Mưa lũ làm 19 người chết và mất tích
Tính đến 8h sáng 25/6, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, ít nhất 7 người thiệt mạng, 12 người mất tích và 5 người bị thương trong đợt mưa lũ ở khu vực miền núi phía bắc.
Mưa lũ ở miền núi phía Bắc còn diễn biến phức tạp. (Ảnh: Công an nhân dân).
Lũ lớn, sạt lở đất khiến 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi và hơn 260 ngôi nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp và 525 nhà bị ngập nước. Bên cạnh đó, các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, giao thông chia cắt. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị vùi lấp, gây tắc nghẽn giao thông như: tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa – Sìn Hồ qua xã làng Mô, đường làng Mô – Tủa Sín Chải, đường Mường Mô – Mường Tè.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: “Phần lớn các trường hợp bị thiệt mạng ở trên lồng bè nuôi thuỷ sản, lán nương. Đây là điều đáng tiếc”.
Bên cạnh đó, ông Sơn đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác ứng phó với lũ quét, sạt lở đất bởi đây mới chỉ là đợt mưa đầu mùa. Ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu chính quyền những vùng bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất cần khẩn trương khắc phục, đảm bảo an toàn cho các học sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo tổng hợp lúc 6h sáng nay, mưa lũ làm 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi (Hà Giang: 16 nhà, Lai Châu: 07 nhà, Thái Nguyên: 24 nhà), 264 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp (Hà Giang: 18 nhà, Lai Châu: 41 nhà, Thái Nguyên: 204 nhà, Lào Cai: 1 nhà), 525 nhà bị ngập nước (Hà Giang: 507 nhà, Lào Cai: 18 nhà).
Thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 391 ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại (Hà Giang 70ha, Lai Châu: 214 ha) và 4 tấn thóc giống bị ngập tại Hà Giang; 12 con gia súc bị chết và 7,3 ha ao cá bị cuốn trôi ở Lai Châu.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm một số tuyến đường giao thông bị hư hỏng như: Các tuyến đường quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông; Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa – Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô – Tủa Sín Chải; đường Mường Mô – Mường Tè.
Tổng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc ước tính hơn 76,6 tỷ đồng (Hà Giang: 10 tỷ đồng, Lai Châu: 60 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,4 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng).
Mưa giảm dần nhưng cần đề phòng lũ quét
Sáng 25/6, Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia – cho biết, từ ngày 23/6 đến nay, khu vực miền núi phía Bắc liên tục có mưa lớn, lượng mưa không đều, cục bộ ở nhiều địa phương. Điển hình là Mường Lay (Điện Biên), Ngân Sơn (Bắc Kạn) đều trên 200 mm. Nà Hư (Mường Tè, Lai Châu), Bắc Quang (Hà Giang) có lượng mưa tren 300 mm, Nậm Giàng (Lai Châu) trên 400 mm.
“Đợt mưa này phổ biến trên diện rộng, không có gì bất thường, song phía bắc Lai Châu có lượng mưa lớn là điều rất đặc biệt. Dự báo, các tỉnh phía Bắc trong ngày 25-27/6, mưa sẽ giảm và chấm dứt. Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu tiếp tục mưa lớn và xuất hiện một số điểm mưa mới ở Quảng Ninh, Móng Cái, lượng mưa phổ biến 40-70 mm, có nơi đột biến khoảng 100 mm” – ông Cường thông tin.
Ông Hoàng Đức Cường khuyến cáo, trong những ngày tới ở các tỉnh miền núi phía Bắc cường độ mưa không lớn, song các địa phương cần cảnh giác nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang và phía tây tỉnh Cao Bằng.
Video đang HOT
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó mưa lũ
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tiếp theo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các nội dung:
Khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.
Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó phù hợp với tình hình địa phương.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ, kỹ năng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất để các cấp chính quyền và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Lào Cai: Lũ lớn nhất kể từ đầu mùa mưa 2018
Nước sông Hồng ở thành phố Lào Cai đang dâng cao – Ảnh chụp 9h ngày 25/6/2018.
Do ảnh hưởng phía Trung Quốc mưa to mấy ngày nay và ở địa bàn tỉnh Lào Cai cũng xuất hiện mưa to trên diện rộng nên từ chiều qua tới nay lũ thượng nguồn sông Hồng dâng cao, đây là trận lũ lớn nhất trên dòng sông này tính từ đầu mùa mưa 2018 tới nay.
Theo kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, qua quan trắc của Trạm thủy văn thành phố Lào Cai, lúc 7h ngày sáng nay (25/6) mực nước sông Hồng lên tới 79,46m (dưới báo động 1 là 0,54cm); biên độ lũ đạt mức 1,67m; hiện lũ trên sông vẫn tiếp tục lên và diễn biến phức tạp.
Lũ nước sông Hồng dâng cao làm ngập úng diện tích rau màu của người dân trồng dọc hai bên vùng thấp ven sông; làm cản trở công trình thi công bờ kè bê tông bờ sông Hồng ở khu vực xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) và ảnh hưởng không nhỏ tới tuyến vận tải hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua sông Hồng ở biên giới huyện Bát Xát.
Theo thông tin của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, mưa lũ trong dịp này đã làm thiệt hại cho tỉnh Lào Cai ước khoảng hơn 6,5 tỷ đồng, đặc biệt mưa to đã làm cho sông Hồng và các phụ lưu là cac dong suôi ở huyện Văn Bàn, Bảo Thắng lũ lớn đổ về làm nước dâng cao, gây ngâp 82 ha lua đang kỳ thu hoạch, 13 ha ngô, 5 ha rau mau va 3 ha nuôi cá bi thiêt hai. Nươc lu cũng đa cuôn trôi 400 con gia câm va 2 chiêc xe may và 1 câu săt dai 7 m ở khu du lịch Thac Bac (huyên Sa Pa).
Mưa lũ cũng làm gián đoạn giao thông trên quốc lộ 279 và quốc lộ 4D. Ngày hôm nay tỉnh Lào Cai đang phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức khắc phục hậu quả các điểm sạt lở.
Phạm Ngọc Triển
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Một bộ phận chính quyền, người dân vẫn "thờ ơ" với công tác phòng, chống thiên tai
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho rằng, một số bộ phận chính quyền, người dân nhận thức còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống thiên tai...
Ngày 29/3 tới đây, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai toàn quốc. Hội nghị này do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Trước thềm diễn ra sự kiện trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có những chia sẻ về những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.
Công tác phòng, chống thiên tai còn nhiều hạn chế
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3 trong năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian gần đây, thiên tai trên thế giới và ở nước ta diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai đã từng bước được được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động phòng chống thiên tai; tổ chức bộ máy được kiện toàn với sự thành lập cơ quan chuyên trách là Tổng cục Phòng, chống thiên tai ở Trung ương đã phát huy vai trò tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, Bộ NN&PTNT, Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng chống thiên tai; hệ thống công trình phòng chống thiên tai nhất là các công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi, khu trú tránh bão đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn nên đã nâng cao năng lực ứng phó trong phòng chống thiên tai; công tác chỉ đạo, chỉ huy, tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả đã được quan tâm thích đáng nhất là các đợt thiên tai lớn, đã có các giải pháp nhanh chóng, kịp thời chính xác...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do sự thiếu bền vững của quá trình phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu đảm bảo an toàn ngày càng cao của đất nước với quy mô ngày càng lớn cả về dân số và giá trị nền kinh tế. Một số bộ phận chính quyền, người dân nhận thức còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng; nhân lực còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, chủ yếu làm kiêm nhiệm nhất là ở cấp huyện, xã; chưa có dòng ngân sách riêng cho công tác phòng chống thiên tai; việc lồng ghép công tác phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được đề cập trong các chương trình đề án, dự án,...
11 giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước, tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã có, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:
Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp gắn với xây dựng giải pháp, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng, chống thiên tai; tổ chức triển khai các Luật Thuỷ lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thuỷ văn và các văn bản hướng dẫn. Điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để phù hợp với tình hình với.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn trước thiên tai; chính sách kiểm soát an toàn thiên tai, khắc phục, tái thiết và tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ sau thiên tai;
Xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác PCTT, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó hình thành Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương;
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cầu Ngòi Thia ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị gãy sập trong trận mưa lũ lịch sử diễn ra hồi tháng 10/2017. (Ảnh: Trần Thanh).
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án như xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ chứa, sạt lở, thí điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dân vùng thiên tai, nâng cao năng lực khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão, xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia,...
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Văn phòng thường trực các cấp; đảm bảo kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng chống thiên tai Trung ương đến các tỉnh để chỉ đạo điều hành hiệu quả.
Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới nhân dân; tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động và thực hiện xã hội hoá; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; xây dựng cơ chế đảm bảo sự tham gia của các nhà mạng viễn thông trong truyền tin thiên tai.
Tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Nhiều tuyến đường Lai Châu tê liệt do mưa lũ Mưa lũ trong ngày những ngày vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến nhiều tuyến đường bị tê liệt do sạt lở đất, đá. Sạt lở đất ở tuyến đường U Thài - Lùng Khấu Nhin (H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai) khiến giao thông đi lại rất khó khăn. ẢNH PHƯƠNG ĐỨC Theo báo cáo của Ban chỉ huy...