Mùa rau sắng…
Sau Tết, những cơn mưa xuân lất phất bay, ấy là khi những cây rau sắng mơn mởn vươn lên đón lấy khí xuân, bật ra lộc biếc. Quãng độ sang tháng hai âm lịch, khi xuân đang độ chín, người dân bắt đầu thu hái những lá non, đọt mầm hoặc chùm hoa từ cây rau sắng.
Chiều nay có người bạn ở Phủ Lý gửi biếu vài mớ rau sắng. Thật là đáng quý bởi “của một đồng, công một nén”, bạn chẳng quản ngại đường xa mang về Hà Nội làm quà. Vừa tỉ mẩn nhặt rau, tôi vừa chợt nhớ bao câu chuyện xa gần về loại rau đặc biệt này.
Rau sắng có nhiều tên gọi khác nhau như: Rau ngót rừng, cây mì chính, tắc sáng, pắc van… nhưng ở vùng miền nào cũng đều nhắc tới vị ngọt tự nhiên của loại rau này. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, rau thường là những cây thân bụi, thấp. Riêng rau sắng lại là dạng cây thân mộc, mọc ở các vách đá của núi đá vôi. Thân cây to cao, đường kính thân có thể tới 20 – 30cm. Vậy nên, người ta thường phải trèo lên cây để hái rau. Cuối mùa đông, cây sắng rụng hết lá già, đầu xuân, cây bỗng cựa mình bật ra những lá xanh non mềm mại.
Với cây rau sắng, các bà các mẹ có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Phần lá non, đọt thân thường được nấu với tôm nõn, thịt vai xay, sườn, hến, cá rô, cá quả… mỗi món ăn cho ta một hương vị khác nhau. Chùm rồng rồng được các bà các mẹ xào với thịt bò, đập thêm vài nhánh tỏi, rắc xíu hạt tiêu là có thể ăn với cơm nóng được rồi. Thịt bò thơm mềm quyện cùng rồng rồng ròn ngọt, thật là đưa cơm lắm. Quả sắng khi chín ăn ngọt như mật ong. Người ta thường tách vỏ để lấy hạt, ninh với xương cũng trở thành món canh ngon và bổ dưỡng.
Video đang HOT
Có điều khá thú vị, một số người có thói quen “nấu suông” canh rau sắng và không bao giờ cho mì chính. Người sành ăn cho rằng, chỉ khi ta ăn rau sắng nấu suông, thì mới có thể cảm nhận được hết vị ngọt thanh mát của loại rau này. Dường như, bao tinh túy của đất trời, sương sớm đọng cả vào bát canh. Đặc biệt, rau sắng nấu với cá tràu còn là một món ăn “tiến vua” từ xa xưa. Món canh nấu tuy đơn giản nhưng vị ngọt của rau thật hợp vị với thịt thơm, dai chắc của loài cá này.
Theo dân gian, rau sắng hái ở chùa Hương và Kim Bảng, Hà Nam thường có hương vị đặc biệt, thơm ngọt đậm đà hơn các nơi khác. Dường như, với nhiều người, được vãn cảnh chùa Hương và mua vài mớ rau sắng đầu mùa là một thói quen tao nhã. Thi sĩ Tản Đà cũng là người như vậy, trong một lần không đi được lễ hội chùa Hương, ông đã cho đăng bài “Rau sắng chùa Hương” trên báo. Những vần thơ của ông nhanh chóng nổi tiếng và được nhiều người biết đến: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa/ Mình đi ta ở lại nhà/ Cái dưa thì khú cái cà thì thâm”. Một nữ độc giả từ Phủ Lý đã gửi tặng thi sĩ Tản Đà rau sắng cùng bài thơ họa lại rất thú vị: Kính dâng rau sắng chùa Hương/ Tiền đò đỡ tốn con đường đỡ xa/ Không đi thời gửi lại nhà/ Thay cho dưa khú cùng là cà thâm”. Câu chuyện đã trở thành một giai thoại nổi tiếng thời đó.
Mùa rau sắng lại tới, ta chẳng nên bỏ lỡ hương vị đặc biệt của những món ăn được chế biến từ loại rau đặc biệt như vậy.
Vy Anh
Ấn tượng món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng" Buôn Đôn
Buôn Đôn không chỉ lừng danh với những câu chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng một thời mà còn được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nguyên dược liệu, rau rừng đa dạng từ rừng khộp.
Từ đó tạo nên sự phong phú trong ẩm thực của cộng đồng các dân tộc anh em Êđê, M'nông, Lào nơi đây. Trong đó có thể kể đến là món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng".
