Mua xe Nhật Toyota Vios GR-S hay xe Hàn Hyundai Elantra 1.6 AT?
Toyota Vios bản cao cấp nhất có ưu thế về thiết kế thể thao và giá bán, trong khi Hyundai Elantra 1.6 AT rộng rãi và có động cơ khỏe hơn.
Mua xe Nhật hay xe Hàn là câu hỏi thường xuyên xuất hiện khi người dùng cân nhắc chọn ôtô. Không chỉ so sánh những dòng xe cùng hạng, hiện nay có không ít khách hàng phân vân cùng lúc 2 model ở khác phân khúc nhưng có cùng giá tiền.
Hiện tại, Toyota Vios là dòng xe đắt nhất nhóm sedan hạng B với bản GR-S có giá bán 630 triệu đồng. Trong khi đó, Hyundai Elantra là model đáng chú ý ở phân khúc C nhờ giá bán cạnh tranh và chương trình ưu đãi giữa năm đang khiến phiên bản 1.6 AT (655 triệu đồng) ở cùng tầm tiền với Vios GR-S.
Có thể thấy, Toyota Việt Nam đã cố gắng làm mới hình ảnh cho Vios thông qua phiên bản GR-S nổi bật về thiết kế và tính năng. Còn với Hyundai, hãng xe Hàn Quốc thể hiện rõ triết lý làm xe giá tốt, mẫu mã đẹp để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ với model động cơ 1.6L số tự động.
Vậy giữa Toyota Vios GR-S và Hyundai Elantra 1.6 AT hơn kém nhau ở những điểm nào cho nhu cầu mua sedan hơn 600 triệu đồng?
Ngoại hình Toyota Vios GR-S thể thao, Hyundai Elantra thời trang
Được trang bị gói trang bị GR-S, phiên bản đắt nhất của Toyota Vios gây ấn tượng nhờ thiết kế năng động và mang đậm phong cách thể thao, phù hợp với nhóm khách hàng cần một chiếc xe Toyota khác biệt.
Những điểm nhấn của Vios GR-S có thể kể đến lưới tản nhiệt cỡ lớn có đồ họa dạng tổ ong, cản trước sắc sảo, hốc đèn sương mù sơn đen, mâm xe đa chấu tối màu hay cánh lướt gió ở đuôi xe.
Trái ngược với vẻ ngoài hầm hố của mẫu sedan Nhật Bản, các model Elantra hiện hành ở Việt Nam đã có mặt trên thị trường được 2 năm và có ngoại hình khá trung tính để hướng đến nhiều đối tượng người dùng.
Các đường nét tổng thể của Hyundai Elantra cho cảm giác lịch lãm, kết hợp cùng vẻ hiện đại ở lưới tản nhiệt đa giác, cụm đèn trước tam giác, đèn định vị và đèn hậu LED gấp khúc.
Về mặt trang bị, Vios GR-S nhỉnh hơn khi có hệ thống đèn trước và đèn sương mù dạng LED, trong khi Elantra 1.6 AT sử dụng kiểu bóng Halogen cho đèn chiếu sáng. Điểm chung là cả 2 cùng có cảm biến bật/tắt đèn tự động, còn lại mẫu xe Hàn Quốc có ưu thế khi được trang bị cảm biến gạt mưa tự động và mâm xe 16 inch (so với 15 inch).
Video đang HOT
So sánh kích thước, Toyota Vios hiển nhiên nhỏ gọn hơn Hyundai Elantra khi ở phân khúc B. Điểm mạnh của Vios GR-S có thể xoay trở thuận tiện hơn ở không gian hẹp, hoặc đường phố đông đúc. Đổi lại, nội thất của Elantra sẽ rộng rãi và thoải mái hơn.
Khoang lái Vios GR-S đẹp mắt, Elantra tiện nghi hơn
Khác biệt về phong cách tiếp tục được thể hiện rõ ở nội thất khi Vios GR-S có thiết kế thể thao bắt mắt.
Các chi tiết ăn điểm trên Vios bản cao cấp nhất gồm ghế ngồi bọc da lộn, vô-lăng tích hợp lẫy chuyển số, bảng đồng hồ tốc độ trang trí kiểu thể thao và khâu chỉ đỏ trang trí ở tay lái, cần số, tapi cửa…
Trong khi đó, cabin của Elantra 1.6 AT trông đơn điệu hơn hẳn khi được phối màu đen và kem cơ bản. Bảng táp-lô cũng không có nâng cấp thiết kế nào đáng kể so với đời xe 2016 ra mắt đã lâu.
Bù lại, bản 1.6 AT của Hyundai Elantra không chỉ nhỉnh hơn về mặt không gian mà còn có ưu thế về tính năng tiện nghi dành cho hành khách. Đó là hệ thống điều hòa tự động 2 vùng có hốc gió phía sau, còn Vios GR-S chỉ có điều hòa một vùng và hốc gió cho người ngồi trước. Ngoài ra, mẫu sedan của Hyundai còn có cửa sổ trời, lọc không khí ion và cốp sau đóng mở thông minh.
