Mùa xuân đầu tiên của những “công dân đặc biệt”
Có lẽ, đây sẽ là mùa Xuân đẹp nhất đối với 119 người dân ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, bởi hơn 2 tháng trước, họ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong mỗi câu chuyện, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của những người Vân Kiều nơi đây, khi được quyền công dân sau gần 20 năm sống không quốc tịch. Từ đây, cuộc sống của họ bắt đầu sang trang mới.
Người dân A Dơi Đớ vui mừng khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Phan Phước Trung
Trước năm 1975, thôn A Dơi Đớ nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Lào. Sau khi hoạch định biên giới, hai nước Việt Nam và Lào cho người dân có quyền lựa chọn quốc tịch và nơi sinh sống. Bởi vậy, những người ở A Dơi Đớ Việt Nam hay A Dơi Đớ Lào dù quốc tịch nào thì cũng vẫn cùng chung một dòng máu, có mối quan hệ thân tộc và vẫn thường xuyên qua lại thăm thân.
Trong khoảng những năm 1995-2000, nhiều hộ dân ở A Dơi Đớ Lào trở về Việt Nam sinh sống. Mặc dù chính quyền, BĐBP vận động bà con quay trở lại Lào, nhưng bà con vẫn một lòng xin ở lại Việt Nam. Và suốt 20 năm qua, những con người này sống không quốc tịch, không hộ khẩu, bởi vậy không có bất cứ quyền công dân nào.
Nói là vậy, nhưng trên tinh thần “Việt – Lào hai nước anh em”, chính quyền địa phương hằng năm vẫn dành 1,2 tấn gạo để hỗ trợ bà con vui Xuân, đón Tết. Quà của các đoàn thiện nguyện cũng được chia sẻ cho mọi người. Đối với những trẻ em trong độ tuổi đến trường, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã A Dơi vẫn tiếp nhận các em vào học (tuy nhiên, các em không được hưởng các chế độ của học sinh miền núi, khó khăn).
Khi khám chữa bệnh chuyển tuyến trên, xã cũng cấp giấy giới thiệu là những công dân đang chờ làm thủ tục nhập quốc tịch nên Bệnh viện huyện Hướng Hóa cũng tạo điều kiện để bà con được hưởng chế độ. Những người Việt ở A Dơi Đớ cũng thường xuyên giúp đỡ cho những người ở Lào về thóc giống, cây, con giống và lương thực những ngày giáp hạt.
Video đang HOT
Trong dịp này, triển khai Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị tặng mỗi hộ dân ở A Dơi Đớ 10kg gạo (được trích từ “Hũ gạo tình thương” của đơn vị) và 10 chiếc áo ấm cho 10 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đơn vị cũng đã tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” để dành tặng món quà ý nghĩa này cho các công dân được mang quốc tịch Việt Nam trong mùa xuân mới.
Gia đình bà Hồ Thị Hiềng có tất cả 5 người con, trong đó, 3 người được sinh ở Việt Nam. Năm 2000, gia đình bà và một số gia đình khác ở A Dơi Đớ Lào rủ nhau về Việt Nam sinh sống. Cuộc sống bà con khó khăn không kể xiết. Cái ăn, cái mặc ban đầu thiếu thốn thì được anh em, hàng xóm giúp đỡ, chia sẻ, nhưng chuyện học của bọn trẻ thì “cứ nghĩ đến mà thương”.
Sinh ra ở Việt Nam nhưng vì không có hộ khẩu nên những đứa trẻ sinh ra không làm được giấy khai sinh. Với người lớn, việc không có hộ khẩu đã thiệt thòi thì với những đứa trẻ còn thiệt thòi hơn gấp bội vì các em còn cả tương lai phía trước. Hiện, 3 người con của bà Hiềng là Hồ Thị Nghiêm, Hồ Thị Ngần và Hồ Kheng vẫn được chính quyền tạo điều kiện đi học ở xã A Dơi Đớ. Ngoài chuyện không được hưởng chế độ bán trú như các bạn cùng trường, Hồ Thị Ngần và Hồ Kheng còn có nguy cơ phải bỏ học sau khi hoàn thành lớp 9, vì Trường Trung học phổ thông Khe Sanh chỉ nhận học sinh có hộ khẩu ở địa phương.
Vợ chồng ông Hồ Cu Xươi và bà Hộ Thị A Ching luôn được mọi người trong thôn dành sự tôn trọng đặc biệt, bởi đã có thời gian ông bà tham gia hoạt động cách mạng. Ông Xươi tâm sự: “Bản thân tôi tham gia bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì ngày trước suy nghĩ đơn giản nên tôi đã không giữ được những giấy tờ bộ đội cấp khi phục viên”.
