Mùa nhớ
Cuối năm rưng rưng những nỗi niềm day dứt nhớ. Ngày đông, tháng chạp, mùa nhớ.
Thành phố đang trở mình cho cuối năm, thay đổi mỗi ngày. Hôm qua, ngang qua ngã tư thấy gian hàng áo quần giảm giá sặc sỡ băngrôn, nhạc xập xình chờ khách. Hôm nay, hỏi thăm khi hàng xóm sơn lại hàng rào, chăm chút chậu cây, hân hoan chờ mùa mới. Cuối tuần đi chợ đã bắt gặp hàng rau bày bán kiệu tươi, dừa non, củ gừng chờ những bàn tay mua về ngâm gọt đây mà…
Người phụ nữ mở tủ, thoảng bay mùi long não, lấy ra vài chiếc áo ấm cho con, săm soi xem đứa nào còn vừa, đứa nào mau cao, cần phải mua mới. Sài Gòn không có rét đậm, áo khoác phần lớn chỉ để làm duyên vui vậy mà. Người lớn tự lục tìm lại chiếc áo ấm bị bỏ quên cả năm để mặc đi làm, cũng mang lại cảm giác lạ lùng: ngày tháng qua đi vùn vụt thế, mới đây mà nhanh thật…
Mùa này, có người về ngang đường cũ, quán quen, nghe hanh hao nỗi nhớ mùa xưa, một lời hẹn tưởng vu vơ mà nhớ mãi. Nơi ấy, vào một ngày se lạnh năm nào, đã cùng ai đó vừa ủ tay trong áo vừa hăm hở ăn kem. Kỷ niệm ngọt lừ và run run đến khắc khoải không ngờ.
Mùa này, có người khuya tan ca, chạy giữa thênh thang gió, thèm một hơi ấm xa xôi trong ký ức hôm nào. Ở góc đường vẫn gặp hai đứa trẻ co ro sau vành nón cũ, chờ đợi. Người ta thấy mình chạnh lòng thương cảm, dù thừa biết bọn trẻ bị chăn dắt, vẫn không sao đành đoạn đi qua được. hình ảnh tội nghiệp ấy đánh thức những khát khao mơ ước về một mái gia đình, một nơi chốn quay về, những gian bếp sáng ngọn đèn vàng ấm cũng đợi chờ.
Những kỷ niệm bâng quơ lẫn sâu sắc đan xen nhau trở về trong tiềm thức (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Mùa này, có người bên ly cà phê sáng chợt bâng khuâng nhớ làn khói đốt lá, đốt rơm rạ cuối năm, thèm một mùi hương quen thuộc đã lâu chẳng còn gặp nữa. Củ khoai vùi trong than đỏ, mùi bắp nướng quyện với mỡ hành, ơ cá kho quẹt nức mũi, hương thơm khó tả của lớp lá nấu bánh chẳng hạn… Người ta nhớ ra đã lâu không có dịp về thăm nhà, nhớ câu tự nhủ “lúc nào đấy”, nhớ mình còn nợ ai đó một chút gì thì phải.
Dường như tiết trời se lạnh dễ làm cho ai nấy đa cảm hơn, những kỷ niệm bâng quơ lẫn sâu sắc đan xen nhau trở về trong tiềm thức. Có khi đơn giản chỉ là một món ăn cũ, một cảnh vô tình gợi lại, một giọng nói, thậm chí chỉ là một tiếng chuông điện thoại trùng hợp cũng dễ dàng làm lòng người chùng xuống mênh mang. Những mối tình không đoạn kết cũng thường làm người ta đau đáu vào mùa “lạnh” nhất trong năm của đất phương Nam này. Người ta nhớ những ngón tay đan vào nhau, nhớ ánh mắt dịu dàng hay bẽn lẽn, nhớ màu áo trắng mà cô gái tinh nghịch gọi là áo bảy màu, nhớ cành hoa sứ nồng thơm trong ký ức một thời…
Người Sài Gòn có còn lãng mạn hay không nhỉ? Hay những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền đã làm cho cuộc sống khó khăn gói gọn trong hai chữ “giản tiện”, chẳng còn những buổi lang thang chỉ để lựa chọn từng tấm thiệp, mua vài món đồ trang trí lặt vặt, dông dài bạn bè những chuyện vu vơ nữa rồi? Băn khoăn rồi chợt hiểu rằng dù ít hay nhiều, vào những khoảnh khắc cuối năm rạo rực, hối hả, tất bật, cũng sẽ có người bất chợt dừng lại, ngoái nhìn, thấy lòng mình chênh chao nỗi nhớ, thấy tiếc năm tháng vừa qua chưa kịp làm gì nhiều, tặc lưỡi tự nhủ sẽ thế này thế khác…
Cuối năm rưng rưng những nỗi niềm day dứt nhớ. Ngày đông, tháng chạp, mùa nhớ, vậy mà…
Theo 24h
"Tôi đâu phải ô sin!"
