Mùa World cup và nỗi khổ của những teen mê độ
Một số teen bắt chước bạn bè lao vào những vụ cá độ bóng đá. Ban đầu chỉ là 1 chầu café, 1 bữa ăn sáng… Nhưng thành quen, thành ham, teen bắt đầu lao vào những lần cá lớn hơn và khi dừng lại thì đã thành “ Chúa Chổm”.
Mê độ là không phân biệt giới tính?
Ngày bé, chuyện buột miệng hứng chí cá cược với nhau không có gì là lạ. Thế nên, lớn hơn một chút, cái hứng chí của nhiều teen cũng tăng theo. Nhất là khi đến với môn thể thao vua thì nhiều teen lại càng… “máu”.
Bắt đầu từ những lần cá nhỏ 50k -100k tại trường học, nhiều teen trở thành những tay cá quen. Thanh Tùng, 17 tuổi chia sẻ: “Mình thỉnh thoảng cũng hay cá cược với bạn bè mỗi khi xem đá bóng. Ngày trước mình chẳng biết cá độ là gì đâu. Nhưng mấy thằng bạn cùng lớp cứ rủ rê, từ chối thì bọn nó chê… nhát, đàn bà. Nghe tức quá nên bắt đầu cá thử. Mình thấy thắng thì vui, còn thua thì cũng buồn”.
Cũng như Thanh Tùng, nhiều teenboy bị bạn bè rủ rê nên nảy sinh những lần cá độ nhỏ rồi lớn dần. Cá lớn, teen tìm đến chủ bóng và số tiền mỗi lần tăng dần lên đến vài triệu, hay vài chục triệu. Lớn nhỏ tùy theo độ “máu” của từng người.
Còn với một số teengirl thì lại có những lí do bi hài hơn. Mỹ Dung (trường THPT Hùng Vương) chia sẻ: “Ngày xưa mình ghét bóng đá, ghét cá độ lắm. Nhưng vì bạn trai mình mê nên mình cũng phải tìm hiểu để biết. Lâu dần thấy cũng vui, nhưng nếu lún sâu thì cũng “hơi bị mệt”". Có teen thì lại nghe theo những lời tiên đoán hên xui kiểu: “Cứ cá đi, nghe tao thể nào cũng lời. Mỗi đứa 1 nửa, mày thua tao cũng thua mà”. Chưa hết, một số teen còn chia sẻ rằng: “Coi bóng đá mà cá độ sẽ có hứng thú hơn”. Đủ thứ lí do nhưng dường như ít lí do nào có vẻ “hợp lí”???
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Thắng không thể bỏ, mà thua lại càng muốn chơi
Có thể khẳng định, những teen thường xuyên cá độ chưa ai không từng vài-chục lần thua. Tất nhiên, không phải lúc nào teen cũng thua, nhưng hầu hết chẳng mấy teen toàn thắng trong canh bạc đỏ đen, lên xuống theo số trời này. Thiết nghĩ, nếu ai cũng thắng, thì chủ nợ đâu còn hành nghề làm gì (?).
Thường tâm trạng các teen khi thắng thì hăng máu, muốn cá tiếp mong sẽ chiến thắng ở nhiều lần sau. Ít teen nào khi thắng lại dừng lại, vì khi ấy teen thường nghĩ: “Mình đang hên mà, tiếp thôi”. Hay những lời khích bác của bạn bè kiểu: “Thắng thì chơi tiếp đi, chơi bằng tiền ăn được ấy, có mất đi cũng không tiếc, của thiên trả địa thôi”.
Ấy thế mà đến khi thua các teen cũng chẳng thể dừng được. Tâm trạng của các teen, nhất là các teenboy đều muốn gỡ khi thua. Tất nhiên, ai thua lại chẳng muốn gỡ, nhưng gỡ quá nhiều thì thường “chùn tay”. Cuối cùng, đến lúc kịp tỉnh táo dừng lại thì nợ nần cũng đã ngập đầu.
Video đang HOT
Rồi đến cảnh nợ nần, chạy chọt
Dịp World Cup đến, nhiều teen đặt lịch “làm ăn”, hi vọng kiếm chác chút ít từ kinh nghiệm “bóng bánh” lâu nay. Cứ mỗi trận đá banh đến thì trước những quán café hay những nơi có tivi lớn, rất nhiều các anh chàng, cô nàng ngồi thiền hàng nhiều giờ đồng hồ trước và sau trận. Tốn nhiều thời gian đến vậy vì trước khi cá độ một trận bóng nào các bạn í cũng phải “tham khảo” các loại báo thể thao để theo dõi sát sao tỷ số, bình luận, dự đoán các trận rồi gọi điện thoại khắp nơi xem dân chúng “Tài- Sửu” ra sao, đội nào chấp đội nào bao nhiêu trái.