Một điểm cộng của đại diện Toyota là xe có kiểm soát hành trình, trong khi Elantra 1.6 AT chưa có trang bị này. Còn lại, những trang bị nội thất tương đồng giữa 2 mẫu xe có thể kể đến hệ thống âm thanh 6 loa, màn hình cảm ứng tích hợp kết nối Apple CarPlay, nút bấm giải trí trên vô-lăng, chìa khóa thông minh, nút bấm khởi động…
Toyota Vios GR-S hơi hướm thể thao, Hyundai Elantra vận hành êm ái
Đúng như tên gọi GR-S thường hưởng từ bộ phận phát triển xe thể thao của Toyota, model Vios đắt nhất có đặc tính vận hành ấn tượng hơn những phiên bản còn lại. Mẫu sedan hạng B có chế độ lái thể thao Sport và hộp số CVT giả lập được 10 cấp số. Trang bị này giúp người lái Vios GR-S có thể kiểm soát xe theo ý muốn tốt hơn và phần nào cảm nhận được tính thể thao trong một chiếc xe Toyota.
Về phía Hyundai Elantra, bản 1.6 AT có thông số động cơ tốt hơn đối thủ và sử dụng hộp số tự động 6 cấp. Dù vậy, Elantra có tay lái trợ lực điện mang thiên hướng nhẹ nhàng, phù hợp với những ai thích xe dễ lái và điều khiển.
Bên cạnh đó, mẫu sedan của Hyundai cũng có 3 chế độ lái để tùy chọn theo điều kiện vận hành, gồm Eco cho đô thị đông đúc, Comfort khi di chuyển bình thường và Sport trong trường hợp cần vượt xe trên cao tốc, xa lộ.
Về mặt an toàn, Vios GR-S có đôi chút ưu thế khi có 7 túi khí (so với 6 túi khí) và cảm biến phía trước. Còn lại, cả 2 tương đồng ở những tính năng như kiểm soát lực kéo, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi…
Kết luận
Với thương hiệu Nhật Bản và ngoại hình thuộc diện đẹp nhất trong các dòng xe Toyota hiện nay, Vios GR-S có thể xem là lựa chọn mới cho nhu cầu mua xe gia đình hơn 600 triệu đồng. Các trang bị tiện ích và an toàn của Vios GR-S ở mức tốt và không quá thua kém các mẫu xe hạng C, đổi lại không gian sử dụng có phần hạn chế hơn. Các mẫu xe của Toyota vẫn tạo được sức hút với khách hàng do độ bền bỉ, chi phí sử dụng thấp, dễ dàng sửa chữa và có giá trị bán lại cao.
Về phía Elantra 1.6 AT, mẫu sedan của Hyundai sẽ thích hợp với nhóm khách hàng chuộng xe Hàn Quốc có lượng trang bị tốt đi cùng giá bán hợp lý. Thiết kế ngoại thất của các mẫu xe Hyundai thời gian gần đây cũng đã thời trang và bắt mắt hơn nhiều. Bên cạnh đó, các ưu đãi hiện tại cũng tạo thêm sức cạnh tranh cho Elantra trước các dòng xe cùng tầm giá trên thị trường.
Chi phí bảo dưỡng ô tô Nhật thấp hơn xe Hàn, xe Mỹ
Trong khoảng 3 tháng đầu tiên sử dụng, chi phí bảo dưỡng đối với các mẫu ô tô mang thương hiệu Nhật Bản như Honda, Toyota... thấp hơn xe Hàn, xe Mỹ.
Ô tô mang thương hiệu Nhật Bản có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong 3 tháng đầu tiên thấp hơn xe Hàn, xe Mỹ
Chi phí bảo dưỡng cũng là một trong những yếu tố được nhiều khách hàng quan tâm khi chọn mua ô tô. Liên quan đến vấn đề này, mới đây We Predict vừa công bố bảng xếp hạng chi phí bảo dưỡng của các thương hiệu ô tô đang có mặt trên thị trường. Đặc biệt, We Predict cũng lần đầu tiên công bố sụ chênh lệch chi phí bảo dưỡng ô tô giữa ô tô điện và ô tô dùng động cơ đốt trong trong 3 tháng đầu tiên sử dụng.
Kết quả nghiên cứu của We Predict dực trên cơ sở thu thập hàng triệu tài liệu sửa chữa và bảo dưỡng xe để xác định chi phí của xe trong 3 tháng (90 ngày) đầu tiên sở hữu. Cụ thể, We Predict đã khảo sát phân tích 801.000 xe trong 3 tháng đầu tiên sử dụng tương ứng 1,6 triệu lượt thực hiện việc bảo dưỡng, dịch vụ tại các trạm sửa chữa cũng như đại lý ô tô chính hãng. Các yếu tố We Predict quan tâm bao gồm chi phí bảo trì, sửa chữa ngoài kế hoạch, bảo hành, chiến dịch dịch vụ, chẩn đoán và cập nhật phần mềm... thực hiện trêm mỗi mẫu xe của các thương hiệu khác nhau.
