Mưa lớn gây thiệt hại nặng nề ở khu vực miền Bắc Ấn Độ
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đang trải qua hàng loạt trận mưa lớn ở khu vực miền Bắc trong những ngày qua, gây sạt lở đất, lũ quét, thương vong và tàn phá nặng nề trên diện rộng.
Đường cao tốc bị ngập sau những trận mưa lớn tại Gurgaon, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ cuối tuần qua, lũ quét và lở đất do mưa lớn ở miền Bắc nước này đã cướp đi sinh mạng của 41 người, trong đó có 31 người ở bang Himachal Pradesh và 10 người ở bang Punjab lân cận.
Chính quyền bang Himachal Pradesh thông báo đã chuyển khoảng 25.000 khách du lịch từ Kullu và Manali đến nơi an toàn trong 3 ngày qua nhưng hiện vẫn còn hàng trăm người bị mắc kẹt do hơn 1.100 con đường vẫn bị phong tỏa vì sạt lở đất và lũ lụt. Thủ hiến bang Himachal Pradesh, ông Sukhvinder Singh Sukhu cho biết 6 máy bay trực thăng đã được triển khai hỗ trợ hoạt động sơ tán người dân. Các đội cứu hộ địa phương liên tục có mặt tại những nơi xảy ra sự cố do thiên tai để điều phối nỗ lực cứu trợ và giải phóng những con đường bị ảnh hưởng bởi lở đất. Dự báo, mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài ở cả Himachal Pradesh và Punjab.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Cục khí tượng Ấn Độ dự báo “mưa to đến rất to” sẽ xuất hiện trong suốt cả tuần này tại các vùng của miền Bắc đất nước, gồm Punjab, Uttarakhand, Haryana, Chandigarh, Delhi, Rajasthan và Uttar Pradesh.
Theo các nhà chức trách, Delhi vào hôm 9/7 vừa qua đã đánh dấu ngày tháng 7 ẩm ướt nhất trong hơn 40 năm. Những trận mưa như trút đã buộc các trường học trên toàn khu vực phải đóng cửa vào đầu tuần và nhiều trường vẫn tiếp tục đóng cửa đến ngày 12/7. Theo Ủy ban Nước Trung ương, mực nước trên sông Yamuna của Delhi vào ngày 12/7 được ghi nhận là 207,55m, vượt mức lũ cao nhất (HFL) là 207,49m, lần đầu tiên kể từ năm 1978. Dự báo, mực nước sông Yamuna sẽ đạt lưu lượng cực đại tại khu vực cầu đường sắt Delhi vào lúc 9h sáng 13/7, theo đó sẽ đạt mức xấp xỉ 208,30m, cao hơn 2,97m so với mức nguy hiểm. Sau đó, mực nước được dự đoán sẽ duy trì ổn định trong vài giờ trước khi rút dần từ khoảng 2 giờ chiều. Trước tình trạng này, cảnh sát Delhi đã phải sơ tán 750 người khỏi vùng trũng gần sông Yamuna.
Tại Uttarakhand, gần 500 con đường đã bị phong tỏa do sạt lở đất và các con sông lớn chảy qua bang đang chảy siết, trong bối cảnh mưa lớn dẫn đến ngập lụt và ngập úng. Cục Khí tượng Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo vàng trong hai ngày tới và báo động đỏ cho ngày 15 và 16/7, với dự báo xảy ra mưa lớn, sấm sét tại những nơi bị cô lập của bang.
Pakistan, Ấn Độ chuẩn bị cho công tác ứng phó trước nguy cơ lốc xoáy
Ngày 12/6, nhà chức trách Pakistan đã triển khai nỗ lực sơ tán khoảng 80.000 người có nguy cơ ảnh hưởng bởi cơn lốc xoáy với sức gió tối đa 125-135km/h, gió giật lên đến 150km/h, dự kiến đổ bộ cuối tuần này.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết cơn bão mạnh lên trở thành lốc xoáy, với tên gọi Biparjoy, đang trên đường tới Biển Arab hướng về phía bờ biển Pakistan và Ấn Độ. Cục khí tượng Pakistan cảnh báo các vùng ven biển ở phía Nam tỉnh Sindh có thể chứng kiến lượng mưa lên tới 30 cm, cũng như mực nước lên cao tới 3,5m do ảnh hưởng bão, dẫn đến rủi ro ngập lụt ở các khu định cư thuộc vùng trũng thấp. Bên cạnh đó, những ngôi nhà bằng rơm và bùn truyền thống, vốn là nơi sinh sống của những người nghèo nhất ở Pakistan sẽ dễ bị đổ nát khi gặp gió lớn.
Tỉnh trưởng tỉnh Sindh Murad Ali Shah cho biết chính quyền khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng nhằm hỗ trợ công tác sơ tán hơn 80.000 người có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ông nhấn mạnh đây là yêu cầu bắt buộc và đã được thông báo rộng rãi trên mạng xã hội, nhà thờ Hồi giáo và đài phát thanh, nhằm đảm bảo công tác sơ tán diễn ra hiệu quả.
Mùa hè năm ngoái, Pakistan hứng chịu những trận mưa lũ khiến 1/3 diện tích nước này chìm trong nước, làm hư hại 2 triệu ngôi nhà và khiến hơn 1.700 người thiệt mạng. Pakistan là quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới với 220 triệu dân, song lượng khí phát thải của nước này chỉ chiếm 0,8% toàn cầu. Tuy nhiên, đây là một trong số các quốc gia dễ tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Cùng ngày, IMD cảnh báo lốc xoáy Biparjoy sẽ đổ bộ vào bang Gujarat phía Tây nước này vào trưa 15/6, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nhiều nhà cửa. Các huyện ven biển bang Gujarat dự kiến sẽ đối mặt với lượng mưa lớn.
Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo ngư dân không nên ra khơi vào khoảng thời gian này, đồng thời yêu cầu các thuyền đang ngoài khơi nhanh chóng trở về đất liền. Công tác lắp đặt khu khai thác dầu ngoài khơi cũng sẽ tạm dừng để đảm bảo mọi công nhân làm việc tại đây đều sơ tán đến nơi an toàn.
Chính phủ đã huy động 10 đội thuộc Lực lượng Ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) và 12 Lực lượng Ứng phó thảm họa bang (SDRF) cho công tác phòng ngừa ảnh hưởng thiên tai tại bang Gujarat. Bên cạnh đó, các đội cứu hộ, cứu nạn thuộc lực lượng cảnh sát biển, quân đội và hải quân, cùng các phương tiện tàu và máy bay cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp.
Cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết ảnh hưởng của trận lốc xoáy Biparjoy sẽ khiến trì hoãn cơn gió mùa diễn ra hằng năm tại bang miền Nam Kerala, song điều kiện thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho khả năng xảy ra mưa tại một số vùng khô hạn của các bang Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh và Tamil Nadu.
Năm 1998, bang Gujarat đã hứng chịu một trận lốc xoáy nghiêm trọng khiến 4.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Ảnh: Nắng nóng kỷ lục, người dân Ấn Độ đối phó ra sao? Nhiệt độ khắp Ấn Độ bắt đầu tăng lên do nắng nóng gay gắt. Hàng triệu người dân nước này có nguy cơ kiệt sức vì mất nước và say nắng. Aljazeera hôm 18/5 đưa tin, Ấn Độ đã bước vào mùa hè năm 2023 với nắng nóng được dự báo ở mức kỷ lục. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo,...