Mức đáy năm 1985 chờ đợi bảng Anh nếu Anh quốc rời EU
Phần đông chuyên gia được khảo sát cho hay việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến bảng Anh giảm xuống mức đáy được chứng kiến lần cuối vào năm 1985.
Nhiều chuyên gia nhận định bảng Anh sẽ chịu tác động lớn từ viễn cảnh “Brexit” – Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, 29 trong tổng số 34 chuyên gia kinh tế được khảo sát cho rằng bảng Anh ( GBP) sẽ rơi xuống mức 1 GBP ngang giá 1,35 USD trong vòng một tuần sau khi công dân nước này đồng ý để Anh quốc rời khỏi EU. Đây là giá trị thấp nhất kể từ năm 1985.
23 nhà kinh tế cho hay GBP sẽ không phục hồi từ mức trên trong ba tháng sau cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 23.6. Bảy chuyên gia cho rằng nội tệ Anh sẽ ngay lập tức hạ xuống dưới ngưỡng 1 GBP ngang giá 1,2 USD sau khi nước này bỏ phiếu đồng ý “Brexit”, hay rời khỏi cộng đồng chung. Chỉ một nhà kinh tế cho rằng bảng Anh ở trên mức 1 GBP ngang giá 1,4 USD.
“Bỏ phiếu có cho nước Anh rời khỏi EU sẽ giáng một đòn mạnh vào đồng bảng Anh”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Nick Kounis thuộc ABN Amro Bank ở Amsterdam (Hà Lan) nhận định.
Hôm 24.2, bảng Anh lần đầu tiên trượt xuống mức 1 GBP đổi được 1,39 USD, thấp nhất kể từ năm 2009.
Video đang HOT
Mức giảm tăng nhanh từ khi Thủ tướng Anh David Cameron công bố ngày bỏ phiếu vào cuối tuần trước. Tất cả người Anh, từ chính trị gia cho đến doanh nghiệp, đều đang đưa ra quan điểm riêng, ủng hộ hay đồng ý khả năng Anh quốc rời EU.
Bảng Anh và chính trị
GBP đã trở thành chuyện gây tranh cãi. Ngân hàng Goldman Sachs cho hay đồng tiền có thể giảm 20% nếu nước Anh “Brexit”. Hồi đầu tuần này, bảng Anh chạm đáy năm 2010 sau khi Thị trưởng thành phố London Boris Johnson, một trong những chính trị gia tiếng tăm nước này, ủng hộ cảnh “Brexit” với chiến dịch “Rời đi”.
Ngày 22.2, Thủ tướng Anh được các nhà lập pháp chất vấn về việc liệu thay đổi trong giá trị bảng Anh có là dấu hiệu cho những biến động kinh tế đến cùng với cuộc bỏ phiếu chọn rời khỏi EU hay không. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney bị kéo vào cuộc tranh luận, ông thừa nhận bảng Anh chịu ảnh hưởng từ chiến dịch đi hay ở lại Liên minh châu Âu.
BOE sẽ phản ứng với việc đất nước rời khỏi EU bằng cách cắt giảm lãi suất từ mức thấp kỷ lục hiện là 0,5%, chuyên gia quản lý rủi ro Enrique Diaz-Alvarez tại hãng Ebury Partners ở London nói.
“Chủ đề chính của vài năm qua là chuyện nhiều đồng tiền bị chi phối bởi những lập trường tương đối của các ngân hàng trung ương, và rõ ràng nếu chuyện “Brexit” xảy ra, chúng ta sẽ thấy phản ứng tức thời từ Ngân hàng Trung ương Anh”, ông Diaz-Alvarez nhận định.
Bảng Anh chạm đáy so với USD kể từ năm 1985 sẽ đồng nghĩa với việc đồng tiền này vượt qua mức thấp nhất của năm 2009 là 1 GBP ngang giá 1,3503 USD, về khoản giá trị chưa từng có kể từ sự biến diễn ra dưới thời “bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Hàng trăm doanh nghiệp Anh phản đối việc rời khỏi EU
Hơn 1/3 doanh nghiệp hàng đầu Anh quốc mới đây lên tiếng kêu gọi người dân bỏ phiếu để đất nước vẫn ở lại Liên minh châu Âu (EU), cho rằng chuyện 'Brexit' sẽ cản trở đầu tư, đe dọa công ăn việc làm.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) hôm 19.2 - Ảnh: Reuters
Theo AFP, 198 lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có giám đốc điều hành hãng năng lượng BP Bob Dudley, chủ tịch hãng BAE Systems Roger Carr và giám đốc đội F1 Ron Dennis, đã viết một lá thư chung được công bố trên tờ The Times với nội dung ủng hộ thỏa thuận cải cách EU của Thủ tướng Anh David Cameron, giúp nước Anh ở lại EU.
Thư viết: "Sau cuộc đàm phán của Thủ tướng, chúng tôi tin rằng tốt hơn hết nước Anh nên ở lại một Liên minh châu Âu đã được cải cách. Chúng tôi tin rằng chuyện rời khỏi EU sẽ cản trở đầu tư, đe dọa công ăn việc làm và đặt ra nguy cơ cho nền kinh tế". Các CEO cũng cho rằng ông Cameron đã có được các cam kết quan trọng để cải thiện khả năng cạnh tranh trong khối.
198 doanh nghiệp trên cung cấp khoảng 1,2 triệu việc làm cho người Anh. "Nước Anh sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và tốt hơn nếu vẫn là thành viên EU", bức thư kết luận.
Bức thư trên xuất hiện là sự hỗ trợ tuyệt vời cho Thủ tướng Anh, người mới đây phải nghe quyết định ủng hộ chuyện "Brexit", hay nước Anh rời khỏi EU, của Thị trưởng thành phố London Boris Johnson. Chủ tịch hay giám đốc điều hành của 36 doanh nghiệp có cổ phiếu quan trọng niêm yết trên FTSE 100 bao gồm các công ty khổng lồ của Anh như Asda, BT, Marks & Spencer và Vodafone cũng ký vào thư.
Dù vậy, các hãng tuyển dụng lượng lao động lớn như Tesco, RBS, Barclays và Sainsburys không đồng ý, cho rằng ông Cameron đã "bắt ép" các doanh nghiệp đi theo lập trường của mình. Đồng sáng lập nhóm ủng hộ "Brexit" Richard Tice cho biết: "Rời khỏi EU sẽ giảm bớt gánh nặng quy định không cần thiết và chi phí kinh doanh. Chi phí kinh doanh có thể được dùng để đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm hơn chứ không phải là làm giảm đi".
Các lo ngại về cảnh "Brexit" gần đây đẩy giá trị bảng Anh xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 2009. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng AA1 của Anh xuống "triển vọng tiêu cực" nếu nước này đồng thuận rời EU.
Ngân hàng Societe Generale cho biết các tác động kinh tế tiêu cực nếu Anh rời khỏi EU tại cuộc họp báo diễn ra ở Singapore trong tuần trước, trong đó có việc nước này sẽ mất từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm tăng trưởng mỗi năm trong một thập niên tới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Bảng Anh bắt đầu chịu tác động từ viễn cảnh 'Brexit' Cuộc bỏ phiếu về việc liệu nước Anh nên đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) còn vài tháng nữa mới diễn ra. Song lúc này, bảng Anh đã bắt đầu chịu tác động. Cờ nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: Reuters Theo CNN, giới đầu tư đang lo lắng về các hậu quả kinh tế có...