Mua vàng từ 300 triệu đồng phải xuất trình chứng minh nhân dân
Thời gian tới, những giao dịch vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua vàng phải xuất trình chứng minh thư nhân dân với đơn vị bán vàng. Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác phòng chống rửa tiền.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy tại buổi phổ biến kiến thức pháp luật về Phòng, chống rửa tiền cho các nhà báo tại Hà Nội, sáng nay 28/8. Chương trình do Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – diễn giả của buổi phổ biến kiến thức cho biết: Theo dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành, thời gian tới khi mua vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua phải chứng minh nhân thân bằng cách xuất trình chứng minh thư nhân dân. Qua đó, đơn vị giao dịch vàng sẽ phải ghi chép rất chi tiết thông tin của người đi mua vàng. Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác phòng chống rửa tiền.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý về việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ ở các giao dịch mua, bán vàng miếng có giá trị lớn. Cũng theo văn bản trên, từ ngày 1/8/2013, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng hàng ngày.
Các giao dịch có giá trị lớn sẽ được kiểm soát chặt chẽ (ảnh: AH).
Video đang HOT
Trả lời báo chí về con số gần 51.000 tỷ đồng giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 (bao gồm cả các đồng tiền khác đã được quy đổi) do Ngân hàng Nhà nước công bố tại cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống rửa tiền và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động này của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền tổ chức ngày 23/8, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Tại Việt Nam hiện nay chưa thể đánh giá rửa tiền ở lĩnh vực nào nhiều.
Bởi theo ông Ngọc, việc thu thập chứng cứ để kết tội giao dịch liên quan tới rửa tiền rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành. Hiện tại, công tác triển khai các báo cáo về giao dịch giá trị lớn chủ yếu do các ngân hàng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có cả ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài chi nhánh tại Việt Nam và ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra còn từ báo cáo của bảo hiểm và chứng khoán.
Với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, cơ quan chức năng cũng đã đào tạo cho nhân viên về phát hiện hành vi rửa tiền. “Riêng ở lĩnh vực các ngân hàng thì chúng tôi làm tương đối tốt. Ngay cả ở các tỉnh, chúng tôi cũng tổ chức các lớp tập huấn và nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ hàng năm”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Chia sẻ thêm về công tác Phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ngọc cho hay: Hiện nay, dựa vào nhóm khuyến nghị 49 theo chuẩn mực quốc tế, Chính phủ phải thành lập một ban để đánh giá về rửa tiền.
Về xử lý tội phạm rửa tiền, ở quốc tế có khái niệm gọi là tội phạm kép. Ví dụ, một người là lãnh đạo cấp cao tham ô, tham nhũng rồi rửa tiền qua ngân hàng, nếu phát hiện ra thì kết tội đầu tiên là tham nhũng và tội thứ hai rửa tiền.
Nhưng ở Việt Nam, do tập quán pháp lý xử lý tội phạm nguồn nên chỉ kết tội tham nhũng và thu hồi, phạt thêm tiền. Ngoài ra sẽ tịch thu số tiền liên quan đến tội phạm đó, rồi phạt tù, phạt tiền. Và chỉ trong trường hợp người phạm tội tham ô tham nhũng đó chuyển tiền cho anh chị, em, bạn bè để thực hiện những hành vi che giấu thì anh chị em, bạn bè đó mới bị xét vào tội rửi tiền.
Cũng theo chia sẻ từ ông Ngọc, vào cuối tháng 10 tới, Bộ Công An sẽ ban hành khung pháp lý đầy đủ để phong tỏa các quỹ được sử dụng có nghi vấn liên quan tới rửa tiền.
Theo Dantri
Ngân hàng Nhà nước bác thông tin "rửa" vàng bằng cơ chế
Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, thông tin cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập vàng là nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định thực hiện công tác quản lý thị trường vàng theo đúng quy định (Ảnh minh họa).
Ngày 24/4, trước thông tin dẫn từ số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đưa ra nhận định "hàng tỷ USD nhập lậu vàng" và "các chính sách xuất - nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để "rửa" số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam" và "hợp pháp hóa vàng lậu".
Về thông tin trên, trong thông cáo chính thức phát đi chiều nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo thông tin chính thức trên trang điện tử của Hội đồng Vàng thế giới (WCG), hàng năm, WCG tổ chức khảo sát tại các quốc gia để gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để trao đổi, đưa ra các nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia. Trên cơ sở đó, Hội đồng đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu đầu tư vàng.
Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của WCG là con số dự tính nhu cầu vàng của Việt Nam, hoàn toàn không phải là số liệu về lượng vàng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Do vậy, theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, việc bài báo sử dụng số liệu về nhu cầu vàng năm 2011, 2012 của người tiêu dùng Việt Nam do WCG ước tính để cho rằng đây là số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, làm sai lệch bản chất của số liệu trích dẫn.
Cũng trong thông cáo báo chí này, Ngân hàng Nhà nước có đề cập đến chủ trương tạm nhập, tái xuất mặt hàng vàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC.
Bên cạnh đó, Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng SJC của người dân, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định chặt chẽ để thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định chuyển đổi, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng nhập khẩu.
"Việc thực hiện chủ trương này nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện. Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị rtường và chủ yếu thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại tổ chức tín dụng", thông cáo báo chí cho hay.
Thông cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/3/2013. Thế nên, thông tin cho rằng, chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước.
Ngoài ra, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguồn vàng bán can thiệp là của Ngân hàng Nhà nước là dự trữ ngoại hối Nhà nước, không liên quan đến vàng tạm xuất tái nhập.
Theo Dantri
Thương binh tố VTV phát sóng lừa đối: Tác giả lên tiếng Phóng sự truyền hình "Ai chắp cánh cho thần chết?" do Dũng Chinh, phóng viên Đài PT-TH Bình Định, thực hiện bị thương binh tố dàn dựng đã từng đoạt giải B do Hội Nhà báo tỉnh Bình Định trao năm 2013. Phóng sự này cũng được phát trên VTV khiến các nhân vật phản ứng gay gắt. "Ai chắp cánh cho thần...