Mùa mới trên đất cũ
Thức giấc, vợ tôi thỏ thẻ: “Anh bây giờ đổi khác quá, em nấu món gì anh cũng khen, cũng ăn hết. Anh lại còn chủ động chở em đi sắm đồ, chiều thì về sớm với vợ con chứ không nhậu nhẹt, tối ngủ cứ ôm vợ khư khư…”.
ảnh minh họa
Tôi nhìn vợ, rưng rưng hạnh phúc. Tôi đã thay đổi, vợ tôi cũng đổi thay nhiều sau gần hai năm bên bờ vực đổ vỡ. Đã có những lúc chúng tôi ghét nhau kinh khủng, nói nặng, nói xấu, làm tổn thương nhau. Đơn ly hôn cũng được gửi ra tòa vài lần. Nhưng bây giờ, một mùa mới đầy hứa hẹn đang về trên mảnh đất cũ – mảnh đất tưởng chừng không thể “trồng cấy” thêm được gì…
Xác xơ đất cũ
Video đang HOT
Cách đây hơn một năm, tôi đã nghĩ rằng hôn nhân của mình “hết thuốc chữa”. Vợ chồng gặp nhau, câu trước câu sau là gây. Không khí ngột ngạt vô cùng. Vợ tôi chán nản, thường xuyên đi chơi vào ban đêm, không thèm nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Những buổi chiều đi làm về, nhìn thấy nhà cửa dơ bẩn, đồ đạc lộn xộn, con cái nheo nhóc mà vợ vắng nhà với những lý do rất trời ơi đất hỡi: “sinh nhật bạn”, “họp mặt cơ quan”, “xem váy mới vì có chỗ đang giảm giá”, tôi như phát điên. Mệt, khát, mở cửa tủ lạnh thấy trống trơn, luốm nhuốm mấy trái cam mốc meo từ bao giờ. Tôi cũng nhận ra, tủ lạnh đã cả năm chưa được lau chùi.
Tôi đã nghĩ rằng không thể vùng vẫy, chờ đợi hay hy vọng gì ở cái thực tế đầy ngán ngẩm ấy. Vợ tôi lười biếng, không đi chơi thì về nhà gác chân chơi game cả buổi, hứng thì mua cơm hộp, không thì nhịn luôn, kệ hai bố con tự tìm cách lo bữa ăn. Đã thế, tôi lên tiếng góp ý là bị độp lại to tiếng. Tôi xấu hổ với hàng xóm khi vợ to tiếng mắng mỏ, bảo vợ: “Be bé cái mồm đi, không sợ hàng xóm nghe à?”, vợ càng làm tới: “Kệ! Cái nhà này có ra gì đâu mà sợ hàng xóm nghe, tôi cho cả xóm biết hết luôn đấy”.
Những đêm vợ về trễ, son phấn nhàu nhĩ, người sực hơi rượu và khói thuốc ở quán bar, tôi càng vô vọng. Rồi cả những đêm vợ không về, tôi càng cạn kiệt hy vọng.
“Cô hư được thì tôi cũng hư được” – nghĩ vậy, nên tôi bắt đầu đổ đốn. Tôi không muốn về ngôi nhà vắng lạnh, bừa bộn, chán ngắt nữa, nên lao vào bù khú bạn bè. Bạn hiền kiếm khó, bạn nhậu thiếu gì, không ngày nào mà tôi không tìm được một độ nhậu bét nhè. Nhậu xong còn đi hát hò thâu đêm.
Về nhà, tôi cũng không cam chịu nữa, vợ to tiếng một, tôi to tiếng hai. Có lúc quẫn trí, tôi còn nghĩ “đã nát thì cho nát luôn”. Vậy là cả hai mạnh ai nấy đi, cuộc sống hôn nhân dần tách làm hai. Khi ấy tôi nghĩ “tại sao mình phải chịu đựng, năn nỉ một người phụ nữ cạn tình, lười biếng và mê chơi?”. Phía vợ cũng nghĩ: “Tại sao tôi phải gắn bó với một người chồng mê rượu bia hơn gia đình? Một người không hợp tính với mình?”. Vì vậy, cả hai đều nghĩ rằng, ly hôn là kết cục tất yếu.
Chúng tôi cạn kiệt niềm tin đối với nhau, thậm chí còn dùng lời nói để nhục mạ nhau. Và tất nhiên, trong mắt nhau, bạn đời của mình đang là người đáng ghét nhất.
Trong khi chờ đợi thủ tục ly hôn, chúng tôi quyết định ly thân, mỗi người ở mỗi nhà, ai rảnh thì đón con về chơi. Không ngờ, quãng thời gian “không phải nhìn mặt nhau” lại khiến cả hai có phần nhớ nhau. Và đặc biệt, cả hai cùng nhìn về đứa con gái bé bỏng – sợi dây duy nhất còn trói buộc mối quan hệ tưởng chừng như đã đứt hẳn này. Cô công chúa của chúng tôi đòi cả bố và mẹ cùng dắt đi chơi, đi coi phim. Những dịp như thế khiến chúng tôi nuôi lại quyết tâm giữ cuộc hôn nhân.