"Từ nay, không có cơm nước gì nữa; ai đói thì tự nấu mà ăn, có đồ sẵn trong tủ lạnh"... "Có gì ăn không em?". 10 giờ đêm, tôi hì hụi vác về nhà túi to, túi nhỏ vừa tha ở siêu thị. Thế mà mới ló mặt vô nhà, vừa mệt, vừa đói, chẳng ai chạy ra xách đồ phụ mà cha con mỗi người một máy tính, hỏi vọng ra: "Có gì ăn không em?", "Có gì ăn không mẹ?". Như thế này thì có điên không chứ!
Công việc cuối năm nhiều nên chủ nhật vẫn phải làm, buổi chiều tôi đã gọi điện dặn anh ăn cơm trước, cơm canh có sẵn, cha con cứ hâm nóng lại mà ăn, đừng chờ vì xong việc mẹ còn phải đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Vậy mà cha nạnh con, con chờ cha, cuối cùng thà nhịn đói chứ không đi dọn cơm.
Nếu như mọi ngày thì có lẽ tôi cũng lụi cụi đi hâm đồ ăn, dọn cơm rồi kêu cha con xuống ăn, nhưng lần này, tôi nhất quyết không làm. Tôi bới chén cơm ăn tạm rồi lo sắp xếp đồ đạc vô tủ lạnh. " Xong chưa em? Sao lâu vậy?". Có tiếng anh vọng xuống. Tôi làm thinh.
20 năm chồng vợ, anh đã quen với việc vợ nấu cơm, dọn sẵn lên bàn rồi gọi: " Anh ơi, xuống ăn cơm". Con trai anh học theo cha, cứ dán mắt vào máy tính, chờ mẹ gọi. Nhiều hôm có việc, dặn ăn trước nhưng về tới nhà, mạnh cha cha nhăn, mạnh con con càu nhàu "đói muốn chết!".
Những năm đầu mới cưới, tôi thất nghiệp, anh bảo cứ ở nhà đẻ con cho anh, mọi việc có anh lo. Thấy mình rảnh rỗi, tôi vui vẻ làm mọi thứ và xem đấy cũng là một công việc như đi ra ngoài kiếm tiền. Nhưng dần dần, tôi chợt nhận ra, nếu chỉ suốt ngày giam mình trong 4 bức tường, rồi cơm nước, chợ búa, giặt đồ, lau nhà, thông cống... thì cuộc đời mình cũng tù mù như vậy. Thế là sinh xong đứa thứ hai, tôi nhất quyết đi làm.
Bỏ việc gần 5 năm, đến khi đi làm lại thì bị lục nghề, tôi lại phải bắt đầu từ con số không. Với người khác thì có lẽ không vất vả như vậy, nhưng với tôi thì "trần ai lai khổ" bởi cái chuyện đi làm là ngoài ý anh nên chẳng bao giờ anh phụ giúp bất cứ chuyện gì. Buổi tối anh đi chơi thì tôi phải gởi con về nhà nội ngoại để đi học thêm; buổi trưa chiều, anh cứ về tới nhà là có cơm canh chờ sẵn, không cần biết vợ có mấy tay, mấy chân mới có thể làm hết từng ấy việc.
Khi nghe tôi than mệt, anh hay bảo: " Em cứ ở nhà, anh sẽ trả lương cho em gấp đôi". Nhưng tôi nhất quyết rồi, có trả gấp năm, gấp mười tôi cũng không chịu bởi tôi muốn hòa nhập với xã hội chứ không muốn thu mình như con cuốn chiếu. Anh nghe vậy thì bực bội: " Mặc xác em".
