Mua ngân hàng với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý
NHNN khẳng định: Việc mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, điều 149 Luật Các Tổ chức tín dụng nêu rõNgân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông tin lý giải tính pháp lý của việc mua các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng.
NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định tổ chức tín dụng (TCTD) khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.
Việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, qua đó nêu rõ quyền của NHNN sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các TCTD yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Ngoài ra, Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số biện pháp bổ sung về tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, trong đó có nêu rõ chưa áp dụng các biện pháp phá sản theo quy định Luật Phá sản để giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị.
Video đang HOT
Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt thì NHNN sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập. NHNN cũng yêu cầu các chủ sở hữu của các TCTD đó thực hiện việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực về an toàn vốn tối thiểu. Nếu TCTD không tăng được vốn thì NHNN sẽ mua. Còn mua giá nào thì phải dựa trên cơ sở giá trị doanh nghiệp đã được NHNN quyết định.
Các ngân hàng được NHNN mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm, chứ không phải 0 đồng. Và việc NHNN mua lại cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém thời gian qua không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan và là cơ sở để xác định giá.
Thời gian qua, NHNN đã mua lại nhiều ngân hàng với giá 0 đồng, đó là Ngân hàng Xây dựng, GPBank, Ocean Bank. Bình luận về việc mua 0 đồng những ngân hàng yếu kém, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng đây là giải pháp hợp lý nhất trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải xử lý mạnh mẽ hơn nữa, chỉ sáp nhập, mua 0 đồng như đã làm chưa đủ thể đưa ngân hàng thành hệ thống mạnh mẽ. Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng hoan nghênh sáng kiến mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng của NHNN. Song các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, đây chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.
Theo Danviet
Kiện phòng vệ thương mại phải là "cuộc chơi tập thể"
Kiện phòng vệ thương mại không phải là "cuộc chơi" của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, nó là "cuộc chơi tập thể" - là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan.
Trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu là đối tượng của cả trăm vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá. Vậy điều gì cản trở các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại?
Bà Đinh Mỹ Loan và bà Nguyễn Thu Trang thuộc Trung tâm trọng tài WTO của VCCI chủ trì hội nghị
Tại Hội thảo "Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài" do VCCI thực hiện, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, khảo sát được Trung tâm WTO thực hiện với 1.000 DN thuộc 6 ngành sản xuất cho thấy, khoảng 60 - 70% các DN được hỏi biết về công cụ phòng vệ thương mại. "Đặc biệt, các DN không chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại với tính chất là rào cản ở nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn biết đến với tính chất công cụ có thể sử dụng ở trong nước, để bảo vệ chính mình" - bà Trang nói.
Tuy nhiên để đi kiện, dường như các DN Việt Nam hiện chưa có bất kỳ chuẩn bị vật chất gì sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ kiện phòng vệ thương mại khi cần thiết. Bởi có tới 86% số DN cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này (trong đó 52% cho là khá khó khăn, 34% cho rằng việc huy động này là rất khó khăn). Chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện phòng vệ thương mại sẽ không là vấn đề gì lớn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO cho rằng, kiện phòng vệ thương mại không phải là "cuộc chơi" của mỗi DN riêng lẻ, nó là "cuộc chơi tập thể" - là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Để sử dụng công cụ này, các DN phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan (cho sản phẩm liên quan).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tập hợp những bằng chứng bán phá giá, bán hàng được trợ cấp, bằng chứng về những thiệt hại gây ra đối với mình, thuê luật sư tư vấn theo kiện... Đây là những yêu cầu cốt yếu cho mọi nguyên đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo Danviet