Hên, xui cùng trái bóng thì chuyện nợ nần là điều tất nhiên. Khi vướng vào “những khoản nợ khó nói” ấy, các teen thường giấu gia đình và cố tìm cách chi trả. Đến khi không còn đủ vốn thì đành quay sang nói dối gia đình, lấy tiền học phí đi cá, vay mượn khắp nơi, cầm cố đủ kiểu. Thậm chí có tặng, được cho cái gì, đến lúc bí quá thì đành đem “sale off”. Nhiều anh chàng có chút nhan sắc còn không ngại đi… cưa gái để được bao.
Một số bạn còn bị dân anh chị “truy sát”. Những trận đòn no và còn đến tận nhà để đòi phụ huynh. Lúc ấy thì… chẳng còn gì để mất. Nhiều chuyện tình cảm củng trở nên sứt mẻ vì không thể can ngăn người yêu mình với cá độ. Có teenboy còn trở nên sống dựa dẫm vào bạn gái cũng vì những trận thua không gỡ nổi. Thật chẳng đáng chút nào!
Tai tiếng khắp nơi
Khi dính vào chuyện cá độ thì nhiều teen trở nên mê mẩn, khó có thể rút tay ra. Dần lâu, nó trở thành tiếng xấu. Chẳng một ai nào dám đặt cược cuộc đời mình cho một anh chàng, hay cô nàng mê độ. Ở trường, ở lớp hay gia đình, một người đam mê cờ bạc cũng chẳng thể nào được tin tưởng và giao cho những vị trí quan trọng.
Mê bóng đá không có nghĩa là phải cá độ. Bóng đá sẽ không còn là môn thể thao vua nếu các teen không biết dừng lại trước sự lôi kéo của những trò cờ bạc. Hãy tránh xa trò chơi đỏ đen nguy hiểm này, teen nhé!
Theo PLXH
Sinh viên 'đốt tiền' trên lưng cha mẹ
Trút tiền cho cá độ.
Chập chững vào mùa World Cup mà nhiều sinh viên đã quên thi để đi cá độ. Thường có cả sinh viên đứng ra làm chủ kèo.
"Cá độ coi mới thích, mới hồi hộp, đau tim chứ còn ngồi không coi chán lắm"- Quốc Khánh, SV ĐH Bách Khoa, Q.10 (TP HCM), một tay cá độ bóng đá "bán chuyên" bộc bạch.
Vạch kế hoạch...cá độ
Mùa World Cup cũng là mùa thi, nhưng Khánh và các bạn của mình cũng đã chuẩn bị những kế hoạch "cá" rất chi tiết và bài bản.
Khác với các tay cá độ chuyên nghiệp chỉ bắt những trận nóng như bán kết, chung kết hay những trận có đội mạnh tham dự, cá độ SV lại trải đều tất cả các trận, các giải đấu. Như lời chia sẻ của Khánh: " SV thì cứ thấy có trận là cá, từ vòng loại đến vòng trong, từ giải nhỏ đến giải lớn như Ngoại hạng, Cup C1, Euro.. đến các giải mở rộng".
Điển hình như trận mở màn World Cup 2010 giữa Nam Phi và Mexico tối 1/6 cũng đã có nhiều SV cá độ. Tuy nhiên, theo Khánh, đây chỉ mới là trận vòng loại nên số tiền cá độ chỉ dao động từ 100.000-300.000 đồng. Nếu những trận lớn thì mức kèo từ 1 triệu đến trên 10 triệu đồng và tùy vào từng đội tham gia.
Đình Chung, SV khoa Kinh tế cho biết thêm, trận khai mạc ít người xem nên ít ai cá lớn vì chưa phải là đội mạnh.
Hầu hết giới SV mê cá độ đều đã dự tính sẵn những mức kèo cho những trận "nóng". Quốc Khánh là "fan ruột" của Brazil cũng đã chuẩn bị sẵn 3 "chai" (3 triệu đồng) cho trận Brazil gặp CHND Triều Tiên vào rạng sáng 16/6.
Sinh viên kiêm "chủ kèo"
Tương tự như những tổ chức cá độ lớn của những ông trùm có "máu mặt", cá độ trong SV cũng có một hệ thống từ "cò" trung gian đến những tay chủ cái bên ngoài. Có những tay trực tiếp ghi kèo, kiêm nhận tiền và trả tiền đều là SV.
