Mùa mưa hái nấm trong rừng thông Đà Lạt
Dưới những tán thông xanh mát, từng cụm nấm gan bò, trứng gà, kaki vàng, san hô… mọc trên đất chờ người đi rừng thu hoạch.
Mùa mưa Đà Lạt kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 10 hàng năm, đây cũng là mùa của nấm rừng sinh sôi sau những cơn mưa dầm. Dịp này như một thói quen của nhiều cư dân phố núi, mọi người vào rừng thông hái nấm về chế biến đủ món ngon bình dị. Du khách có thể liên hệ với những người chuyên đi rừng tại Đà Lạt nếu muốn tham gia hoạt động này.
Người hái nấm thường vào rừng thông lúc sáng sớm, khi nắng vừa lên, thời tiết cũng ấm dần không quá buốt. Mỗi rừng thông ở Đà Lạt đều có nấm mọc tùy số lượng ít hay nhiều, những khu vực như rừng thông hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng, rừng Xuân Thọ… được biết đến là nơi nhờ có nhiều loại nấm rừng thơm ngon.
Nấm san hô dễ nhận diện vì hình dáng và màu sắc không khác gì cây san hô đá.
Mộc An, đang làm việc tại TP Đà Lạt chia sẻ về chuyến đi hái nấm trong rừng thông của cô trên kênh YouTube Những Mùa Sương. An kể lần đầu cô đi hái nấm phải được người địa phương chỉ đường và hướng dẫn cách phân biệt các loại nấm khác nhau. Sau vài lần đi rừng thì cô ghi nhớ và dễ nhận diện các loại nấm rừng. Khu rừng thông An đi là ở Trại Mát, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. Nơi đây có nhiều là nấm gan bò, nấm trứng gà, nấm kaki vàng, nấm san hô…
“Những loại nấm rừng mọc dưới tán thông, tên được đặt theo hình dạng hoặc mùi vị của chúng. Mình thích nhất nấm trứng gà, trứng ngỗng, ăn ngọt béo như lòng đỏ trứng, giòn sần sật. Nấm gan bò thì mùi vị như tên của nó, đắng nhẹ, thơm và dai. Nấm san hô ngon, giòn như rong biển, xào lên vẫn giữ nguyên vị ngọt tự nhiên”, An chia sẻ về những loại nấm cô thích.
Chậu nấm được làm sạch đất và rửa kỹ với nước muối, một số loại nấm có nhớt phải trụng qua nước sôi trước khi chế biến món ăn.
Dưới cánh rừng thông mát dịu, người hái nấm cũng khá điệu đà và nhẹ nhàng, như chơi trốn tìm với từng cây nấm. Họ dùng tay cầm nấm xoay theo vòng tròn, hoặc dùng 2 ngón tay nắm chắc nấm rồi đẩy nhẹ nhưng dứt khoát về hẳn một phía để lấy nấm. Nấm rừng thông đặc biệt ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến rất nhiều món ăn cho hương vị ngọt thơm, hấp dẫn như: hấp gà, xào tỏi, nhúng lẩu, nướng muối ớt, nấu canh, nấu cháo, làm bánh xèo…
Mộc An nói với những người lần đầu đi hái nấm trong rừng thông cần có người chuyên đi rừng hướng dẫn chọn nấm ngon, vừa giúp họ phân biệt các loại nấm độc để tránh nguy hiểm, vì có loại chỉ cần chạm vào chúng thì vùng da của chúng ta sẽ bị tổn thương.
“Thông thường những loại nấm nhiều màu sắc mọi người cho là có độc, tuy nhiên nếu được hướng dẫn tìm nấm thì du khách sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chẳng hạn có một số loại có thể ăn sống, chấm muối mè ăn tươi ăn rất tuyệt. Tuy nhiên, người lần đầu ăn nấm rừng chưa quen nếu ăn quá nhiều sẽ bị choáng và chóng mặt một tí”, Mộc An nhắc nhở.
Điều thú vị của đi hái nấm là hôm mưa tạnh, rừng còn mùi hơi đất, nhựa thông, nắng xiên và chim ríu rít, lang thang trong rừng ôm về một rổ nấm đủ sắc màu.
Dừng chân cảm nhận cảnh sắc thơ mộng của hồ Suối Vàng - Đà Lạt
Hồ Suối Vàng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt bởi khí hậu ôn hòa, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp.
Một địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tránh xa thành phố xô bồ tìm về nơi yên tĩnh để dừng chân.
Hồ Suối Vàng nằm ở huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về phía Bắc, là một thắng cảnh tuyệt đẹp, vừa hùng vĩ nhưng cũng vô cùng quyến rũ. Hồ tựa như một thiếu nữ xinh đẹp tuổi trăng tròn nằm uốn mình bên những đồi thông xanh ngắt bạt ngàn.
Đồi cỏ hồng (cỏ tuyết) ở hồ Suối Vàng là một trong những điểm "check-in" cực hot của giới trẻ.
Du khách phải vượt qua đoạn đường gập ghềnh, uốn lượn giữa những đồi thông trập trùng trước khi đến được địa điểm du lịch Đà Lạt - hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ngẩn ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn vẹn nguyên nét hoang sơ, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ để sau này đề nghị với toàn quyền P.Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng tại đây.
Rừng thông xanh bao quanh hồ.
Con đường từ Đà Lạt đến hồ Suối Vàng đẹp như một dải lụa, quanh co chạy giữa hai rừng thông thẳng tắp, bỗng ngay khúc ngoặt lại mở ra một vài thung lũng bạt ngàn cỏ cây. Ven hồ là một rừng thông xanh thẳm nổi trên những cụm đồi nhấp nhô chạy tít đến chân núi Lang Biang.
Vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo của hồ Suối Vàng.
Đến thăm hồ Suối Vàng, du khách sẽ không khỏi bồi hồi bởi những dải rừng xanh tươi tràn đầy nhựa sống, dòng nước nặng phù sa luôn chuyển mình và bầu không khí làm mát rượi cả tâm hồn...
Hồ Suối Vàng mờ ảo trong sương.
Hồ Suối Vàng, tính tới thời điểm này đã hơn 50 năm bền bỉ song hành cùng đời sống của người dân Đà Lạt một cách thầm lặng. Là hồ nước ngọt lớn nhất tại phố núi Đà Lạt với sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất 15 triệu kWh.
Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp đỡ xây dựng với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh y tế cần thiết, được hoàn thành vào năm 1984 với công suất đạt 18.000m3/giây.
Phượt hồ Suối Vàng bằng xe máy là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Không gian hồ Suối Vàng thoáng đãng, mát mẻ trong lành khác biệt với đô thị ồn ào đầy khói bụi. Hồ Suối Vàng là địa điểm lý tưởng cho những chuyến picnic thú vị và thư giãn vào ngày nghỉ cuối tuần.
Đà Lạt lặng lẽ trong mắt người làm du lịch LÂM ĐỒNG - Khu trung tâm Hòa Bình vắng lặng, cơn mưa bất chợt càng khiến phố xá vắng hơn, khu chợ thưa người khác với hình dung về Đà Lạt mùa hè. Lê Thị Uyên Trinh (1991), quê Ninh Thuận, sinh sống và làm việc tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng từ 3 năm nay. Trinh làm việc trong lĩnh vực du...