“Mưa tình yêu”
Ngày dọn về ở chung, vợ tôi đưa ra rất nhiều điều khoản: “Về ở chung là vì con, nên hai vợ chồng coi như ly thân trong một căn nhà. Chồng không được ngủ chung, không được cản trở lịch sinh hoạt của vợ, không được xem điện thoại của vợ, không được hỏi về mối quan hệ của vợ với những người bên ngoài”. Vì con, tôi “ừ” hết.
Với cách sống theo những quy định “lạnh lùng” với nhau như vậy, nhưng thực tế lại diễn biến tích cực bất ngờ. Tôi đã chán ngán rượu bia và những cuộc nhậu tầm phào vô bổ nên chỉ thích về nhà sớm. Vợ tôi, vì thương con gầy yếu, nên chủ động nấu ăn để bồi bổ cho con. Tôi cứ về nhà sớm, đứng ngồi xớ rớ, thể nào cũng được vợ cho “ăn chực”. Cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm là một điều tuyệt vời đối với tôi lúc đó. Tôi lăng xăng giặt giúp vợ mấy bộ đồ, cọ toilet, lau nhà… khiến nét mặt vợ giãn ra, không còn cau có, càu nhàu như trước nữa. Tự dưng, tôi lại thấy vợ đáng yêu trở lại, nhưng chỉ dám nghĩ trong lòng, chưa dám thổ lộ rằng mình đã bắt đầu có “cảm tình” với vợ.
Tôi tự nghĩ: “Hay là mình cứ mặc định như vợ mới vậy. Mình sẽ tìm cách chinh phục vợ, để gầy dựng tình cảm, biết đâu lại bén duyên lần nữa”. Và thật kỳ diệu, chúng tôi bén duyên thật. Hai con người ghét cay ghét đắng nhau, bây giờ lại biết tôn trọng, nhường nhịn và biết trao nhau những ánh nhìn trìu mến. Tôi xin vợ một “đặc ân”: “Cả hai không nhắc lại chuyện cũ, không nghĩ ngợi chuyện cũ để nhẹ lòng nghĩ đến tương lai”. Vợ tôi đã trả lời bằng một câu sâu sắc hiếm thấy mà tôi được nghe (từ vợ): “Anh hãy làm cho hiện tại hấp dẫn, đáng yêu, sẽ khiến cho anh và em không còn rảnh rỗi để nghĩ đến quá khứ”.
Tôi làm việc chăm chỉ hơn để có thêm thu nhập, chở vợ con đi sắm đồ đẹp. Tôi cũng bớt đi nhậu, về nhà nhiều hơn để ăn món vợ nấu. Vợ thấy tôi ăn hào hứng, nên nấu ăn đều hơn. Mỗi người một tay chăm chút, ngôi nhà giờ đã có “sức sống” trở lại: gọn gàng, tinh tươm. Tôi nghiệm ra được rằng: “Ngày xưa mình tán vợ thế nào? Chịu khổ, chịu cực bao nhiêu cũng vui vẻ làm, miễn là lấy lòng được nàng. Nếu bây giờ mình làm được một nửa vậy thôi cũng tốt lắm rồi”.
Trước đây, tôi cứ ngồi và đặt câu hỏi “tại sao một người yêu mình nhiều như thế mà nay lại không yêu nữa, thậm chí còn ghét mình?”. Tôi cứ thắc mắc và thấy vợ vô lý khi bỗng dưng không yêu mình nữa. Bây giờ, tôi nhận ra rằng, để vợ yêu, mình phải làm nhiều, thậm chí thật nhiều điều đáng yêu, thì vợ mới thấy mình đáng mặt làm chồng.
Rõ ràng, “mảnh đất tình cảm” dù có cằn cỗi, bạc màu đến mấy, cũng có thể cải tạo được. Cũng như người nông dân làm ruộng, mỗi vụ mùa mới, họ đều phải xới đất, bón phân, xịt thuốc trừ sâu, tưới nước… mới mong gặt hái được thành quả. Và, điều quan trọng nhất để tôi và vợ có thể trải qua khó khăn, trắc trở để quay về êm ấm với nhau là sự kỳ diệu của tình yêu. Ai đó từng nói “hai người có thể yêu nhau một lần, thì có thể yêu lại lần nữa”, điều đó có lý. Chúng tôi đã từng nghĩ rằng không thể có thiện cảm với nhau một chút nào nữa, nói gì đến chuyện yêu nhau. Vậy mà sau hai tháng trở lại dưới một mái nhà, nhờ nỗ lực từ hai phía, cả hai lại thấy bạn đời của mình đáng yêu trở lại. Điều này hoàn toàn bất ngờ và vượt quá sự mong đợi.
Tình yêu bỗng xuất hiện, như cơn mưa mát lành tưới xanh “vụ mùa tình cảm” trên “mảnh ruộng” cũ. Có thể tôi may mắn, nhưng cũng có thể tôi có được kết quả tốt lành này là vì bên bờ tuyệt vọng của mối quan hệ hôn nhân, tôi vẫn còn vùng vẫy và cố gắng, chứ không bỏ cuộc.
Theo VNE