‘Mùa xe mới’: Sự bất khả kháng hay liều lĩnh của các doanh nghiệp
Sau những tháng đầu năm “lẹt đẹt” với doanh số bán hàng buồn tẻ và những biện pháp kích cầu không hiệu quả, các hãng ô tô nội rủ nhau “tuyển” thêm xe mới.
Xe mới ồ ạt về Việt Nam
Hai tháng đầu năm 2012 được xem là những khoảng thời gian “lặng lẽ” nhất của thị trường ô tô Việt Nam với doanh số bán hàng có phần tẻ nhạt.
Mặc dù tháng 1 là thời điểm mua sắm xe mạnh nhất trong năm do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tuy nhiên sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 4.274 xe, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xe đa dụng, xe con và xe thương mại giảm lần lượt là 67%, 56%, và 59%. Trong tháng 2/2012, sản lượng bán hàng của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 6.116 xe, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2011.
Không thể để tình trạng thị trường ô tô nội tụt dốc không phanh, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đã nỗ lực kích cầu bằng nhiều biện pháp như tích cực giảm giá, tổ chức các chương trình khuyến mại, tặng phí trước bạ…
Toyota Innova đã về Việt Nam
Tuy nhiên, hình như các biện pháp khuyến mại vẫn chưa đủ mạnh để có thể kéo nhu cầu khách hàng lên cao nên các doanh nghiệp ô tô nội tìm đến biện pháp nhập thêm ô tô mới.
Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay đã có khoảng thêm 10 mẫu xe mới về Việt Nam với đủ các phân khúc khác nhau như BMW 5 Series và 3 Series, Porsche 911 Carrera, Range Rover Evoque, Hyundai Eon, xe bán tải Isuzu D-Max hay xe đa dụng Toyota Innova và Fortuner. Không chỉ dừng lại đó, sắp tới đây một số mẫu xe mới sẽ cập bến Việt Nam như Mazda MX-5 và Crossover CX-5, Audi Q3, Audi A5, Mercedes-Benz ML-Class…
Porsche 911 Carrera về Việt Nam với giá trên dưới 6 tỷ đồng
Video đang HOT
Chẳng nói thì bất cứ nhà phân tích kinh tế nào cũng có thể hiểu rằng việc nhập xe mới vào thời điểm này như là một con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, dù bằng cách này hay cách khác, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cũng phải tự “cứu” lấy chính mình sau những thay đổi về lệ phí đang tác động rất nhiều đến sức mua của khách hàng Việt.
Sự bất khả kháng hay liều lĩnh?
Có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nhập khẩu quá nhiều xe mới trong tình trạng thị trường đang có nhiều biến động là hành động khá liều lĩnh của các doanh nghiệp. Đây cũng không phải là một nhận xét vô căn cứ bởi bất kỳ ai cũng hiểu rằng thị trường ô tô nội đang rơi vào tình trạng đóng băng với sức mua tụt giảm đến mức đáng báo động. Những cú sốc về kinh tế cộng thêm các loại phí chồng chéo khiến cho khách hàng Việt e dè hơn trong việc dành một khoản tiền lớn để mua xe.
Range Rover Evoque 2012 đã xuất hiện tại Việt Nam
Tuy nhiên, dù thế nào thì các doanh nghiệp ô tô nội họ cũng có cái lý của mình. Có một điều mà bất kỳ ai cũng hiểu đó chính là việc mua bán ô tô không hề dễ dàng như những trao đổi mua bán thông thường nào khác. Với một mẫu xe được nhập về Việt Nam thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có kế hoạch xin nhập từ phía bộ Công thương. Hơn những thế, hàng rào thuế quan tại Việt Nam cũng buộc các doanh nghiệp ô tô nội phải chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi trong việc xin nhập xe. Điều này đồng nghĩa với việc, những mẫu xe vừa mới có mặt tại Việt Nam cũng như chuẩn bị có mặt đều đã nằm trong kế hoạch cách đây 6 tháng trước. Và tất nhiên, “lẽ tất dĩ ngẫu” các doanh nghiệp ô tô nội không thể đoán được “cơn bĩ cực” của thị trường ô tô Việt Nam sau nửa năm. Chính vì thế, dù muốn hay không thì kế hoạch đặt ra cũng phải thực hiện, có chăng việc nhập xe chỉ là hành động bất khả kháng.
Các doanh nghiệp ô tô nội cần phải tự “cứu mình”
Tuy nhiên, có thể đó sẽ là cái nhìn “buồn tẻ” của các doanh nghiệp đang hoài nghi vào sức sống của thị trường ô tô nội. Trong khi các doanh nghiệp ô tô Việt Nam liên tiếp “thở dài ngao ngán” trước mùa xe đầu năm thì một số doanh nghiệp vẫn có cái nhìn lạc quan về cục diện. Trao đổi với báo giới, một đại diện doanh nghiệp ô tô nội khá uy tín đã chia sẻ rằng thực chất việc nhập xe mới trong “cơn bĩ cực” cũng có cái hay của nó bởi biết đâu cơn bão xe mới này sẽ cuốn phăng đi được những vật cản còn đang tồn đọng trong thị trường Việt.