Tôi thật sự thấy rất khỏe trong người vì không bị quấy rầy... (Ảnh minh họa)
Sự khinh miệt của chồng khiến tôi càng quyết tâm. Tôi chẳng nề hà chuyện lớn, chuyện nhỏ ở công ty; sếp giao việc gì tôi cũng cố hết sức để làm. Lại thêm tôi rất yêu thích công việc kế toán của mình nên làm rất chu đáo, cẩn thận... Đó chính là nguyên nhân khiến tôi cứ liên tục được đề bạt. Nhưng điều đó tôi chẳng thể chia sẻ với ai bởi anh đâu có quan tâm?
Một hôm, có người bạn cũ tới chơi, trong lúc nói chuyện, anh bạn hỏi tôi làm gì, tôi bảo làm giám đốc tài chính của công ty. Chồng tôi trợn tròn mắt khi nghe như vậy. Có thể mọi người không tin nhưng từ khi tôi đi làm, anh chưa bao giờ hỏi han công việc, tiền lương của tôi. Có lẽ, anh nghĩ, mọi thứ trong nhà đã có anh lo, tôi đi làm chỉ là để thỏa mãn ý thích "được ra ngoài xã hội" của mình.
Sau bữa đó, anh vờ như tiện thể hỏi thăm: " Bên công ty anh khó khăn nên giảm lương nhân viên quá trời; bên em có vậy không?". Tôi lắc đầu: "Bên em không cắt mà còn tăng thêm vì công ty đẩy mạnh bộ phận kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước...". Anh nghe tôi nói một cách chăm chú rồi đột ngột hỏi: " Vậy chớ lương em giờ được mấy triệu?". Tôi thật thà: "Tổng cộng mọi thứ, chắc được chừng 40 triệu". Anh trố mắt: " 40 triệu một năm hả?". Tôi lắc đầu: " Không, 40 triệu một tháng".
Tôi cứ tưởng khi biết như vậy thì anh sẽ "nể nang" vợ hơn; không ngờ từ bữa đó, tôi làm cái gì anh cũng cạnh khóe, mát mẻ: " Biết em giỏi rồi, biết em làm nhiều tiền mà...". Tôi nghĩ, chắc là anh tự ái vì lương mình bây giờ không bằng một phần tư của vợ nên hết sức giữ ý. Việc ở công ty bù đầu bù cổ nhưng nhà cửa, cơm nước tôi không dám lơ là vì sợ anh bảo mình làm ra tiền rồi lên mặt làm phách. Tôi chỉ dám thuê người giúp việc lau nhà và ủi quần áo mỗi tối, còn tất cả chuyện khác từ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo và những thứ công việc không tên khác tôi đều phải tự tay làm lấy.
Anh không chia sẻ mà đương nhiên xem đấy là "thiên chức" của đàn bà. Chính vì cái "thiên chức" ấy mà mới ngoài bốn mươi, tôi đã không còn chút cảm hứng nào trong chuyện vợ chồng. Đặt lưng xuống giường, tôi chỉ muốn ngủ... ngủ...
... " Ủa, sao em không làm cơm?"- chờ mãi không thấy vợ gọi, anh mò xuống bếp. Tôi trừng mắt: " Có tay, có chân thì tự làm lấy mà ăn; không ai rảnh đâu mà hầu hạ". Anh cũng trợn tròn mắt: " Em sao vậy?". Tôi quát lên: "Trăng sao gì! Tôi đâu phải ô sin! Từ nay, không có cơm nước gì nữa; ai đói thì tự nấu mà ăn, có đồ sẵn trong tủ lạnh"...
Anh lẳng lặng lấy thức ăn hâm lại rồi gọi con xuống ăn. Lúc đó đồng hồ đã chỉ 11 giờ đêm...
Chẳng biết anh nghĩ gì mà tối đó ôm gối ra phòng khách ngủ. Tôi thật sự thấy rất khỏe trong người vì không bị quấy rầy...
Nhưng mà cứ như vầy hoài thì liệu có ổn không?
Theo 24h
Nếu như mình gặp lại Liệu rằng khoảnh khắc chúng ta bất ngờ gặp lại có khiến anh âu lo về sự bền vững của tình cảm hiện tại không anh?Rồi cuối cùng ngày cũng nối ngày đi qua, mùa cũng gối lên nhau mà thêu dệt ra cái gọi là nỗi nhớ. Em đứng chênh vênh ngay đoạn ngã tư ngập nắng cuối mùa, không dưng chợt...