Theo bản tự khai về thời gian phục vụ quân đội, ông Hồ Cu Xươi, sinh năm 1947, nhập ngũ ngày 15-3-1967, đơn vị Trung đoàn 106, Quân khu Trị Thiên; phục viên ngày 20-8-1978, tại A Lưới, Thừa Thiên Huế. Bà Hồ Thị A Ching tham gia dân công phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tại Trung đoàn 167. Bà vận chuyển hàng đến Dốc Miếu, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phục vụ Mặt trận 7 đánh đồn La Vang. Bà bị thương ngày 30-12-1968 (âm lịch) do đạn từ đồn bắn ra.
Tháng 11-2018, gia đình bà Hồ Thị Hiềng đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Như vậy, bà và chồng sẽ có bảo hiểm y tế, sử dụng khi ốm đau, con cái đi học có chế độ và có cơ hội được học Trung học phổ thông. Đó là điều mà bà vẫn mong chờ bấy lâu nay. Hiện nay, ông Xươi, bà Ching đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Được nhập quốc tịch, ngoài việc trở thành công dân Việt Nam thực thụ thì ông, bà có cơ hội được làm chế độ thương binh, người có công với cách mạng. Bản tự khai của ông Xươi, bà Ching được ông Lê Minh Trực (sinh năm 1938), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ba Tầng ký nhận làm chứng. Ông Lê Minh Trực nguyên là Chính trị viên đại đội 4, Trung đoàn 106, K200 nên nhớ rất rõ thời gian ông Xươi và bà Ching tham gia cách mạng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng tặng quà nhân dân bản A Dơi Đớ. Ảnh: Phan Phước Trung
Thiếu tá Đoàn Hoàng Nam, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, người có gần chục năm gắn bó với xã A Dơi nên hơn ai hết, anh hiểu những vất vả, khó khăn của bà con A Dơi Đớ. Theo anh, việc Chủ tịch nước đồng ý cho phép các cư dân ở A Dơi Đớ nhập quốc tịch Việt Nam là vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ ý nghĩa với những người dân suốt hơn 20 năm sống không quốc tịch, mà còn với cả chính quyền địa phương. Từ nay, chính quyền xã có cơ sở pháp lý để quản lý và giúp đỡ những người dân của mình. Việc trước mắt là đề nghị Công an huyện Hướng Hóa tiến hành làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho bà con.
Theo kế hoạch, tháng 3-2019, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai làm đường bê tông vào thôn A Dơi Đớ dài gần 1km theo chuẩn nông thôn mới với số vốn gần 1 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Trỉa đã hiến gần 1.000m2 đất ở gần nhà để khi chính quyền địa phương xin được kinh phí sẽ đầu tư xây trường mầm non, trẻ con sẽ không phải đi học xa nữa…
Trúc Hà
Theo Biên phòng
4.418 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong năm 2018
"Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ về quốc tịch, gồm 4.418 hồ sơ xin thôi, 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.673 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan".
Trao quyết định cho những người nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh minh hoạ).
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 đang được gấp rút thực hiện.
Đặc biệt, triển khai đề án thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ủy ban biên giới quốc gia và các địa phương liên quan giải quyết giấy tờ pháp lý cho 281 người di cư tự do Lào hiện cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; làm thủ tục trình Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với những người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách được phê duyệt (tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt tiểu Đề án "Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước".
"Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ về quốc tịch, gồm 4.418 hồ sơ xin thôi, 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.673 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan"- Bộ này cho hay.
Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 03/2018 về tăng cường công tác nuôi con nuôi trong tình hình mới. Công tác phối hợp giữa bộ, ngành Tư pháp với bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước và giải quyết việc nuôi con nuôi có bước phát triển quan trọng, góp phần giải quyết "điểm nghẽn" trong công tác này.
Quản lý nhà nước về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã mạnh dạn trong việc chỉ định cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (TPHCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Thuận).
Trong năm, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 2.839 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tương đương năm 2017); 424 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm 86 trường hợp so với năm 2017).
Tại các địa phương, đã cấp được trên 539.000 phiếu lý lịch tư pháp (tăng gần 19% so với năm 2017). Bộ Tư pháp đã cấp trên 5.000 phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam không có nơi thường trú, tạm trú (tăng hơn 5 lần so với năm 2017); tra cứu, xác minh trên 114.300 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp Phiếu.
Thế Kha
Theo Dantri
Những trường hợp được chi trả bảo hiểm xã hội một lần Điều 60 Luật BHXH 2014 có quy định về BHXH 1 lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH người lao động có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp. Theo đó, các trường hợp được chi trả BHXH...