Dù đúng hay sai, dù bất khá kháng hay liều lĩnh thì chắc chắn rằng các doanh nghiệp ô tô nội cũng phải tìm cho mình một lối đi thực sự đúng đắn để có thể “chèo lái” được trong cơn bão suy thoái của thị trường ô tô Việt Nam.
Theo Autopro
Ồ ạt giới thiệu xe: Cầm ô vào tâm bão
Trong bối cảnh sức mua sụt giảm mạnh, việc hàng loạt mẫu xe mới liên tiếp xuất hiện thời gian qua và sắp tới đây được hình dung như một người cầm ô đi vào tâm bão.
Việc các hãng xe tung loạt sản phẩm mới ra thị trường đúng lúc khó khăn nhất cũng là sự chẳng đặng đừng.
Đếm sơ sơ, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua đã có ít nhất 8 mẫu xe mới hoặc phiên bản mới được các nhà sản xuất, phân phối tung ra thị trường. Từ các mẫu xe hạng sang và thể thao như BMW 5 Series và 3 Series, Porsche 911 Carrera hay Range Rover Evoque đến xe nhỏ như Hyundai Eon, xe bán tải Isuzu D-Max hay xe đa dụng Toyota Innova và Fortuner.
Và theo kế hoạch, trong khoảng thời gian vài ba tháng tới đây sẽ còn rất nhiều mẫu xe mới nữa có mặt trên thị trường.
Đáng chú ý, những mẫu xe mới nối đuôi nhau gia nhập thị trường vào đúng giai đoạn có lẽ là nóng bỏng nhất của câu chuyện phí ôtô. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất áp dụng ba loại phí mới mà nếu thu cùng lúc, tổng số tiền phí phải chi cho một chiếc xe mỗi năm lên đến hàng chục triệu đồng.
Trong khi đó, sức mua trên thị trường vốn dĩ đã yếu ớt và thậm chí tiếp tục bám chặt xu hướng đi xuống. Lý do không hề mới, là bối cảnh kinh tế khó khăn cộng với mức tăng cao của lệ phí trước bạ tại hai thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội (12% lên 20%) và Tp.HCM (10% lên 15%).
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh đến hiện tượng "giảm liên tục qua các tháng" gần đây của chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp ôtô.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng bán hàng của các hãng thành viên cũng liên tiếp sụt giảm. Tháng 12 năm ngoái, tổng lượng xe bán ra của nhóm doanh nghiệp này đạt gần 11.000 chiếc thì đến tháng 2 năm nay, con số này chỉ còn hơn 6.100 chiếc. Thời điểm này vẫn chưa có thống kê cụ thể doanh số của VAMA tháng 3, song theo tiết lộ của nhiều đại lý, khả năng hồi phục so với các tháng trước đó gần như là không tưởng.
Và thế là, khi thị trường còn đang khó khăn bởi kinh tế suy giảm và gánh nặng lệ phí trước bạ thì câu chuyện phí mới lại như một gánh nặng tâm lý chất thêm lên "vai" người tiêu dùng ôtô.
Nếu coi bối cảnh thị trường như một cơn bão thì các hãng xe chẳng khác gì những người cầm ô đi vào tâm bão. Vậy có thể coi đó là sự liều lĩnh?
Tâm sự với người viết, cán bộ quản lý mảng kinh doanh của một nhà nhập khẩu lớn cho biết, việc các hãng xe tung loạt sản phẩm mới ra thị trường đúng lúc khó khăn nhất cũng là sự chẳng đặng đừng. Sản xuất, kinh doanh ôtô không như nhiều ngành khác, lúc sôi động thị ào ào mang ra bán, lúc ế ẩm thì cất vào kho chờ thời cơ.
Trên thực tế, dù là sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu và phân phối nguyên chiếc, các doanh nghiệp ôtô đều phải lên kế hoạch và được duyệt trước ít nhất 6 tháng. Vì vậy, nếu không phải những lý do bất khả kháng, kế hoạch lên sẵn vẫn buộc phải thực thi. Có chăng, sự du di thời điểm cũng không đáng kể.
Nhưng cũng còn một khía cạnh nữa. Việc các hãng xe tung ra sản phẩm mới luôn mang nhiều ý nghĩa. Trong đó có hai mục tiêu tưởng như đối lập nhau là bán lúc nhu cầu được dự báo lên cao (trước Tết nguyên đán chẳng hạn) để tranh thủ sức mua và giới thiệu rầm rộ lúc ảm đạm để "refresh" thị trường.
Như người cầm ô phải tìm mọi cách để đứng vững, nhiệm vụ quan trọng của các hãng xe là làm sao để hoàn thành tốt nhất mọi mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Đó cũng là khi một nhà quản trị doanh nghiệp tốt thể hiện thuyết phục nhất giá trị của mình.
Theo Vneconomy
Bảo hiểm ô tô: Tiêu chí nào để lựa chọn? Đi ô tô phải mua bảo hiểm, điều này ai cũng biết nhưng lựa chọn bảo hiểm như thế nào thì hợp lý? Các loại hình bảo hiểm Hiện tại, có 4 hình thức bảo hiểm mà khách hàng khi mua xe có thể tham gia tại hầu hết các công ty bảo hiểm gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự...