Mưa lũ miền Trung: Lũ giữa lòng Nha Trang
Có thể coi trận lũ ngày 16/12 là trận lũ lịch sử ở Khánh Hòa, không chỉ do mức độ thiệt hại, mà còn vì nó xảy ra gần 1 tháng sau ngày 23 tháng 10 âm lịch, ngày được người dân Nam Trung bộ tổng kết là mốc của những trận mưa lũ cuối cùng trong năm.
Những nhà dân ở khu tái định cư Hòn Xện và nhà kho của Cty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa vừa bị lũ tàn phá rạng sáng 13/12, nay lại hứng lũ. Ảnh: Đình Quân.
Suốt đêm 15/12 và sáng ngày 16/12, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) có mưa lớn, lượng mưa gần 260mm, khiến nhiều khu vực ở thành phố bị ngập nghiêm trọng. Nhiều khu dân cư ở các xã ngoại thành như Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung… đã bị cô lập, do nước mưa và nước sông Cái (Nha Trang) tràn vào. Đồi La San (khu vực trường ĐH Nha Trang) đêm 12/12 bị sạt lở 4 điểm, chưa được khắc phục, nay những điểm này lại bị sạt lở thêm.
Các tuyến đường huyết mạch của thành phố như đường 23 Tháng 10, đường 2 Tháng 4, đại lộ Nguyễn Tất Thành… bị ngập sâu nhiều đoạn, nhất là đoạn đường 2 Tháng 4 qua Làng Trẻ em SOS Nha Trang và qua chợ Bàu, đường Phạm Văn Đồng đoạn qua khu đô thị mới Vĩnh Hòa, đại lộ Nguyễn Tất Thành đoạn trước trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Riêng đường Điện Biên Phủ, cơ quan chức năng phải đặt biển cấm xe qua lại, do nước ngập quá sâu.
Tại khu tái định cư Hòn Xện, thuộc khu dân cư Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa), đêm 12/12 rạng sáng 13/12 kênh thoát lũ bị vỡ đã tạo nên trận lũ quét kinh hoàng. Trong khi đất đá vẫn ngổn ngang trong 4 căn nhà dân và khu nhà kho của Cty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, từ đêm 15/12 dòng lũ từ đoạn kênh vỡ và từ Suối Thung lại đổ thẳng xuống đây. Không riêng những căn nhà nói trên, nhiều nhà lân cận ở đường Ngô Văn Sở cũng bị nước tràn vào nhà.
Sáng 16/12, nước lũ lại ào ạt đổ về Nha Trang như thác tại nơi kênh thoát lũ bị vỡ vào lúc gần 1h sáng ngày 13/12.
Video đang HOT
Đường bộ, đường sắt đều gián đoạn
Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ III cho biết, trong đêm 15/12, rạng sáng 16/12, QL1 qua Đèo Cả và đèo Cổ Mã bị sạt lở ở 6 vị trí. Giao thông qua hai con đèo kế nhau này bị ách tắc, ô tô nằm nối đuôi nhau kéo dài gần chục cây số, từ chân đèo Cổ Mã đến Tu Bông (Vạn Long, Vạn Ninh).
Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cho các cấp học, từ mẫu giáo đến THPT trên toàn tỉnh nghỉ học từ chiều 16/12 đến hết ngày 17/12 để đảm bảo an toàn.
Trong khi các đơn vị giao thông xúc, bốc đất đá để giải phóng mặt đường, Cty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án Hầm đường bộ QL1 qua Đèo Cả) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức mở hầm Cổ Mã để điều tiết xe lưu thông. Hầm Cổ Mã thông xe từ tháng 9/2015, nhưng chưa thể khai thác do hệ thống đường dẫn chưa hoàn thành. Trong tình huống khẩn trương, các đơn vị đã thống nhất mở cửa hầm Cổ Mã từ lúc 9h ngày 16/12 để thông xe qua đèo Cổ Mã. Đến trưa 16/12, giao thông qua đèo Cổ Mã và Đèo Cả đã thông suốt.
Ở phía Nam Khánh Hòa, từ 5 giờ sáng 16/12 QL1 qua địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh có nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước. Bị nặng nhất đoạn qua các phường Cam Phú, Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam (thành phố Cam Ranh) và xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm), trên chiều dài khoảng 12km. Có những đoạn nước chảy xiết đã xô lệch giải phân cách cứng, xói bó vỉa và cuốn đi nhiều mảng bê tông nhựa ở làn xe thô sơ… Đến chiều tối 16/12, tuy một số đoạn đường vẫn bị ngập nước, nhưng không còn đoạn nào giao thông bị ngưng trệ.
Đến cuối ngày 16/12, tuyến tỉnh lộ 8 (huyện Diên Khánh – huyện Khánh Vĩnh) vẫn đang bị chia cắt, ách tắc giao thông. Nặng nhất là cầu Suối Khao nối vào xã Khánh Đông (Khánh Vĩnh) bị lũ cuốn đường dẫn dài khoảng 150m, đầu mố cầu cũng bị hư hỏng. Đoạn tỉnh lộ 9 (thành phố Cam Ranh – huyện Khánh Sơn) ở phía đông đèo Khánh Sơn bị sạt lở ở Km22 500 và Km27 500, khiến huyện Khánh Sơn tạm thời bị cô lập.
Trong khi đó, theo ông Lê Hồng Sơn, Phó GĐ Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, trong đêm 15/12 và ngày 16/12, do bị sạt lở ở khoảng 10 vị trí, đường sắt khu đoạn Nha Trang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Nha Trang – Tuy Hòa (Phú Yên) đã bị gián đoạn. Các vị trí bị sạt lở là ở Nam đèo Rù Rì, khu vực Lương Sơn (xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang), khu vực Đèo Cả. Đến trưa ngày 16/12, đoạn Nha Trang – Tuy Hòa đã được thông đường. Nhưng hai điểm sạt lở tại đoạn giữa Lương Sơn – Phong Thạnh và Ngã ba Cà Rôm – Suối Cát, dự kiến đến hôm nay (17/12) mới khắc phục xong. Khoảng 1.700 hành khách của 3 đoàn tàu ra Bắc và 4 đoàn tàu vào Nam đã được chuyển tải bằng ô tô.
Lưu vực nước chảy xuống Nha Trang chỉ có duy nhất đập thủy điện Sông Giang, đây là đập tràn, nước mưa tới bao nhiêu chảy xuống dưới bấy nhiêu. Còn các đập khác đều là đập thủy lợi và chứa nước phục vụ khu công nghiệp Suối Dầu, nước sinh hoạt của huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và thành phố Nha Trang. Từ ngày 13/12 đến ngày 15/12, Cty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đã chủ động điều tiết, hạ mực nước các hồ để đón lũ. Tuy nhiên, do lượng mưa quá cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, từ 11h ngày 16/12 Cty phải xả lũ với độ mở và lưu lượng cao…
Theo Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong)
Phú Yên có nguy cơ xảy ra lũ lịch sử
Do mưa lớn kéo dài kết hợp với lượng nước từ Tây Nguyên dâng cao tràn về khiến nhiều nhà máy thủy điện ở Phú Yên đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn.
Do mưa lớn trong hai ngày qua, kết hợp với nước xả lũ của của hồ chứa Thủy điện sông Ba Hạ, sáng cùng ngày, một số khu vực dân cư ven sông Ba thuộc TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bị ngập, giao thông chia cắt.
Tại TP Tuy Hòa, hàng trăm nhà dân sống ven đường Lê Thành Phương, Trần Phú, Trần Hưng Đạp thuộc khu vực phường 2, phường 6, phường 8 bị ngập sâu.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: Đ.Huy.
"Đây là trận lụt lịch sử vì nhà tôi sống ở đây bao đời chưa bị ngập, nay nước tràn vô nhà lênh láng", ông Phan Văn Hóa (phường 2) cho biết.
Trao đổi với Zing.vn, chiều 13/12, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết do hồ chứa đã đầy nên nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh đang xả lũ nhanh với lưu lượng lớn. Đến 16h30 cùng ngày, tổng lưu lượng xả lũ của các thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuống hạ lưu sông Ba đã lên đến mức 9.400 m3/giây.
"Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đang xả 6.400 m3/giây, thủy điện Sông Hinh 3.000 m3/giây. Hiện các hồ chứa đã đầy do mưa lớn trên địa bàn tỉnh kết hợp với nguồn nước từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về quá lớn buộc các thủy điện phải xả lũ nhanh", ông Thế nói.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, thủy điện Krông H'Nnăng, nằm phía thượng nguồn hồ thủy điện sông Ba Hạ, cũng đang xả lũ với lưu lượng 798 m3/giây, dự kiến trong 24 giờ tới sẽ xả lũ với lưu lượng 1.500 - 2.500 m3/giây. Thủy điện La Hiêng 2, không có cửa xả lũ, lũ qua tràn về hạ lưu sông Kỳ Lộ là 55,2 m3/giây.
Đường Trần Phú (phường 2, TP Tuy Hòa) bị ngập sâu. Ảnh: La Hai.
Theo ông Thế, lo ngại nhất là các thủy điện đang đồng loạt xả lũ với lưu lớn về vùng hạ du kết hợp với triều cường dâng cao khoảng 2,5 m cộng với sóng lớn nên mức nước từ ngoài biển tràn vào khoảng 3,7 đến 4 m khả năng gây ngập sâu trên diện rộng ở TP Tuy Hòa và các địa phương lân cận.
Chính quyền Phú Yên lẫn người dân địa phương lo ngại đợt lũ này khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử. Do vậy, chiều cùng ngày, Phú Yên yêu cầu các địa phương sơ tán hàng nghìn dân trong vùng trũng thấp đến nơi an toàn tránh lũ. Hiện nhiều khu dân cư ở tỉnh này bắt đầu ngập sâu từ 0,5 đến 1 m.
(Theo Zing News)
Điều xe chữa cháy cấp nước sạch cho người dân vùng lũ Trước tình trạng nhiều địa phương tại Quảng Bình thiếu nước sạch sau mưa lũ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã đưa máy lọc nước hiện đại do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ đến lắp đặt, lọc nước cung cấp cho người dân. Hiện tại sau cơn lũ lịch sử, nhiều địa phương tại Quảng Bình rơi vào tình...