Xếp hạng chi phí bảo dưỡng, dịch vụ các thương hiệu ô tô phổ thông trong 3 tháng đầu tiên theo We Predict
Đi xe Nhật tiết kiệm chi phí bảo dưỡng hơn xe Mỹ, xe Hàn
Theo đó, xét về mặt thương hiệu, kết qủa khảo sát phân tích của We Predict cho thấy ô tô mang thương hiệu Nhật Bản như Honda, Toyota... có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong 3 tháng đầu tiên thấp hơn so xe Hàn, xe Mỹ.
Ở phân khúc xe phổ thông, chi phí bảo dưỡng trung bình ô tô của mỗi thương hiệu vào khoảng 42 USD. Trong đó, ô tô Honda có chi phí bảo dưỡng thấp nhất. Trung bình những chiếc xe của hãng chỉ mất khoảng 21 USD cho việc làm dịch vụ, bảo dưỡng trong 90 ngày đầu tiên sử dụng. Cao nhất xe của GMC, chi phí sửa chữa trung bình các mẫu xe của thương hiệu này lên tới 132 USD.
Ô tô của các thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Subaru, Nissan, Mazda... đều có chi phí bảo dưỡng cao hơn mức trung bình. Cụ thể, các vị trí xếp hạng từ thứ 4 - 7 lần lượt thuộc về Toyota với chi phí bảo dưỡng trung bình khoảng 24 USD, Subaru (27 USD), Mazda (28 USD)... Trong khi chi phí bảo dưỡng ô tô Hyundai ở mức 22 USD, KIA 34 USD.
Xếp hạng chi phí bảo dưỡng, dịch vụ các thương hiệu ô tô hạng sang trong 3 tháng đầu tiên theo We Predict
Phân khúc ô tô hạng sang cũng cho thấy sự lấn át của các thương hiệu xe Nhật ở các vị trí dẫn đầu. Chi phí bảo dưỡng trung bình của các thương hiệu xe sang trong 3 tháng đầu tiên sử dụng lên đến 84 USD, cao gấp đôi mức trung bình của các thương hiệu ô tô phổ thông.
Trong số này, hai thương hiệu ô tô hạng sang Nhật Bản là Acura, Lexus... có chi phí bảo dưỡng trong 3 tháng đầu tiên thấp nhất, ở mức 30 USD. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Infiniti (47 USD), Volvo (69 USD). Ngoại trừ Audi, các thương hiệu xe sang còn lại của Đức đều có chi phí bảo dưỡng trong 90 ngày đầu tiên cao hơn mức trung bình. Cụ thể, chi phí bảo dưỡng trung bình của xe BMW ở mức 106 USD, Mercedes-Benz 121 USD, trong khi ô tô Porsche có chi phí bảo dưỡng cao nhất, lên đến 167 USD trong 3 tháng đầu tiên.
Chi phí bảo dưỡng xe điện trong 3 tháng đầu tiên cao hơn xe chạy xăng, dầu
Đáng chú ý, kết quả khảo sát phân tích của We Predict cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu tiên sử dụng, ô tô điện có chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao hơn gấp đối ô tô chạy xăng, dầu.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy chi phí trung bình dịch vụ, bảo dưỡng cho xe điện trong 3 tháng đầu tiên lên tới 123 USD, trong khi con số này đối với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong chỉ khoảng 53 USD.
Trong 3 tháng đầu tiên sử dụng, ô tô điện có chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao hơn gấp đôi ô tô chạy xăng, dầu ẢNH: CARSCOOP
Điều này không có gì ngạc nhiên khi ô tô điện sử dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại hơn và giá thành cao hơn ô tô dùng động cơ xăng, dầu. Theo We Predict các bộ phận dành cho xe điện (trung bình 65 USD) có giá cao hơn các bộ phận dành cho ô tô dùng động cơ đốt trong (trung bình 28 USD). Chi phí cho công sửa chữa xe điện cũng lên tới 58 USD, cao hơn gấp đôi so với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong (25 USD).
SUV 7 chỗ tiền tỷ tháng 4/2021: Xe Hàn chiếm ưu thế trước xe Nhật Hyundai SantaFe và Kia Sorento đều có doanh số ấn tượng tháng vừa qua, trong khi Toyota Fortuner, Mazda CX-8 hay Pajero Sport dù có tăng trưởng bán hàng nhưng vẫn còn khoảng cách so với đối thủ. Các dòng SUV và CUV 7 chỗ tại Việt Nam tháng 4 ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Với 857 chiếc giao khách,...