Mua ôtô cũ 300 triệu đồng, chi 8,2 triệu đồng mua bảo hiểm
Dù là ôtô mới hay cũ, nhiều chủ xe cũng chấp nhận chi tiền triệu mua bảo hiểm để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Thị trường mua bán ôtô đã qua sử dụng đang có sức hấp dẫn và nhộn nhịp không kém gì mua bán ôtô mới tại các đại lý. Ở Việt Nam những năm gần đây, mức thu nhập cải thiện cũng khiến nhu cầu người dân được nâng cao, qua đó càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng ôtô.
Sau khi sở hữu ôtô, bất kể cũ hay mới, điều người dùng quan tâm luôn là vấn đề mua bảo hiểm cho xe.
8 triệu đồng/năm mua bảo hiểm cho xe cũ
Anh Nguyễn Hùng (Bình Dương) chia sẻ vừa mua bảo hiểm cho chiếc Cruze đã 9 năm tuổi mà mình mới tậu.
“Tôi chỉ an tâm khi chạy xe đã có mua bảo hiểm. Nếu có mượn xe người khác để sử dụng, tôi cũng phải biết chắc rằng xe đó đã được chủ xe mua bảo hiểm thì mới tự tin cầm lái”, anh Hùng chia sẻ lý do quyết định mua bảo hiểm cho ôtô cũ.
Theo thông tin mà anh Hùng chia sẻ, giá trị chiếc Chevrolet Cruze mà anh vừa mua là 300 triệu đồng nhưng phí bảo hiểm mà anh phải đóng lên đến xấp xỉ 8,2 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 2,7% giá trị xe.
Một đoạn trong hợp đồng bảo hiểm cho chiếc ôtô cũ của anh Hùng. Ảnh: NVCC.
Anh Hùng được nhân viên tư vấn bảo hiểm lý giải về mức phí cao do đây là hợp đồng bảo hiểm 2 chiều, nghĩa là bao gồm cả bảo hiểm vật chất xe và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Ngoài ra, phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng của anh Hùng còn ghi nhận rằng công ty bảo hiểm sẽ bồi thường trong trường hợp mất toàn bộ xe do trộm cướp.
Chi phí sửa chữa, thay thế trong trường hợp nước lọt vào động cơ gây ra hiện tượng thủy kích cũng sẽ được bồi thường, nội dung của điều khoản mở rộng ghi rõ.
“Dù là xe mới hay xe cũ thì tôi cũng sẽ chọn việc chi tiền cho bảo hiểm”, anh Hùng kết luận.
Trong khi đó, anh Hải Thanh (TP.HCM) vẫn đang phân vân trước những lời mời chào mua bảo hiểm vật chất cho chiếc xe cũ vừa mua.
Anh Thanh cho biết hồi tháng 6 đã bỏ ra 200 triệu đồng mua về chiếc xe Toyota Camry cũ từ người bạn.
Anh chia sẻ chiếc xe này là tài sản thanh lý của một cơ quan nhà nước, được người quen mua lại rồi sử dụng trong khoảng 3 năm trước khi bán lại cho anh.
Nhiều chủ xe ngại mua bảo hiểm vật chất cho ôtô cũ vì nghĩ không cần thiết. Ảnh: Minh Anh.
“Tuy vẫn còn chạy tốt nhưng ngoại thất xe đã xuống cấp, chiếc Camry của tôi cũng không còn mới đẹp. Giờ bỏ ra tiền triệu mua bảo hiểm vật chất cho xe thì hơi xót”, anh Thanh đắn đo vì chủ yếu cũng chỉ di chuyển gần nhà.
Video đang HOT
Anh Hải Thanh cũng cho biết đã hoàn thành việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, chỉ đang phân vân trước mức phí bảo hiểm vật chất với khoản phí tối thiểu 1,5% giá trị chiếc xe.
Không khó mua bảo hiểm cho ôtô cũ
Anh Nguyễn Vinh, chuyên viên kinh doanh của một công ty bảo hiểm đang làm việc tại TP.HCM, cho biết nếu xe đã có hợp đồng bảo hiểm vật chất còn hiệu lực, trừ trường hợp chủ xe cũ hoặc bên mua bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hợp đồng, việc thay đổi chủ sở hữu xe sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm.
“Hợp đồng bảo hiểm được lên dựa trên số khung, số máy, do đó tên chủ xe không quan trọng”, anh Vinh cho hay.
Mua bảo hiểm vật chất là hình thức giảm thủi rủi ro khi sử dụng ôtô. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Trả lời Zing về những lo ngại liên quan đến ôtô cũ từng được tân trang, anh Vinh cho biết nếu xe đã qua được đăng kiểm thì công ty bảo hiểm vẫn chấp thuận làm hợp đồng bảo hiểm.
