Mùa thu về Bình Liêu ngắm từng vạt hoa lau nở trắng đồi
Thu về Bình Liêu thơ mộng vô cùng. Từng vạt hoa lau bung nở trắng xóa khắp những ngọn đồi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, khoáng đạt làm mê đắm lòng du khách.
Huyện Bình Liêu nằm ở miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, có biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nơi đây được ví như “Sapa thu nhỏ của Quảng Ninh”, ngày càng thu hút khách du lịch bởi phong cảnh thiên nhiên, khí hậu tuyệt đẹp.
Đến Bình Liêu vào mỗi thời điểm khác nhau, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quang cảnh khác biệt thay đổi theo mùa. Thời điểm này Bình Liêu bắt đầu chuyển mình trong sắc trắng mộng mơ của những đồng cỏ lau bát ngát trải rộng đến tận chân trời.
Những triền đồi rợp cỏ lau là địa điểm check-in yêu thích của nhiều du khách khi đến với Bình Liêu vào mùa thu
Theo chị Trần Tuyết Lan – Du khách Hải Phòng: Thời điểm này hoa lau bắt đầu chớm nở như loài hoa báo hiệu thu về của mảnh đất Bình Liêu. Khác với sắc trắng tinh khôi của hoa sở vào đông, hoa mận vào xuân hay hoa trẩu vào hè, sắc trắng hoa lau bình dị mà vẫn tạo nên một sức hấp dẫn riêng. Dọc theo các tuyến đường lên tới các cột mốc, đặc biệt là mốc 1305 “sống lưng khủng long” vẻ đẹp từ các triền đồi đầy hoa lau trải dài ngút ngàn như tô điểm cho con đường thêm lãng mạn.
Theo Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Liêu chia sẻ: Nếu như vào những ngày bình thường khác trong năm. Khách du lịch tìm đến Bình Liêu để check in sống lưng khủng long và săn mây. Thì vào mỗi độ thu về về, du khách thập phương lại nô nức về Bình Liêu để ngắm nhìn mùa cỏ lau đẹp như một “thiên đường nơi hạ giới”.
Theo anh Lý Văn Nhân – Đại diện Công ty Du lịch Life: Có thể cỏ lau không được rực rỡ như sắc vàng của hoa dã quỳ hay mong manh như sắc trắng hồng của tam giác mạch. Nhưng chính vẻ đẹp hoang dại, nguyên sơ và mạnh mẽ của mùa cỏ lau Bình Liêu đã làm lay động biết bao trái tim của người lữ khách. Cỏ lau là một loài cỏ mọc dại, thân vươn cao và ngọn cỏ mềm mại như nước với thân mình trắng muốt. Mỗi khi có làn gió nào đi qua, ngọn cỏ lau lại lung lay về một hướng trông vô cùng đẹp mắt. Nhưng đôi khi, cũng có những lúc tưởng chừng như những cây lau ấy sẽ ngã rạp xuống đất. Nhưng chúng lại vẫn vững vàng và hiên ngang trên khắp các sườn đồi.
Hai bên đường là những cánh đồng lau trải dài, tuyệt đẹp
Chính bởi vì mang trên mình vẻ đẹp kiên cường nhưng vẫn lung linh nhẹ nhàng như vậy. Nên mùa cỏ lau Bình Liêu vào mỗi độ thu về vẫn luôn thu hút khách du lịch từ thập phương tìm đến và chiêm ngưỡng.
Theo anh Nhân: Du khách trải nghiệm đến với Bình Liêu thì nên căn giờ xuất phát để lên cột mốc 1297, ranh giới Việt – Trung. Nơi đây được mệnh danh là Thiên đường hoa cỏ lau đẹp nhất Việt Nam.
Video đang HOT
Du khách nên dậy sớm để chinh phục Sống lưng Khủng Long (nơi có cột mốc 1305) nằm trên đường tuần tra biên giới, thuộc xã Hoành Mô (Bình Liêu). Cột mốc biên giới 1305 là cột mốc cao nhất không chỉ ở Bình Liêu mà còn cả tỉnh Quảng Ninh. Trong khi Sống lưng Khủng Long là sống núi đường lên mốc 1305. Thời gian lên núi mất khoảng 1,5 – 2 tiếng. Anh Nhân chia sẻ: “Cung đường từ thị trấn Bình Liêu lên cột mốc 1305 tuyệt đẹp và hùng vĩ như đường Hạnh Phúc lên Hà Giang của Đông Bắc. Buổi tối về thị trấn Bình Liêu, điều kiện nhà nghỉ, khách sạn ở đây khá tốt. Ngoài ra du khách có thể chọn ngủ lều, homestay quanh khu vực”.
Trong hành trình chinh phục Sống lưng Khủng Long ở ngày 2, du khách nên leo vào sáng sớm tinh mơ để thời tiết mát mẻ, có nhiều thời gian check-in, nghỉ ngơi ở dọc đường. Nếu leo muộn, trưa nắng lên sẽ mệt, khi xuống mặt trời hắt nắng rất khó chịu. Mặt khác, nếu trót dậy muộn hoặc đi vào buổi chiều, du khách nên đi muộn khi trời gần hết nắng. Cuối ngày, hoàng hôn buông xuống trên Sống lưng Khủng Long sẽ cho ra những tấm hình tuyệt đẹp. Tuy nhiên, du khách cũng nên lưu ý nếu thời tiết rét lạnh thì nên đi sớm hơn, vì trời sẽ tối rất nhanh so với ngày thường.
Chinh phục Cung đường từ thị trấn Bình Liêu lên cột mốc 1305 tuyệt đẹp và hùng vĩ như đường Hạnh Phúc lên Hà Giang của Đông Bắc (Ảnh: Thắng Nguyễn)
Anh Nhân cũng chia sẻ thêm, ẩm thực ở đây khá đa dạng, phong phú. Các nhà hàng, quán ăn phục vụ nhiều món đặc sắc du khách nên nếm thử như Gà Tiên Yên, khâu nhục, bánh gật gù (hay còn gọi là bánh Yếu). Thời điểm này, các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn huyện đang tập trung sửa chữa, chỉnh trang cơ sở vật chất để chuẩn bị đón lượng khách du lịch cao điểm trong năm.
Bà Hoàng Thị Cam – chủ homestay Hải Oanh (xã Lục Hồn), cho biết: Cũng như mọi năm gia đình tôi cũng đã chuẩn bị phòng nghỉ chu đáo để đón khách du lịch. Đến với homestay của gia đình, ngoài việc tạo cho du khách không gian nghỉ dưỡng sạch sẽ, an toàn, thoải mái, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm, nguyên liệu để cùng nấu và giới thiệu đến du khách những món ăn truyền thống địa phương như các loại bánh ngải, bạc đầu, coóc mò… xôi nếp lá gừng mừng lễ cơm mới dịp Hội mùa vàng.
Theo chị Phạm Thị Thùy Dương – 38 tuổi – Du khách Hà Nội: Vi vu Bình Liêu vào thu, để lưu giữ cho mình những bức ảnh tuyệt đẹp. Ngắm nhìn một Bình Liêu hoang sơ, cuốn hút với những cung đường uốn lượn quanh đồi núi, giữa bạt ngàn lau trắng, lúa vàng và gió mát lành sẽ khiến tôi quên đi hết những âu lo, muộn phiền của cuộc sống.
Nếu bạn muốn khám phá thì hãy lên kế hoạch ghé thăm Bình Liêu ngay nhé, để được đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lắng nghe hơi thở của núi rừng và tận hưởng trọn vẹn những ngày thu lãng mạn, bình yên.
Thung Nai mùa thu, ngày nắng
Đường vào Thung Nai được làm rất đẹp, quanh co uốn lượn qua những cánh đồng còn vương sắc vàng mùa gặt, những dãy núi xanh xanh nhấp nhô uốn lượn.
Hơn 40 năm từ ngày khởi công, gần 30 năm từ ngày hoàn thành, công trình thủy điện trên sông Đà được khởi công vào ngày 6/11/1979, khánh thành ngày 24/12/1994 , góp phần to lớn cho việc cung cấp năng lượng cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Có được thành công ấy, hơn 4.000 hộ dân phải di dời nơi ở, cả phần mộ tổ tiên nhường đất cho lòng hồ tích nước phát điện.
Chỉ hơn một giờ chạy xe từ Hà Nội, bạn có thể rời xa cao tốc, chung cư, những con đường nườm nượp người xe để đến với Thung Nai, điểm du lịch bình yên trong lành với nhiều nét đáng yêu.
Cảnh sắc tại Thung Nai. Ảnh: Phạm Tuấn
Cách thành phố Hoà Bình chừng 14 km, đường vào Thung Nai được làm rất đẹp, quanh co uốn lượn qua những cánh đồng còn vương sắc vàng mùa gặt, những dãy núi xanh xanh nhấp nhô uốn lượn. Mải mê cảnh sắc, chỉ thoáng chốc là đến được bến thuyền.
Mọi người thường chọn nơi đây làm nơi hành hương đi lễ đầu năm cầu an, cầu may, nhưng Thung Nai mùa thu có vẻ đẹp riêng khác với cảnh bảng lảng khói sương trên mặt hồ mùa xuân. Mùa thu, khách thưa vắng hơn, nhờ thế mà cảm nhận sự yên bình, trong sạch, tĩnh lặng hơn hẳn khi hội xuân đông đúc.
Nếu hỏi Thung Nai có gì không ? Với người ưa tham gia hoạt động sự kiện thì có thể sẽ trả lời không có gì. Nhưng với người yêu thiên nhiên thì Thung Nai lại có rất nhiều. Có mặt hồ trong xanh lặng sóng như tấm thảm nhung xanh in bóng mây trời. Có gió thổi mát dìu dịu từ các triền núi đưa xuống mang cả hương sắc núi rừng.
Đền Thác Bờ - một điểm thăm quan tại Thung Nai. Ảnh: Phạm Tuấn
Không gian yên ắng, chỉ nắng vàng trải đều trên các triền núi, dát lên những con sóng lăn tăn của mặt hồ. Từng đàn cá cứ bơi lượn tung tăng dưới làn nước trong vắt tạo nên khung cảnh thật thơ mộng.
Núi ở đây có thảm thực vật phong phú hơn cả vịnh Hạ Long, hồ lại được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp mây trắng bay lững lờ ngang núi dưới nắng thu, cảnh sắc này ở vịnh Hạ Long khó mà có được. Tàu thuyền chạy trên hồ cũng không tấp nập, giúp du khách thoải mái tận hưởng cảm giác hoà mình vào với thiên nhiên như bay bổng giữa trời mây non nước.
Xa xa, có những nếp nhà sàn của dân tộc Mường nằm sát ven mép nước, thấp thoáng dưới bóng cây xanh, chỉ thế thôi mà giúp không gian nơi đây thấm đẫm văn hoá Thái , Mường. Cảm giác ngột ngạt khói bụi như được đẩy trôi theo dòng nước mà chân vịt tàu đẩy lại phía sau.
Đền Thác Bờ là điểm dừng chân cho du khách bái vọng và tưởng nhớ công lao người con gái xứ Mường - Đinh Thị Vân có công giúp vua Lê Lợi vận chuyển quân lương qua khu vạn thác có hàng trăm mỏm đá lô nhô trên sông Đà ngược lên Mường Lễ, Sơn La đánh dẹp quân phản loạn Đèo Cát Hãn. Hoá rồi bà hiển linh giúp đỡ con dân nên miếu bà hết sức linh thiêng.
Trải nghiệm ẩm thực tại Thung Nai. Ảnh: Phạm Tuấn
Từ đền Thác Bờ có thể phóng tầm mắt ra bao trọn quang cảnh trời nước mênh mông của Thung Nai với những đảo đá xinh xắn nằm rải rác trên mặt hồ. Điểm tiếp theo là động Thác Bờ nằm lọt dưới vách đá dựng đứng như bức tường đá khổng lồ, hồ đang thời điểm tích nước nên nước dâng cao đến tận thềm lên động men lối đi lên bái Phật cầu an cùng ngắm những nhũ đá với đủ hình thù kỳ thú, không khí trong động mát lạnh, mùi hương trầm như quyện sâu hơn trong khung cảnh huyền bí, trang nghiêm.
Trải nghiệm ẩm thực với gà luộc lá chanh, cá hồ rán giòn, thịt lợn Mường quay lá mắc mật trên thuyền rất thú vị. Thịt gà trắng da vàng ươm mà không quá béo, thịt chắc ngọt. Lợn quay bì giòn thịt mềm vừa chín tới rất vừa miệng thơm thơm vị lá mắc mật. Cá sông chiên sả lá lốt không hề có vị tanh mà dai dai ngòn ngọt. Quả lặc lè luộc là điểm nhấn trong đĩa rau củ luộc, ăn giòn giòn man mát ngòn ngọt mà không ngán.
Vừa ăn vừa nhẩn nha nhìn ngắm mây trắng bay trên đời, nước xanh trôi dưới chân, gió mùa thu thổi mát dịu không gian thoáng mở, sạch sẽ. Bụng ấm rồi thì lên dạo trên đảo Dừa, dừng chân bên quán nước, thả mình xuống võng uống nước dừa lạnh và chầm chậm lim dim, một cảm giác rất dễ chịu.
Văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10 tại Thung Nai. Ảnh: Phạm Tuấn
Tiếng hát hò cùng tiếng trẻ con bơi thuyền và xuống tắm hồ ồn ã đánh thức để du khách lại tiếp tục với các trải nghiệm.
Bao nhiêu dòng suối cùng nước sông Đà dồn về đây, nên mức nước ở lòng hồ sâu tới hàng trăm mét, những đợt xả nước phát điện làm mức nước tụt xuống 3 - 4 chục mét mà lòng hồ vẫn sâu thăm thẳm. Nằm phía dưới mặt nước xanh là mảnh đất trước kia từng là bản mường trù phú, là quê hương của biết bao gia đình.
Ngày nay, nguồn lợi thuỷ sản từ lòng hồ và dịch vụ du lịch giúp đời sống kinh tế nhân dân nơi đây phát triển thịnh vượng hơn trước kia rất nhiều. Dịch vụ du lịch giao lưu văn hoá giúp cho mảnh đất nơi đây khởi sắc người dân năng động mà vẫn giữ được nét duyên của sự thật thà.
Xa Thung Nai mùa thu ngày nắng mà lòng cứ ngơ ngẩn vì với cảnh sắc này nếu làm tốt hơn nữa sẽ phát triển du lịch được hơn nữa.
Bắt đầu bằng việc hãy dùng tàu chạy bằng điện để tránh gây ồn và ô nhiễm trên mặt hồ. Nơi lưu trú qua đêm được đầu tư tốt hơn sẽ là điểm lý tưởng để tổ chức hội thảo, hay giao lưu họp lớp, hội khoá các lễ kỷ niệm đang có xu hướng rời thành phố đến với hòn ngọc xanh Thung Nai "sơn thuỷ hữu tình".
LAMORI - Bước ngoặt lịch sử Chào tháng 9 với nhiều sự kiện lịch sử, LAMORI Resort & Spa sẽ được vận hành. Tự hào mang dấu ấn đậm sâu báo đáp ân tình quê nhà trên mảnh đất địa linh nhân kiệt thân thương - Thanh Hóa. Công trình tọa lạc tại vị trí trọng yếu, ngay tại trung tâm huyện Thọ Xuân, gần di tích Lam Kinh...