Mùa lũ về, làng lại vắng đàn ông
Nhiều ngày nay, trẻ em xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn phải ăn mì tôm
Lũ đã đi qua nhưng để lại nguy cơ thất học ở miền đất học Hà Tĩnh. Ở xã khác, lại là cảnh những gia đình thiếu vắng bàn tay đàn ông.
Trẻ con không biết uống sữa
Sân trường mầm non xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trông như một thửa ruộng mới cày bừa. Trường nằm sát cánh đồng, lũ dữ đã nhấn chìm và cuốn đi gần như tất cả bàn ghế, đồ chơi…
Trường chưa học trở lại nhưng đông đủ các em học sinh và cả phụ huynh, vì nghe tin có đoàn cứu trợ của tập đoàn Danonen về đây khám bệnh miễn phí và tặng sữa. Cô hiệu trưởng nói: “Tất cả quần áo mà các em đang mặc đều là đồ cứu trợ. Quần áo của các em bị lũ cuốn trôi hết rồi. Có vài em không nhận được đồ cứu trợ đã phải mặc áo của người lớn, vừa làm áo vừa làm quần”.
Cô Phạm Thị Hiệu – Hiệu trưởng trường cho tôi biết một sự thật khó tin: Ở xã Hà Linh này, một số em học sinh mầm non không biết uống sữa. Không biết uống sữa vì chưa một lần được uống sữa. Có lần cô giáo mua hộp sữa tươi về lớp, thì một số học sinh đã lúng túng không biết cắm ống hút vào đâu. Sau khi uống sữa, vài em lại lên cơn đau bụng vì dạ dày phản ứng với thực phẩm…lạ.
Thêm một nỗi lo khác. Sau lũ chồng lũ, nhiều em học sinh có nguy cơ bỏ học về làm thuê giúp bố mẹ vì gia đình quá khó khăn. Bình thường, với một số em đi học đã là một sự cố gắng, nhưng sau lũ thì đường đến trường trở nên xa hơn.
Những người già trong căn nhà rỗng
Anh Đặng Hồng Thi, xóm trưởng xóm 5 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê từng rất buồn vì nhiều cư dân của xóm cứ lần lượt bỏ quê mà đi. Dân số của xóm từ 100 hộ, nay xuống 50 hộ. Đàn ông, thanh niên đã rời làng đi làm ăn xa gần hết giờ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em.
Xóm 10 nhiều trẻ em và người già, nhưng vắng đàn ông
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Hà ngồi một mình trong căn nhà tre nứa trống hơ trống hoác vì lũ đã cuốn đi những bức phên che. 5 tạ lúa vừa thuê người gặt và phơi phóng xong, chiếc TV, một vài yến lạc đều bị nước lũ nuốt chửng. Bà Hà lắc đầu bảo: “Nhà vắng đàn ông, hai bà cháu chạy được là may rồi, sức già này làm sao mà vác nổi thóc lúa, TV”.
Con trai bà Hà đã vào Tây Nguyên làm ăn hơn 10 năm nay và định cư luôn ở trong đó. Tuổi già, bà không muốn xa quê. Tối ấy lũ về, bà tưởng sẽ chết chìm vì mắt mờ, chân yếu, tay run, may mà cố sức bíu lên được cái thang.
Cụ Lê Thị Xuân 81 tuổi, ngồi khóc một mình trước thềm nhà toàn rác rưởi, bùn đất. Ba người con trai của cụ đều bỏ quê nghèo vào trồng cao su tại tỉnh Bình Phước, không thể về với mẹ già trong những ngày nước ngập nóc nhà. Nghĩ mình tuổi gần đất xa trời, không có con cái xung quanh, cụ Xuân ki cóp tiền mua một cỗ ván hậu sự phòng thân. Cỗ ván hậu sự được cụ kê ngay dưới giường, nhưng cơn lũ đã cuốn trôi.
Cụ Xuân khóc: “Dành dụm mãi mới mua được. Tuổi 85 rồi, sống chỉ lo cho sự chết của mình thôi chú ạ, rứa mà ông trời nỏ thương”.