Anh Y Danh Niê trổ tài nấu "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng" cho khách du lịch.
Canh bồi măng lửa rau ngót rừng là một trong những món ăn truyền thống của người dân ở khu du lịch Buôn Đôn. Để làm được món canh này đúng "chuẩn vị Buôn Đôn" đòi hỏi người chế biến phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu.
Anh Y Danh Niê, buôn Jang Lành, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cho biết: Với người dân sống bên bìa rừng, rừng khộp không chỉ đóng vai trò là lá phổi xanh của Buôn Đôn mà nơi đây còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào theo mùa. Có những loại rau hoặc cá chỉ có ở rừng khộp mà không nơi nào có. Đặc biệt là đầu mùa mưa này măng lửa bắt đầu mọc và phát triển rất nhanh. Sở dĩ người dân ở đây gọi là "măng lửa" bởi sau khi đốt thực bì những cây le trở nên trơ trụi và xơ xác, đến khi gặp thời tiết thuận lợi, mưa xuống chúng bắt đầu nhú măng và tươi xanh trở lại. Thời điểm này bà con vào rừng bẻ măng, hái rau ngót rừng làm các món ăn truyền thống trong đó có "Canh bồi rau ngót rừng".
Nguyên liệu làm món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng" bao gồm măng lửa, rau ngót rừng, một ít gạo đã được ngâm, lá yao, lá keo rừng, xương sườn heo và gia vị cần thiết như củ nén (hành tăm) muối, ớt, bột ngọt. Tất cả các nguyên liệu làm sạch, để tiết kiệm thời gian nấu, phần xương sườn thịt heo được đem hầm trước cho nhừ. Phần gạo ngâm được giã nhuyễn với lá yao (một loại lá tạo màu được dùng trong các món canh bồi của cộng đồng người Tây Nguyên) - đây là một trong những nguyên liệu giúp cho món này lên màu đẹp mắt. Khi phần thịt trong xương đã đến độ chín cũng là lúc bắt đầu bỏ măng lửa đã luộc sẵn vào, tiếp đó cho rau ngót rừng. Khi thấy măng với rau ngót chín cho phần bột gạo đã hòa tan với nước.
Để nồi canh chín đều và không bị vón cục khâu này đòi hỏi người nấu phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục khuấy đều tay, đồng thời nêm gia vị. Theo anh Y Danh, điều quan trọng nhất khi làm món này phải làm sao cho có độ cay của ớt mới ngon. Đồng thời trước khi bắc nồi canh xuống không quên bỏ thêm lá keo rừng để tạo mùi thơm đặc trưng - đây chính là bí quyết để nấu món này ngon. Thường món canh bồi rau ngót rừng này được ăn với cơm nóng hoặc dùng không như món súp thông thường.
Chị Lê Tú Anh - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: "Trong thời gian 3 ngày lưu trú tìm hiểu cuộc sống của bà con tại vùng đất Buôn Đôn tôi đã có nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị, nhất là được khám phá ẩm thực trong văn hóa của người dân Buôn Đôn. Trong số các món ăn, tôi đặc biệt ấn tượng về món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng", có vị ngọt của xương hòa quyện với măng, mùi thơm của lá keo rừng và vị cay nồng của ớt... tạo cho tôi cảm giác vừa ngon, vừa lạ miệng. Món ăn này không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nơi đây mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Nhiều nguyên liệu kết hợp lại với nhau tạo nên một món ăn ngon, đậm vị mang bản sắc riêng. Tôi rất thích điều đó! Không những tôi mà những người bạn nước ngoài đi chung với tôi cũng rất hứng thú và hy vọng sẽ có dịp trở lại nơi đây".
Trước đây các món ăn truyền thống của người dân chỉ phục vụ các bữa ăn trong gia đình, tuy nhiên do thị hiếu của khách du lịch nên giờ đây những món ăn dân dã đó đã trở thành đặc sản hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi khi có dịp đặt chân lên mảnh đất Buôn Đôn.
9X mách cách ngâm nước dâu tằm ngọt ngào thơm nức mũi chẳng sợ màng, hỏng Để nước dâu tằm ngâm không bị màng, hỏng và luôn thơm ngọt cần có bí quyết riêng. Nước dâu tằm được rất nhiều người yêu thích vì có hương vị thơm ngon, hấp dẫn, lại có tác dụng giải khát trong ngày hè. Cứ đến giữa tháng 3, đầu tháng 4, dâu tằm được bày bán khắp các chợ. Đây chính là...