“Chỉ cần giấy đăng kiểm hợp lệ thì công ty sẽ tiến hành lập hồ sơ bán bảo hiểm cho khách có nhu cầu”, anh Vinh kết luận.
Anh Vinh tư vấn ngay cả với ôtô đã qua sử dụng, chủ xe cũng nên xem xét chi thêm điều khoản bổ sung liên quan đến mất cắp bộ phận để vẫn được chi trả trong trường hợp bị trộm phụ tùng trên xe như gương hay logo.
Dựa trên những lợi ích mà bảo hiểm vật chất mang lại, chuyên viên này cũng khuyên các chủ xe không nên đắn đo khi quyết định mua bảo hiểm cho ôtô bất kể tình trạng xe.
Theo dữ liệu từ Chợ Tốt Xe cho thấy trong tháng Ngâu, ngoại trừ Ford Ranger thì các mẫu xe cũ nhận được lượng tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng này đều có giá bán dưới 600 triệu đồng.
Cụ thể, Hyundai Accent các đời 2022 và 2018 dẫn đầu danh sách, tiếp theo là Ford Ranger 2022. Trong tháng Ngâu, người dùng tìm thông tin về Kia Morning 2018 nhiều thứ 4, trong khi Toyota Vios đời 2017 cũng sở hữu mức độ quan tâm không kém.
Các mẫu xe còn lại trong danh sách được tìm kiếm nhiều nhất trong tháng Ngâu bao gồm Honda City đời 2019, Kia Morning đời 2017, Toyota Vios đời 2018, Hyundai Grand i10 đời 2019 và Mitsubishi Xpander đời 2020.
Rủi ro khi mua ôtô cũ
Tìm đến ôtô đã qua sử dụng để hy vọng có thể nhận xe ngay, người tiêu dùng cần cẩn trọng để tránh rơi vào những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường thứ cấp.
Nhu cầu tìm đến các ôtô đã qua sử dụng tăng cao khi hàng chờ mua xe mới ngày một kéo dài. Lợi thế của thị trường thứ cấp là xe có sẵn và gần như có thể nhận ngay khi xuống tiền.
Tuy nhiên ẩn chứa phía sau những lời mời chào hấp dẫn là nhiều rủi ro và cạm bẫy mà người mua xe cũ cần đặc biệt lưu tâm.
Chất lượng không đảm bảo
Câu chuyện thường gặp của những người mua ôtô cũ là chọn nhầm xe "phục chế".
Không ít xe gặp nghiêm trọng nhưng trải qua quá trình phục chế đã trở về hình dạng ban đầu với nước sơn, vẻ ngoài long lanh không khác gì xe lăn bánh từ đại lý.
Tuy nhiên dù có được đầu tư sửa chữa đến mức nào, động cơ cũng như hệ thống lái sau va chạm đã không còn duy trì được chất lượng như ban đầu.
Anh Hoàng Phong (TP.HCM) cho biết mình suýt là nạn nhân của trò phù phép này.
"Chiếc ôtô hạng B mà tôi định mua còn khá mới, chỉ vừa lăn bánh hơn 10.000 km và được chủ xe rao bán với giá 500 triệu đồng. Sau khi xem xét kỹ, tôi thấy sinh nghi nên lên mạng dò xét thì tìm thấy thông tin chiếc xe đã từng gặp làm hư hỏng nghiêm trọng", anh Phong thuật lại.
Theo các dân buôn dày dặn trong nghề, những chiếc xe do cá nhân đăng bán thường rơi vào trường hợp này.
Nên tìm đến các cửa hàng kinh doanh ôtô cũ có uy tín để mua xe. Ảnh: Bối Hạ.
"Tâm lý người mua thường tin tưởng những quảng cáo xe cũ do gia đình sử dụng. Do đó các gian thương sẽ gửi đăng bán xe dưới danh nghĩa cá nhân để lợi dụng lòng tin này", anh Thanh Trường (TP.HCM), chủ một đại lý ôtô cũ, nhận định.
Theo anh Trường, người mua nên liên hệ với các đại lý ôtô cũ có uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng xe đã qua sử dụng.
Người này cũng khuyến cáo những ai có nhu cầu mua ôtô cũ nên dành thời gian trải nghiệm chiếc xe thật kỹ trước khi ra quyết định.
"Cầm lái ít nhất 30 phút trên đường với chiếc ôtô định mua sẽ giúp bạn hiểu được mình có phù hợp với chiếc xe hay không, cũng như dễ phát hiện những lỗi tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình sử dụng", anh Trường cho biết.
Việc tự mình cầm lái sẽ giúp người mua hiểu chiếc xe hơn, cũng như phát hiện những lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sử dụng. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Chủ đại lý ôtô tại quận 8 này cũng khuyên người tiêu dùng nên thử xe ở nhiều điều kiện đường xá khác nhau để khai thác hết mọi khả năng của chiếc xe.
"Tốt nhất là vận hành trên quãng đường thường xuyên di chuyển mỗi ngày", anh Trường kết luận.
Bị "hớ" vì không tìm hiểu kỹ giá cả
Không giống với xe mới tại các đại lý được niêm yết giá rõ ràng, những chiếc xe cũ đã qua sử dụng thường được định giá dựa trên phần nhiều cảm tính của chủ xe, cũng như sự đồng thuận từ người mua.
Thực tế trên các thị trường thứ cấp hiện nay, tình trạng giá xe cũ có giá cao hơn cả giá xe mới tại đại lý là điều không quá hiếm gặp.
Tuy nhiên hiện tượng này có thể được lý giải một phần do tình trạng khan hàng mà gần như tất cả hãng xe tại Việt Nam đều mắc phải.
Ngay cả với dịch vụ ôtô cũ chính hãng Toyota Sure, giá một số xe đã qua sử dụng cũng được niêm yết cao hơn giá bán ôtô mới.
Cụ thể, một chiếc Corolla Cross 1.8V màu đỏ đời 2020 lăn bánh 9.600 km, sau quá trình kiểm định chất lượng do hãng thực hiện đã được rao bán với giá 900 triệu đồng.
Toyota Corolla Cross lăn bánh 9.600 km được rao bán cao hơn giá ôtô mới.
Mức giá này chênh lệch khá nhiều với mức niêm yết chính hãng hiện ghi nhận trên website là 846 triệu đồng.
Tuy nhiên có thể xem phần chênh lệch này là chi phí mà khách hàng phải trả để sở hữu ngay xe, thay vì phải chờ đến ít nhất tháng 11 để nhận xe mới.
Do đó trước tình hình giá bán thiếu ổn định trên các thị trường thứ cấp, người dùng có nhu cầu mua ôtô cũ nên tìm hiểu kỹ lưỡng, đồng thời tham vấn thêm ý kiến từ những người có kinh nghiệm để định hình mức giá phù hợp nhất cho xe và nhu cầu sử dụng.
Tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo
Anh Hồng Đăng (An Giang) kể lại câu chuyện suýt bị lừa tiền cọc khi tìm mua ôtô cũ.
"Tôi lên mạng xã hội tìm hiểu thì thấy có người đăng bán chiếc Vios đời 2018 mới đi 20.000 km với giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, người này ở Đà Nẵng nên đề nghị tôi đặt cọc 10 triệu đồng để giữ chỗ", anh Đăng nhớ lại.
Do sinh nghi, anh Đăng không chuyển tiền mà đề nghị được gặp trực tiếp để kiểm tra tình trạng xe trước khi quyết định xuống tiền.
Sau khi kì kèo mãi mà không thuyết phục được "con mồi" chuyển tiền cọc, người rao bán xe kia lập tức dừng cuộc trò chuyện và chặn mọi liên lạc với anh Đăng.
"Đem câu chuyện của mình chia sẻ lên mạng xã hội, tôi mới biết mình không phải là nạn nhân duy nhất của trò lừa đảo này", anh Đăng cho biết.
Ngoài ra, tình trạng làm giả giấy tờ xe tuy hiếm gặp nhưng cũng không phải chưa từng xảy ra.
Người mua xe cũ cần sang tên, đổi chủ đúng quy định để đảm bảo tính pháp lý. Ảnh: H.Q.
Sau khi cầm cố tài sản cho ngân hàng, kẻ gian sẽ làm giả cà-vẹt xe rồi đem bán lại ở các tiệm cầm đồ. Sau nhiều lần đổi chủ, chiếc xe bị ngân hàng thu hồi và người chịu thiệt chính là chủ sở hữu cuối cùng của chiếc xe.
Do vậy khi mua xe, người tiêu dùng cần yêu cầu được sang tên ngay tại thời điểm hoàn thành xong các nghĩa vụ tài chính.
Trong quá trình sang tên, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đăng ký cũ và do đó có thể phát hiện tình trạng làm giả giấy tờ, giúp người mua xe tránh được các rắc rối về sau.
Không chờ được xe mới, người dùng tìm mua ôtô đã qua sử dụng Các hàng chờ kéo dài nhiều tháng khiến khách mua ôtô mất dần sự kiên nhẫn. Họ tìm đến thị trường xe cũ với hy vọng sớm có xe để sử dụng. Bước vào tuần cuối của tháng Ngâu, số lượng ôtô mới tại các đại lý vẫn chưa được cải thiện khiến thời gian giao xe tiếp tục kéo dài. Trước tình...