Ông Nguyễn Văn Thành bên cạnh mấy hôm nay bị đau bụng đi ngoài liên tục, vì phải ăn mì tôm sống và uống nước mưa những ngày nước ngập mái nhà. Mình ông chống chọi với cơn đau bụng ngày càng dữ dội. Thôn phải cử hai người đàn ông khỏe mạnh cõng ông lên trạm y tế xã. Ông lên trạm y tế vẫn không thể nằm yên vì lo cho hai đứa cháu nhỏ ở nhà. Cách đấy ba năm, con dâu ông bỗng dưng bỏ đi biệt tăm, con trai cũng bỏ đi tha phương cầu thực để lại cho hai ông bà già hai đứa cháu nhỏ và căn nhà xiêu vẹo.
Ông Phạm Xuân Hà, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Đồng, cho hay: “Toàn xã có 1.200 hộ dân thì 930 hộ bị ngập, trong đó có 730 hộ bị ngập sâu. Bây giờ nước đã rút hết nhưng công tác khắc phục hậu quả lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thôn xóm chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em”.
Giúp dân ở chi đoàn “trắng” thanh niên
Bí thư chi đoàn kiêm phó xóm 10 Võ Văn Thạch đang phơi lúa bị ngâm trong nước lũ. Cái chuồng trâu đã đổ nghiêng. Cả xóm còn nhiều đoạn đường bị sạt lở. Toàn những việc cần sức vóc nhưng nhìn quanh chỉ thấy toàn phụ nữ, trẻ em và người già. Thạch là bí thư của một chi đoàn… không có đoàn viên. Xóm 10 trắng đoàn viên vì thanh niên đã đi làm ăn xa hết. Chỉ còn 8 đoàn viên, hầu hết là nữ, thì tất cả lại đang sinh hoạt ở trường THPT Hàm Nghi.
Hôm nay 8 đoàn viên có mặt động đủ ở nhà Thạch. 8 đoàn viên sẽ lập thành một tổ để đi giúp gia đình neo đơn trong xóm thu dọn, sửa sang lại nhà cửa. Sát cánh cùng Đoàn thanh niên có Hội phụ nữ xóm. Hội phụ nữ và đội thiếu niên hùng hậu nhất xóm.
Cô học trò Nguyễn Thị Huyền không phải ở xã Phúc Đồng mà nhà ở tận xã Phương Mỹ. Bữa ấy, lũ về nhanh quá, bốn cô học trò của xã Phương Mỹ phải đến xã Phúc Đồng lánh nạn. Xã Phúc Đồng cũng bị ngập, nhưng xã Phương Mỹ ngập sâu hơn. Người dân xã Phúc Đồng đã nhường cơm sẻ áo cho bốn cô học trò này, và giờ đây Huyền cùng các bạn tình nguyện ở lại đến từng nhà neo đơn để làm việc nghĩa.
Huyền trầm tư bảo: “Bây giờ em mới hiểu rõ vì sao dân cứ bỏ làng ra đi hết. Mùa hè, nắng hạn khô kiệt, lúa cháy, bây giờ mùa lũ thì thế này đây, sống ở đất này khó quá. Em càng phải quyết học giỏi, để thoát khỏi quê”, Huyền cười buồn.
Theo Tiền phong
Kinh hoàng giới trẻ "nhậu khói" bồ đà
Một nhóm thanh thiếu niên hút bồ đà ở khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh
"Cỏ", "tài mà", "con điếm" - tiếng lóng chỉ những cấp hạng hoặc loại của loài cây gây nghiện tên cần sa - đang được một bộ phận giới trẻ ngấm ngầm sử dụng. Loại ma túy gây nghiện này từng ngày từng giờ hủy hoại nhiều người, phần lớn là giới trẻ.
Theo N.N.H.L. (20 tuổi, ngụ đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM) - một con nghiện bồ đà hơn ba năm nay, chúng tôi thâm nhập thế giới khói trắng này. L. cho biết: "Bọn này chơi và còn chia hàng cho học sinh, sinh viên. Nhiều người thay thuốc lá hút rất nhiều".
Khói độc len lỏi
Doanh nhân cũng... phê Tại một quán nhậu trên đường Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, chúng tôi gặp anh bạn trẻ là nhà kinh doanh. Bàn nhậu ồn ào giữa khói thuốc khét lẹt mùi bồ đà dù trên tay anh là điếu thuốc hiệu Marlboro. Anh bảo chuộng loại bồ đà xiêm và cho biết giới trẻ thích dùng loại này, thường ngụy trang trong những bao thuốc. Đến giờ mỗi khi ra đường, anh này luôn có một đệ tử mang theo bồ đà và chế thành những điếu thuốc đặt trong chiếc hộp mạ vàng óng.
