“Mùa xuân Arab”: Cái gốc của cuộc khủng hoảng người tị nạn
Ngoại trưởng các nước Liên đoàn Arab ngày 13/9 đã thảo luận về căn nguyên cuộc khủng hoảng người nhập cư châu Âu đang ngày càng trầm trọng.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người Syria vẫn tiếp tục tìm cách rời bỏ quê hương sau 4 năm bị chiến tranh tàn phá để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.
Những bất ổn hậu “ mùa xuân Arab” đã tạo ra làn sóng người tị nạn từ Syria, Libya đổ vào châu Âu.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil al- Araby khẳng định, các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ người tị nạn Syria: “Hình ảnh về cái chết của cậu bé Aylan là một lời nhắc nhở về mức độ cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người tị nạn Syria đang phải đối mặt, buộc chúng ta phải có cái nhìn thực tế hơn về những gì đang diễn ra hiện nay.
Các quốc gia Arab tiếp nhận người tị nạn đã không tiếc công sức để hỗ trợ những người này. Tất cả chúng ta đều biết rằng Jordan và Lebanon đã tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria, vượt quá khả năng của họ”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất Anwar Gargash cho biết, hiện có 200.000 người Syria ở nước này và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất đã chi tới 530 triệu USD cho các hoạt động nhân đạo kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria.
“Dù các chính sách nhập cư khá nghiêm ngặt, song chúng tôi vẫn không ngần ngại hỗ trợ người Syria. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã tiếp nhận hơn 100.000 người di cư Syria trong thời gian vừa qua, nâng tổng số người Syria đang sinh sống tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất lên 200.000 người. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiếp tục cấp kinh phí cho các hoạt động nhân đạo ở Syria”, ông Gargash nói.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều lời chỉ trích việc các nước vùng Vịnh giàu có không tiếp nhận nhiều người di cư Syria. Và đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn người di cư tiếp tục đổ vào châu Âu với hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một điều dễ nhận thấy là người Syria đóng góp một phần lớn trong làn sóng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong năm nay: gần 350.000 người đã gửi đơn xin tị nạn kể từ năm 2011. Tuy nhiên, những người tìm cách tới châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ trong số này.
Hơn 4 triệu người Syria tị nạn trong năm nay chưa kể những người phải tị nạn trên chính quê hương của mình. Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, những quốc gia láng giềng của Syria cũng tiếp nhận tới hơn 3 triệu người, tức là nhiều hơn gấp 10 lần so với những người tị nạn tới châu Âu ước tính trong năm nay.
Những con số này sẽ chưa phải là cuối cùng nếu cuộc nội chiến tại Syria không chấm dứt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên không lối thoát với sự xuất hiện thêm của những mối nguy cơ mới, nhất là của tổ chức IS.
Video đang HOT
Còn tại Libya, tình trạng bất ổn và nội chiến vẫn tiếp diễn sau làn sóng “Mùa xuân Arab” lật đổ chính quyền Tổng thống Gaddafi năm 2011, khiến quốc gia Bắc Phi này bị chia năm xẻ bảy.
Cuộc nội chiến giữa hai liên minh chính trị và quân sự lớn bùng phát từ giữa năm ngoái đã làm trầm trọng hơn những vấn đề nội tại của nước này và tạo cơ hội cho IS gia tăng các hành vi khủng bố.
Cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria lâu nay vẫn được xem là 2 nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có hiện nay. Song một thực tế không thể phủ nhận là chính sự can dự ngày một sâu của các nước phương Tây và những quốc gia có ảnh hưởng trong thế giới Arab đã làm các cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và trở nên không lối thoát.
Theo các nhà phân tích, nếu không nhanh chóng tìm được một giải pháp hữu hiệu giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng thì làn sóng người di cư còn tiếp tục tăng lên, gây ra những xáo trộn lớn về cấu trúc khu vực và nhiều nước liên quan.
Một hậu quả trước mắt là quy mô cuộc khủng hoảng càng lớn sẽ chỉ càng “góp phần” mở rộng thị trường cho những kẻ đưa người bất hợp pháp./.
Theo Thu Hoài/VOV- Trung tâm Tin (tổng hợp)
Người tị nạn bị phóng viên ngáng chân: 'Tôi không thể tha thứ'
Người tị nạn bị nữ phóng viên ngáng chân ngã trong lúc chạy trốn cảnh sát Hungary cho hay con trai ông đã rất hoảng sợ và ông sẽ không tha thứ cho hành động trên.
Nữ quay phim Petra Laszlo ngáng chân khiến cha con ông Alghadab ngã chúi xuống đất. Ảnh: Reuters
Ông Osama Abdel-Muhsen Alghadab cuối cùng đã đặt chân an toàn tới thành phố Munich, Đức, hôm 12/9, sau hành trình 12 ngày từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 8/9, ông và hàng nghìn người tị nạn phá vỡ hàng rào cảnh sát để thoát khỏi một trung tâm đăng ký nằm ở biên giới Hungary và Serbia.
