Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình cao hơn 100m, 18h tối nay xả lũ
Lúc 10h sáng nay (18/7), mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 105,84m; trong khi đó lưu lượng nước đổ về hồ là 3.060 m3/giây. Vào 18h chiều nay (18/7), hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả thứ nhất và 6h sáng mai (19/7) sẽ mở thêm cửa xả đáy thứ 2.
18h chiều nay (18/7), hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ xuống hạ du (Ảnh minh họa internet).
Trưa nay (18/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có Công điện hỏa tốc gửi Công ty thủy điện Hòa Bình yêu cầu mở cửa xả lũ về hạ du.
Nội dung công điện nêu rõ, mưa lớn liên tục trong tháng 6 vừa qua và ảnh hưởng từ cơn bão số 2 khiến mực nước trên các hồ thủy điện miền Bắc ở mức cao. Lúc 10h sáng nay (18/7), mực nước ở hồ Hòa Bình ở cao trình 105,84m. Trong khi đó, lưu lượng nước đổ về hồ là 3.060 m3/giây.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy ở hồ thủy điện Hòa Bình.
Cụ thể, 18h chiều nay (18/7), hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả thứ nhất và đến 6h sáng mai (19/7) sẽ mở thêm cửa xả đáy thứ 2. Trong thời gian xả phải liên tục duy trì phát điện tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/giây.
Tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy. Nhà máy thủy điện Hòa Bình theo dõi chặt chẽ lượng nước đến hồ, mực nước thượng và hạ lưu đập để báo cáo về Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng.
Ngay trong trưa nay, lệnh mở cửa xả lũ ở Thủy điện Hòa Bình đã được thông báo đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình vùng hạ du.
Trao đổi với PV Dân trí chiều nay, ông Đặng Trân Công – Chánh Văn phòng Công Thủy điện Hòa Bình – xác nhận thông tin và cho biết, mực nước lúc 13 giờ ngày 18/7 tại hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình là 13,41 m. Khi xả đáy cửa số 1 từ 18 – 24h ngày 18/7, mực nước trên sông Đà hạ lưu đập sẽ lên đến 16,50 m, cao hơn mực nước hiện tại khoảng 3m.
Khi xả cửa đáy thứ 2, từ 6-12h ngày 19/7, mực nước trên sông Đà tại trạm thuỷ văn Hòa Bình khu vực hạ lưu sẽ lên đến 18,50 m, cao hơn mực nước hiện tại khoảng 4,50 m.
Video đang HOT
Hòa Bình ngập úng nhiều nơi sau bão số 2
Đường vào Sào Báy, Kim Bôi.
Cổng công ty thủy điện Hòa Bình ngập rất sâu.
Nước xóa trắng hoa màu.
Ảnh hưởng từ cơn bão số 2, từ đêm ngày 16/7 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa to kéo dài, dẫn đến ngập lụt cục bộ nhiều nơi. Nước trên các con sông, suối dâng cao, chảy xiết; lũ quét, sạt lở đất nhiều nguy cơ xảy ra.
Sáng ngày 17/7, tại khu vực TP Hoà Bình, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến phố trung tâm.
Bến xe trung tâm thành phố cũng bị ngập sâu gần 1m, các phương tiện không thể ra vào bến, lực lượng chức năng đã phải điều động các phương tiện vận tải hành khách đón trả khách ngay trên tuyến đường Trần Hưng Đạo.
Các con suối đổ dồn về cầu Mát Phường làm ngập úng cục bộ ngập đường ngã ba Chăm gây cản chở giao thông, nhiều xe bị chết máy.
Đàm Quang
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Lời kể của thuyền viên được cứu vụ tàu than lật trên biển
7 tiếng lênh đênh giữa biển, cứ vài phút lại bị sóng dìm xuống vài mét rồi trồi lên, anh Sáng từng nghĩ đến cái chết.
Chiều 17.7, sau vài tiếng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Cửa Lò (Nghệ An), anh Nguyễn Văn Sáng đã tỉnh táo, nhưng còn yếu. Đầu và chân trái phải băng bó, sau tai nạn lật tàu VTB 26 ở biển Cửa Lò.
"Tuyệt vọng khi một mình lênh đênh giữa biển khơi, tôi xác định đối mặt với cái chết, song vẫn cầu vận may đến với mình", thuyền viên 37 tuổi kể.
Là con thứ tư trong gia đình làm nông ở Thanh Hóa, anh Sáng mới gia nhập Công ty vận tải biển An Hải được 2 tháng. Anh đảm nhiệm vị trí máy trưởng tàu VTB 26, tải trọng 5.100 tấn, chuyên chở than từ Quảng Ninh đi Nghệ An.
Khoảng 2h ngày 17.7, khi tàu VTB 26 neo đậu tránh bão ở đảo Hòn Ngư, cách đất liền 4 km, anh nghe tiếng hô "tàu nghiêng rồi". Theo quán tính, anh chạy lên cabin, lấy áo phao mặc vội, rồi bị sóng đánh văng trúng cửa. Vừa kịp ngồi dậy, anh bị sóng đánh thêm hai lần nữa khiến văng khỏi cabin, rơi xuống biển.
"Lúc rơi xuống, tôi nghe tiếng kêu cứu, lại gần thấy người em làm thợ máy tên Tài. Hai anh em bấu víu vào nhau được khoảng 15 phút thì sóng đánh bật ra, từ đó không gặp lại. Mọi người trên tàu cũng không rõ bị sóng đánh rơi ra hay mắc kẹt trong cabin. Nếu mắc kẹt thì khả năng sống sót thấp", anh Sáng nói.
Trông thấy ánh đèn nhấp nháy trên áo phao cứu sinh của một số thuyền viên, nhưng sóng to quá anh Sáng không thể tiếp cận. Một lúc sau do nước vào nên áo không sáng nữa. Vốn bơi giỏi, nhưng giữa bốn bề là nước, bóng đêm mịt mùng, anh không thể xác định hướng bơi, đành để trôi tự do giữa biển.
Anh Sáng kể lại giây phút 3 lần bị sóng biển đánh khiến văng khỏi cabin tàu rơi xuống biển. Ảnh: Đức Hùng
"Tôi cố nhìn xung quanh, nhưng không thấy ai nữa. Xác định rơi xuống biển giữa đêm mưa bão thế này là điềm xấu, tôi cố lạc quan nghĩ về vợ con, người thân, lấy hết sức bình sinh ôm áo phao cầm cự, hy vọng khi trời tạnh có tàu cá ra khơi sẽ phát hiện, cứu mình", máy trưởng Sáng kể tiếp.
Theo kinh nghiệm đi biển nhiều năm, anh Sáng cho rằng sóng biển lúc ấy khoảng cấp 10-11. Trời mưa to, sóng vỗ dồn dập, cứ vài phút anh lại bị nhấn chìm vài mét rồi mới ngóc đầu lên được. "Mỗi lần chìm xuống rồi nổi lên là tôi bị nôn, cảm giác mặt mình lúc đó xanh lét", anh kể.
Sau nhiều tiếng cầm cự, mưa ngừng rơi, biển giảm sóng. Trời sáng dần, nhìn thấy ngọn núi trước mặt, anh Sáng mừng thầm vì có thể sống sót. Tới 8h, nhìn từ xa khoảng 3 km, anh thấy tàu vận tải Thanh Thành Đạt nên cố kêu cứu. Khi bên kia nhận được tín hiệu, anh cố bơi lại con tàu và được mọi người cứu hộ.
"Lên tàu, được anh em cho uống cốc sữa nóng, tôi mới tin mình còn sống, cảm giác như được tái sinh. Được nối máy điện thoại nói chuyện với vợ, tôi thông báo Anh thoát chết rồi, em đừng lo lắng gì", anh Sáng kể và cho biết mong sớm nhận tin tốt lành từ đồng đội đang mất tích, để họ sớm về đoàn tụ với gia đình.
Thuyền viên Lộc đã tỉnh song chưa thể nói chuyện. Ảnh: Đức Hùng
Điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Lò ngoài anh Sáng còn có thuyền viên Ngô Cao Cường (25 tuổi, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An). Anh Cường bị thương nặng ở chân và đầu, hiện đã tỉnh song không thể nói chuyện.
Bà Ngô Thị Long (chị họ) cho biết, Cường làm việc cho Công ty An Hải được 2 năm, mức lương 8-10 triệu đồng. "Hôm qua, nghe tin bão về, biết cháu đi biển cả gia đình vô cùng lo lắng. Đến 11h30 hôm nay, nhận tin từ Bộ đội Biên phòng Nghệ An báo vừa cứu nạn Cường, cả nhà như ngồi trên đống lửa", bà Long nói.
Khoảng 2h ngày 17.7, tàu VTB 26 trọng tải 5.100 tấn, chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An). Con tàu sau đó mất tín hiệu, 13 thuyền viên rơi xuống biển...
Theo Đức Hùng - Hải Bình (VNE)
Nước tràn vào nhà sau mưa lớn, dân Thủ đô đắp kè tát nước cứu tài sản Do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều trận mưa lớn đổ xuống Thành phố Hà Nội khiến nhiều nơi ngập sâu, nước tràn vào nhà khiến người dân phải đắp kè, tát nước ra ngoài. Nhiều trận mưa đổ xuống Thành phố Hà Nội từ sáng sớm ngày 17/7 khiến các tuyến đường bị ngập nặng. Trên đường Hoa Bằng (Cầu Giấy,...