Dẫn chúng tôi quan sát nhiều nơi chơi bồ đà từ cổng trường, làng đại học đến những khu nhà trọ, hẻm nhỏ... L. và nhóm bạn nghiện bồ đà còn chỉ điểm những mối buôn bán ở các quận 2, 4, 5, Bình Thạnh và Gò Vấp. Điểm đầu tiên L. đưa chúng tôi đi thực địa là bến xe miền Đông. Ở góc khuất nơi bãi xe chất lượng cao, nhiều người đờ đẫn phì phà điếu thuốc. L. bảo "hút bồ đà đó".
Đi đâu mất hút khoảng 10 phút, L. mang ra 10 bịch màu xanh nhạt có kèm giấy quyến, mỗi bịch có thể cuộn 6-7 điếu. L. dẫn cả nhóm ghé vào một quán cà phê gần đó, xe mấy sợi lá trên tay thành điếu, châm lửa và rít! Lim dim, L. giải thích bồ đà được chia thành ba loại chính: lá, gù và xiêm. Hàng lá 40.000-60.000 đồng/bịch, hàng gù (nhiều hoa) 80.000-100.000 đồng/bịch và hàng xiêm được pha trộn với các chất khác, nặng đô hơn và giá cũng cao hơn.
Đêm đó L. đi chia "hàng" trên đường Trần Não, quận 2. Cuối cùng, L. ghé vào một khu nhà trọ để "phê" cùng nhóm bạn. Đó là một nhóm sinh viên cùng các công nhân xa quê tuổi đời rất trẻ. Họ bu lại, xé nhỏ lá thuốc rồi dùng bình nhựa cắm bút để sẵn trong nhà hút như người thường hút điếu cày. T. - sinh viên Trường đại học Công nghiệp - giải thích: " Hút dạng vấn thành điếu rất phí và ít phê, bắn bằng chai nhựa phê tê tới óc". Ngày thường T. mua bao thuốc lá, trút hết ruột bên trong rồi nghiền nhỏ bồ đà cho vào ngụy trang, mang lên giảng đường cho bạn bè cùng hút. Một số công nhân mang cả điếu cày và bồ đà lên công trình.
Ở xóm của L., phần đông thanh thiếu niên ai cũng biết hút bồ đà. Đêm đến, cả nhóm kéo ra những bãi đất trống chơi đê mê. L. bảo: "Đứa nào không biết hút là đồ nhà quê, bọn con gái lớp 8, lớp 9 cũng chơi nữa mà".
Mờ ảo những cơn say
Chúng tôi cùng một thạc sĩ xã hội học tìm đến chốn "nhậu khói" - một kiểu uống bia rượu và chơi bồ đà tập thể - tại một phòng trọ thuộc khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh để "thực tế" cảm giác của con người khi phê bồ đà.
Hàng được sử dụng là loại bồ đà gù. Trước những tay nghiện vừa mời mọc vừa thách đố, ông bạn này "bắn" xoay vòng nhiều phát cùng những ly rượu mạnh. Hơn một giờ sau anh chàng mắt nhắm mắt mở, ngây ngây dại dại, người thi thoảng lại nhún giật rồi quay sang chỉ vào mặt tôi, hét lớn: "Tùng, sao cái đầu mày trọc lóc vậy?". Tôi thắc mắc mình không phải tên Tùng, càng không phải đầu trọc thì anh ta trợn mắt hung tợn, tát và đấm vào đầu tôi liên hồi, miệng cứ lẩm bẩm mỗi lúc yếu dần: "Sao mày cạo đầu? Tại sao mày lại ở đây?..." rồi thiếp đi, gục tại chỗ.
Sau khi "bắn" vài hơi người hút sẽ cảm thấy mờ ảo. Khi thấm thuốc, cảm giác các cơ bắp săn lại, cả người khô khốc, đầu óc ong ong, mắt nhìn đâu cũng thấy toàn người thân xa lắc ở quê đang trò chuyện quanh mình. Không nén được cảm giác, có người nhoẻn miệng cười và rồi không nín lại được. Cả nhóm chơi cứ nhìn nhau mà cười như điên như dại... Khi dần tỉnh lại, cơ thể đứ đừ, nghe quanh mình tràn ngập mùi tanh tưởi, ngột ngạt. Bước vào phòng vệ sinh, cảnh tượng thật ghê rợn: một thằng trong nhóm ngồi khóc mếu, tay cầm con dao cắt từng đường trên cánh tay, máu cháy ròng ròng trước con mắt lãnh đạm của nhóm bạn.