"Có hàng nghìn người và họ giữ chúng tôi lại cho đến khi xe buýt chở chúng tôi đến biên giới. Đó là một khu vực chật chội nhưng rất đông người", ông kể. "Mọi người bắt đầu mất kiên nhẫn và muốn đi bộ 10 km đến biên giới".
Alghadab đang xách hành lý và bế con trai 7 tuổi Zaid chạy trốn cảnh sát thì bị nữ quay phim của đài N1TV Petra Laszlo ngáng chân. Cả hai cha con ngã chúi đầu xuống đất.
"Tình cảnh lúc đó rất hỗn loạn, mọi người bắt đầu xô đẩy. Tôi không biết là (cái ngáng chân đó) ở đâu ra, không biết là do một người quay phim hay một cảnh sát. Tôi chỉ thấy mình ngã lăn xuống đất", Independent dẫn lời ông kể.
Ông và Zaid bị thâm ở cằm và chân sau cú ngã. Buổi tối hôm đó, bé trai còn bị nôn vì cú sốc. "Làm sao tôi có thể tha thứ cho cô ta?", ông nói.
Ngay trước khi Alghadab bị Laszlo đốn ngã, con trai ông cũng bị một cảnh sát ngáng chân.
"Một trong các cảnh sát đã ngáng chân con trai tôi nhưng không đến mức tệ như nữ quay phim. Thằng bé bị ngã nên tôi mới phải bế nó", ông nói. "Con trai tôi rất sợ hãi, nó khóc. Tôi rất lo cho con trai mình".
Cậu bé Zaid hoảng sợ sau cú ngã. Ảnh: Reuters
Giải thích về hành động bị dư luận lên án, Laszlo cho hay lúc đó cô đang cầm máy quay trên tay nên không thể nhìn thấy ai đang lao vào mình.
"Suy nghĩ duy nhất lúc đó là tôi sắp bị tấn công, vì thế, phải tự vệ", Laszlo phân trần.
Tuy nhiên, ông Alghadab cho rằng "mọi người sẽ không tấn công giới báo chí vì báo chí rất tốt với người tị nạn".
Trong đoạn video lan truyền trên mạng tuần trước, nữ quay phim 40 tuổi còn bị ghi lại cảnh đá vào một bé gái đang bỏ chạy.
"Tôi thực lòng hối hận về những gì đã làm và xin nhận trách nhiệm. Tôi bị hoảng loạn. Tôi không phải người vô cảm hay một quay phim phân biệt chủng tộc đi đá trẻ em", cô nói.
1.200 USD
Gia đình ông Alghadab sống ở thị trấn Deir ez-Zor của Syria. Người đàn ông 4 con làm công việc giám sát các giáo viên thể thao trong thị trấn và cũng là một huấn luyện viên bóng đá.
"Chúng tôi sống cuộc sống bình thường cho đến khi chiến tranh xảy ra", người đàn ông 52 tuổi nói. "Chúng tôi đã nán lại và chờ đợi nhưng sau khi quê hương bị tàn phá nặng nề, chúng tôi đành chạy trốn. Chúng tôi sang Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2012".
Vì cuộc sống khó khăn, con trai đầu của ông tìm đường sang Đức trước. Ông và Zaid theo sau, để vợ cùng hai con còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Alghadab ban đầu đến Bodrum và trả cho một tên buôn người hơn 1.200 USD để lên xuồng cao su đến đảo Kos, Hy Lạp. Con trai ông được miễn phí vé vì còn nhỏ.
Ông Alghadab và hai con trai tại Đức. Ảnh: Metro
Alghadab và Zaid trải qua hai ngày ở Hy Lạp, trước khi đi qua Macedonia, Serbia, Hungary và Áo để lên xe đến biên giới Đức, đích đến cuối cùng.
"Một số chặng trong cuộc hành trình chúng tôi đi bộ, có khi lại đi bằng ôtô hoặc xe khách", ông nói.
Ông Alghadab và bé Zaid nằm trong số 12.200 người tị nạn đến Munich hồi cuối tuần.
"Đêm qua tôi ở nhà bạn. Bây giờ tôi muốn tìm một khách sạn. Trong tương lai, tôi sẽ đưa vợ và các con sang đây. Tôi không muốn họ phải trải qua cuộc hành trình như chúng tôi, tôi muốn họ đến đây một cách hợp pháp", ông nói.
Anh Ngọc
Theo VNE
Thủ tướng Anh thăm người tị nạn Syria Thủ tướng Anh hôm qua có chuyến thăm bất ngờ đến một trại tị nạn dành cho người Syria ở Lebanon, thông báo gia tăng viện trợ để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng di cư lớn ở châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron thăm một gia đình tị nạn người Syria tại trại tị nạn ở thung lũng Bekaa, Lebanon....