Quang Phúc, SV Đại học KHXH&NV TP.HCM cũng là một tay cá độ thường xuyên. "Mỗi lần muốn cá thì lên mạng coi trước rồi gọi cho thằng bạn đặt kèo. Nó là SV học cùng trường, có ông anh trai làm chủ bên ngoài. Nó kiêm vai trò "cò" trung gian cho những ai muốn đặt kèo. Thích thì cứ gọi điện cho nó, có kết quả rồi thanh toán sau"- Phúc tiết lộ.
Biên lai ghi độ mà các bên đều là SV.
Hồng Quang, SV ĐH Bách Khoa chỉ mới tham gia cá độ thời gian gần đây "nhờ" đi theo thằng bạn làm "cò". "Nó bày cho chơi, tiền bạc cũng nhờ nó thanh toán giúp. Từ lúc chơi đến giờ toàn cá theo tỉ số. Tôi toàn đặt tỉ số 3-2 cho mỗi trận vì đọc báo thấy tỉ số này dường như trải dài qua các trận. Nếu thắng thì cũng rất đậm nên cứ chơi hoài như thế cũng có lúc trúng. Chơi cá độ mà cứ sợ với lo lắng là dễ thua lắm, phải liều và chịu mất" - Quang nói.
Ghi kèo với "cò SV" có nhiều cái lợi, có thể đặt bao nhiêu tùy thích từ 20.000 đồng đến 10 triệu đồng. Theo Khánh, đặt kèo qua bạn thì thoải mái hơn vì mình có thể đặt ít hay nhiều tùy thích. "Còn ra quán thì bị chèn ép với lại mình không quen nên cũng ngại".
Một số SV lại chọn các chủ quán cà phê làm chủ kèo. Tại làng Đại học Thủ Đức có rất nhiều quán cà phê tổ chức cá độ mỗi khi có trận hay giải lớn như quán S.R, Ph.V. T&T...Gần ĐH Bách Khoa (Q.10), tụ điểm cá độ thường là những quán cà phê ở đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Bắc Hải.
Thắng ít thua nhiều...vẫn cứ chơi
Quốc Khánh nói giọng sành sỏi: "Chơi cá độ ít khi thắng lắm, toàn thua hoài nhưng máu nên vẫn cứ chơi. Chơi cái này thích thì chơi chẳng ai ép mình cả nhưng mình chơi là phải chịu.Thua là phải chung tiền thôi, ít ai trốn lắm".
Một quán cà phê tại Làng ĐH Thủ Đức, nơi sinh viên thường tụ tập cá độ.
Đối với SV lỡ dính vào "bác thằng bần", thua độ phải trả giá tai hại. Quang Phúc nhớ lại đợt đầu Euro năm 2008, Phúc cùng với thằng bạn thắng đậm trên 10 chai (10 triệu đồng). Máu quá nên từ đó, Phúc toàn chơi kèo lớn nhưng cuối cùng thua sạch, không còn một xu dính túi. "Mấy thằng đói cả tháng, phải ăn mì tôm, uống nước lã" - Phúc chua chát.
Khi tham gia trò chơi "may rủi" này, không ít sinh viên đã đi cắm xe máy, laptop, điện thoại, nhẫn ,dây chuyền, giấy tờ xe....
Tại làng Đại học Thủ Đức hầu như mùa giải nào cũng có những vụ ẩu đả , hay trả thù do SV "xù" tiền bị chủ sai người đến tìm.
Theo lời kể của Hồng Đức, ai chơi cá độ đều phải một lần cầm đồ. Có đứa gọi điện về nhà lừa gia đình xin tiền học Anh văn, học thêm , sửa xe... Có đứa thì tiêu "cháy" tiền học phí vì máu cá độ.
Ngoài việc đi cắm đồ tại các tiệm cầm đồ thì SV còn cầm trực tiếp cho người ghi kèo (cũng là SV). Điều này được Đức giải thích: Có nhiều quán cầm đồ cho cầm từ vài tháng đến 1 năm những cũng có nhiều quán mở theo thời vụ nếu không lấy đồ sau hai tuần thì bán luôn. "Chọn mặt gửi vàng", "SV cầm đồ cho SV" là lựa chọn mà theo Khánh là an toàn.
Mùa World Cup 2010 cũng là mùa thi học kỳ, thi tốt nghiệp của SV. Ở những quán cà phê chuyên cá độ bóng đá, đèn vẫn sáng suốt đêm, trong đó có không ít khách là SV kiêm tay cá độ.
Theo VNN
Mặc World Cup, bão Bước nhảy xì tin vẫn khiến teen miền Bắc sôi sục Những ngày này không khí của teen miền Bắc đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Không chỉ vì World Cup, còn có một điểm nóng khác, cuồng nhiệt và sôi động cực kì trong hè này mà teen miền Bắc ngóng đợi - chính là Bước nhảy xì tin season 4. Nóng từ Hà Nội Chỉ còn vài ngày nữa...