L. cho biết những người chơi lần đầu đều có cảm giác như thế và chơi chung với rượu thì ép phê hơn. Có người nôn ói, có người khóc người cười, có người thích rạch tay, có người thích đánh nhau, có người bị ảo giác, có người mê nghe nhạc... Cũng theo kinh nghiệm của L., sau khi thử có người không dám chơi tiếp, nhưng nếu chỉ thêm vài lần nữa thì khó bỏ được cảm giác thèm muốn chơi tiếp, nhất là những khi quá vui hoặc quá buồn chán. Khi nghiện sẽ đâm ra lười biếng, chán học chán làm, chỉ thích ăn ngủ, không biết sợ ai. Cậu nhỏ rạch tay trong nhà vệ sinh, theo L., là đứa chuyên sai khiến nhóm bạn đi đánh nhau.
Một con nghiện cắt tay giải sầu sau khi "nhậu khói"
Hủy hoại cuộc đời
Loại ma túy này, theo L., được lấy từ Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên với giá 500.000 đồng/lạng rồi trung chuyển khắp nơi, chiết thành từng bịch nhỏ lẻ, len lỏi bán trong mọi ngõ ngách đô thị.
Tìm gặp hơn 20 trường hợp nghiện hút "ma túy xanh" này, chúng tôi thấy họ đều có điểm chung: lừ đừ, lười biếng, bỏ học dở chừng và dính đến nhiều tệ nạn xã hội. Như N.C.K., ngụ quận Gò Vấp, sau khi thi đậu vào một trường đại học đã tập tành theo nhóm bạn chơi bồ đà và đến giờ đã 25 tuổi vẫn chưa tốt nghiệp. K. cuốn theo nhóm bạn ăn chơi và nghiện thêm xì ke, suýt chết ba lần vì sốc thuốc và đã bị nhiễm HIV.
K. ân hận: "Lúc đầu chỉ chơi cho biết vì nghĩ sẽ không nghiện nhưng rồi không quên được. Đã nghiện bồ đà thì dễ dính thêm những thứ khác do bản thân sống buông thả. Một người bạn tôi cũng đi tù vì lên cơn nghiện phải đi ăn cướp".
Bản thân L. cũng là học sinh ngoan của một trường THPT ở Q.Bình Thạnh và từng là thanh niên điển hình của khu phố, nhưng sau một năm chơi bồ đà đã không thể học hết lớp 9. Theo mẹ L., từ ngày nghỉ học đến giờ, suốt ngày thấy L. cứ lừ đừ, ăn với ngủ, tối thì tụ tập đi chơi, nghe người ta nói L. nghiện hút bồ đà nên cũng chửi mắng nhưng rồi cũng đi hút. "Nó bảo chơi cái này như hút thuốc lá, nếu cấm nó cắt cổ liền, nên bây giờ hút luôn trong nhà", bà đau khổ. L. cũng thừa nhận: "Ngày nào không có vài ngụm khói là người cứ run lên, bứt rứt khó chịu lắm". Để có tiền "nhậu khói", nhóm bạn của L. hay dùng mã tấu chặn xe tống tiền người đi đường và rủ rê thêm nhiều người chơi.
Những ngày đi tìm hiểu về thế giới bồ đà, chúng tôi còn nghe trường hợp của L.T.T. - 23 tuổi, ngụ Nông Cống, Thanh Hóa - vì hút bồ đà trong lúc xây nhà ở quận 8 đã bị té gãy chân và chấn thương cột sống. Trường hợp chơi lâu năm như ông N.V.G., 50 tuổi, còn nặng nề hơn. Sau thời gian vùi đầu vào khói độc ông bị tâm thần, lang thang phá phách khắp nơi buộc người thân phải xích lại.
Theo Tiền Phong
Những 'người hùng' cứu người trong lũ dữ Băng mình giữa dòng nước đang cuồn cuộn chảy xiết, ầm ầm cuốn phăng đi tất cả những gì trên đường chúng đi qua, ông lái đò cụt tay chột mắt bỏ nhà đi cứu bà con đang vật lộn trong lũ dữ... Vật lộn cứu người trong lũ Chẳng nề hà, chẳng chút suy nghĩ vụ lợi, bỏ qua mọi hiểm nguy...