“Mục kích” lò hành phi siêu bẩn ở Hà Nội
Để tiết kiệm nguyên liệu, thời gian, hành khô sau khi vớt ra từ chảo sẽ được cho vào một chiếc túi rồi đưa vào máy giặt để “vắt” cho hết mỡ. Số mỡ thừa này tiếp tục được tận dụng lại.
Trong vai một khách hàng, chúng tôi tìm đến một số cơ sở làm hành phi ở thôn Thuận Quang (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Đây là nơi cung cấp ra thị trường khoảng 3 tạ hành phi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận mỗi ngày.
Bước vào nhà chị H., hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một chiếc máy bào hành cũ kỹ, chân máy và nắp máy nhiều chỗ đã hoen rỉ. Từng bao tải hành tây tươi đã bóc vỏ sau khi rửa qua một lần sẽ được đổ vào cửa máy. Phía bên cạnh là một người phụ nữ chân đi ủng vô tư giẫm đạp lên đống hành vừa được bào xong. Số hành này không cần rửa, được cho vào một chiếc nồi cáu bẩn do lâu ngày không cọ rửa để đóng khuôn, vắt kiệt nước rồi lại cho vào những chiếc rổ to để chờ trộn bột rán. Do tấm bạt quá nhỏ nên hành rơi cả ra mặt sân cũng là nơi rửa hành luôn lẹp nhẹp nước.
Công đoạn “băm” hành trước khi cho vào “ép”.
Những dụng cụ đựng hành được đặt trong một tấm bạt nhỏ.
Tiến vào sâu trong bếp, nói chuyện với một người phụ nữ luôn tay rán và vớt hành, chị này khoe với chúng tôi mình đã có thâm niên 3 năm trong việc rán hành và chưa làm cháy chảo hành nào, kể cả khi sử dụng mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần. Phía dưới chân là những can mỡ được người phụ nữ này “tiếp thị” là vừa mới được nhập về từ làng làm bóng bì thôn Bình Lương (xã Tân Quang, Hưng Yên). Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số mỡ được cho là mới này có màu vàng cháy và bốc lên một mùi khó chịu.
Công đoạn “ép” hành trước khi cho vào rán.
Sau khi vàng giòn, hành được đổ ra một khay lớn mà thành và đáy bám đầy bụi than. Đặc biệt, ngay sát lò hành phi, mỡ cũ được đổ ra một thùng lớn không có nắp đậy, bốc mùi hôi, khét. Để tiết kiệm nguyên liệu, hành khô sau khi vớt ra từ chảo sẽ được cho vào một chiếc túi rồi đưa vào máy giặt để “vắt” cho hết mỡ. Số mỡ này được tái sử dụng cho những lần rán tiếp theo.
Công đoạn trộn hành với bột khoai tây nhằm tăng trọng lượng của sản phẩm.
Video đang HOT
Phía gần bếp, thấy một người phụ nữ đang trộn hành tây với một loại bột có màu trắng, chúng tôi thắc mắc loại bột này dùng để làm gì, người phụ nữ này chỉ nói rằng đây là công thức chế biến “gia truyền” không thể tiết lộ được.
Tuy nhiên, khi tiếp cận với ông V – người trước đây làm nghề rán hành, ông bật mí: “Sau khi hành được bóc vỏ, rửa sạch sẽ cho vào máy bào để cắt thành từng lát nhỏ, sau đó được vắt sạch nước rồi cho vào trộn với bột khoai hoặc bột sắn trước khi cho vào chảo rán. Mỗi tấn hành tây chỉ có thể cho ra lò khoảng 250 kg hành phi. Nhưng nếu trộn với khoảng 200 – 300 kg bột thì có thể thu về tới 500 kg thành phẩm. Làm như thế trọng lượng của sản phẩm hành rán sẽ được nâng lên rất nhiều”.
Các thùng đựng mỡ phần lớn là mỡ tái chế.
Mỡ được giới thiệu là mỡ mới nhưng có màu vàng cháy bốc lên mùi khó chịu, đựng trong xô nhựa cáu bẩn.
Loại bột khoai tây này được người dân ở đây chế biến như phương pháp lọc bột sắn. Khoai tây sau khi bào thành các sợi nhỏ, được đem rửa qua chậu nước nhiều lần. Ở đáy chậu sẽ lắng xuống một lớp cặn, đem lọc và phơi khoảng 2 – 3 ngày là có màu trắng y hệt bột mỳ.
Công đoạn “ép” mỡ bằng máy giặt để tận dụng nguyên liệu…
… số mỡ này được trưng dụng cho những lần rán tiếp theo.
Sản phẩm hành phi bắt mắt trước khi được “tung” ra thị trường.
Vì nguyên liệu rẻ, dầu mỡ ôi nên giá hành phi ở đây “rẻ bất ngờ”. Loại được trộn với bột khoai tây chỉ có giá 30.000 đồng/kg. Còn nếu hành phi bình thường thì có giá từ 65.000- 70.000 đồng/kg (trong khi giá hành củ khô hiện đã là 40.000-50.000 đồng/kg, nếu phi khô bình thường thì giá phải khoảng 300.000 đồng/kg). “Giá cả hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên liệu chế biến, tỷ lệ pha trộn và loại mỡ dùng để phi hành”, ông V. chia sẻ thêm.
Theo 24h
Thu phí ô tô, ùn tắc có giảm?
TPHCM đang xem xét đưa dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm vào hoạt động nhằm giảm ùn tắc giao thông
Dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm ra đời với mục đích làm giảm kẹt xe và hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn (đặc biệt là TPHCM, Hà Nội) của Bộ GTVT mới đây (Báo Người Lao Động ngày 25-8 đã thông tin), phương án thu phí ra vào nội đô và phí phương tiện hoạt động vào giờ cao điểm được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân.
TPHCM đi trước
Tại TPHCM, Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) đã thực hiện báo cáo cuối kỳ dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm từ cuối năm 2011. Hiện tại, UBND TPHCM và các sở ngành đang xem xét, bổ sung để có thể đưa dự án này vào hoạt động.
Theo ITD, đối tượng chính của dự án này là ô tô vì loại phương tiện này chiếm đến 95% diện tích đường nhưng chỉ đáp ứng 10% chuyến đi. Khi dự án đi vào hoạt động, taxi sẽ giảm khoảng 55% trong vùng thu phí, ô tô cá nhân giảm 70%, trong khi xe buýt sẽ tăng lên khoảng 15%.
Trong báo cáo cuối kỳ, ITD đã tiến hành khoanh vùng thu phí, gồm hầu hết khu vực quận 1 và quận 3, được giới hạn bởi kênh Thị Nghè - rạch Bùng Binh - đường Nguyễn Phúc Nguyên - 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh.
Để phục vụ cho việc thu phí, chủ đầu tư sẽ gắn 35 cổng thu phí tạo thành một vành đai khép quanh khu vực trên. Các cổng thu phí áp dụng công nghệ tự động không dừng xe với công suất 1.800 ô tô/làn/giờ. Các chủ xe có thể mua thiết bị thanh toán phí (OBU) hoặc thuê OBU tại 35 điểm để đi vào khu vực thu phí, khi đó các cột tín hiệu được đặt dọc đường sẽ "quét" nhận dạng OBU và tự động trừ tiền trong tài khoản.
Theo tính toán của ITD, mức phí có thể thay đổi theo từng loại xe, từng thời điểm hoặc chỉ thay đổi theo từng loại xe, dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/lượt.
Mục tiêu của dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm là kiểm soát sự gia tăng của phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là ô tô cá nhân. Điều này giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm TP và trên các trục giao thông chính nối đến khu vực trung tâm TPHCM, đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng và các phương tiện có hiệu quả sử dụng đường cao.
Ùn tắc không giảm, chủ đầu tư phải trả lại tiền
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đề nghị lập một tổ chức giám sát hiệu quả độc lập sau khi dự án được đưa vào vận hành nhằm điều chỉnh kịp thời hoạt động của dự án.
Bên cạnh đó, ông còn kiến nghị xem lại khu vực áp dụng thu phí. Chủ đầu tư nên thực hiện ở đâu để cho hiệu quả cao nhất: ở trung tâm TP, khu vực đang kẹt xe hay chỉ làm thí điểm trên một vài tuyến đường, trong phạm vi nhỏ trước khi áp dụng trên một khu vực rộng lớn như dự án đã vạch ra.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, TP nên phân kỳ dự án thành nhiều giai đoạn để có thể đánh giá hiệu quả mà dự án mang lại một cách sát sao hơn. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét dự án này tác động như thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực áp dụng thu phí. Phí khác thuế, vì vậy khi người dân chấp nhận đóng phí mà ùn tắc vẫn không giảm thì chủ đầu tư phải hoàn trả phí cho người dân.
"Theo ITD, số ô tô đi vào trung tâm TP sẽ giảm khoảng 40% trong năm đầu tiên thực hiện. Nếu dự án không đạt được chỉ tiêu này thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm như thế nào?" - PGS-TS Phạm Xuân Mai đặt vấn đề.
Ông cũng không loại trừ trường hợp ô tô giảm nhưng khu trung tâm TP vẫn bị kẹt xe vì lượng xe máy quá nhiều.
"Khi đó, chủ đầu tư phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Tôi nghĩ chủ đầu tư phải lường trước được và trả lời thỏa đáng các vấn đề phát sinh cho người dân" - PGS-TS Phạm Xuân Mai nói.
Còn TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP cần phải thực hiện dự án phát triển xe buýt song song với dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm. Phí thu được từ dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm phải được đầu tư lại vào giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.
Đồng thời, TP có thể xây dựng các bãi đậu xe cao tầng hoặc khuyến khích tư nhân xây bằng cơ chế đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu gửi xe cho người dân tại khu vực vành đai thu phí. Sau khi gửi xe tại đây, người dân có thể đi xe buýt vào trung tâm TP không tốn tiền vì đã có tiền của dự án thu phí ô tô trong khu trung tâm "đỡ" cho.
Nên cân nhắc thời điểm áp dụng
Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên trưởng Phòng Quản lý Vận tải công nghiệp - Sở GTVT TPHCM, cho rằng đã gọi là phí thì phải cung cấp dịch vụ tương xứng mới có ý nghĩa của phí, trong khi việc thu phí xe cá nhân lưu hành vào trung tâm TP chỉ nhằm mục đích giảm kẹt xe.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này như Singapore hoặc thủ đô London của Anh, sau khi thu phí hạn chế đã có kết quả khá rõ rệt, giảm kẹt xe thực sự. Bên cạnh việc thu phí, họ lại có một "khoản kinh phí" để phát triển giao thông công cộng hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng, góp phần đáng kể cho việc giảm ách tắc giao thông.
Ở thời điểm hiện nay, nếu áp dụng thu phí thì hoàn toàn không phù hợp vì tình trạng "phí chồng phí" đã được dư luận phản ánh khá gay gắt. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải chịu hàng chục loại thuế và phí, làm tăng giá thành vận tải, dẫn tới tăng giá cước vận tải, tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội, đặc biệt làm giảm sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Nếu phải áp dụng, Nhà nước nên cân nhắc kỹ thời điểm và phương thức để trả phí về đúng nghĩa của nó.
Theo NLD
Bắt quả tang 2 cơ sở chế biến mỡ động vật mất vệ sinh Ngày 16.8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Đồng Nai đã đột nhập 2 lò chuyên ép, sơ chế mỡ động vật thành mỡ thương phẩm, đem đi tiêu thụ với số lượng cả ngàn lít/ngày. Khoảng 9 giờ, PC49 cùng Chi cục thú y Đồng Nai ập vào 2 cơ sở kinh doanh mua...