dài hơn, có những mục tiêu huấn luyện cụ thể hơn, định hướng chiến đấu rõ ràng hơn và đòi hỏi sự hợp tác thuần thục hơn giữa các đơn vị khác nhau".
Theo ông Lưu, sự thay đổi này xuất phát từ yêu cầu của Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình - người đã đặt mục tiêu xây dựng một đội quân hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Lãnh đạo Trung Quốc cũng chú trọng phát triển hải quân và sử dụng lực lượng này làm nòng cốt để tiến hành các hoạt động hung hăng hòng xác quyết các đòi hỏi chủ quyền phi lý trong khu vực.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, các cuộc tập trận nói trên là một phần của hoạt động huấn luyện thường xuyên của quân đội nước này, để kiểm tra và nâng cao khả năng tác chiến, song, theo giới phân tích, đây là lần hiếm hoi Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) tiến hành tập trận gần như cùng lúc trên 4 biển, với quy mô được đánh giá là "lớn nhất" trong vài năm trở lại đây, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Và người ta không thể không đặt câu hỏi về hoạt động "bình thường" này của Trung Quốc, bởi nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đang cực kỳ căng thẳng, đặc biệt được đẩy lên cao từ sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và xây đảo nhân tạo, thay đổi hiện trạng ở quần đảo Trường Sa - nơi tồn tại nhiều tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Bên cạnh đó, các cuộc tập trận được tổ chức vào dịp Trung Quốc đang rầm rộ tiến hành các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 120 năm ngày xảy ra chiến tranh Trung - Nhật (25/7), 84 năm ngày xảy ra sự biến Mukden (Thẩm Dương) (18/9). Ngoài ra, sự kiện trên còn trùng với thời gian hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ tập trận hải quân chung ở vùng biển phía nam Nhật Bản từ ngày 25 - 30/7.
Chuyên gia quân sự Trương Quân Xã cho rằng, thông qua các cuộc tập trận trên, Trung Quốc muốn khẳng định với những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rằng quân đội nước này có khả năng giành lại những "vùng lãnh thổ đã bị mất". Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn ngăn Nhật Bản tái diễn một cuộc xâm lược như xưa.
Sự phô trương sức mạnh và thông điệp ngầm này, theo nhận định của giáo sư Suh Jin Young, chuyên gia về Trung Quốc thuộc đại học Seoul, Hàn Quốc, thể hiện rõ cách thức hành xử của Bắc Kinh, "cho thấy Trung Quốc đang làm gia tăng các căng thẳng quân sự".
Theo Năng Lượng Mới
Tình báo Ấn Độ: Trung Quốc muốn dùng bản đồ dọc lấn cả Ấn Độ Dương Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ đã vạch ra các toan tính thâm hiểm của Trung Quốc đối với Biển Đông, Ấn Độ Dương và lãnh thổ Ấn Độ. Ngày 28/6 Trung Quốc công bố một bản đồ dọc mới cho thấy những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền bao gồm cả toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn...