Mùa ruốc về
Mùa cào ruốc vùng biển Hội An (Quảng Nam) thường bắt đầu từ dịp tết cổ truyền và kết thúc vào cuối tháng 4. Những ngày này, từ sáng sớm, nhiều du khách đã háo hức ra mé biển An Bàng – Cửa Đại tận mắt chứng kiến từng tốp ngư dân ngực trần, chân đất đạp sóng giăng những mẻ lưới cào ruốc.
Những ngày trời yên biển lặng, ruốc về dày đặc. Đi dọc các làng chài cảm nhận mùi ruốc nồng nồng phả theo những cơn gió nồm. Nhưng thích nhất khi đến mùa ruốc là thực đơn tại quán cơm, nhà hàngphố Hội phong phú nhiều món từ ruốc tươi, góp phần tạo nên nét độc đáo trong ẩm thực biển xứ Quảng.
Khách phương xa ghé thăm Hội An trong tiết trời còn chút se lạnh của ngày giêng hai mà được thưởng thức một bát canh ruốc nghi ngút khói, điểm màu đỏ của cà chua thì thật sảng khoái, không gì bằng. Gọi là canh ruốc vì nguyên liệu chủ yếu là ruốc. Bên cạnh cà chua làm phụ gia người ta còn dùng khế, đúng điệu hơn phải có cả húng quế… để kích thích thêm vị giác.
Ruốc khá hợp với những loại rau vườn nhà như cải rổ, bông bí, cần tây và ruốc tươi xào đã trở thành món ăn quen thuộc, ưa thích của cả thực khách khó tính nhất. Đặc biệt là ruốc xào với các loại đậu và người Hội An có “tuyệt chiêu” xào ruốc tươi với đậu rồng nên món ăn này lúc nào cũng “cạn hàng” trước tiên.
Video đang HOT
Du khách lưu trú dài ngày thì thích cùng bạn hữu quây quần bên manh chiếu trải bên bờ biển thong thả nhâm nhi món gỏi ruốc. Nhiều người nói gỏi ruốc Hội An là món hảo hạng, một phần cũng nhờ người chế biến khá hiểu con ruốc. Ruốc không chỉ tươi, vừa mới đánh bắt lên còn nhảy tanh tách mà phải tìm cho được loại ruốc màu nâu đỏ để làm gỏi.
Theo kinh nghiệm người đi biển, ruốc đỏ là loại ngon nhất, còn ruốc màu nâu sậm là ruốc già, nâu hồng nhạt là ruốc non, ruốc già và non thường chất lượng không ngon bằng. Ruốc được nhặt rác, rửa sạch bằng nước biển, vắt ráo nước cho vào một tô lớn rồi vắt chanh vào, ướp khoảng mươi phút là ruốc chín, không còn mùi tanh. Ruốc đủ độ chín cho thêm chút đường, tiêu, gừng thái chỉ, ớt cắt mỏng, rau thơm… vào là thành món gỏi ruốc. Miếng gỏi ruốc ngọt ngào, mềm mềm, thơm phức hòa quyện cùng vị cay nồng nồng của ớt, của gừng không chỉ là món nhậu hấp dẫn mà còn có tác dụng kích thích dạ dày, dễ tiêu, có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Vào những ngày ruốc lên rộ, sản lượng đánh bắt nhiều vô kể, lại thêm món ruốc khô phơi nắng. Ruốc khô phố Hội hình như quá quen thuộc và nhiều du khách không thể bỏ qua được lời mời cùng với nụ cười đôn hậu của cô bán hàng xứ biển: “Mua một ít ruốc khô về làm quà đi anh, chị!”.
Theo Tuoitreonline
Thơm ngon ruốc xào đậu rồng non
Con ruốc khi được xào với đậu rồng thì tỏa mùi thơm ngọt ngào bay khắp xóm.
Những ngày vào vụ ruốc, đi dọc các làng biển, mùi ruốc nồng nồng phả theo những cơn gió nồm mang hương vị làng chài không lẫn vào đâu được.
Ruốc làm được nhiều món ngon. Nếu thích ăn ruốc còn tươi, có thể nấu canh với mướp, khổ qua, rau nhớt, rau tập tàng..., món nào cũng ngon tuyệt. Ruốc tươi cũng là một món hảo hạng khi được xào với giá đậu, cải tươi hoặc những loại rau vườn nhà quen thuộc như cải rổ, bông bí, cần tây. Ngoài ra còn có một "tuyệt chiêu" khác: ruốc tươi hoặc ruốc một nắng xào với đậu rồng. Đó là một phát hiện mới đầy "hứa hẹn" của các bà nội trợ.
Đậu rồng được nhiều người trồng vào mùa hè, đến cuối năm hết mưa, nắng ấm trái sai oằn dây. Loại đậu này có thể ăn sống, nấu canh, làm gỏi hoặc xào đều ngon, cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Nên chọn hái trái mập, thẳng, còn non về rửa sạch rồi thái ra từng đoạn ngắn vừa ăn.
Con ruốc xào đậu rồng là một phát hiện thú vị của các bà nội trợ. Ảnh: Mỹ Tuyêt
Phi hành tỏi cho thơm rồi cho ruốc vào đảo qua, sau đó cho đậu rồng vào. Ruốc càng nhiều thì chảo xào mới ngon. Đậu rồng non, trái chia từng khía nên cũng nhanh thấm gia vị và nhanh chín. Khi lửa bén, chảo ruốc xào bốc khói nghi ngút cũng là lúc mùi thơm bay tỏa khắp nhà. Kỳ thực, con ruốc còn tươi có mùi ngai ngái nồng nồng nhưng khi được xào với trái đậu rồng thì nó tỏa mùi thơm ngọt ngào bay khắp xóm. Khi xào chín, người đảm đương khâu đầu bếp cho thêm gia vị và ít rau nêm, thế là cả nhà có một bữa ăn như ý.
Ngoài ăn với cơm, món bánh tráng nướng xúc ruốc xào đậu rồng còn được các đấng mày râu ở quê xem là một món "bắt" mồi rất nhanh. Trong những lúc chiều tà rảnh rỗi, mấy anh em hàng xóm trải chiếu ra bên hiên nhà, ngồi lai rai rất "đưa" mồi, ai cũng khen ngon khen ngọt.
Đi liền với những món được chế biến từ ruốc tươi, con ruốc phơi khô cũng là một thực phẩm tiện lợi khi sử dụng, thơm ngon, được để dành sử dụng cho nhiều món ăn khác nhau.
Theo Mỹ Tuyêt (ihay)
Đậm đà ruốc sả xứ Huế Món ruốc sả với hương vị béo béo, bùi bùi, đậm đà và hơi cay đúng chất Huế rất bình dị và ngon miệng. Thành phần chính của món ăn này chính là ruốc và sả. Tùy theo sở thích của từng người hay để tăng thêm độ thơm ngon có thể thêm vào món ăn chút thịt lợn hoặc thịt bò băm...