Mùa Xuân trên công trường tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên
Hầu hết các công trường những ngày Tết sẽ tạm nghỉ theo lịch nhà nước, tuy nhiên công trường Nhà ga Ba Son vẫn nhộn nhịp cả trên mặt đất vàcác tầng hầm với sự làm việc hối hả của hơn 200 công nhân.
Nhà ga trên cao tuyến metro số 1 nằm song song với Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Dù những ngày Tết đã cận kề, nhưng công trường dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp. Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) vẫn nhộn nhịp. Đây đang là cao điểm đẩy nhanh tiến độ dự án và năng suất lao động cũng được xem là cao nhất trong thời gian trước đây.
Hối hả ngày cận Tết
Một buổi sáng ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, tại công trường Nhà ga Ba Son nhộn nhịp cả trên mặt đất lẫn các tầng hầm. Trên 200 công nhân đang hối hả thực hiện nhiệm vụ.
Mặt đất đang được gấp rút hoàn thiện để trả lại mặt bằng, trong khi dưới các tầng công nhân đang từng bước hoàn thiện nhà ga.
Gương mặt được che chắn bởi mặt nạ bảo hộ, anh Trần Ngọc Long (quê Vĩnh Long) chấm những mối hàn một cách thuần thục pha chút vội vã trên những khung thép tầng hầm nhà ga Ba Son.
Anh Long chia sẻ, không khí làm việc những ngày cận Tết rất hối hả. Công việc trong những ngày này rất gấp rút, giám sát thường xuyên đốc thúc anh em công nhân “tăng tốc” để đẩy nhanh tiến độ. Những ai cảm thấy mệt do ở dưới hầm lâu bị nóng hoặc ngột ngạt thì có thể lên trên nghỉ ngơi rồi sau đó quay lại công việc.
Với những người Việt Nam, Tết Nguyên đán là những ngày đoàn viên, ấm cúng bên nhau. Do đó, hầu hết các công trường những ngày Tết sẽ tạm nghỉ theo lịch nhà nước. Tuy nhiên, đến gần cận Tết, tùy theo tính chất công việc doanh nghiệp sẽ bố trí công nhân ở lại làm những công việc cấp bách.
Do tỉnh Vĩnh Long cũng gần, nên anh Long dự tính khi công ty cho nghỉ thì sẽ về quê đón Tết cùng gia đình. “Tôi sẽ sớm quay trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết theo đúng quy định,” anh Long vừa lau những giọt mồ hôi trên mặt, vui vẻ chia sẻ.
Do đặc thù Nhà ga Ba Son nằm tại xưởng đóng tàu Ba Son cũ, giai đoạn đầu thi công rất khó khăn, có rất nhiều sắt thép ở đây, nên khi đào sâu gặp nhiều vật cản, xác máy.
Cùng với đó, việc thi công ở dưới tầng hầm cũng vất vả hơn rất nhiều do điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và không khí không như trên mặt đất. Dù vậy, những khó khăn đó từng bước được vượt qua.
Video đang HOT
Anh Trần Anh Dũng (công nhân thi công lát đá) chia sẻ: “Mình làm dự án tầm cỡ quốc gia, sau này con cháu mình sẽ được sử dụng tuyến đường sắt này. Dù công trình làm dưới hầm, điều kiện thi công khó khăn (như không khí ngột ngạt), các đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để anh em công nhân hoàn thành được công việc của mình.”
Các hạng mục tại ga Ba Son đã hoàn thiện 84% khối lượng. Nhà ga Ba Son thuộc gói thầu CP1b đã hoàn thành thi công đắp trả nhà ga và khu vực hầm đào hở. Hiện nay, nhà ga đang tập trung hoàn thiện các tầng ngầm bên dưới và thi công tái lập tạm cảnh quan bên trên, dự kiến hoàn thành trong quý I/2021.
Hai nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố và ga Ba Son được thiết kế trên cơ sở phù hợp với các tòa nhà lâu đời bên cạnh hai nhà ga như Nhà hát Thành phố… nên việc hoàn thiện dù hối hả nhưng cũng rất cẩn thận để màu thiết kế, màu hoàn thiện phải tương ứng với các công trình bên cạnh. Nhà thầu đang đẩy nhanh phần hoàn thiện ốp đá, lắp sàn, lắp trần và lắp đặt các thiết bị cơ điện…
Tăng tốc về đích
Dự án tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km với 14 nhà ga và 1 depot. Tổng mức đầu tư của dự án là 43.757 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố.
Trong năm 2020, dự án tuyến metro số 1 đã chính thức thông toàn tuyến; hoàn trả toàn bộ không gian, mặt bằng phía trước Nhà hát Thành phố và hoàn thiện cơ bản thi công tầng B1, ga Nhà hát Thành phố (vượt tiến độ đề ra).
Các đơn vị cũng tổ chức triển khai thi công hạng mục kết nối với các nhà ga trên cao tại ga Khu Công nghệ cao, chính thức bắt đầu giai đoạn triển khai đồng bộ kết nối các nhà ga với những loại hình giao thông khác xung quanh nhà ga.
Phía trên Nhà ga ngầm Ba Son đang được hoàn trả lại mặt bằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Vào tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 cũng đã về đến depot Long Bình, đặt dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho việc chạy thử.
Tính đến giữa tháng 1/2021, tổng khối lượng toàn dự án đạt 82% (tăng 12% so với năm 2019). Gói thầu CP1a đạt 81,5%, CP1b đạt 90,8%, CP2 đạt 90%, CP3 đạt 65%. Tổng số giờ lao động an toàn đạt trên 42,5 triệu giờ.
Tuy không đạt chỉ tiêu đạt 85% khối lượng tổng thể trong năm 2020, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, đây là một tín hiệu tích cực.
Do tác động của dịch, nhiều công việc đã không đạt tiến độ đề ra, như chậm trễ mua sắm, sản xuất, vận chuyển từ nước ngoài; nhập cảnh của chuyên gia.
Đến giai đoạn hoàn thiện, công trường lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị đã nỗ lực thi công trong bối cảnh vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo phòng dịch tại công trường.
Ông Hồ Xuân Linh, Chỉ huy trưởng Kiến trúc gói thầu CP1b cho biết, để đáp ứng tiến độ dự án, Chủ nhật nào cũng bố trí công nhân làm việc tại công trường, nhưng số lượng công nhân sẽ giảm tùy theo sắp xếp công việc. Ngay cả trong dịp Tết dương lịch vừa qua, công trường cũng chỉ nghỉ ngày 1/1.
Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cuối năm 2021 hoàn thành dự án.
Với quyết tâm đó, Bản quản lý cũng như các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch chăm lo cho người lao động, để họ yên tâm làm việc trong dịp cận Tết và sau Tết, đảm bảo “quân số” trong giai đoạn tăng tốc.
Thực tế, công nhân tại dự án đến từ nhiều nơi trong cả nước, nhất là nhiều công nhân đến từ miền Trung và miền Bắc.
Để động viên tinh thần và vật chất cho công nhân xa nhà, một số nhà thầu có chủ trương bố trí xe đưa công nhân về quê đón Tết vào những ngày cận Tết. Điều này giúp công nhân yên tâm tập trung vào công việc, không phải lo lắng vé tàu xe thời điểm này.
“Nếu tiến độ gấp rút, sẽ có những công nhân ở lại trong dịp Tết, Ban chỉ huy công trường sẽ có những chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, nhu yếu phẩm, chỗ ở cho cán bộ công nhân yên tâm làm việc,” ông Hồ Xuân Linh cho biết.
Để đẩy nhanh tiến độ sau khi bị ảnh hưởng của dịch, Ban Quản lý đường sắt đã triển khai nhiều giải pháp từ cuối năm 2020.
Theo đó, các đơn vị sẽ thay đổi mũi thi công, tiến hành song song mũi thi công từ ga Bình Thái về Depot Long Bình và mũi thi công từ ga Nhà hát Thành phố về ga Bình Thái. Cùng với đó, Ban Quản lý cũng ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) với các nhà thầu thi công và tư vấn, cho phép tư vấn và các nhà thầu chủ động thuê bên thứ 3 độc lập tại nước sở tại của thiết bị và vật liệu, để tiến hành việc chứng kiến, kiểm tra và chấp thuận kết quả thí nghiệm thiết bị, vật liệu tại các nhà máy.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng kỹ sư, công nhân vẫn đang thực hiện nhiệm vụ trên công trường dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên trong những ngày cận Tết. Những nỗ lực này với mong muốn, dự án sẽ hoàn thành trong mùa Xuân năm sau…
Đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức lăn bánh
Để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa đón người dân tham quan vào sáng mai (23/1), ngày hôm nay chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành di chuyển đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội lên ga trên cao. Hình ảnh thực tế đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội được lộ diện.
Hình ảnh toàn cảnh đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội dời ga kỹ thuật depot Nhổn (Bắc Từ Liêm) để di chuyển lên ga S1 - vị trí tổ chức tham quan.
Sau giai đoạn thử nghiệm tĩnh tại khu đề-pô, ngày 22/1, với sự nỗ lực của chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB) và các đơn vị tư vấn, nhà thầu, đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã chính thức lăn bánh để bước đến giai đoạn thử nghiệm liên động. Ghi nhận của Báo Hànộimới tại sự kiện quan trọng này.
Vận hành để tàu chuyển động trên đường ray, lên ga là các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài.
Theo đó, đoàn tàu được sản xuất theo thiết kế mới nhất với tiêu chuẩn châu Âu, bởi công ty Alstom tại Pháp. Thân tàu bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao và được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của người Việt. Tàu được sơn ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các, tạo nên một dấu ấn riêng của Hà Nội.
Tàu lăn bánh trên đường ray.
Đoàn tàu sử dụng sức kéo điện, dòng điện một chiều 750VDC cấp điện bằng ray thứ ba. Khác với dạng cấp điện bằng đường dây trên cao treo bởi hệ thống cột/tháp dọc đường ray hoặc gắn với các kết cấu đường sắt khác, cấp điện bằng ray thứ ba đem lại cả tính hiệu quả và mỹ quan cho đô thị. Tàu sẽ lấy điện từ ray thứ ba bằng một thanh truyền gọi là "chân tiếp xúc".
Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội có mục tiêu tăng năng lực cho vận tải công cộng, giúp Hà Nội giảm ùn tắc giao thông khu vực phía Tây.
Trong ngày 22/1, đoàn tàu vận hành không tải bởi lái tàu Mustapha Mdjkoune thuộc công ty Alstom. Ông Mustapha Mdjkoune cũng là người sẽ phụ trách lái tàu trong toàn bộ giai đoạn thử nghiệm liên động. Ông cho biết: "Trước khi đưa về Việt Nam, đoàn tàu đã trải qua những quá trình thử nghiệm khắt khe nhất tại Pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm liên tục theo đúng kế hoạch để đạt được kết quả tốt nhất".
Tàu về ga S1 đoạn trước cổng trường đại học Công nghiệp Hà Nội - phục vụ người dân tham quan từ sáng mai - 23/1.
Đoàn tàu chính thức chạy thử đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo theo), có khả năng chuyên chở 944-1.124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 37km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông Những ngày này, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu được vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành...